C |
ứ vào độ cuối năm, khi cái rét phương Bắc “vượt tuyến” vào Quảng Trị mang theo hơi giá lạnh rưng rức, buốt buốt quây giữa đám mưa phùn, mỏng manh nhưng rỗi hơi, cứ thong dong, nhẩn nha hết ngày nọ đến tháng kia không dứt. Cánh làm báo chúng tôi hỏi dò nhau “Bao giờ thì đi”. Hiếm có cái “sự đi” nào giữa thời buổi này được chúng tôi thắc thỏm đón chờ và chuẩn bị lên đường với một tâm trạng bồn chồn háo hức như vậy. Không còn trẻ nữa để mơ mộng một chuyến “đổi gió”, tìm một cảm giác mới lạ giữa thâm sơn cùng cốc để tạm quên đi cái chốn ồn ã của phố phường, con đường, hàng quán, sớm mai lên, buồi chiều về, bao gương mặt gặp nhau,chào nhau, xiết tay nhau thân thuộc đến nhàm chán. Chúng tôi lên rừng để đến với những con người lính biên phòng. Mỗi lần đến là một lần khám phá thêm bao điều tưởng đã rõ, đã tường, hóa ra tươi mới đến không ngờ. Và đương nhiên trong suốt cuộc hành trình ấy, bao giờ chúng tôi cũng chọn một điểm đích phải đến rất sâu nặng và xa ngái đó là Cù Bai.
Những chuyến đi như thế thường bắt đầu vào một buổi sáng tinh mơ, khi cái thị xã Đông Hà nhỏ bé này còn ngái ngủ, ấy là lúc cả đám nhà báo tràn trên xe, nhập hội cùng các sĩ quan, chiến sĩ biên phòng với mắm, muối, gạo, công văn, súng đạn và quà Tết. Chiếc Gát 66 đặc chủng của quân đội Liên Xô cũ như sinh ra là để trèo đèo, leo dốc xanh trùi trũi tựa loài tê giác và chắc chắn khỏe hơn loài tê giác, cứ nhằm hướng tây trực chỉ, chạm mép đường 14B, bỗng rẽ quặt gầm gừ lấy sức mải miết đi về hướng Bắc.
Trường Sơn! Hai tiếng ấy chao chát dưới võng xe. Con đường Trường Sơn huyền thoại giờ chỉ còn lưu lại vết tích mờ nhạt giữa cánh rừng già, giữa những đám mây dây leo chằng chịt, giữa đám cổ thụ xạnh rì cây lá, giữa gai góc, rêu, vắt và ngàn ngàn đám lá mục dậy lên một mùi men nồng ẩm ướt. Dốc cao, suối sâu chênh vênh con đường mỏng tang như sợi chỉ bạc vắt qua đôi sườn núi. Dằn xóc. Trơn tuột. Chiếc Gát cần mẫn bò đến đích như phải kéo theo sức nặng của hàng tá câu chuyện tiếu lâm của lính nở bung như hoa móng rồng ban sớm, tiếng cười như gửi theo suốt cả cung đường gian lao, âm âm vào tận vách núi giữa ngàn xa.
Đêm ở lại Cù Bai lần đầu tiên là một đêm đáng nhớ. Đêm ở đây như sớm hơn. Phút chốc đã thấy hơi đá núi tuôn trào từng đợt, cuộn lên rừng đám nhũ bạc, nghe lành lạnh và xa vắng. Núi thẫm đên như những bức trường thành. Mây khói nhòa đường chân trời. Những chiếc chòi lá của bà con dân tộc dựng cheo leo trên triền nương, tạo vào không gian những nét nhấn gai góc như trận mạc thời Trung cổ. Tôi đã kịp khoác lên ngoài bộ quân phục biên phòng chuẩn bị cùng các anh tuần tra ngoại biên. Những người lính lên đường mất hút giữa rừng dâu. Anh sĩ quan dắt tay tôi, lẹ làng nhảy qua tàng phiến đá trên dòng suối cạn. Chỉ còn nghe rất thoảng tiếng băng đạn đập vào thắt lưng và tiếng chân gấp gáp. Đêm trong rừng sâu tưởng như dài vô tận, đặc quánh và huyền bí. Người sĩ quan đặt tay tôi lên một thân cây và nói khẽ: “Em nhớ nhé, phía vỏ cây ẩm ướt, rêu mọc nhiều là hướng bắc, phía vỏ cây xù xì, khô ráp là hướng nam. Suy ra hai hướng còn lại là đông và tây. Xác định đúng phương hướng cũng là cách giúp mình hoàn thành nhiệm vụ”. Anh còn cắt nghĩa cho tôi đâu là tiếng mang tác; cách đi của chồn, cáo, nhím hay cách đối phó khi giáp mặt với “ông ba mươi”. Kể cả mùi mồ hôi người, mùi thuốc lá, loại gì, từ hướng nào tới … Ngần ấy công việc phải xử lý trong một đêm đen, giữa rừng già u tịch, chỉ để đạt được một mục đích dung dị nhưng cao cả: Giữ bình yên cho đất cha ông.
Rồi trăng cũng lên. Trăng lên núi vỡ òa, lạnh giá như nụ cười sơn cước. Trên đường quay trở lại đồn, nghỉ chân bên dòng Sê Băng Hiêng, trăng dát vàng, dát bạc trên dòng nước lấp lánh đẹp như thể chỉ có một lần trong vũ trụ. Cái đẹp làm tim tôi nhói đau. Cái gì thái quá cũng dễ làm cho con người ta đau như thế. Bên bờ sông hiền, vợ chồng nhà hoẵng đang thảnh thơi uống nước. Con đực giơ cặp sừng bầu như ngọn giáo búp đa của anh Vệ Quốc đoàn thời kháng Pháp gãi vào lưng con cái “Thanh bình quá” – Tôi nghe tiếng người lính thốt ra trong đêm … Anh sĩ quan bảo khẽ với tôi: “Em ạ, núi rừng rộng dài như vậy nhưng chẳng một tấc đất nào của Tổ quốc nằm ngoài tầm quản lý của bộ đội biên phòng. Cỏ cây cứ vô tư mà sống. Chim thú yên lành mà sinh sôi. Nhưng đất đai, tất cả đã được đo, đặt từng tọa độ một, từng phương vị một, được bảo vệ nghiêm ngặt từng phút, từng giây…”.
Chẳng biết số phận run rủi thế nào tôi lại được xếp ngủ cạnh giường với một anh lính đáo để. Thấy anh nằm im, mắt nhìn đăm đắm lên trần màn mà miệng vẫn rít một hơi thuốc lá rõ dài, đầu thuốc nhọn hoắt như mũi cây bút chì, đốm lửa soi rạng cả khuôn mặt. Tuồng như nhận thấy tôi se sẽ trở mình trên giường, anh mau mắn nói vọng sang, giọng nằng nặng miệt ngoài:
- Mệt không chú em ?
- Dạ, cũng … tương đối. – Tôi đáp liều.
- Vợ chưa?- Xong rồi!- Gớm lại “tảo” phải không? Hồi trạc tuổi như chú em anh mày chả biết tay chân con gái thế nào. Biền biệt đồn rừng suốt, may mà cũng kịp cưới chị mày không thì già mất. Cưới xong dăm bữa nữa tháng lại lên với anh em. Có được “tí nhau” ba bốn năm mới gặp con một lần, nhớ phát khiếp. À mà chú em có đọc chuyện “Chiếc lược ngà” của ông Nguyễn Quang Sáng không đấy?
- Dạ có.
- Ờ, hoàn cảnh anh mày y đúc trong truyện. Dạo về phép, con bé đã lên ba. Nhớ con đứt ruột, vào đến ngõ đã tìm nó ôm chầm, cà râu vào má nó cho đã đời, ai dè nó khóc thét lên. Nó còn cắn vào bả vai nữa chớ. Đêm chị mày ngồi chải tóc, anh đến ngồi cạnh, nó xông vào xô ngã. Chị mày bảo: “Hỗn con, ba đấy, vòng tay dạ ba đi”. Nó ngúng nguẩy: “Không, ba trên ấy cơ”. Nó chỉ lên hình anh chị ngày cưới. Hồi ấy anh trẻ, đẹp trai chơ không xạm đen, môi tím tái như lúc này. Sốt ác quá “Chiến tranh lạnh” kéo dài suốt thời gian phép cho đến khi anh về đơn vị. Sáng ấy, sau khi ăn bữa cơm chia tay với gia đình, anh khoác ba lô lên đường, bấy giờ con bé mới vung bát đũa chạy tới, quàng tay qua cổ anh và thét: “Ba!”
- Rồi sao nữa – Tôi hồi hộp.
