Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con đường lược sừng

1

. Mười năm về trước, Chu Lang Trần Chinh Phu cất công từ Hà Tiên ra Nam-Ngãi, Thanh Nghệ rồi vào Quảng Trị tìm gặp tôi. Mục đích chuyến đi rốt cuộc cũng chỉ vì cái lược sừng trâu mộc mạc chân quê ở quê hương này.

Bây giờ tôi đang ở độ trong thành. Tiếng là tập thể nhưng vô cùng heo hút vì chỉ có mấy anh em bảo vệ bên Bảo Tàng. Thành cổ ngút ngàn lau, rộng bốn cây số vuông mà hoang vu như ở giữa đại ngàn. Chỉ khác bốn cửa Thành ngày mở, đêm đóng. Vì vậy chỉ ban ngày mới có bóng dáng con người. Những người không rõ từ đâu kéo nhau vào Thành rà sắt thép phế liệu. Tụm năm tụm ba các cô thôn nữ từ các làng mạc xung quanh lên Thành cắt cỏ, dăm bảy con bò thả rong. Thi thoảng có  vài đoàn cựu binh các vùng miền về thăm chiến trường cũ. Dù sao thì ở đó ban ngày còn có sự sống. Đêm xuống, bốn cổng Thành đóng lại mới não lòng. Chỉ có tiếng côn trùng rả rít. Ếch nhái, ểnh ương trùng điệp sau những cơn mưa đầu mùa. Nhiều đêm trăng lên đom đóm từ đâu bên ngoài vượt Thành hội tụ về đây nhảy múa lập lòe, rợn ngợp. Và cũng có những đêm tĩnh mịch đến lạ. Thiên hà mặt đất tịnh không mà âm âm chẳng chịu phát ra tiếng động gì. Âm dương như cân bằng, trái đất ngừng quay, tim ta cũng ngừng đập. Chính từ những đêm trường mông muội hoang sơ ấy tôi nảy ra ý định gom bầy chuột hoang trong Thành về nuôi, ngay từ bữa đầu tiên chuyển bếp ăn vào Thành. Trước đó, mấy anh em bảo vệ vừa trẻ lại độc thân ăn cơm tháng ở ngoài; nghĩa là chưa có hạt cơm nào rơi vãi trong Thành cả. Bầy chuột được tôi đánh bạn bằng cách vung vãi cơm nguội, thức ăn thừa vào góc hội trường bỏ hoang. Chẳng mấy chốc chúng nó đàn đúm kéo về đông lắm. Không thể bố thí bằng con đường cơm nguội được nữa, từng đêm vãi thóc ra từng thùng. Bù lại tôi được thức qua đêm làm việc hoặc chuyện trò với bầy chuột hoang bây giờ đã trở thành chuột nhà. Không thế không thể thức đêm trong Thành được; nó là sự hải hùng nếu không muốn nói là thách thức.

Nửa đêm thức dậy Chu Lang Trần Chinh Phu phát hiện ra tôi đang bật đèn lên cho bầy chuột ăn ở hội trường. Tò mò ông ta hỏi: - Này ông, trò chuyện gì được với bầy chuột mà say sưa, vui vẻ thế? Tôi đánh trống lảng rằng đang tập hát cho đám sinh viên hí viện của mình và cất lên thành lời: Lang Phu ơi hỡi Lang Phu, nửa đêm thức dậy… theo giọng cải lương tài tử. Con người hộ pháp lêu nghêu lại lớn hơn tôi cả giáp tuổi đời ấy đã bớt hãi; Không những không lấy làm giận mà còn tỏ ra thích thú, ngồi xuống đùa nghịch làm quen bầy chuột…

Cũng chẳng lấy gì lamflaj cho lắm. Bởi chúng tôi đều có cái máu dể dãi của người làm Folklore, đều ham chơi, ham hiểu biết, thích đùa.

2. Ngoài vốn kiến văn đồ sộ về Folklore ba miền, Lang Phu của tôi còn là người tường tận, mẫn cảm về lịch sử và thời cuộc: Ngồi giữa bầy chuột, ông bình thản chuyển ý tưởng này sang tôi:

- Này ông, cái nghề đồi mồi nói chung, lược nói riêng sét cho cùng nó có nguồn gốc xa xưa ở xứ Đàng Ngoài theo gót Đoàn quân Nam tiến vào sứ Đàng Trong, chọ vùng biển Tây Nam Tổ quốc Hà Tiên quê “toa” (1) định cư để tồn tại, phát triển. Thú thực tôi chỉ loáng thoáng biết quá trong sử nước nhà, đồi mồi được liệt vào hàng thổ sản quý hiếm hơn cả máu xương của dân lành mà các triều đại phong kiến Bắc thuộc Trung Hoa bắt nhân dân ta tiến cống. Tôi hỏi: - Có chắc là xa xưa không và xa là mấy? Lang Phu quả quyết có từ thế kỷ Ba. Lôi từ chồng sách tôi ra cuốn “Đại Việt sử kí tiền biên”, lật ở trang 84, sử gia Ngô Thì Sĩ có chép: “Sĩ Nhiếp thường sai sứ sang Ngô đưa biếu các loại hương, vải thiều. Các vật lạ như xà cừ, ngọc trai, lưu ly, lông chim trả. Đồi mồi (Lang Phu nhấn mạnh) sừng tê, ngà voi, các quả quý như chuối, dừa, nhãn không năm nào không tiến cống”. Tôi biết Sĩ Nhiếp là người được Ngô Tôn Quyền sử dụng, phong chức vệ tướng quân tước Long Biên hầu vào năm 221. Nhưng chỉ năm năm sau sự kiên này Sĩ Nhiếp chết bất đắc kì tử vì thượng mã phong. Bằng vào chi tiết này Lang Phu khẳng đinh cái móc cụ thể, sớm nhất có chép trong sử. Ai biết trước đó hoặc có thể sớm hơn nhân dân ta không phải mò ngọc trai, bắt đồi mồi làm vật cống? Tôi tiếp tục vải thóc tý tát vào bầy chuột xem như chẳng có gì hệ trọng lắm trong câu chuyện đang bàn, bâng quơ hỏi:

- Đồi mồi thì cũng chỉ liệt vào hạng vật lạ như chuối, dừa, nhãn cả thôi, phong kiến cả ấy mà! Không khéo còn cả dứa, bí ngô, củ đậu hoặc khoai lang nữa chứ? Cống phẩm thì bao la, xuất khẩu bây giờ mới khó vì kén chọn. Hơn nữa tôi nghi các sử gia chúng ta khi làm sử thường chép không đầy đủ các chi tiết.

Lang Phu chớp mắt, lật gấp từng trang sách, dừng ở trang 95, đọc to lên: “Kỉ nội thuộc Tấn năm 420 đời Tấn Cung để Đức Văn Nguyên Hy năm thứ hai… Tống Vũ đế Vĩnh Sơ năm thứ nhất, mùa thu tháng bảy…” Tôi cùng bầy chuột dỏng tai nghe nhưng không vì vậy không nóng ruột: - Mùa thu tháng bảy làm gì? Lang Phu dằn giọng: - “Đô Tuệ Độ là thứ sử Giao Châu đánh Lâm Ấp, giết chết người Lâm Ấp quá nữa, Lâm Ấp xin hàng, Độ cho. Những người bị bắt đều sai về, ai nộp voi lớn, vằng bạc, đồi mồi cổ thì được tha!”

Tôi liếc trộm Lang Phu, cơ cảnh như đã có lần liếc trộm cô giáo sư Từ Chi quát tôi lú lẫn không thấy hết công lao Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Ông ta đang đà tỏ rõ khí phách. Ba mươi sáu chước, tôi chỉ còn có chước đánh bài chuồn: - Lại chiến tranh, lúc nào cũng chiến tranh, ta đang ở trong thời bình. Nước Lâm Ấp đời Tấn sau cuộc Chiêm Thành, lãnh thổ có từ Quảng Bình, Quảng Trị vào đến Châu Lạp, Hà Tiên quê ông bây giờ. Có điều Lâm Ấp thua trận tù binh sai về còn có đồi mồi, voi lớn cống nộp để được tha bỗng như lời sử gia Ngô Thì Sĩ. Chứ như đàn chuột Thành cổ tôi đang chăn dắt đây ông quan sát kỷ xem, chúng nó có tội tình gì? Mà thôi, ở đâu trên trái đất này quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đều không trả giá thế!

Quả tôi đoán mò không sai. Lang Phu của tôi là dân tài tử cải lương thứ thiệt. Người tỏ ra thiện cảm, thừa nhận thằng người vô công rồi nghề thuần hóa chuột như tôi cũng biết thẩm thấu lịch sử ra phết. Con người ta đến nước ây thử hỏi ai không trổ tài. Tôi truy cập ông:

- Này Lang Phu, năm Vĩnh Huy thứ nhất, kỷ nội thuộc nhà Đường không nhầm thì đó là năm 650, ông có thấy Đường Cao Tông chia đát Giao Châu thành một Giáp Châu, đặt An Nam đô hộ phủ, bắt ba huyện lệ thuộc Ô Lôi, Thanh Hoa, Ninh Hải làm gì không? Chẳng làm gì cả ngoài việc cống nạp đồi mồi, da tê tê, long chim trả - toàn những vật lạ quý hiếm củ mèn đó sao?

- Chu choa mới cũ! Ôn cố tri tân kiểu chi lạ rứa ông? Lang Phu chỉ hỏi qua vậy rồi chăm chú vải thóc vào góc xa kia có đám chuột đang ồn ào. Chưa chịu nhân nhượng tôi còn lấn tới:

- Lịch sử mà! Có điều lạ không hiểu sao sau ngàn năm Bắc thuộc khi đất nước ta dành được độc lập tự chủ rồi, không thấy sử gia nào nhắc đến chuyện con đồi mồi,  đại mội, đại mạo… Loài vật mà bây giờ sử ông thường gọi là con Tráng bong gì ráo trọi? Ông có tin trong lịch sử có quá nhiều triều đại không có sử gia không?

Lang Phu ngoặt nghẽo cười. Nhìn tôi như nhìn một nhà khảo cứu hạng bét. Ông cho rằng ở bất cứ triều đại tự chủ nào việc triều cống ban đầu còn là tượng trưng sau có sự chỉnh đốn, cắt hẳn. Đồi mồi nhờ thế lặng lẽ lên ngôi. Bằng chứng nữa sau thế kỷ 18 khi viết về Đàng Trong sử gia Lê Quý Đôn chép rất rõ việc này. Thứ nhất, các chúa Nguyễn thành lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đánh bắt xa bờ, săn bắt đồi mồi dài ngày trên các đảo biển thuộc lảnh thổ nước ta. Thứ hai, đồi mồi ở Quảng Nam được các tàu buôn Quảng Đông Trung Quốc thu mua với giá rất cao. Theo lời của một thương gia họ Trần ghi trong “Phủ biên tạp lục” thì giá một tạ đồi mồi lên tới 180 quan, tương đương với yến sào 200 quan, ngà voi 40 quan, hồ tiêu 20 quan. Qua đó thì biết đồi mồi giá gấp 9 lần hồ tiêu… Lang Phu thuyết giảng say xưa, trong khi tôi làm cái công việc phải làm là hé cửa cho bầy chuột trở về hầm hố của mình, ngoài kia ánh dương hé rạng. Bầy chuột rút lui lớp lang từng hàng dọc theo kiểu nhà binh. Tôi uể oải đứng lên:

- Trời sáng rồi ông ạ! Đắt thì đắt đấy nhưng bây giờ tát cả biển Đông đồi mồi cũng đâu có nhiều nữa. Bây giờ hồ tiêu, cà phê ở quê tôi có nhiều và trên cao nguyên kia nhiều hơn, nhưng các chủ trang trại, bà con tiểu chủ đâu làm chủ được giá, đang điêu đứng cả. Lang Phu ạ, nhắc lại là tôi chúa ghét các sử gia nhà mình!

- Giỡn chơi như thiệt rứa ông?

- Có mỗi con đồi mồi làm cống phẩm mà chẳng ai chịu ghi rõ đó là các vật hạng trang sức đã được chế tác thành thành phẩm hay chỉ là nguyên liệu vải thô. Đồi mồi mà bán theo đơn vị tạ như Lê Quý Đôn chép sử thi rõ là nguyên liệu thô. Ai đi định giá sản phẫm mĩ nghệ theo khối lượng bao giờ?

- A ha, ông còn quan tâm đến công việc đấy chứ. Vậy mà “toa” nghĩ bầy chuột đi rồi thì ông còn chú tâm đến điều chi nữa. Thế ông không để ý tới cái “cẩm nang thằng Bờm” à? Bờm rằng… Bờm chẳng lấy trâu, phú ông xin đổi con chim đồi mồi. Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi, Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười!... Tôi giật thót người. Chẳng ai xa lạ gì bài ca thằng Bờm nhưng đây là lần đầu tiên tôi chú ý đến sản phẩm đồi mồi dưới dạng thành phẩm con chim đồi mồi. Lang Phu sảng khoái thuyết:

- Có ai thấy nó ra làm sao chưa? Bây giờ thì chẳng ai có cơ hội để nhìn thấy nhau nữa. Chỉ biết giá trị nó cao. Xếp trên cả ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim theo trình tự tăng dần vật đưa ra gạ gẫm, câu độ, đấu giá giữa con người ranh khôn là Phú ông và Bờm ta, “nắm xôi” quê mùa. Vật tuy không thấy nhưng xuất xứ và tồn tại; rõ ràng đồi mồi đã có từ lâu ở miền Bắc nước ta…

- Ai biểu ông đó là trình tự tăng dần vật đưa ra đấu giá? Nắm xôi kia đồng hóa sao được với quê mùa? Nói vậy thì chưa hiểu hết siêu giá trị của sản phẩm văn hóa và siêu lợi nhuận của việc kinh doanh văn hóa rồi! Tôi sập bẫy chim và dựng ngược trình tự kia theo cách giải mã “biện chứng khách quan” này của Đỗ Mạnh Tuấn: Nếu ba bò chín trâu là tư liệu sản xuất thì ao sâu cá mè là thực phẩm tươi sống, bè gỗ lim là vật liệu xây dựng, chim đồi mồi là thú ăn chơi đài các và nắm xôi là đồ thờ cúng, thức ăn lễ tết. Điều đó đồng nghĩa, tỉ lệ thuận với việc bắt đầu Bờm chỉ được Phú ông coi là kẻ vai u thịt bắp, cày ruộng chăn bò hay là kẻ lái trâu, sau đó Bờm được coi như con người, đã đến lúc lo việc xây dựng cơ ngơi, sau đó lại nâng cấp Bờm lên con người biết ăn chơi đài các như ai, và cuối cùng mức cao nhất là nâng Bờm lên một người ăn thức ăn thanh cảnh trong lễ Tết. Nắm xôi – miếng giữa làng mới là cốt tủy của vấn đề, xương sống trình tự cuộc thương lượng đấu giá thú vị này. Phú ông và cả Bờm ta chẳng hề phi lý, hài hước hay quê mùa ở chỗ nào cả. Tại sao Bờm không thể đổi quạt mo lấy nắm xôi cơ chứ. Khi nắm xôi được đưa ra trong tương quan phủ định trâu bò, nhà cửa, vật chất thô lậu. Những cuộc đấu giá như Phú ông và Bờm ta được trình diễn nhan nhản ở xã hội nhiều nước phương Tây. Người ta sẵn lòng bỏ ra bất cứ khoản tiền đấu giá nào chỉ để đem về đôi hài của một danh hài nào đó thì đã sao. Đừng nghĩ ai tỷ phú cũng ném tiền qua cửa sổ. Họ không nâng cấp bộ sưu tập, bảo tàng của mình thì cũng để nâng cấp văn hóa hay quyền lực đầu tư của mình nhằm tới cái đích vô giá. Lang Phu liếc nhìn tôi như một gã gàn dở, mà gàn dở thật. Bất chợt tôi liên tưởng tới câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du, con người cùng thơi với sử gia Lê Quý Đôn và xướng nó lên: “Động phòng dìu đặt chén mồi. Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa!” Lang Phu ôm chầm lấy tôi như người nhặt được của:

- Có thế chứ. Được lắm, được lắm! Những nhà chú giải truyện Kiều Bùi Kỷ hay Đào Duy Anh đều bào chén đồi mồi làm bằng vảy đồi mồi, thế mà “toa” quên phéng đi mất. Ông có nghĩ cuối thế kỷ 18 nghề đồi mồi nước ta đã có trình độ kĩ thuật cao, chế tác ra được các loại chén hay chung nhỏ uống rượu, uống trà? Cắt ngang mạch nghĩ của Lang Phu, tôi hỏi:

- Thưa là chén ta hay chén Trung Quốc nhập ngược vào ta?

Lang Phu tưng hửng. Chúng tôi kết thúc một đêm lí luận suông nhưng ở đó đã hé mở ra con đường, cả hai đều muốn biết. Cho dẫu Quảng Trị có mỗi ngôi làng lược duy nhất như tôi đã thông báo, Lang Phu càng háo hức và khẩn khoảng đòi đi.

3. Làng lược, đúng hơn mảnh làng chúng tôi tìm đến ở Xuân Dương thuộc xã Triệu Trung huyện Triệu Phong. Xưa trù phú bao nhiêu thì nay qua hai cuộc chiến tiêu điều bấy nhiêu. Kẻ định cư lại trong Nam, người lập nghiệp ngoài Bắc, li tán. Mảnh làng chưa đầy trăm hộ với năm trăm nhân khẩu. Mỗi khẩu bình quân được mươi thước ruộng, hai thước vườn. Ghi số liệu này vào sổ tay Lang Phu ngạc hiên và đăm chiêu lắm. Ông rỉ tai tôi: - Hộ năm nhân khẩu ở đây tài sản đất đai chỉ bằng một nữa của người nông dân Nam bộ. Ở những nơi này nghề thủ công truyền thống nó quan trọng lắm!

Trong khi cụ Nguyễn Thê thuộc lớp nghệ nhân kì cựu ở làng cho biết, thời Pháp thuộc làng có đến 60 hộ gia đình chuyên làm lược có cả Ty lược. Nay còn bốn gia đình, chính xác bốn nghệ nhân. Cụ Nguyễn Thu Khuy thương binh thời chống Pháp về sinh sống ở làng, em trai làng Nguyễn Thu Trũng và Nguyễn Thiết em ruột cụ Thê, đều ở lứa tuổi bảy mươi. Hết lớp các cụ nghề e cũng tuyệt vong. Làng có mỗi họ Nguyễn chia làm năm nhánh, cả làng quen goi họ Nhất, họ Nhì đến họ Ngũ. Cả tỉnh có mỗi làng lược, cả làng có mỗi họ Nguyễn tách ra mà nghề cũng giữ bí quyết, đời này qua đời khác chỉ truyền cho đàn ông, tuyệt đối không chuyển giao công nghệ công đoạn nào cho phụ nữa cả. Bởi vậy, không những nghề không phát triển lên được mà còn tắc tị. Cụ Thê hiện có bốn người con rể từ các nơi về sinh sống trong làng. Tất cả họ, vì yêu nghề nên đều được cụ vận động đến để truyền nghề, cụ tự nguyện trả tiền công theo mức Hợp tác nông nghiệp trả và kể cả việc có thưởng nữa đều không ai đến học. Và cụ than thở:

- Thời cuộc chừ khác trước lắm rồi. Cả làng tập trung vào hợp tác Nông nghiệp chả ai đoái hoài chi tới lược. Ở làng Xuân Dương tui cay nổi tiếng vì vọc ở nhà ai được bón dăm sừng. Chừ chịu bó tay, nỏ có cách chi giữ được vị cay độc đáo xưa kia nữa!

Quan sát thì thấy làng lược Xuân Dương cũng chỉ thâm canh mỗi thứ vật liệu duy nhất, đó là sừng trâu, mà sừng trâu chỉ có đen và bạc. Sừng trâu bạc màu ngà, hiếm hoi, giá cả tranh nhau từ 5 – 6 lần tính từ gốc vật liệu đến sản phẩm bán ra, nó như mặt hàng cao cấp. Làng lược thu mua vật liệu khắp nơi trong vùng. Thời vàng son có đặt Ty Lược, đặt mua sỉ ở các ba-toa, lò mổ lớn ở Huế, Đà Nẵng vào tận Sài Gòn. Ngề lược, ai động được nguyên liệu dồi dào coi như nắm chắt nguồn thu nhập. Tôi thăm dò cụ Thê:

- Sao không tận dụng móng? Hoặc làm thêm các loại sừng bò, lược tre? Mỗi thứ sừng trâu thôi lấy đâu ra đủ vật liệu phát triễn nghề thời buổi cụ không thấy loài trâu đang được quản lý chặt, tất cả tập trung sức kéo cho nông nghiệp à! Ở làng như cụ sực nghĩn mô mà chạy đua kịp đầu nậu “trâu bay” xuất khẩu qua Lào. Chưa kể nạn dịch ở biên giới phía Bắc, nghe đâu người ta thu mua chân móng gà, vịt, heo ca, trâu bò! Cụ Thê rủng rãi giải thích, không phải không đáo để:

- Thì trâu cũng chết bệnh, chết già cả đó. Sừng tra mới tốt, dùng vào nhiều việc. Lược tre thì có dáng đi với lược sừng, chú?

Tôi hiểu cái tính Quảng Trị đặc sệt ở cụ Thê, chúa chuộng cái sự bền. Mộc mạc, cứng nhắc trong tư duy sẽ dẫn đến thô sơ trong cách nghĩ, cách làm.Điều đó thể hiện khá rõ trong dụng cụ, thao tác đến sản phẩm do chín bàn tay các cụ làm ra.

Khác với sự nóng vội hoặc nông cạn của tôi, Lang Phu quan sát, đo đạc, vẽ rồi chụp hình lia lịa xê-ri dụng cụ đặc biệt này. Trước hết chiếc rìu, mà rìu làm được có dáng dấp rất lạ. Lưỡi rìu đích thị là chiếc lưỡi bào thợ mộc (Rộng 4cm, dài 15cm, dày 3ly) cuống có hàng bôộng, được tra vào cán rìu dài bằng gang tay lại là đầu mút cái sừng trâu nhọn hoắt. Rìu mà lại chẳng có hình thù chiếc rìu, nó tợ cái chét làm cỏ. Dùng để đẻo đi phần thô tháp bên ngoài chiếc sừng, sừng trâu cũng có giác sừng như giác gỗ. Bàn ép là cả một súc gỗ to chình ình, vuông vức (60 x 60 cm) dài đến 2.5 m. Nó thuộc nhóm gỗ tốt đã đành, yêu cầu không có mắt gỗ hoặc khe nứt, mặt trên không sắc cạnh. Giữa súc gỗ người to đục rỗng lỗ hộc (ngang 15cm, dài 1m) làm hộc ép bỡi 12-15 thỏi gỗ dày mỏng khác nhau. Khi ép người thợ chèn sừng trâu đã được hơ lửa nóng mềm ra chèn vào giữa các thỏi gỗ và chốt chặn lại bằng 3-4 thỏi gỗ nêm khác hình lưỡi rìu. Cứ thế người thợ dùng vỏ gỗ đóng nên ép chặt. Khi tháo chỉ cần gõ nhẹ vào tang những chiếc nêm hình lưỡi rìu, tất cả được tháo tung ra khỏi hộc ép mau lẹ. Tôi rỉ tai Lang Phu ca thán: - Cồng kềnh quá, thô lậu quá! Sao người ta không chịu cải tiến, thay quách đi bằng bàn ép sắt làm nguội cho nó nhanh, gọn, chính xác?

Không để ý tới đề nghị của tôi đã lạ, Lang Phu lại chăm chú tự tay mình ép đi ép lại các mẫu sừng thô còn lạ hơn. Hóa ra ông tự kiểm tra và rút ra kết luận không ai ngờ tới rằng độ chính xác của bàn ép gỗ “cổ điển” này rất cao, không thua gì bàn ép sắt. Cũng tại gian lều làm nghề cụ Thê, chúng tôi tiếp tục được mục kích chiếc bào sừng trâu hình thù rất kì dị. Chúng tôi dám đồ rằng đây là chiếc bào thuộc loại cổ nhất, sơ khai nhất mà người Việt ta còn giữ được. Bào sừng thân gỗ dài 60cm, rộng 5cm, dày 3cm. Đáy bào phẳng, gắn đều và cố định 13 lưỡi bào bằng thép cùng kích cỡ, gờ lưỡi thứ tự từ sâu đến cạn. Sừng khi ép xong để nguội người thợ đưa lên bàn bào láng trước khi cưa xẻ. Sự bào rất chi là bản năng, giật và ủi tới từng nhát một. Cưa cũng có nhiều cái lớn bé khác nhau đều được nhóm cưa cắt lã để thực hiện các đường cưa cắt thẳng như xẻ, tất bốc và cưa răng lược. Người thợ tự tạo lấy lưỡi cưa của mình bằng cách dùng giũa ba lá xé  mỏng lưỡi cưa thợ mộc ra, giũa bén từng lưỡi nhưng không cắt khứa răng cưa dùng để giũa từng chân lược mà đầu mút một. Cuối cùng còn dùng cụ chà láng, đánh bóng, thô sơ không gì khác là các loại lá mít, lá duối và lá chuối khô chưa hề có ai nghĩ tới việc thay thế các loại lá giản đơn này bằng giấy giám, nói gì đến moteur điện. Chưa có trong làng, chưa ai hề nghĩ tới cũng là điều hợp lý.

Sản phẩm làng lược, kiểm kê cũng chỉ có hai loại lược thưa, lược dày và cờ quân, cờ tướng. Đưa chọ lược ra, chẳng rõ sung sướng cái nỗi gì cụ Thê lên dây cót hát tuồng: Hai người cùng họ khác tên, trời sui đất khiến mà nên vợ chồng. Cưới về thì để trong phòng, đến khi giặc ngã đùng đùng kéo ra. Chồng thì phá hết của nhà, vợ thì giết sạch chẳng tha đứa nào! Lang Phu của tôi ngẫn tò te:

- Giặc giã gì đây nữa hỡ ông? Chồng sao phải phá hết của nhà. Bà xã gì mà kì quặc vậy, giết ai mà giết sạch? Bên ngoài trời đã trưa, tôi vội vàng giải thích:

- Cụ nói cho oai, quảng cáo chọ lược này bằng thơ ca đấy! Giặc đây là chấy rận, nó guậy quá trên đầu không chịu nỗi lôi lược ra xài. Ngộ có “phá hết cửa nhà” chẳng quá xỗ tung đầu tóc ra chải bằng cái lược thưa kia. Còn khi đã dợt tới lược dày chẳng tha đứa chấy rận nào thật.

Lang Phu ngầm hiểu ra, tủm tỉm cười, ung dung ngồi đếm răng lược. Lược thưa chân răng nằm về một phía, không cán, dài trung bình 20cm, đếm được từ 80 - 85 răng lược. Trong khi kích cỡ lược dày khá thống nhất. Dài 12cm, rộng 5cm, răng lược đều rắt nằm về hai phía, mỗi phía 2cm, ở giữa sóng lược, đếm được từ 99 đến 100 chân răng. Đơn thuần về mặt hình thức so với lược thưa, giá trị sử dụng lược dày đã được nhân đôi, tăng lên hai lần. Nhìn Lang Phu chú mục vào chiếc lược này khá lâu, cụ Thê tiếp tục quảng cáo: - Cưa, giũa chân lược loại này công phu lắm. Sơ ý gảy một trong tăm chân răng ấy, vứt cả cái lược. Chúng tôi thừa biết không chỉ đa công mà kỷ xảo tay nghề người thợ Xuân Dương thuộc đẳng cấp cao. Lang Phu tự thú, giới thợ làm lược đồi mồi Hà tiên quê ông chưa chế tác ra loại lược dày này, rất tiếc. Tôi tranh thủ thời gian xen vào gút chuyện:

- Loại mặt hàng lược ấy ra, làng lược còn biết tận dụng vật liệu dôi thừa tiện ra các con cờ. Ông xem bộ cờ sừng 32 con nhứt đẳng điền chưa? Bền, đẹp, dùng càng lâu càng lên nước. Bóng lên, nhẩy lên, bất chấp cứ loại gỗ xịn nào như mun hoặc trắc. Và cuối cùng theo thông lệ tôi chủ động thăm dò giá cả, giá trị của hàng hóa. Cụ Thê bảo, thợ lành nghề chăm chỉ mỗi ngày làm ra 2 - 3 chiếc lược dày, bỏ chợ bán sỉ 13-  14 ngàn một chiếc. Công thợ cũng kiếm được 20 ngàn đồng. Lấy công làm lãi thế thôi, nhưng tích cóp nghề dăm ba năm cũng có được lưng vốn lo liệu được những việc trọng đại trong đời phải lo như cưới hỏi, ma chay, làm nhà. Bà con trong vùng đi thăm viếng ở xa, Việt kiều làng về đặt hàng, giá có nới  hơn, thường những dịp may này hiếm hoi lắm. Tiền công tiện cờ cũng khấm khá hơn, một bộ cờ sừng giá 200 ngàn, gấp ba lần làm lược nhưng việc không đều. Cũng chiếc lược tre vùng Duy Xuyên, Quảng Nam đưa ra tiêu thụ; lược nhựa đủ loại bán khắp trên thị trường, giá cả so với lược sừng chênh nhau không mấy. Các loại kể trên có đáng gì cho cam, không sánh được lược ngà thì lược sừng chẳng thua chi đồi mồi, dùng hết đời người chưa mòn, chưa gảy. Nói đoạn cụ Thê chốt, gọn lỏn: - Lược sừng rứa mà chết yểu. Không còn chổ đứng trên thị trường nữa mấy chú à!

Chẳng biết giải thích với cụ ra làm sao cho đầu xuôi đuôi lọt. Nào mỗi thời mỗi khác. Con gái bây giờ mốt tóc ngắn, chăm sóc đầu tóc bằng khối hóa mỹ phẩm tân thời, gương lược cũng tân thời, kiểu dáng đổi thay xoèn xoẹt. Làng lược ta chậm chưn đâm ra lỡ làng rồi. Thời buổi người ta không chịu ăn chắc mặc bền mà hớ hênh, chơi xịn, chơi sang. Không ai sử dụng cái lược một đời có lý riêng của nó. Hàng xa xỉ phẩm chiếm lĩnh thị trường cũng có cái lý riêng của nó. Gom cả vốn liếng làng lược ra không đủ quảng cáo một giờ trên màn hình địa phương. Nói xa chẳng qua nói gần, phụ nữ nông thôn bây giờ văn minh tiến bộ lên rồi. Đâu có lạc hậu như thời thực dân phong kiến trước cách mạng. Tôi còn ẩu tả động viên, chẳng bao lâu nữa Bão tàng tổng hợp địa phương khi xây xong sẽ dần cho chiếc lược sừng, bào sừng, rìu sừng, bàn ép một gốc trưng bày trang trọng.

4. Ra khỏi nhà cụ Thê, chúng tôi còn loanh quanh vài nơi nữa, mệt phờ. Ngược con đường lang, dọc theo bờ sông Vĩnh Định chúng tôi tạt vào quán cóc bên đường lót dạ mì ăn liền. Đói, mà vui như cày xong thửa ruộng. Tôi vẫn còn thơi, để đùa:

- Mệ ơi, cho con nhờ cái lược. Mệ đang chải tóc bằng lược gì?

Không ngờ mệ Thởi chủ quán cóc, lấy từ đảy yếm mình ra chiếc lược sừng trâu bạc óng ánh màu ngà, gói kỹ trong lành khăn mù-xoa. Mệ bảo quà cưới của mệ ngày trước, cách đây tròn nữa thế kỹ. Sóm sém ngồi nhai trầu, vui miệng mệ đọc: Có chồng rồi thủ phận như tu. Ai có trao chiếc lược cũng giả mù như soi.

Ai trao và trao ai? Chồng mệ đã anh dũng hi sinh ở nhà lao trong Thành thời tiền khởi nghĩa. Và chính ở quán cóc này mệ Thởi tiết lộ ở lứa tuổi mệ nhiều người lúc mất con cháu liệm theo trong áo quan chiếc lược sừng. Cũng chỉ phòng hờ thôi, vì lớp con cháu chúng nó nghĩ, lỡ khi các mệ về sang thế giới bên kia trẻ lại, tóc đen ra, dày lên sẳn có lược để sài. Lang Phu sững sờ. Còn tôi thật sự đã tuyệt vọng thốt lên:

- Con đường lược sừng! Ông đã thấy chưa – đường nào cũng về La Mã!

Lang Phu không tranh luận gì thêm. Nhưng đêm xuống trong Thành ngồi giữa bầy chuột ông ta chuyền ý tưởng này sang tôi, thận trọng như đã nghiền ngẫm kỹ càng lắm:

- Con đường lược sừng chẳng phải về La Mã như “moa” bảo với “toa” lúc xế chiều đâu! Hòa trong trình tự dân tộc nó mang dấu ấn rõ rệt của nghệ nhân ba miền Bắc – Trung – Nam; dung hợp hài hòa giữa nghệ thuật tạo hình, tạo dáng đầy tính sáng tạo, thẩm mỹ. Chiếc lược dày ở làng Xuân Dương thôi đã là đỉnh cao của sự dung hợp ấy. Nó là biểu tượng của đức tính cần cù, nhẫn nại, kiên nhẫn. Tinh hoa dân tộc đấy ông ạ. Truyền thống đã được kế thừa liên tục qua nhiều đời, suốt chiều dài lảnh thổ Tổ quốc Việt Nam gấm vóc…

Tất nhiên tôi đồng tình với nhận định trên và làm cái công việc phải làm là hé cửa cho bầy chuột trở về hầm hố. Sáng ra, Lang Phu xuôi về Nam. Ba tháng sau, giữ lời hứa Lang Phu gửi bản sao công trình ra nhờ tôi đọc góp ý trước khi in thành sách. Tôi tóm tắt ý kiến nhận xét rồi gọi điện vào, và cuối câu chuyện ông không quên hỏi thăm sức khỏe bầy chuột. Không hiểu sao tôi lại “lỡ mồm long móng” nói tuột ra: - “Đuổi chúng đi cả rồi”- “Vì sao. Bằng cách gì đuổi được chúng!”. Tôi ngần ngại vì sợ tốn nhiều phí điện thoại nhưng rồi chẳng có cách chi khác trả lời.

Lũ chúng nó được ăn no, đâm ra lười biếng lắm. Về đêm chẳng chịu rúc rích, đùa bỡn hồn nhiên như dạo trước nữa. Phàm con vật hay con người ta đều thế cả. Còn việc tống khứ nó đi thế nào thì cũng dễ ợt à, lật úp phương pháp lại như lúc ta đánh bạn với chúng. Khỡi sự giam đói triệt để chúng vài ba tuần, sau vãi thóc ra bụi bờ hầm hố. Chuột có con đường của chuột từ chuột đồng trỡ thành chuột nhà, ngược lại từ nhà ra đồng chúng đều tự giác, rất có ý thức.

Lang Phu phục tôi một phép. Bằng chứng mới đây về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội văn nghệ dân gian Việt Nam lần thứ V, chúng tôi chọi mặt nhau ở khách sạn Tây Hồ, Hà Nội. Lang Phu tìm đủ mọi cách chuyễn phòng sang ngủ chung giường với tôi. Cũng chẳng làm gì ngoài sự tò mò khám phá thêm bầy chuột trong Thành:

- Làm sao mà không đơn côi, trụ lại được trong Thành khi không có bầy chuột? Điều lang thu ái ngại gần đúng. Chỉ vài tháng sau tôi tìm cách chuyễn ra Đông Hà. “- Còn chới với chuột?” Tôi trả lời: “- Về chơi với kiến”. Lang Phu cấp tập hỏi: “- Được không. Hay không. Có gì lạ, thú vị không?”

Tôi thừa nhận là hay vì đúng như lời của một nhà thơ tự nhận thuộc dòng kiến học đã khám phá về chúng: Loài kiến không biết đi mà chỉ biết chạy. Sinh ra đã chạy thục mạng cho đến khi chết vì bệnh tật hay vì miệng côn trùng khác. Lúc nào cũng hộc tốc hành quân, tíu tít xây tổ, tong tả tìm mồi, hốt hoảng yêu đương, hăng hái đánh nhau chí chết giành lãnh thổ, giành con mồi, kéo từng đoàn hàng dọc mừng mừng tủi tủi không trống không kèn đi rước kiến chúa, say như điếu đổ đi mít tin, đám ma, đám cưới gì không biết mà lúc nào cũng hội hè, sống hội hè sống, chết hội hè chết, không biết thế nào là cô đơn riêng lẻ…

Lang Phu còn hỏi con người nhà thơ thuộc dòng kiến học ấy là ai. Tôi bảo không ai khác là ông Trần Mạnh Hảo, có nghé thăm tôi trong Thành.

                                       Thành cổ - Đông Hà tháng 4.2001

                                                               Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 79 tháng 04/2001

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground