…Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi,
Tóc xanh bây giờ đã phai,
Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy,
Dõi theo bước em trong cuộc đời,
Dẫu đếm hết sao trời đêm nay,
Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi,
Nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy(*).
Tiếng hát trong trẻo của các em học sinh đã níu chân tôi đứng lại vài phút trước khi bấm chuông cổng nhà anh trai là thầy giáo Nguyễn Thành Trung. Bởi tôi không muốn làm ảnh hưởng đến phút giây thiêng liêng của tình thầy trò trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Khi ca khúc vừa kết thúc, tiếng cười, tiếng nói lại rộn ràng vang lên, tôi cũng vừa kịp bước chân vào nhà. Trước mắt tôi, căn phòng khách hiện ra như một vườn hoa đa sắc màu. Những bó hoa của các thế hệ học trò luôn nhớ về thầy cũ hòa quyện với tình cảm của các cô cậu học trò từ lớp 1 đến lớp 5. Nhìn anh trai rất hạnh phúc, tôi đùa anh: Anh chọn nghề hay nghề chọn anh? Anh trai nhìn tôi vui vẻ trả lời: Có lẽ là cả hai!
Thầy giáo Nguyễn Thành Trung bên học trò trong lễ khai giảng - Ảnh: NVCC
Năm 1995, anh trai tôi thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp, anh được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Xy. Đây là xã nằm giáp vùng biên giới Việt - Lào, cách trung tâm thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa gần 40 km về phía Nam. Anh kể, ngày ấy, đường sá, phương tiện đi lại còn quá khó khăn. Mặc dù bác lái xe ôm rất thông thạo địa hình cộng thêm tay lái vững vàng nhưng lúc ngồi sau xe anh vẫn ôm chặt thắt lưng bác và nhiều lần thót tim bởi đường ngoằn ngoèo, qua nhiều con dốc, con suối.
Trời tháng tám mưa rừng triền miên xối xả, không thể nào mở mắt ra được. Sau cơn mưa đường trơn và lầy lội, anh và bác lái xe phải nhiều lần dừng xe dùng que sắt xỉa bớt đất bùn rồi đi tiếp. Có nhiều đoạn xe không thể đi được cả hai đành xuống xe đẩy bộ, toàn thân dính bê bết bùn đất, đường thì trơn trượt khiến đôi chân không thể nhấc lên nổi. Hai bên đường, những thân cây ngả nghiêng cành lá nặng trĩu nước, sà xuống quất vào mặt lạnh buốt. Vắt rừng bám đầy vào cổ và chân.
Sau gần một ngày ngồi xe và đi bộ bì bõm qua các cung đường trơn trượt bùn đất, trèo đèo, vượt dốc, anh cũng đến được Trường Tiểu học xã Xy. Trước mắt anh là một dãy nhà thấp lè tè, tấm lợp fibro xi măng bị rong rêu phủ kín, tường bị bong tróc theo từng mảng và chi chít những hình vẽ, dòng chữ nguệch ngoạc của học sinh. Đón anh hôm đó là thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Quảng và trưởng bản. Đêm đầu ngủ lại ở vùng cao, nằm nghe tiếng côn trùng kêu rả rích, cộng thêm nỗi nhớ gia đình khiến anh không sao chợp mắt. Sáng hôm sau, khi trời giăng màn sương huyền ảo anh đã lên đường vào điểm trường lẻ ở bản Troan Thượng. Để đến được bản, anh phải đi bộ gần 10 cây số, băng qua nhiều sườn đồi chỉ có những bụi cây cỏ dại lúp xúp, những bông cỏ may găm chi chít vào ống quần như thêm phần thử thách người khách lạ.
Bản Troan Thượng có 100% dân số là đồng bào Bru - Vân Kiều. Ngày ấy, bản Troan Thượng hoang vắng và nghèo khó, tất cả các ngôi nhà đều làm bằng tre nứa tạm bợ. Người đầu tiên anh tìm gặp là trưởng bản. Tuy ngôn ngữ chưa đồng điệu song ông hiểu và đưa anh đến một cái lán đã dột nát chỉ có 4 bàn học xiêu vẹo. Ông nói: Đây là lớp của thầy! Trái ngược với tưởng tượng khi nhận quyết định dạy học, lúc này đây, anh không còn cảm xúc nào đọng lại ngoài sự mệt và đói chiếm lĩnh thân thể. Trưởng bản ra về, anh ngồi bệt xuống nền đất nhai trệu trạo ít bánh quy và hớp tạm ngụm nước từ chai nước đem theo. Khi cơ thể hồi tỉnh lại cũng là lúc màn đêm ập xuống. Một cảm giác hiu quạnh, trống vắng bao trùm lấy anh. Núi rừng trập trùng, tĩnh lặng, hoang vu. Ánh trăng bàng bạc soi rọi khắp nơi khiến anh ngỡ như là sương đang la đà trên mặt đất. Hình ảnh trường lớp đông vui ngập tràn tiếng cười của đám học trò nhỏ, hay hình ảnh ánh điện sáng trưng cùng đồng nghiệp chuẩn bị bài cho ngày mai lên lớp trong những ngày đi thực tập lại ùa về. Giờ đây một mình anh cô quạnh giữa núi rừng hoang vắng. Bỏ về ư? Không lẽ phụ lòng ba mẹ? Rồi thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp sẽ nghĩ về mình như thế nào? Anh suy tư bao điều rồi tự nói với bản thân để tiếp thêm nghị lực: Dân bản sống được, mình sống được! Anh hít một hơi thật sâu rồi chìm vào giấc ngủ.
Sáng sớm tinh mơ, anh tìm đến nhà Bí thư xã Hồ Xa Mừng và đưa ra ý kiến sửa lại lán học. Nghe anh trình bày xong, ông vui vẻ nhận lời. Ngày hôm sau, bí thư xã huy động dân bản đi cùng với anh vào rừng chặt gỗ, tre nứa, bứt tranh dựng lại lán học mới, kê sửa lại bàn ghế. Sau khi mọi việc hoàn thành, anh bắt tay vào công việc giảng dạy.
Điểm trường lẻ chỉ mình anh giảng dạy được phân thành 3 lớp. Lớp 1 có 3 em, lớp 2 có 2 em và lớp 3 có 4 em (lên lớp 4 thì học sinh ra trường chính). Anh bố trí lớp 2 và lớp 3 học buổi sáng, lớp 1 học buổi chiều. Các em nhỏ đến lớp với khuôn mặt nhọ nhem, quần áo không còn lành lặn nhưng đôi mắt luôn mở to với ánh nhìn bỡ ngỡ mà thân thiện làm cho lòng anh ấm lại. Các em lớp 2 và lớp 3 ít nhiều đã được làm quen với trường lớp. Còn đối với học sinh lớp 1 thì quả là gian nan khi lần đầu các em tiếp cận việc học nên có em tự ý bỏ về, đòi về, nếu không cho về thì lăn ra khóc lóc, la hét…, thêm nữa anh chưa nói được tiếng Vân Kiều nên giao tiếp giữa thầy và trò có lúc gần như bế tắc.
Thế nhưng khi cầm những bàn tay bám đầy bụi đất để hướng dẫn từng nét chữ, lòng anh lại dậy lên bao cảm xúc thương yêu: “Tuổi thơ của mình khổ cực vất vả nhưng vẫn sướng hơn nhiều so với các em nơi đây”. Rồi bằng tình yêu thương và tấm lòng của người thầy, anh đã truyền cho các em nguồn cảm hứng trong học tập.
Vào các ngày nghỉ cuối tuần, nếu không đi làm rẫy, trẩy ngô, nhặt củi phụ giúp gia đình thì bọn trẻ luôn quấn quýt bên anh. Các em hướng dẫn cho anh cách bẫy chim, bắt cá, cách thưởng thức các món đặc sản của đồng bào Bru - Vân Kiều. Để đáp lại tình cảm của học trò, anh kể cho chúng nghe cuộc sống ở thị thành, về ánh điện, về tuổi thơ của anh và hứa em nào học giỏi sẽ được thầy cho về thành phố chơi và ăn tết. Đối với chúng, anh không chỉ là người thầy mà còn như một người bạn và cũng như một “siêu nhân” sẵn sàng giải đáp những câu hỏi của chúng.
Ở vùng cao, việc dạy học đã khổ nhưng ăn uống lại càng khổ hơn khi cả tháng anh chỉ ăn toàn rau, măng rừng chấm muối. Học trò thương thầy nên nhà có món gì ngon đều mang đến cho thầy. Khổ nhất là nguồn nước sinh hoạt. Mùa mưa thì nước sông suối đỏ ngầu, mùa hè thì khô cạn, nước có nhiều chất vôi dễ đau thận nhưng vẫn phải nấu, phải uống. Sau một thời gian gắn bó với bản anh không còn buồn như những ngày đầu mới đến nữa. Bởi ban đêm đã có các cậu học trò thay nhau lên ngủ với thầy để thầy dạy thêm và trò cũng dạy thêm tiếng bản địa cho thầy.
Năm 1998, dịp nghỉ tết Nguyên Đán, sau một năm cắm bản dạy học, quà anh mang về nhà là mấy cành phong lan rừng, một cặp chim sáo, đặc biệt hơn nữa có cậu học trò Hồ Xa Lý cùng theo anh về ăn tết. Anh say sưa kể về tình cảm của dân bản, của học trò dành cho anh. Tuyệt nhiên không một lời kể về những khổ cực nhưng tôi thấy mái tóc đen của anh xơ cứng như rễ tre, da sần sùi sạm nắng, người gầy khô thì tôi cũng lờ mờ hiểu được rằng cuộc sống của anh vất vả như thế nào. Ngày anh trở lại trường, mẹ tôi làm thêm các hũ muối để anh mang theo. Anh cũng mua thêm ít vở, đồ dùng học tập, gom mấy bộ quần áo cũ để tặng động viên các em học sinh và dân bản. Bước sang năm học thứ hai đồng chí bí thư xã và trưởng bản nhất quyết bảo anh về nhà họ ở. Bởi sự tin yêu của học trò và bà con dân bản dành cho anh.
Ngày 21 tháng 3 năm 1998, lúc anh vừa đi dạy về chưa kịp thổi cơm trưa thì nghe nhiều tiếng nổ lép bép của tre nứa và ngửi thấy mùi khói. Anh liền chạy ra khỏi nhà thì nhìn thấy cột khói đen kèm theo những tiếng nổ và tàn lửa bay tung tóe. Lúc này thanh niên trong bản đang đi đào đường dẫn nước sạch từ xã A Dơi nên chỉ còn người già và trẻ em. Khi anh chạy đến thì ngôi nhà của Pả A Dở đã bị cháy rụi hoàn toàn. Những tàn lửa bay theo gió lan sang các nhà bên cạnh, tiếp tục gây cháy. Trong lúc dập lửa cùng mọi người, anh thấy mẹ Giả Cở trên 70 tuổi đang mắc kẹt trong nhà, không một chút do dự anh đã lao vào cõng mẹ ra.
Khi sang nhà bên cạnh cứu tài sản bỗng anh nghe tiếng gọi thất thanh của một em học sinh: “Ăm pả ơi cứu akay!” (Bố ơi cứu con), “Âm pỉ ơi cứu akay!” (Mẹ ơi cứu con). Anh vội lao nhanh về phía đó. Trước mắt anh là em Hồ Thị Moi học sinh lớp 2. Mới sáng nay em còn ngồi trên lớp học bài vậy mà giờ đây em đang chìm trong biển lửa. Không ai dám vào trong ngôi nhà đang bốc cháy ngùn ngụt để cứu em ra, em gào khóc trong tuyệt vọng. Vừa thấy anh, em Hồ Thị Moi hét với giọng khản đặc: “Thầy ơi cứu em! Em nóng quá!”.
Nghe tiếng kêu của học sinh, anh chuẩn bị chạy vào cứu thì bị mọi người ngăn lại và nói: “Nếu thầy vào cứu thầy sẽ bị chết cháy”. Không chút chần chừ anh lao vào đám cháy, những tàn lửa đỏ rực rơi xuống liên tục làm bỏng cháy vai, tóc anh. Anh tìm được Moi và bế xốc em nhảy qua cửa sổ cao hơn 3 mét, cứu em Moi thoát chết. Mặc dù anh và mọi người kịp thời ứng cứu nhưng gió quá mạnh, xoáy giật nên hơn 20 ngôi nhà bị lửa thiêu rụi. Anh vẫn dũng cảm lao đi như con thoi hết cứu người đến cứu tài sản, hết nhà này lại đến nhà khác. Khi xông vào nhà Pỉ Lô cứu tài sản đến gùi lúa cuối cùng thì ngôi nhà cũng đổ sụp xuống thành đống lửa lớn, rồi anh ngất đi.
Lúc tỉnh dậy, anh mới biết mình đang nằm ở trạm xá xã Xy. Vây quanh anh là bà con dân bản cùng với những đồng nghiệp thân yêu. Em Hồ Thị Moi khuôn mặt và mái tóc đã bị cháy sém một bên lao vào ôm chầm lấy anh khóc và nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Em cảm ơn thầy đã cứu sống em. Ngày đầu thầy mới về trường em đã bỏ học khiến thầy phải chịu nhiều vất vả. Em xin lỗi thầy, em thương thầy nhiều!”. Mọi người kể lại rằng các thanh niên trong bản thay nhau cõng anh chạy theo đường tắt khoảng 10 km để kịp cứu chữa, tuy đường đi vất vả nhưng nhanh, còn nếu đi theo đường chính phải mất 15 km. Vậy là từ tình yêu thương, trách nhiệm anh đã không quản ngại hiểm nguy để cứu dân bản và rồi cũng chính bà con dân bản đã không quản ngại khó nhọc để cưu mang, chăm sóc anh lúc cận kề cái chết.
Được tin thầy giáo Nguyễn Thành Trung dũng cảm cứu người trong hỏa hoạn, phóng viên Nguyễn Đỗ Thùy Ngọc viết bài “Dũng cảm cứu dân trong hỏa hoạn” ca ngợi tấm gương của thầy giáo trẻ đăng chuyên mục “Hoa giữa đời thường” trên Báo Quảng Trị, số ra ngày 28 tháng 4 năm 1998. Sau đó anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển tặng Bằng khen vì đã dũng cảm cứu học sinh trong cơn hỏa hoạn và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Trị, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hướng Hóa tuyên dương khen thưởng.
Sau nửa tháng nằm điều trị ở trạm xá, anh lại về tiếp tục công việc giảng dạy. Và rồi sau lần đó, sức khỏe anh xuống hẳn, anh bị sốt rét rừng tấn công. Những lần ấy, anh đều được bà con dân bản đưa đi trạm xá xã cứu chữa, chăm sóc. Có lẽ sự khắc nghiệt, thiếu thốn và cô quạnh nơi núi rừng đã làm cho tình cảm giữa thầy trò, dân bản gắn bó với nhau hơn và tình người nơi đây luôn là nguồn động viên tinh thần lớn để cho anh vượt qua lúc khó khăn, gian khổ nhất. Chính vậy nên sau mỗi lần ốm dậy dù làn da còn xanh xao, người gầy khô nhưng anh lại lao vào công việc giảng dạy giúp các em học sinh hoàn thành chương trình của năm học. Năm học 1999 - 2000, sau nhiều lần bị sốt rét ác tính, sức khỏe suy giảm nên anh được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động về công tác giảng dạy tại một trường tiểu học ở huyện Vĩnh Linh. Với ý chí đầy nghị lực, đam mê công việc, nhiều năm liền anh đạt giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi. Nhưng vốn quý nhất của anh là hình ảnh người thầy tâm huyết với nghề luôn khắc đậm trong tim bao thế hệ học trò và phụ huynh...
Thời gian thấm thoắt cũng đã hơn 20 năm kể từ ngày anh chia tay các em học sinh và bà con dân bản Troan Thượng. Cuộc sống của dân bản nay đã khá hơn nhiều, đường bê tông, ánh điện, tivi đã về đến mọi nhà. Ngôi trường xã Xy nay đã khang trang vững chãi thỏa nguyện ước mơ bao thế hệ học trò. Năm 2021, trong một lần đi công tác tại xã Xy, tình cờ tôi gặp lại Hồ Xa Lý - cậu học trò bé bỏng theo anh về nhà ăn tết năm nào nay đã là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Xy, huyện Hướng Hóa. Qua chuyện trò với Lý, tôi được biết hằng năm, vào dịp lễ mừng lúa mới của đồng bào Bru - Vân Kiều, ngoài thủ tục tạ ơn trời đất, cầu cho vụ mùa bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, già làng, trưởng bản còn kể cho con cháu nghe về cuộc sống khổ cực của họ ngày xưa, kể về thầy giáo Nguyễn Thành Trung đã dũng cảm cứu học trò trong cơn hỏa hoạn, về những người thầy, người cô đã không quản ngại khó khăn, nhọc nhằn lên dựng trường, mở lớp với lòng yêu thương, kính trọng vô bờ.
_____________________________
(*) Lời bài hát Người thầy của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy.