Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cùng sách đi đến những chân trời xa hơn

Trong một lần dẫn những người bạn dưới xuôi đi trải nghiệm ở miền núi Hướng Hoá, chúng tôi bắt gặp những em nhỏ ngồi đọc sách dưới nếp nhà sàn bình yên. Những trẻ nhỏ này đều là con em đồng bào Vân Kiều, học Trường Tiểu học Hướng Phùng (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị).

Hình ảnh ấn tượng đó cũng sớm quên dần giữa những biến động của cuộc sống. Cho đến khi quay lại Trường Tiểu học Hướng Phùng trong chuyến công tác gần đây, nhận ra những mô hình của ngôi trường heo hút trên đỉnh Trường Sơn này là động lực để các em nhỏ tiếp cận gần sách hơn.

Cũng giống như bao ngôi trường miền núi khác ở trên đất nước này, Trường Tiểu học Hướng Phùng vẫn đang còn thiếu thốn trăm bề. Nhưng đi quanh một vòng mới thấy sự nỗ lực của thầy trò nơi này khi bố trí thật nhiều cây xanh, xen lẫn những mô hình sống động, rất thực tiễn. Điểm nhấn của trường là các công trình “biết nói”, như mô hình đảo Gạc Ma, bản đồ Việt Nam bằng đá cuội, nhà sàn truyền thống, địa đạo Vịnh Mốc và rất nhiều công trình khác khiến ai đến đây cũng phải trầm trồ. Ngoài ra, thư viện mở hay thư viện thân thiện nằm khiêm tốn bên hông trường, dưới tán cây xanh cũng là nơi ấn tượng, là khu vực học sinh hay lui tới. Ở đây ta có thể thấy sách các thể loại nằm ngay ngắn trên kệ. Giờ ra chơi, mọi người đều có thể lấy sách ra đọc hoặc đọc cho nhau nghe.

Cô giáo Trần Thị Phương Anh, phụ trách thư viện của ngôi trường này giới thiệu cho chúng tôi nghe về hành trình truyền cảm hứng đọc sách, yêu sách của tập thể giáo viên của trường. Cô giáo Anh cho biết, nhà trường có hệ thống thư viện khá đồ sộ, hàng tháng được bổ sung sách mới từ các nhà tài trợ. Ngoài ra không gian thư viện mở nằm ở bên hông trường, rất tiện lợi cho việc đọc sách của học sinh. Được vận hành vào năm 2016, thư viện mở đã cho những hiệu quả tích cực, đã tạo ra một lớp học sinh yêu sách, thích đọc sách. Thư viện được vận hành bởi các học sinh, cô giáo Anh chỉ là người giám sát. Hàng ngày thư viện được mở theo lịch trực của các lớp. Lớp nào trực thì phải quản lý sách, cùng những đồ chơi phục vụ giải trí. “Các lớp 3, 4, 5 thay nhau trực thư viện mở này. Mỗi buổi sáng học sinh nhận chìa khoá và mở tủ sách. Thứ 4 và thứ 6 hàng tuần tổ chức đọc sách cho nhau nghe, đồng thời chơi các trò chơi liên quan đến việc đọc sách. Học sinh ở đây đã bắt đầu hình thành thói quen tiếp cận với sách như thế”, cô giáo Anh tâm sự.

Hoạt động của mô hình thư viện thân thiện Trường Tiểu học Hướng Phùng - Ảnh: Y.M.S

Hoạt động của mô hình thư viện thân thiện Trường Tiểu học Hướng Phùng - Ảnh: Y.M.S

Một ngôi trường miền núi với gần 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cái ăn cái mặc còn khó khăn, thiếu thốn đủ đường thì việc đọc sách tưởng chừng là điều xa xỉ. Và chắc ai đến ngôi trường này đều nhận định cán bộ phụ trách thư viện như cô giáo Anh là người nhàn hạ. Nhưng không. Theo đánh giá của lãnh đạo nhà trường, để đáp ứng cái thú vui đọc sách của học sinh, cô giáo Anh trở thành người bận rộn hơn ai hết. Ngoài việc quản lý thư viện với số lượng đầu sách lớn, số lượng học sinh tương tác cao, hàng tuần còn phải thay đầu sách ở thư viện mở, tổ chức các buổi trò chuyện liên quan đến văn hoá đọc. Tất cả như làm cô Anh trở thành người “ngộ sách”.

Em Lý Ngọc Quỳnh Như, học sinh lớp 4 là một trong những học sinh “nghiện sách” của trường. Mỗi ngày ngoài việc theo giờ lên lớp, em Như tranh thủ thời gian nghỉ để vào thư viện tìm sách. “Em tìm thấy niềm vui trong những trang sách. Sách cho em những kiến thức và đặc biệt những câu chuyện hay, cảm động”, em Như cho biết. Hỏi bạn bè em có đọc sách như em không? Như cho biết: “Ngoài lúc đến trường, về nhà phụ bố mẹ, lúc rảnh rỗi không có sách thì buồn lắm. Các bạn em đều mượn sách ở thư viện về đọc. Thích nhất là truyện Doremon”. Cô phụ trách thư viện còn giới thiệu thêm cho chúng tôi về những bạn đọc nhí người Vân Kiều, là “khách hàng” thường xuyên của thư viện như Hồ Thị Ngọc Bích, Hồ Cu Bim…

Cô học trò “mọt sách” Nguyễn Thị Diễm Quỳnh của Trường Tiểu học Hướng Phùng nay đã là học sinh lớp 11. Bây giờ Diễm Quỳnh còn có biệt danh khác là “linh hồn” của thư viện Trường THPT Hướng Phùng. Để có được niềm đam mê đọc sách như lúc này, tất cả đều bắt đầu định hình từ thói quen đọc sách từ nhỏ. Chị Nga, mẹ của Diễm Quỳnh cho biết, Quỳnh mê sách từ nhỏ, khi học Trường Tiểu học Hướng Phùng đã lộ rõ niềm đam mê này. Cháu vẫn giữ được tình yêu sách ấy cho đến giờ. Thấy con đọc sách nhiều cũng lo, cứ sợ thị giác bị ảnh hưởng. Nhưng rất hạnh phúc khi thấy con có kiến thức rộng ở tất cả các lĩnh vực. “Hiện giờ, thư viện trường cháu đã đọc hết. Hàng năm cháu Quỳnh lấy hết tiền lì xì dịp tết của mình để mua sách. Ngoài ra tiền dành dụm được cũng đầu tư vào sách thay vì những thứ khác. Có được tình yêu sách như hôm nay, nền tảng từ những người truyền cảm hứng về văn hoá đọc như Trường Tiểu học Hướng Phùng thật đáng khen ngợi”, chị Nga chia sẻ.

Lý giải về việc học sinh ở nơi heo hút này thích sách hơn các vùng khác, thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng cho biết, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn khó khăn. Học sinh ngoài việc học còn phải lên rẫy. Cuộc sống cơ cực nhưng luôn khát khao cái chữ. Khác với những nơi thành thị, đời sống cao, học sinh có nhiều thứ để giải trí như đi công viên, xem tivi, được trang bị máy tính, ipad hoặc điện thoại thông minh. Hầu như những đứa trẻ thành thị nghiện điện thoại thì học sinh vùng núi này... nghiện sách. Lấy sách làm thứ giải trí duy nhất. Và dần dần nó trở thành một thói quen tốt, nếu không đọc sách thì rất buồn chán. Để có thói quen đọc sách cả cuộc đời, ít nhất thời niên thiếu, đặc biệt trong thời gian học tiểu học phải được người lớn truyền cảm hứng. Các em tìm thấy niềm vui trong sách và đọc sách một cách tự nguyện chứ không gượng ép, điều đó là một thành công ban đầu. Và Trường Tiểu học Hướng Phùng đã làm được điều đó.

Nhưng cũng phải khách quan mà nói, không phải học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nào cũng đam mê đọc sách như học sinh ở Trường Tiểu học Hướng Phùng. Để có một thế hệ yêu sách như thế, những thầy cô nơi này đã phải dày công tìm mọi cách để học sinh từ làm quen chuyển sang thích sách và cuối cùng là xem sách như một người bạn. Từ đó khơi dậy tình yêu lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai.

Trường Tiểu học Hướng Phùng là ngôi trường của sự sáng tạo. Dù mang danh là một ngôi trường miền núi, cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng sự đổi mới, sáng tạo luôn là điểm sáng của ngành giáo dục Quảng Trị. “Cha đẻ” của những ý tưởng độc đáo là thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, hiệu trưởng nhà trường. Theo thầy giáo Mai Trọng, để có được những thế hệ đọc sách, yêu sách như hôm nay, nhà trường đã không ngừng sáng tạo những mô hình để kích thích học sinh. Hàng năm đến Ngày sách Việt Nam 21/4, nhà trường tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh giá trị của sách đối với tri thức cũng như tạo cảm hứng cho học sinh đọc sách. Những mô hình sáng tạo riêng biệt, độc đáo đã ra đời mà đối tượng hưởng thụ là các em học sinh như con đường tri thức, con đường sách, hội trại sách, thư viện treo, đọc sách có thưởng... Năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày sách tại thành phố Đông Hà, thầy trò Trường Tiểu học Hướng Phùng đưa ba mô hình sách gồm “Cột mốc chủ quyền Trường Sa”, “Nhà giàn DK1 và con thuyền khát vọng Trường Sa” và “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” về tham dự. Năm đó, ban tổ chức cũng như khán giả, bạn đọc rất ngạc nhiên bởi một trường miền núi xa xôi lại có những ý tưởng lạ, hấp dẫn như thế. Mới đây, nhân kỷ niệm 33 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2021), thầy trò nhà trường đã tổ chức lễ ra mắt thông tin 64 liệt sĩ tại mô hình đảo Gạc Ma trong khuôn viên nhà trường. Công trình này góp thêm sự tri ân các anh hùng liệt sỹ giữa hàng chục công trình do thầy Mai Trọng và tập thể giáo viên của trường sáng tạo. Câu chuyện để vận động được các nhà tài trợ trong và ngoài nước gửi tặng sách đến ngôi trường ở miền núi xa xôi này cũng là một câu chuyện rất dài và rất sáng tạo từ những người thầy giáo tâm huyết với văn hóa đọc ở trên bản, làng. Và có lẽ, niềm vui của các thầy cô giáo chính là hàng ngày được thấy những đôi mắt sáng rực niềm vui khi được chạm tay vào sách.

Đường sách tri thức ở Trường Tiểu học Hướng Phùng - Ảnh: Y.M.S

Đường sách tri thức ở Trường Tiểu học Hướng Phùng - Ảnh: Y.M.S

Đem chuyện trẻ con ở Hướng Phùng mê sách hơn mê điện thoại trao đổi với ông Hà Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng. Ông Dương tấm tắc khen những ý tưởng tuyệt vời từ không gian mở của Trường Tiểu học Hướng Phùng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình thư viện thân thiện của nhà trường. Tính hiệu quả của mô hình đã kích thích sự đọc của các em. Và để minh chứng cho điều này, ông Dương cho biết: “Con gái tôi là Hà Phương Thảo dù mới học lớp 3 nhưng đã mê sách. Cháu mượn truyện từ thư viện về đọc. Mỗi lần đọc truyện xong cháu vuốt ve, nâng niu, giữ gìn. Hỏi thì cháu cho biết làm vậy để các bạn mượn sau có sách còn mới mà đọc. Chỉ chi tiết nhỏ này, tôi nghĩ cháu rất quý sách và thấy được giá trị của nó”.

Câu chuyện về những em học sinh mê đọc sách ở Trường Tiểu học Hướng Phùng làm tôi nhớ đến những danh nhân, nhà văn hoá thành danh nhờ “nghiện sách”. Đặc biệt là phải “nghiện sách” từ thời niên thiếu. Chẳng hạn như những năm tháng còn học tiểu học ở Quy Nhơn, thi sỹ tài hoa Hàn Mặc Tử là người mê sách. Đến nỗi trong cuốn sổ ghi lại tên người mượn sách ở thư viện Quy Nhơn, cái tên Hàn Mặc Tử chiếm gần phân nửa thư viện này. Không phải ngẫu nhiên mà người Do Thái là dân tộc thành công nhất thế giới. Cho đến thời điểm này, họ được xem là dân tộc thông minh nhất hành tinh bởi vô số công trình khoa học và các giải thưởng danh giá thế giới. Bí quyết của người Do Thái là dạy con yêu sách từ trong nôi. Khi còn là một đứa trẻ con chưa nhận thức được thế giới, những giọt mật được bôi lên sách để khiến những đứa trẻ tìm tới trong lễ hôn sách. Có thể trong nhận thức non nớt của đứa trẻ rằng sách là một “món ăn ngọt ngào”, từ đó khi nhìn thấy sách trẻ sẽ tìm cách lân la lại gần, lâu dần sách sẽ trở thành người bạn luôn đồng hành với chúng.

Tôi nhớ mãi câu nói của thầy Mai Trọng về hiệu quả của việc truyền cảm hứng đọc mà trường của thầy mang lại cho học sinh: “Chú thấy không. Những chiếc ghế và bàn ở thư viện thân thiện bị bào mòn, bạc màu. Những đứa trẻ khao khát tri thức đã từng qua đó và mang tình yêu sách đi đến những chân trời xa hơn”.

YÊN MÃ SƠN

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground