Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuộc trò chuyện tháng ba

“TÔI NHƯ MỘT CÁI CÂY TRÊN ĐẤT”

“Tỉnh lẻ cô em nằm xem kiếm hiệp…” Có một câu thơ rất hay về tỉnh lẻ như thế của Yến Lan. Tôi tìm đến cây bút nữ Thanh Hà, như chị nhiều thú nhận: “Tôi đầy chất … tỉnh lẻ”. Có điều khi tôi gặp, cô gái tỉnh lẻ này không phải nằm xem kiếm hiệp mà đang cầm trên tay cuốn sách của “Đốt” (Dostoivsky).

- Thưa chị Thanh Hà, xin được bắt đầu bằng một câu hỏi thông lệ: Thành một người viết văn, chị đã bắt đầu như thế nào?

- Hồi là sinh viên tôi cũng tập tểnh viết, nhưng biết chỉ để mà viết, tôi chưa bao nghĩ mình sẽ viết văn. Ra trường những ngày đi xin việc mà không được nhận… Hình như tôi đã viết vì tự ái và trắng tay. Mục đích của tôi là “gây chú ý” để người ta hiểu rằng tôi không phải là Zero… Rốt cuộc lại được nhận đi dạy. Và như anh thấy đấy, bây giờ tôi cầm bút tay trái, còn tay phải cầm … phấn.

- Nhưng cái tay trái kia cũng làm tình làm tội cái tay phải của chị phải không?

- Biết làm sao được. Nhà nước trả lương để tôi dạy học, còn chuyện viết văn … nó không thuộc về “biên chế”, nhưng tôi đã trót mang mất rồi…

- Vâng, mặc dù chị đến với văn chương rất bất ngờ nhưng hình như chị rất có duyên với các giải thưởng, kể từ 1993 đến nay, năm nào chị cũng “ẳm” giải?

- Năm 1993 tôi được tặng thưởng tác phẩm tuổi xanh của Báo Tiền Phong cho truyện ngắn: “Người đàn bà thị trấn” – với tôi, điều này nằm ngoài sức tưởng tượng – năm 1994 truyện ngắn “Không đề” cũng do báo Tiền Phong trao thưởng. Năm 1995 tryện “Những bóng cây trên đất” được giải thưởng của văn nghệ Nha Trang, “chị tôi” được tặng thưởng của Báo Giáo dục và Thời đại…

- Và mới đây nhất, một truyện ngắn của chị lại được Báo Tuổi trẻ chủ nhật chọn là truyện hay nhất năm 1996. Nhiều người bảo rằng số giải thưởng của chị sẽ không dừng lại ngang đó, vì ít nhất còn có vài cuộc thi mà nghe đâu tác phẩm của chị đã được vào chung khảo…

- Với tôi mỗi lần được giải là mỗi lần vui, nhưng vui hơn vì đó là những cái siết tay tin cậy trên con đường văn chương vốn gập ghềnh.

- Nhiều cây bút trẻ và cũng thuộc phái đẹp như chị họ đến với văn chương từ nhiều lối, có nhiều người là con nhà nòi vì “ghen” văn chương cũng có di truyền, còn chị thì sao?

- Tôi là một con bé ở làng, ba tôi là cán bộ nông nghiệp, mất khi tôi chưa biết gì về đời. Mẹ tôi là cô giáo làng, dạy cấp một. Thuở nhỏ tôi mơ thành cô giáo, xong cấp ba thì vào sư phạm, ra trường lận đận chút ít rồi đi dạy cho đến bây giờ. Dạy trường công, dạy kèm “sư gia” … và sống chủ yếu bằng tiền công dạy học.

- Nhiều người bảo chị hiền thế, mà sao văn của chị lại “dữ dằn” quá, “từng trải” quá.

- Với tôi cuộc đời không phải là bài thơ ngọt ngào, cuộc đời vốn nó đã “dữ dằn” rồi, huống chi nơi sinh ra tôi vốn rất bạo liệt. Với lại, cái đẹp cái hay ai cũng thấy, ai cũng biết thì văn chương nói nữa mà làm gì. Thêm bản tính tôi rất sợ giả dối, nói một lời trơn tru cũng thấy mình giả trá thế nào ấy. Thành ra chỉ thấy thật khi nói về nỗi đau đớn, sự khốc liệt thôi. Có điều dù viết về cái gì, dù nhân vật của tôi là ai, đàn ông hay đàn bà, người già hay con trẻ … cuộc đời họ thế nào thì bao giờ, với tôi, đấy cũng là một niềm khắc khoải mong mỏi cho con người được sống tốt hơn, là mình hơn, nhân hậu hơn.