- Dù sao cũng phải lên đường, anh hôn con bé đến ngạt thở và hứa với nó khi nào về phép, sẽ đem cho nó rất nhiều lan rừng. Con bé tên là Phong Lan mà! Anh chép miệng – Quê anh mày có rượu làng ngon tuyệt vời. Anh chỉ ao ước được làm một gã trai cày. Sáng dong trâu ra đồng, chiều gác cày lên thềm. Tắm rửa, tối làm một ly “cuốc lủi” và ôm eo vợ. Thế thôi. Nhưng hiện giờ đã là người lính thì phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Anh mày vốn ghét lộng ngôn, hô hào nhưng quả thực là vậy đấy. Biên giới quốc gia lỡ có kẻ nào xâm phạm là phải “làm việc” ngay. Thương vợ thương con quá, không muốn các cháu nó phải chịu cảnh nô lệ, ngoại xâm như đời cha ông mình … Anh còn kể cho tôi nghe dạo ấy, có đồng đội anh về phép ăn tết, chẳng có chuyến xe nào từ đồn ra, đành cuốc bộ đến Khe Sanh, nhảy xe về Đông Hà, lên tàu chưa đến quê đã chớm giao thừa. Dạo ấy có đồng đội bị sốt rét rừng quật ngã. Sốt rét ác tính. Anh em cõng nhau luồn rừng không dám nghỉ một giây, vậy mà vẫn không cứu được. Dạo ấy có một đồng đội khác nữa, nghe tin bố mất, trên giải quyết cho về thăm. Đến nhà người cha thân yếu đã mồ yên mả đẹp. Dạo ấy có một đồng đội khác … Cái điệp khúc đó vang mãi bên tai tôi người lính già thủ thỉ bên tai tôi như người anh trò chuyện với người em, giọng kể với âm vực bình thản lạ lùng. Thêm một lần nữa tôi hiểu rằng, đời người lính biên phòng còn quá nhiều gian khổ mà đất cha ông thì dài rộng vô cùng…
Nhiều lần đi về với Cù Bai, đồn biên phòng hai lần anh hùng đang trấn giữ cửa ải miền Tây Tổ Quốc này, tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều những con người như thế. Những con người đều có những tâm tư tình cảm, ước vọng trao gửi khác nhau, nhưng đều mặc chung màu áo xanh, mang quân hàm xanh và cùng một nhiệm vụ giữ gìn trọn vẹn chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Xin được phép không kể ra đây những chiến công của người lính nơi tiền đồn này. Bởi khó có thể ghi hết sự cống hiến lớn lao của bao thế hệ người lính biên phòng Cù Bai vào cuộc chiến trường kỳ của dân tộc. Chỉ biết rằng ngày hôm nay, cơ hội cất cánh của đất nước đã bắt đầu. Nhưng không phải như thế là mọi chuyện sẽ tốt lành. Cửa ngõ có phong quang. Đèn đóm có sáng sủa. Rào giậu có thẳng thớm thì khách khứa mới tấp nập bắt tay làm ăn. Nhân dân mới yên tâm vươn lên giàu có. Rồi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nữa. An ninh quốc gia đè nặng lên vai người lính. Không mừng vui sao được khi thấy ở Cù Bai 98,5% quân số khỏe, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều chiến sĩ ra quân đã tự nguyện ở lại phục vụ lâu dài trong lực lượng biên phòng. Phương án tác chiến đã tính đến nhiều tình huống đột xuất xảy ra để chủ động xử lý. Vũ khí, khí tài sẵn sàng. Liên lạc thông suốt. Đồn Cù Bai thực sự là trung tâm văn hoá, giáo dục của nhân dân dân tộc Vân kiều xã Hướng Lập. Ốm đau nhờ bộ đội biên phòng thuốc thang. Thiếu gạo, nhạt muối nhờ bộ đội biên phòng trợ giúp. Mù chữ có bộ đội biên phòng dạy dỗ. Cả lời ca tiếng hát, điệu múa … đều nhờ đến bộ đội biên phòng hướng dẫn. Xây dựng trận địa lòng dân bắt đầu từ những công việc rất đời thường ấy.
Có một mảnh đất ai đã từng đến đó một lần không thể nguôi quên. Đó là Cù Bai. Có một mảnh đất ai đã từng xa một lần không thể không thương nhớ vì nơi heo hút chân mây ấy, nơi ngọn Cà Tam khói phủ quanh năm, ta bỗng gặp người anh em và chói chang màu cờ Tổ quốc. Đất mẹ rộng dài đến đâu, dù giữa thâm sơn cùng cốc cũng vẫn có hậu duệ của 50 người con lên rừng thuở xưa trấn giữ. Nơi ấy đồn biên phòng Cù Bai hai lần anh hùng lặng lẽ dựa vào lòng dân để chiến đấu giữ yên bờ cõi.
Máu của nhiều thế hệ biên phòng Quảng Trị đã đổ xuống nơi này, ký thác vào nương rẫy, sông núi, bản làng vùng cực Bắc xa xôi của quê nhà. Chính điều đó cứ vào độ áp Tết, khi đất trời chuẩn bị thay áo mới chờ xuân, chúng tôi lại gặp nhau và hỏi: “Bao giờ lên đường!”. Với chúng tôi Cù Bai luôn trước mặt.