Tết Mậu Thân năm 1968. Quân giải phóng đánh mạnh vào các căn cứ Mỹ ngụy ở Đông Hà, Thị xã Quảng Trị, Cửa Việt, La Vang, Mỹ Chánh. Địch thất thủ nặng co cụm lại. Độ qua tháng hai, tháng ba, Mỹ tăng cường cho quân ngụy ở Quảng Trị. Chúng rút các sư đoàn thiện chiến ở Miền Nam ra, phản công và chốt dọc tuyến giáp ranh phía Tây đường số I, lập vành đai trắng phòng ngự từ xa, cắt đứt đường mạch máu giao lưu từ căn cứ địa Cách mạng về vùng giáp ranh và đồng bằng. Lúc bấy giờ ở căn cứ Cách mạng không gọi tên mật "Dì Bảy" như mấy năm trước nữa mà chuyển giai đoạn gọi chung chiến trường Quảng Trị là "Mặt trận Bảy".
Kinh tế lúc này thật khó khăn, lương thực, thực phẩm mấy năm trước ta tung tiền Sài Gòn vào trong dân nhờ thu mua gạo, lúa, thực phẩm chuyển lên căn cứ dự trữ. Mỗi lần như vậy gián điệp ngụy đánh hơi, "Việt Cộng" tung tiền vào miền Nam, là đài Sài Gòn phát thanh "đề phòng tiền giả", hoặc chúng tung tin "đổi tiền" để đối phó với ta.
Lực lượng thanh niên xung phong, hậu cần, Ban kinh tế đêm đêm về thâu lấy gạo đi như đi chợ. Nay đơn vị nào về dân lấy được một gùi gạo là phải trả bằng máu xương. Về xuôi không được phải chuyển hướng đi ngược lên miền tây Hướng Hóa, gần đất Lào lấy gạo miền Bắc chi viện vào trên đường mòn Hồ Chí Minh thuộc binh đoàn 559 quản lý. Ở tận vùng gần giáp ranh ai lên lấy được một gùi gạo về thì người đi gùi ăn đi đường đã hết sạch vì quá xa.
Có hai đồng chí bộ đội gùi gạo trên binh trạm 46 về nghỉ trưa tại đỉnh Dốc Miếu để nấu ăn. Ăn xong hai người móc võng ngủ, hai gùi gạo để dưới hai đầu võng. Lúc bấy giờ con đường Dốc Miếu là huyết mạch nên số lượng người đi lại qua đỉnh Dốc Miếu nghỉ trưa đông như họp chợ, thấy hai đồng chí bộ đội ngủ đã hai ngày mà không thấy dậy, cho người đến xem thì phát hiện người đã chết đứng! Điều đó ai cũng dễ hiểu, nguyên nhân của cái chết! Vì lâu ngày thiếu cơm, nay mới nhận được gạo nấu ăn quá chén!... Mọi người thầm lặng phụ nhau mai táng đắp hai nấm mộ nằm song song bên nhau, rồi tìm giấy tờ trong ba lô nhờ mấy đồng chí giao liên báo cho đơn vị biết.
Lúc nầy tôi được anh em trong cơ quan tuyên huấn cử đi lên miền Tây tìm gặp chú Thủ Bí thư huyện ủy Hướng Hóa để xin sắn, xin gạo về cứu đói cho cơ quan. Với chiếc gậy Trường Sơn, cái gùi vải máp buộc túm, khẩu súng ngắn hộ thân, không có giao liên dẫn đường, cứ ra giữa trục đường cái bám theo các đoàn người họ đi thì mình đi theo, tối đâu ngủ đó, không sợ cọp không sợ biệt kích, không biết khổ, hoặc gặp bom đạn thân gái một mình, mà chỉ lo nghĩ nếu chuyến đi này tìm không ra cơ quan chú Thủ thì không có sắn, gạo đem về cho anh em cơ quan ăn sẽ đói!
Về mùa mưa, đất Quảng Trị đường lầy lội, hai chân phải vấn xà cạp mới bước khỏi trơn trượt, nước suối luôn dựng cao chảy xiết, phải nhờ bộ đội kéo tôi qua suối, rồi bắt chuyện "ngoại giao" làm quen, cùng đi hái rau rừng, bẻ măng, nhóm bếp nấu ăn với bộ đội. Ăn xong đi tiếp đến chiều thấy trời có hơi nắng ấm, thì đã nghe tiếng phành phạch của mấy chiếc trực thăng trinh sát xả rốc két xuống khói đạn mù trời, chiếc L19 bay vò vò tìm mục tiêu cho phản lực F105 đến thả bom tọa độ, cây cối đổ ngửa nghiêng, lá cây, sỏi đá, mảnh bom hòa âm bay rào rào giữa rừng. Nhiều đoạn mất lối đi phải phát quang mở lối mới.
Xong làn bom đạn, tốp trực thăng quay đầu bỏ đi. Tôi đứng dậy phủi đất bụi leo lên dốc tìm ra đường cái lớn, thấy một anh bộ đội người miền Bắc nhìn tôi tươi cười, anh đang ngồi trên đống gạo, xung quanh chỗ anh ngồi còn hôi mùi thuốc bom, một vài đám cỏ tranh đang cháy; tôi hỏi: Tốp rọ gáo nó quần dữ vậy mà anh không chạy, ngồi đấy để ăn đạn à? Anh cười:
- Anh em chúng tôi ở trên đường mòn Hồ Chí Minh đã quen với mấy thằng "Rọ gáo" rồi, ngày nào mà chúng chẳng đến viếng thăm anh em chúng tôi. Anh cười híp cả mắt rồi nói: Chị biết không; một hạt gạo ở miền Bắc đưa vào được ở đây phải trả bằng máu xương mồ hôi nước mắt. Nhiệm vụ tôi là phải ngồi giữ đống gạo, có chết thì chết bên đống gạo này. Nếu tôi bỏ đi thì rủi có ai xấu lợi dụng đến xúc gạo đem vào đồng bào dân tộc đổi lợn, đổi đài (rađio), đổi đồng hồ không người lái thì tôi sẽ bị kỷ luật (bộ đội thường nói đùa với dân bản đồng hồ Sincô là không người lái)... Đêm qua pháo sáng máy bay Mỹ thả, phát hiện xe ta vào nó bắn trúng một chiếc bị lật, gạo đổ tung tóe, tiểu đội tôi được huy động khiêng vác di chuyển gạo cả đêm, sáng ngày lo chặt cây ngụy trang xe, ngụy trang đường mòn, anh em chúng tôi làm việc như vật không biết mệt mỏi.
Tôi hỏi:
- Gạo này của quân giải phóng, nếu cơ quan dân chính thiếu ăn thì có tiêu chuẩn không?
Anh cười:
- Nếu chị cần bây giờ thì tôi biếu chị một sày (đót tượng) ăn tạm, còn lâu dài thì chị về lấy giấy cơ quan lên binh trạm 46, họ sẽ cấp đầy đủ. Còn số gạo này chúng tôi vận chuyển vào cho từng cung đoàn bộ đội đông Trường Sơn.
Từ giả người lính trẻ vui tính hồn nhiên, hành động anh hùng dũng cảm tôi rất phục. Tôi men theo con đường nhỏ tìm đến đơn vị sản xuất của huyện đội Hướng Hóa (tôi có bà chị con dì đang phục vụ ở đây). Tôi trình bày với các đồng chí nhờ liên lạc xin gặp chú Thủ Bí thư huyện, đồng thời xin được ở lại một tuần để đi tuốt lúa, xin sắn để xát phơi khô đem về cứu đói cho cơ quan.
Các đồng chí ở đây rất thông cảm nên bảo: - Chị ở nhà anh em chúng tôi đi nhỗ sắn về xát phơi, nếu không có nắng, đốt củi xông cho mau khô, còn lúa, chúng tôi đi gặt về xông cho khô, giã gạo đem tạm về một ít, lần sau dẫn anh em cơ quan lên gùi về ăn chứ một mình chị gùi sao đủ đơn vị ăn. Tôi vui mừng trước kết quả nhỏ ban đầu.
Xong việc tôi trở về cơ quan báo tình hình chuyến đi, anh chị em rất mừng - Anh Hoán lãnh đạo cơ quan kể chuyện ở nhà cho tôi nghe: - Nhờ chú Hồ Sĩ Thản gọi Ban Tuyên huấn đến cho nhận hai thùng ngô hạt, nếu không thì cũng kẹt. Số ngô này Ban kinh tế Mặt trận 7 thu mua ở Ba Lòng, thanh niên xung phong mới vận chuyển vào để cứu đói. Một số đơn vị bộ đội ở gần biết được đến đưa mũ vào: "Thưa thủ trưởng cho chúng em mỗi đứa một mũ về rang ăn, tối nay vác súng cối đi "giã" ở Cồn Tiên Dốc Miếu thủ trưởng ạ!” Toán khác đến lại: "Thưa thủ trưởng cho chúng em vài nồi về nấu ăn kẻo đói quá, vác B40 đi không nổi thủ trưởng ơi!” Chú Hồ Sĩ Thản nói với anh Hoán: - Đời tao đã qua nhiều năm lãnh đạo, từ Huyện đội, Tỉnh đội trong hai cuộc kháng chiến mà chưa bao giờ xúc động và đau lòng với cấp dưới mình như lúc này. Nay lãnh đạo một tỉnh mà lại ngồi trên một đống ngô để trực tiếp phân chia không đủ!
Anh Hoán vấn một điếu thuốc lá ta bằng ngón tay châm lửa hút một hơi rồi kể tiếp: - Có một sinh viên Đại học Tổng hợp văn năm thứ hai, mới hai mươi tuổi tình nguyện vào Nam đánh Mỹ, mới vào chiến trường Quảng Trị tham gia chiến dịch tết Mậu Thân xong thì rút lên căn cứ gặp trận đói "phủ đầu", anh khủng khiếp viết một lá thư để trên tảng đá, lấy viên sỏi đằn lên: “Kính thưa đồng chí chính trị viên đại đội, em tên là... một sinh viên tình nguyện vào Nam chiến đấu có thử thách một hai trận ban đầu, em không sợ gian khổ ác liệt bom đạn, song hiện nay gặp cơn đói "phủ đầu" em không chịu nổi, em xin đào ngũ trở về miền Bắc - Em không phản bội Đảng, phản bội nhân dân bằng chính trị, mà chỉ vì em không chịu nổi đói, kính mong thủ trưởng thông cảm cho em!” Hai ngày sau anh Hoán phân công anh Thu Hoàn, anh Khâm, chị Thuận và tôi đi lấy sắn ở Hướng Hóa. Đi khẩn trương một ngày đường, đến 7 giờ tối thì đến một bản làng gần sông Trại cá, gặp trời mưa lũ. Suốt đêm và mấy ngày sau nước đổ như trút, nước sông lên cao phải ở lại năm ngày. Lúc này chị Thuận và tôi ngày nào cũng ra rẫy của dân bỏ hoang mót củ chuối, rau lang, ớt về nấu ăn, thỉnh thoảng dân cho sắn tươi là quý lắm. Ở đây lâu ngày sợ ở nhà cơ quan đói. Anh Thu Hoàn cho họp tổ Đảng bàn biện pháp vượt sông, hỏi ý kiến anh chị em trong tổ Đảng.
Chị Thuận hăng hái phát biểu: - Ở đây anh Thu Hoàn bơi giỏi, Thuận hồi trước ở nhà đi chăn trâu thường bơi qua sông để đón trâu về, nhưng sông ở dưới ta nước lặng dễ bơi, nước ở trên nguồn hộn quá, nhưng em cũng bơi được. Mới hôm qua cả bốn anh em ra bơi sông Trại cá, tuy trời nắng ấm nhưng nước vẫn đục, chảy xiết. Chị Thuận và tôi rủ nhau đi gội đầu trong khe nước trong hơn. Tôi lấy lược ra chải tóc cho chị Thuận cứ vuốt ve mái tóc khen tóc chị xanh dài mượt mà. Chị Thuận nói: - Hai đứa miềng (mình) ở với nhau như ri, rủi có một đứa chết thì thương lắm Liên hý?! Tôi la đừng nói dại! Mần răng mà chết được! Thôi hai chị em miềng đi hái lá lốt về chấm muối để ăn với sắn cho dễ nuốt chị Thuận hè!
Bốn anh em ăn trưa xong, thấy tình thế chưa có gì lạc quan, đợi đến 3 giờ chiều thì anh Hoàn quyết định: - Bây giờ ngủ lại giữa bãi cát trắng này thì đói và rét băng giá, nào ta cùng nhau vượt qua sông. Để Hoàn lội trước qua bên kia xong, thì Thuận bơi thứ 2 - đến đợt 3 thì Khâm và Liên. Liên lên lấy dây dù cột võng cột vào cổ tay rồi nằm lên bọc bơi hai chân quẫy mạnh, Khâm lấy một đầu dây kia buộc vào cổ tay bơi trước kéo Liên sau. Đã nhất trí rồi vì không có con đường nào khác. Song trong lòng tôi linh cảm một điều gì đó sẽ xẩy ra, nếu nước đẩy anh Khâm đuối sức kéo tôi không nổi thì cả hai sẽ chết đuối!
Anh Thu Hoàn thả bọc bơi chồm ra giữa sông trôi xa độ 500 mét thì bơi tới bờ được. Anh gọi Thuận ơi! Anh sang được rồi là em bơi sang. Chị Thuận thả bọc bơi xuống sông, nằm duỗi chân, hai tay túm chặt đầu bọc bơi nước đẩy chị văng ra khỏi bọc bơi nhưng hai tay vẫn cầm được đầu dây bọc bơi, chị chồm lên lặn xuống như con ếch nhảy, được năm mươi mét chị gọi anh Hoàn ơi! Tuột bọc bơi, em không đạp được vào bờ! Răng nó cứ trôi dọc sông anh Hoàn ơi! Anh Hoàn gọi to Thuận ơi! Cố gắng đạp mạnh vào đây, anh ra đón! Thuận ơi! Em nghe không?... Tiếng chị Thuận ơi cuối cùng thì không còn nghe tiếng chị Thuận trả lời nữa! Anh Hoàn ở bên kia sông hét lên: - Khâm, Liên ơi! Thuận trôi rồi. Thuận chìm rồi, Liên ơi! Tôi nghe tiếng anh Hoàn ở bên kia gọi chị Thuận trong nước mắt. Ở bên này sông anh Khâm và tôi vạch lau lách dọc theo bờ sông gọi chị Thuận. Tôi cứ khóc hu hu như một đứa trẻ, chân vấp cây rì rì cản đường ngã lăn giữa đá đồi đứng dậy chạy độ hai cây số, đến 5 giờ chiều nhìn qua bên kia sông thì thấy anh Hoàn mượn bè tre của đồng bào dân tộc chèo qua đón tôi và anh Khâm. Lúc này đói mệt lả người, từ sáng đến giờ trong bụng chỉ có mấy khúc sắn. Bỗng tôi nhìn lên vách đá thấy một cây dâu sây quả, chín mọng. Tôi hái xuống một mũ, bảo hai anh cứ ăn nhiều vào, vì dâu có chất vitamin C và đường giúp ta tăng lực. Chú Thản nói nếu ai tìm được hạt sót, hạt dẻ thì càng quý, đem rang ăn thơm như đậu phụng, lại có chất béo, chất bột nữa. Nhưng tôi nghe đồng bào dân tộc nói, muốn có nhiều hạt sót, hạt dẻ, chất đầy cái dạ dày thì cũng được một thúng hạt, nó nuốt vào chỉ tiêu hóa cái vỏ lụa bên ngoài, còn vỏ cứng bọc hạt sọ bên trong thì còn y nguyên. Ta đem về ngâm dưới suối, tẩy rửa trắng phao, đem nấu chín, hoặc rang ăn bùi lắm.
Chỉ còn lại ba anh em tôi nay ở nhờ nhà dân, anh Thu Hoàn nói tiếng dân tộc Vân Kiều sỏi nên dân dễ đồng cảm sẻ chia về cái chết của chị Thuận. Còn tôi nhớ chị Thuận nên cứ ngồi thút thít khóc mãi. Có lẽ chị Thuận chết thay tôi, vì khi chuẩn bị bọc bơi, tôi đã linh cảm nước sẽ cuốn tôi đi vì sức yếu lại không biết bơi!
Một bà mẹ đến bên tôi xoa đầu an ủi: Ơi, A cay ơi! Thuận cu chít lứ (chết) cũng vì Mỹ Diệm nó bành (bắn) khắp nơi, không có cái ăn, Thuận đi tìm cái ăn cho dần bầy(anh em) mà cu chít lứ! Nín đi A cay ơi! Ba anh em quyết định ở lại đây để chờ xác chị Thuận nổi lên vớt đem mai táng, làm dấu mộ rồi đi tiếp. Khổ một nỗi dân ở đây còn mê tín, nên họ chỉ cho tôi ở trên sàn, còn anh Khâm và anh Hoàn ở dưới sàn, họ nói hai anh này vớt xác chị Thuận nên con ma Thuận nó về theo hai anh này, miềng sợ con ma hung!
Hàng ngày tôi thực hiện cùng ăn cùng ở cùng làm với dân. Đến bữa dân chia phần rồi tôi đem xuống dưới sàn cho hai anh ăn.
Ba anh em đi về chuyến này mất mười lăm ngày. Mới về đến cơ quan biết tin anh Hoán đã bị bom tọa độ Mỹ thả hy sinh trên đường đi công tác. Số ở nhà thấy vắng mặt chị Thuận ai cũng hỏi dồn dập. Chỉ trong một tháng mà cơ quan có hai cái tang...
Lần đầu tiên cơ quan được ăn cơm miền Bắc. Bưng chén cơm ai cũng rưng rưng nước mắt. Những ngày ăn rau, ăn cháo thì có đông đủ, nay có được bát cơm tình nghĩa của miền Bắc đưa vào thì anh Hoán và chị Thuận không được ăn.
Từ nay cơ quan đã biết nguồn gạo binh trạm 46 ở miền Tây Hướng Hóa là chỗ dựa vững chắc, nên nhìn anh em có phần thay da đổi thịt.
Khắp các xã A Bung, A Ngo, Húc Nghì, A Túc, Ta Rụt, Trại cá... có nhiều bộ đội, cán bộ và thanh niên xung phong đã ngã xuống vĩnh viễn ở lại với núi rừng Quảng Trị vì cơn "Lốc đói" của năm Mậu Thân (1968) hoặc cơn sốt ác tính và bom đạn, chất độc Mỹ thả xuống trên mảnh đất đau thương này.
Mỗi lần nghe mục nhắn tìm đồng đội ở trong truyền hình, những đồng chí hy sinh tại mặt trận Quảng Trị, tôi cảm thấy lòng xót xa, có lẽ các đồng chí ấy nằm lặng lẽ ở đâu đó dưới lòng đất các vùng giáp ranh, miền núi, hay đồng bằng mà chưa ai tìm thấy để đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Đây là một điều đau thương còn dai dẳng đã hơn hai mươi năm qua bạn bè đồng đội vẫn mãi đi tìm người thân mà chưa về đủ mặt.
N.T.T.L