- Thế còn những nhân vật như cô Dạ trong “Dì tôi” hay chị Hoài trong “Ơi đò Ca Cút!” vừa đẹp huyễn hoặc vừa “liêu trai”, chị có bị “nhiễm” Bồ Tùng Linh không đấy?

- Cái đẹp trong giấc mơ của tôi hình như không có trong đời thật, mà đã là cái đẹp thì phải là ma mị, đủ sức dụ dẫn con người bởi thế nhân vật biểu tượng cho cái đẹp ở trong những gì tôi viết thường có một chút ma mị, huyễn hoặc gần như là ảo vọng. Còn Bồ Tùng Linh thì tôi vừa không thích vừa sợ … ma của ông.

- Đã gặt hái vài thành quả, chị có thể nói gì về những gì mình đã viết, buồn vui và những lo âu… Chị có sợ mình lại đi dưới cái bóng của mình?

- Ồ, tôi không nghĩ là mình đã có “bóng”, chưa có bóng thì lo gì đi dưới bóng, nhưng tôi sợ văn của tôi nhàm vì đời tôi nhàm lắm. Điều kiện của tôi lại không cho phép tôi đi đây đi đó để gặp, để thấy, để nghe. Vậy thì khi gặm hết cái vốn tôi tích cóp được từ đời sống của một viên chức gốc gác nông dân, tôi sẽ lấy gì mà viết? Đây là điều tôi rất lo, đấy, khi chưa ai biết thì lo viết ra người ta không thèm đọc, bây giờ được một vài người để ý lại lo hơn vì viết không như những gì đã viết. Mà viết, với tôi là một nhu cầu tâm linh, vì rằng tôi không biết làm sao để có thể sẻ chia nỗi niềm của mình với người khác. Vả lại hầu như tôi không biết sẻ chia cùng ai.

- Tất nhiên một ngày nào đó sẽ có người để sẻ chia, tôi tin như thế vì vừa trẻ, vừa xinh lại có tài như chị, nhưng nếu có một tiêu chuẩn nào đó để chọn “ý trung nhân” chị sẽ chọn như thế nào?

- “Anh ấy” biết văn chương hay không biết gì về nó cũng không quan trọng lắm, căn bản đó là một người đàn ông thực thụ với ba điều này: Thứ nhất là lòng tốt, thứ hai: Lòng tốt, thứ ba cũng là: Lòng tốt.

- Một điều gì để nói như là tâm sự chứ không phải “phỏng vấn” nhé?

- Vâng, đúng là tôi đang đi trên con đường chênh vênh thế nào, tôi như một cái cây trên đất, ở trên rợp bóng rất nhiều đại thụ, trông ngang cũng ngợp vì có hàng loạt người như mình đang đua chen. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn được là tôi. Đơn giản vậy.

- Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc chị một năm mới “đại cát”.

* HÌNH NHƯ MÌNH MỚI CHỈ ĐI VÒNG QUANH MÌNH.

- Hầu hết truyện ngắn của bạn thường không có chuyện mà chỉ là lát cắt của những khoảnh khắc bất chợt nào đó trong cuộc sống quá dài này. Người ta đã nhận định về những chuyện ngắn ấy nhiều cách khác nhau, có khi trái ngược. Với tôi, truyện ngắn của bạn luôn có chuyện: đó chính là nỗi bất định của những người luôn cảm thấy bơ vơ. Có thể, đó là tâm trạng của một lớp trẻ chăng?

- Tôi không có tham vọng khái quát tâm trạng của một thế hệ bằng tâm trạng nhân vật của mình. Tôi nghĩ việc đánh giá truyện cũng gần với việc xem tranh: phải đứng lùi ra một chút. Có thể thế hệ khác sẽ nhìn nhận như thế, hoặc chính thế hệ tôi, sau này, khi nhìn lại. Như vậy, mọi việc sẽ có vẻ khách quan hơn, bình tĩnh hơn.

Tuy vậy tôi cũng có quyền nói một chút về những nhân vật của mình: họ là những người trẻ tuổi thời bình, không bị lẽ sống - chết đe doạ, cũng chưa bị gánh nặng trách nhiệm gia đình hành hạ, nhưng vẫn có cái gì đó để họ quá buồn lo … đến nỗi … đôi khi phát cáu về sự phẳng lặng trong đời sống của mình. Đọc lại những gì đã viết, tôi thấy hình như mình chỉ mới đi vòng quanh mình.

- Bạn đã làm thơ khi còn tuổi thiếu nhi, đã viết truyện khi đang còn sinh viên, giờ đây, là một bác sĩ đã ra trường, bạn có kế hoạch nào không, trong công việc cũng như trong viết lách?

- Tôi hiện đang làm việc tại bệnh viện. Công việc thất thường, lúc bận lúc không, tuy nhiên giờ giấc trở nên bó buộc hơn. Tôi thấy mình có vẻ e dè hơn ngày xưa rất nhiều. Từ khi đi làm, tôi không viết được nữa. Đó là do những vui buồn quanh tôi, hầu hết diễn ra trong bệnh viện. Mà tôi lại quy ước hạn chế hết sức việc viết về công sở nơi mình làm việc. Những chuyện vui vẻ nho nhỏ còn lại thì không làm tôi có hứng thú gì cả.

- Còn bạn, bạn nghĩ sao về chính mình? Bạn có băn khoăn nhiều về tương lai?

- Tôi là một người khó tính, hay nổi nóng. Lúc nào, đi đâu, cũng phải có bạn thân bên cạnh. Bạn thân thì nhận xét về tôi: “Cũng vui”. Có lẽ do lúc nào tôi cũng loay hoay, không yên. Tôi không thích đám đông và đặc biệt sợ các buổi giao lưu. Tôi không dám nghĩ trước, nói trước gì về tương lai, vì ngày mai sẽ khó tiên luợng. Tôi chỉ cố gắng sống cho thật đúng 24 giờ mỗi ngày, để đêm nào cũng ao ước: “Phải chi mỗi ngày có 30 tiếng”.

- Vậy một ngày bình thường, bạn đã sử dụng 24 tiếng như thế nào?

- Mỗi ngày tôi dạy lúc 5 giờ 15 giờ sáng, bất kể đêm trước đi ngủ lúc mấy giờ. Rồi đi làm ở bệnh viện cách nhà khoảng 10 cây số. Có hôm ở lại  bệnh viện suốt buổi chiều. Hôm nào không ở lại thì đi học thêm ngoại ngữ. Hình như ngày nào tôi cũng có việc để chạy đây đó, thường ít khi có mặt ở nhà trước 7 giờ tối. Một ngày bình thường nghĩa là phải tính cả thời gian ăn tối, ngủ, học bài … ở nhà của bồ tôi. Buổi tối về đến nhà, sau vài chục cây số hít khói, bụi, gió mưa ngoài đường thường rôi rất mệt, hầu như không xem ti vi, không nghe đài, chỉ đọc báo, đọc sách, nói chuyện với mẹ tôi rồi đi ngủ. Để tranh thủ tôi luôn gắn headphone để nghe băng ngoại ngữ. Thường là có nó thì ngủ nhanh hơn. Đó là một ngày bình thường, khi không có vụ viết lách dính vào.

- Bạn có giải trí không, chẳng lẽ lúc nào cũng căng thẳng như thế?

- Nhìn lại tôi thấy mình ít giải trí quá. Bạn trai tôi đã tổng kết: “Hoá ra từ trước đến nay chỉ toàn chở bồ đi công chuyện chớ có mấy khi đi chơi đâu”. Tôi bây giờ khác hồi 20, 21 nhiều lắm, hầu như không đến quán cà phê ngồi nữa, cũng ít đến nhà bạn gái tán dóc và cũng không rãnh rỗi để đi tỉnh này tỉnh kia chơi như trước. Tôi không nghĩ ngợi về những đổi thay này. Bây giờ tôi đã 27, phải làm việc thôi, cũng như khi còn nhỏ, tôi cũng phải đi chơi. Nói chung giai đoạn nào cũng có việc của nó, nếu không làm, về già sẽ hối hận mất.

* HOÀNG DẠ THI VÀ PÊLÊ TRẮNG

Chưa tròn 18 tuổi, Hoàng Dạ Thi đã có hai tập sách đã xuất bản: Tập thơ “Cái chuông vú (NXB Thuận Hoá 1988) và tập truyền Pêlê trắng (NXB Kim Đồng 1994)” được tặng thưởng của Hội LHVHNT Việt Nam năm 94 và được giải B của NXB Kim đồng 1995.

Hai cái vú của mẹ là hai cái chuông

Cơn sờ vào

Nó kêu: kreng, kreng, kreng,…

Con mượn hai cái chuông vú

Con đi bán kem

Ai nghe tiếng chuông vú cũng đi đến mua

Kem vú ngọt lắm

kreng, kreng kreng,…

Gần 50 bài thơ làm nên tập Cái chuông vú đều mang một giọng điệu ngộ nghĩnh, một thế giới trẻ thơ từ cách nhìn đến cách nói, mỗi bài là một phát hiện qua cái nhìn của trẻ thơ. Những kiểu “nói thơ”  như vậy, Hoàng Dạ Thi coi như một trò chơi từ thuở lên ba, được mẹ em ghi lại. Mấy năm gần đây, Dạ Thi xuất hiện với tư cách là người viết truyện ngắn và vẫn giữ được tư duy ngộ nghĩnh đầy tính phát hiện ấy một cách nhất quán. Mười hai truyện ngắn trong tập Pêlê trắng thể hiện thế giới tinh thần của lứa tuổi “choai choai” một cách sinh động, tươi trẻ nhưng cũng không ít những lo âu trước cuộc đời: Một cô bé nhí nhảnh đầy nam tính thích chơi bóng đá, một cuộc chuyển đổi nơi ở gây một trạng thái tâm hồn bất ổn về nơi mới đến, những nổi nhớ về bạn bè, về mẹ, về bà ngoại, về thầy giáo… Hình như không có chuyện gì to tát mà chỉ là chuyện thường ngày, thế giới quanh ta mỗi ngày. Nhưng chính cách nhìn, cách kể những câu chuyện không đầu không cuối ấy; cách phát hiện cuộc đời, lòng người và tâm thế con người, đôi khi nó vu vơ vụn vặt, lắm lúc còn vớ vẩn nữa, đằng sau nó vẫn cộm lên nhiều vấn đề làm người đọc phải quan tâm, suy ngẫm. Pêlê trắng, Noel khác, Con gái, Mẹ tôi, Bà ngoại, Nữ sinh trung học, Thứ sáu ngày 13, Ngoảnh lại … là những truyện như thế, những truyện mà đôi khi đọc qua ta cũng có thể đoán biết được nội dung nhưng khi đọc rồi mới thấy ma lực của trang văn.

Ở đây tôi gặp dáng dấp một cô gái Huế trong suy nghĩ của người ta thường là một cô gái dịu dàng với mái tóc xoã ngang vai và cái điệu bộ rụt rè e thẹn phảng phất đôi nét thuỳ mị, ngoại trừ nó… Cái chân dung tinh thần trong truyện Trò giỏi này, ta còn gặp lại trong nhiều truyện khác, biểu hiện vóc dáng tâm hồn của tác giả bao giờ cũng sôi động, nhịch ngợm, ấn chứa đằng sau nó những gì đằm thắm sâu sắc của một người luôn quan tâm đến mọi người. Ở một truyện khác, truyện Trung thu năm trước, người đọc lại bắt gặp một giọng điệu khác hẵn, như một phép lạ hoá của chất thơ: Trung thu đến bao giờ cũng gợn lên trong lòng tôi một nỗi buồn nhớ. Trung thu năm trước ư? Cái năm trước ấy đã trôi xa, rất xa, từ khi em tôi còn sống. Trung thu với những kỷ niệm êm đềm, chẳng bao giờ quay trở lại với chị em mình…” Có thể nói, ngòi bút truyện ngắn năng động của Hoàng Dạ Thi không chỉ biết chọn giọng điệu cho từng truyện, từng nhân vật mà còn thể hiện được tín hiệu đáng mừng là người có “văn” ở những bước đi đều tiên đến với văn chương.

Tôi thích những truyện nho nhỏ của Dạ Thi. Với lối trần thuật giản dị, chân thành, những mảnh tâm trạng chân thật về cuộc sống quanh ta, cuộc sống của thời bình với những yêu ghét, hờn giận và lo toan vặt vãnh… Không lên gân, không cầu kỳ, không sành lắm với các trò chơi kỹ thuật và cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào những truyện ngắn có tư tưởng lớn. Dạ Thi chỉ quan tâm đến những việc nhỏ, chuyện nhỏ như những trò chơi đó, cô bé chưa đặt chân vào ngưỡng cửa đôi mươi đang đi tìm chính mình.

Lê Đức Dục – Ngô Thị Kim Cúc – Phạm Phú Phong
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 30 tháng 03/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground