Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuộc gặp không hẹn

Cuộc họp ngày đầu tiên, tầm chiều tàn sớm. Chị đến tìm thầy trò tôi: “Anh Hai Tuân! Tội anh nặng lắm. Em vừa kiểm tra và xác minh “lý lịch” của anh qua Phan Chi, Chủ nhiệm bộ môn Sinh của trường. Bây giờ thầy trò anh lên xe, về nhà e ngay. Anh không nhận ra em, chứ em nhận ra anh sáng nay, lúc anh lên phát biểu ở hội trường. Cái giọng vừa pha Bắc Hà, vừa pha Quảng Trị, lẫn lộn sao được…”.

Sếp Tuân nhún vai, nháy tôi:”Tao đâu có nhớ hết mọi chuyện trên đời”…, rồi ông mỉm cười, một nụ cười cởi mở dành riêng cho chị.

Lần này đi Bắc bằng tàu hỏa, kể cũng êm, nhưng hơi phiền. Đợi ga mua vé chầu chực lên tàu, một ngày một đêm sinh hoạt tại chỗ với con người vốn thích nề nếp như ông Hai Tuân thật lắm nhiêu khê. Người đời không thích cái gì thì nó cứ lù lù đến. Thực bụng mà nói, cơ quan tôi, khối người thích đi với sếp. Đi với ổng, học tập được khối thứ cho mình khôn lớn: Phong cach sống, lối xã giao bạn bè, mối liên hệ công tác, phương pháp ứng xử với bề trên, cấp dưới … trong đầu ổng, một pho từ điển sống, tha hồ tra cứu, ứng dụng.

- Hai thầy trò nhà anh nhĩ ngợi gì thế? Đưa em xách bớt túi. Thằng Lâm đeo thêm cái này. Người đàn bà kéo sếp tôi lên xe, về khu tập thể ở bờ sông. Ngồi trên xe chị dành hết lời xét hỏi, tra khảo như một vị quan tòa với thủ trưởng tôi. Có lần nổi cáu, tôi định sinh sự.

- Không hẹn mà gặp lại anh trên chuyến tàu khỉ gió ấy. Tồi tệ đến mức ấy là cùng. Gần hai mươi năm rồi còn gì. Sau ngày bệnh viện trở về thị xã, em ra lại Bắc, đi học bác sĩ.

- Cô vẫn sống như xưa đấy, Kim Anh?

- Cả như xưa lẫn với như nay. Còn anh? Hết chiến tranh ở lại miền quê ấy, quên tất bè bạn, những người thân thiết đã từng chia ngọt xẻ bùi. Thế mà ngày ấy, khi sự sống hàng ngày treo đầu sợi tóc, lúc nào anh cũng bô bô: Tiền hậu thủy chung, nghĩa tình trọn vẹn. Than ôi, thời chiến tranh gắn bó là vậy, còn bây giờ? Thảo nào hôm quan ngồi trên tàu, anh không nhận ra em thì phải.

…” Đêm mùa xuân ngọt lịm. Trời về khuya, không gian yên tĩnh. Tiếng xình xịch tàu đêm lắc lư, ru ngủ hành khách. Trăng lưỡi liềm treo phía đông mờ ảo, man mác. Con tàu lanh lợi hoạt bát hẳn lên. Tiếng máy âm vang, trong trẻo, vẫn những toa cũ kỹ xa xưa được tân trang lại. Gường nằm, thiết bị, đèn đóm còn dùng sản phẩm tồn kho của những năm thế chiến. Giờ thì đường sắt xuyên Việt mới vượt qua cái kém cỏi, cha chung không ai khóc của những năm tháng bao cấp; còn tiến lên đuổi kịp bè bạn năm châu bốn biển, mấy ổng đầu ngành tàu này còn phải đau đầu bạc tóc…”.

-               Nói chuyện tiếp đi Kim Anh, suy nghĩ gì mà đăm chiêu vậy?

-               Em mường tượng lại chuyến tàu đêm qua. Khối chuyện dành về nhà nói. Còn anh? Cảm nghĩ gì khi đặt chân lên vùng đất văn vật mà một thời sôi nổi anh đã từng sống những mười năm ở đó?

-               Xa bao năm Hà Nội để đi về Nam, biền biệt từ thuở chiến tranh giữ nước, nay ra đi. Những đêm nằm ở Trường Sơn, nhớ Hà Nội, giấc ngủ đêm rừng cứ mộng mơ bài thơ từ thuở của Huỳnh Văn Nghệ

…Ai đi về đất Bắc ta theo với

Thăm lại non sông giống lạc Hồng

Từ thở mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long…

Nhà có những ai hở Kim Anh?

-         Để làm gì?

-         Chuẩn bị quà. Khách đột ngột không mời mà đến.

-         Ba nhân khẩu: Con gái lớn, thằng nhóc và bà chúa cô đơn.

-         Thế còn anh ấy?

-         Anh Tuân! Anh giả vờ đấy chứ?

Xe chạy về phía bờ sông, rẽ vào một ngõ rộng. Mọi người xuống xe. Căn nhà sạch sẽ, gọn mắt. Phòng khách ở giữa, trang trí tao nhã, không khoe khoang, ầm ỷ. Người đàn bà bước lên thềm, gõ vào cánh cửa gỗ:  “Hạnh ơi, mở cửa cho mẹ”.

Cô con gái chừng mười lăm tuổi, kéo rê dép Thái, theo sau một cậu con trai, mặt mủi sáng sủa chạy ra:

-         A! mẹ về, hoan hô ông thích ca mầu nhiệm. Cháu chàu bác, em chào anh.

-         Thằng Phúc không chào bác Tuân à? Tiên sư mày, cứ nhác hoài cái ông “áo trắng” trong ảnh, giống cậu Thao y hệt.

-               Thuyết đi đâu vắng? Lại du ngoạn rồi chứ gì? Ở đất Hà Thành, thỉnh thoảng làm đợt nước ngoài, sướng thật.

-         Anh mà cũng tị à. Con người một thời đi chán rồi, mộng mơ gì nữa? Thế anh chưa biết tin anh Thuyết ư? Giờ này sống ở Đức, vào làng Đức, lấy vợ Đức.

-         Sao? quốc tịnh Cộng hòa Liên bang Đức?

-         Vậy đó. Nghe cái Diệu đi cùng đoàn kể lại: “ hết nhiệm kỳ anh tất tưởi ba chân bốn cẳng “chuồn” sợ “voi cái” xé xác ra. Đàn ông như anh “đớn” lắm. Đồ “ miệng hùm gan sứa”. Thế mà một thời ra vào hòn tên mũi đạn xông pha trận mạc.

Phía tây, ráng chiều nhuộm vàng óng ánh đôi bờ dòng sông hắt lên những cuộn khói tím dìu dại. Thời tiết ấm áp. Hoàng hôn thong thả buông xuống con đê cao rộng. Không gian tĩnh lặng êm đềm. Một làn gió mát rượi vượt qua bờ đê, lướt nhẹ vào khuôn cửa sổ. Mùa xuân đem lại cái hương vị ngây ngất cho hoa lá, con người.

-               Nhà cửa thế này mà anh không về sống với vợ con.

Chao ôi đàn ông các anh tệ hại đến thế. Cứ lao vào nơi giàu sang, phú quý rồi quên hết quá khứ. Các anh bây giờ, trong đầu bây giờ đặc sệt: “cơ chế thị trường”, không sao hiểu nổi.

Cô gái từ dưới bếp đi lên:

-               Mẹ ơi ! chiều nay tự tay con làm cơm, chiêu đãi bác Tuân, mừng mẹ đi Sài Gòn về, mừng em Phúc thi đỗ Anh văn A.

-               Con gái của mẹ ngoan lắm.

Bữa cơm tối đã sẳn sàng. Kim Anh lôi trong tủ ra một chai rượi tây, đưa tôi:

-               Anh Tuân rót đi. Uống say mừng gặp mặt, kể chuyện xưa. Bác cho thằng Lâm uống thoải mái, đừng sợ thủ trưởng mày trong bữa tiệc.

Chị rút khăn thấm lau trán, nhẹ hai mắt đỏ ngầu. Người đàn bà nhìn tôi, khóc nức nở, nhắc lại những ngày gian truân ở chiến trường, lức ấy chị là y sĩ gây mê phòng mổ.

… Chao ôi ! Cái khu rừng xưa, đội phẫu thuật ấy bao lần chết hụt. B52, bom tọa độ, chất độc trụi lá mà anh em mình còn sống. Chỉ thương tiếc anh Trân, anh Thản, cô Vinh không còn nữa.

- Câu chuyện thời trẻ trung còn hằn sâu mãi trong em. Anh Tuân còn nhớ, nghĩ mà buồn cười. Vì một lẽ mà em uất ức anh, muốn băm nát anh ra từng mảnh. Sau ngày hòa bình, bệnh viện về thị xã, chiều hôm đó em trực. Một thiếu phụ nước da trắng ngần, đôi mắt tròn vạnh, sâu thẳm bước vào phòng. Chị xách một túi du lịch màu nâu, chạy lụp xúp sau một cậu bé khoảng lên năm, ăn mặc lính thủy.

- Cho chị gặp bác sĩ Tuân.

- Cháu kháu khỉnh giống bố như đúc. Lại đây với cô nào! Thiếu phụ ngoảnh mặt đi, nhìn xa xăm vào cõi hư vô, không trả lời mắt rớm lệ.

Cô y sĩ trực đáp lại bằng cái nhìn ranh mãnh, tức tối rồi lẩm bẩm: “Thế mà anh ấy bảo với mình chưa có vợ. Bọn đàn ông bây giờ đáo để thật”.

- Chị cho cháu sang phòng đợi, tôi sẽ gọi điện chồng chị ra đón.

Nói đoạn, y sĩ Kim Anh đến máy, quay vòng, gọi:

- A lô! Thủy đó hử? Bảo anh Tuân ra phòng khám có vợ vào thăm.

- Anh Tuân!

- Thoa! Em vào bao giờ thế?

- Hai hôm nay. Long, đến ba đi con.

Thằng bé da trắng, tóc húi cua tay đang mân mê cái điện thoại, long tong chạy đến, sà vào lòng mẹ:

-               Ai đó hở mẹ?

-               Ba đấy !

-               Không phải, mẹ bảo ba Long đi đánh Mỹ cơ mà.

Tuân ngồi xuống ghế, kéo Long vào lòng. Anh hôn chun chút vào má, nó ẩy anh ra.

-               Đây là bác sĩ phải không hở mẹ ?

Tuân cười.

-               Đến ba Tuân thương nào !

Tin bác sĩ Tuân có vợ và con vào thăm, người đến đông nghịt. Anh thì đến chào mừng vì Tuân có tin vui. Cô thì tò mò đến xem mặt mũi vợ con ông Tuân ra sao, người từ xứ Bắc vào, nói giọng dẽo quẹo. Ra về, chuyện qua lại bàn tán nở như ngô rang. Người thì khen chị ấy đẹp, da trắng trẻo, tóc đen láy dài đến thắt lưng, Mấy ông đứng tuổi bảo với đám thanh niên: “gái một con trông mòn con mắt” các cậu ạ.

Riêng Tuân, sau buổi chiều gặp mẹ con Long, anh trầm ngâm im ắng đến ngạt thở. Cuộc đời anh từng trải, thử thách của chiến tranh. Chỉ có y sĩ Kim Anh hậm hực, đợi dịp bùng lên ngọn lửa trả thù. Ở đây mọi người đều thừa biết: Trái tim chị đang yêu.

Một thoáng kỷ niệm những ngày gian khổ ở rừng lướt qua tâm khảm người đời như một ký ức nóng hổi vừa mới hôm qua… Một đêm mùa đông tạnh ráo. Gió bấc luồn qua khe hở của phên tre lạnh cóng. Y sĩ Kim Anh tay khệ nệ xách một thùng áo quần, săng gạc từ suối đi lên. Quýt y tá bưng một khay dụng cụ mổ xẻ, bấm đèn pin soi đường. Ánh sáng đèn pin hắt ra một đường chỉ nhỏ.

-               Kim Anh ơi! Chị có mệt không?

-               Có, nhưng anh ấy vất hơn chị.

-               Giờ về làm tý bồi dưỡng cho anh Tuân hở chị Kim Anh?

-               Cả đội chứ!

Trong lán mổ, kíp người đang làm việc căng thẳng. Hai cô thay quần áo vào cuộc. Công việc đang bộn bề.

Rét ngọt núi rừng miền Tây không giống nơi nào. Đêm về, sương lam phủ kín. Chỉ còn nghe tiếng suối reo, vọng vắng canh khuya.

-               Huyết áp anh ấy bao nhiêu?

-               Thấp lắm. Anh Tuân ơi! Thương binh mất máu nhiều. Anh bị vết thương gan sau một trận đánh giáp lá cà. Đêm nay các cô phải phân công, theo dõi từng giờ. Chú ý đặc biết ca này Kim Anh nhé.

Tuân về lán, bước chân nặng nề, mệt nỏi. Liệu Vinh có qua được đêm nay. Người bạn nối khố một thời giắn bó với anh bên dòng Nhị Hà…”

***

Uống nữa đi anh Tuân, uống đi để anh và em quên lãng chuyện xưa ấy. Lúc đó em ghen là phải lắm. Ai mà chả tin rằng anh là cha đẻ cu Long. Còn chị ấy đối xử với anh không còn khe hở. Riêng anh, im lặng chẳng có một điều giải thích. À quên! Bây giờ anh làm nghề ngỗng gì, hay tiếp tục công việc như xưa?

- Chuyển ngành rồi. Thời buổi cơ chế thị trường mà!

- Kinh doanh hả?

- Trong chiến tranh, anh đi “cưa”. Hết chiến tranh anh đi “cắt”. Còn bây giờ, chuyên môn đi “bịt”.

- Cẩn thận đấy! có lúc họ xé xác anh ra. Giá ngày xưa ấy, em không tự ái, ghen tuông thì chúng ta đã thành gia thất.

Chị đưa cốc rượu lên uống cạn, nói rành rọt:

- Bây giờ bác sĩ Kim Anh sống một mình, nuôi dạy hai con. Em và Thuyết li dị nhau rồi. Chừng này tuổi đầu, còn người đến “đặt vấn đề”. Chao ôi! Nghĩ mà buồn cười. Cái Hạnh bảo: “Người ta thích mẹ thì họ có “vấn đề” với mẹ, sao đâu”. Mẹ không có “vấn đề” với người ta, chẳng sao cả. Còn anh chị ấy giờ thế nào?

- Hưu rồi.

- Em cũng muốn xin hưu đây.

Hạnh reo to lên:

- Eo ôi ! Hưu à? Con nghe bác Cảnh về hưu nói: “Bác là H.T.”. Đố mẹ gì nào? Thật mà! Bác ấy nói: “Hết tiền, hết tình, hết thời, hết tất, đó là H.T. đấy”.

- Uống nữa anh Tuân. Thằng Lâm say cứ đi ngủ. Có bao giờ mẹ con em tổ chức được bữa ăn sum vầy như hôm nay. Vui vẻ lên, vô tư đi để quên bao nỗi đắng cay kiếp người. Giờ phút này, em là kẻ độc quyền, đã độc quyền, vị tất xúc phạm đến tự do đồng loại.

- Em thật tốt bụng như ngày xưa ấy.

- Không thật tốt đâu, em chỉ là người đàn bà bình thường. Loại như em khối ra ở chợ, ở phố.

Ngoài đường người đi lại tới tấp, nhộn nhịp. Một tốp nam nữ thanh niên về muộn sau giờ tan tầm, cười nói huyên thuyên, phả toàn mùi rượi. Vài ba chiếc ô tô đỗ dọc bờ đê, thử còi dưới màn hoàng hôn tĩnh lặng. Một chiếc xe đạp bóp chuông: “tích te, tích te”  dăm đứa con nít bu quanh ông già mua kem.

Kim Anh pha trà, mắt ráo hoảnh:

- Lòng tham con người thật vô đáy. Như anh Thuyết còn bỏ tất cả, ra đi, không ai ngờ thế.

 - Anh Tuân ơi! Sự đời đổi phắt quỷ quái gì vậy? Các anh cứ gào lên: Thời thông tin bùng nổ; quả đất sụt lở, lương tâm sụp đổ. Rồi thế kỷ vi sinh, vi tính; rừng xanh phá trụi; môi trường ô nhiễm; dân số gia tăng; đói nghèo ngự trị. Các anh coi chừng đó. Con người làm ra cái lò phản ứng hạt nhân rồi chính nó giết lại con người. Còn em ấy à? Niềm ghen tuông giới tính như ngon lửa tình dai dẳng, cay nghiệt, thù ghét đời, thù ghét những người đàn ông phản bội.

- Chính em đã từng nói: “Ai đã làm một lần điều thiện cho đời, đó là thiên thần rồi sao: em quên à?”

- A ha! Điều thiện! anh nói hay đấy anh Tuân ạ. Chúa Giê su đã từng ban phát điều thiện cho con chiên toàn thế giới. Còn đức phật Thích ca coi điều thiện là lý tưởng cao cả đạo Phật. Đối với thánh A-la, ông dạy điều thiện cho dân xứ đạo Hồi bằng giáo lý của những tập kinh co-ran dày cộm đấy chứ! Thế nhưng, tất cả đều vô nghĩa.

Anh Tuân! Em hỏi điều này hơi dớ dẫn, anh bỏ qua nhé. Từ ấy đến nay anh có gặp lại chị Thoa và bé Long không? Quan hệ anh, chị và cháu vẫn gắn bó như xưa chứ?

- Cho đến bây giờ em vẫn chưa tin sao?

- Không phải thế. Một dạo đi khám sức khỏe ở vùng tả ngạn, em có tìm vào thăm chị ấy – cu Long đã học phổ thông trung học, nhìn lên bàn thờ, ảnh người anh hùng liệt sĩ được viền bằng khung gỗ đặt trang trọng chính giữa, khói hương nghi ngút. Chị Thoa kể cho em nghe về sự hy sinh của chồng mình. Chính anh Tuân đã đưa hài cốt của anh Vinh về yên nghỉ trong khu nghĩa trang liệt sĩ quê hương.

- Chị gan góc thế ư? Từ đó đến nay ở vậy, nuôi con, thờ chồng, giữ đạo “tam tòng tứ đức”, em phục lăn chị.

-  Không phải thế đâu Kim Anh ạ. Bác sĩ Tuân và anh ấy, bạn học với nhau một thuở hàn vi. Chủ nhật nào hai người cũng có mặt ở ngôi nhà lợp bằng lá cọ ven bờ sông Nhị. Anh Tuân đi học ngành y. Còn anh Vinh vào sư phạm, đi B rồi hy sinh tại một miền đất quê anh Tuân.

Sau hòa bình em đem bé Long vào thăm mộ cha nó. Anh Tuân bảo em chưa vội nói cho Long biết về cha mình đã hy sinh. Phải nhen nhóm trong tâm hồn trẻ niềm tự hào, kiêu hãnh về gia đình, tấm gương sáng và tình cảm gắn bó với bố mẹ.

Chính anh Tuân và Kim Anh đã trực tiếp mổ cho anh Vinh. Vết thương gan về đến bệnh viện lúc đó ở rừng miền tây quá muộn – Người đời khen anh ấy có bàn tay nghề nghiệp từng trải, nhưng không cứu nổi người bạn tri kỷ của mình. Lần ấy, chị đem Long vào thăm khoa, thăm anh Tuân để đền ơn, trả nghĩa là vậy. Cũng rất may mắn được gặp em ở phòng trực, cô y sĩ ngày xưa cùng bác sĩ Tuân mổ xẻ, cấp cứu anh Vinh ở chiến trường.

- Chị Thoa ơi đừng nhắc lại chuyện cũ thêm đau lòng. Chính cái đêm đó em và anh Tuân đã dốc hết trí tuệ và sức lực của mình. Điều đó sau này em cứ day dứt, ân hận biết mấy. Chị và em đã mất quá nhiều nước mắt để tưới dịu những đêm thao thức, dằn vặt của quá khứ. Lúc đó em có lỗi với chị. Giá biết trước câu chuyện, lạy đấng thiên thần, em cầu mong cho linh hồn những người đã khuất thanh thản trở về thiên đường, thỉnh cầu thượng đế ban phước lành cho những kẻ ở cõi trần đã nếm đủ vị đời khổ ải đến nay đang sống.

Có những điều phải hàng chục năm sau mới hiểu hết, phải không chị Thoa? Những việc mà anh Tuân, em và đồng đội đã làm được hồi ấy cũng chưa đền đáp lại những mất mát, hy sinh, chịu đựng của chị, của bé Long và biết bao người mẹ Việt Nam rất đáng kính, tự hào của chúng ta.

T.Đ.P

Trần Đình Phùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 21 tháng 06/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

13 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/02

25° - 27°

Mưa

08/02

24° - 26°

Mưa

09/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground