Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đánh giặc trên hàng rào điện tử (trích)

…Bọn Lầu Năm Góc đã tung ra một chiến dịch tuyên truyền cỡ thế giới về cái hàng rào này; dựa theo đó, bọn tâm lý chiến Mỹ nguỵ ở miền Nam đã gợi ra một ý niệm khủng khiếp về "hàng rào Mac Na-ma-ra", đại loại như thế này: hàng rào điện tử sẽ có một hệ thông dây điện có sức hút giết người từ năm trăm mét, có thể phân biệt được tiếng chân người với tiếng chân của những động vật khác; rồi đây chắc chắn là một con chuột cũng không lọt qua nổi hàng rào, v.v... Chưa ai hình dung ra được cái hàng rào nó sẽ ra làm sao cả. Nhưng thấy cung cách làm ăn đại qui mô của công binh Mỹ, anh em du kích lúc đầu có nhiều người bị ám ảnh, và đã cảm thấy "sắp mệt tới nơi". Bàn đi bàn lại mãi vẫn chỉ là đoán mò, chưa ai đưa ra được một cách lý giải khoa học để tính kế làm ăn với cái hàng rào nguy hiểm này. Cuối cùng, nội bộ họp củng cố và khẳng định tư tưởng với nhau: "Nói như vậy là cùng đường rồi à? Bất luận thằng Mỹ có phù phép bằng trời đi nữa, cách mạng vẫn nhất định thắng lợi. Nói gì kệ mệ nó, nó làm tới đâu mình đánh tới đó, vỏ quýt dày có móng tay nhọn..."

Với quyết tâm như vậy, những người du kích Nam Bến Hải ngay từ đầu đã tiến công liên tục vào bọn làm hàng rào. Bị ăn đòn đầu tiên trong khu vực hàng rào là tiểu đoàn 8 dù nguỵ, đang tiến hành càn quét ở vùng bờ biển, cộng thêm cái tội doạ "trói cách Việt Cộng vào hàng rào điện tử". Bị du kích tập kích dữ dội một cách không ngờ, bọn chúng co cụm lại trên đồi 31, xây lô cốt trụ lại ít lâu rồi bỏ chạy, vất gánh nặng lên vai lính cộng hoà Sư đoàn i. Sau đó, lính thuỷ đánh bộ Mỹ thay thế hẳn nguỵ chốt hàng rào; đến thời kỳ "Việt Nam hoá" lại chuyển sang bọn nguỵ Sư đoàn iii, nhưng quân cơ động Mỹ vẫn yểm trợ bằng những cuộc hành quân dã ngoại thòi thụt ra vùng tuyến.

Cứ kể từ năm 67 trở đi - nghĩa là từ khi ba xã ven tuyến hoàn toàm giải phóng, cho đến khi quét sạch tuyến cứ điểm địch ở Nam Bến Hải vào đầu năm 1972, để đứng chân được trên địa bàn đánh hàng rào Mac Na-ma-ra, đội quân du kích ở đây đã phải đương đầu với toàn bọn chính qui sừng sỏ loại một của quân đội Mỹ nguỵ, giỏi đến nỗi mỗi lần bọn địch muốn nóng ra một chút quanh các cứ điểm cho đỡ nghẹt thở, chúng buộc phải tính toán từng tay súng, đếm đủ một tiểu đoàn trở lên mới dám mở một cuộc càn vội vã, vừa đi vừa chạy qua địa bàn nho nhỏ của một xã.

Lực lượng trực tiếp đánh hàng rào được bố trí như sau: xã đội Trung Giang cùng với bộ phận thoát ly của Gio Hải, trực tiếp đánh phá hàng rào từ mặt trước; lực lượng chính của toàn xã Gio Hải phối hợp đánh hàng rào từ trong ra, giữ vững địa bàn đứng chân phía bên trong hàng rào, kết hợp với bộ đội tinh nhuệ bám đánh cảng Cửa Việt; xã Gio Mỹ cùng với Trung Giang và đội 3 Gio Linh vây đánh các cứ điểm vùng bờ biển và đánh bọn Dơi - Nhện để giữ hành lang, còn du kích Trung Hải thì giữ nhiệm vụ vây ép hệ thống cứ điểm Dốc Miếu. Tất nhiên, nhiệm vụ cơ bản được phân công như vậy. Còn thực tế thì lại linh hoạt vô cùng, đầy tính chất kết hợp, phối hợp, ứng chiến, tao ngộ trong cách đánh giặc của người du kích.

Lúc đầu là đánh vào bọn công binh nguỵ đi làm hàng rào, cài mìn, đơm bẫy trên những đống vật liệu. Mỗi ngày nó đưa một trung đội ra thi công hàng rào, làm được khoảng ba chục mét, rào đoạn nào là hoàn chỉnh và giữ chặt lấy đoạn đó. Bị đánh, nó gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng làm xong hàng rào, bịt ngang con đường từ thôn 8 đến đồi 31. Từ đây lên đến Dốc Miếu, chúng chỉ mới giăng bùng nhùng chủ yếu là dùng bãi mìn, xe tăng và bọn Dơi - Nhện để ngăn chặn. Đây là giai đoạn địch gây khó khăn ghê gớm cho ta: đi đâu cũng gặp phải "mắt thần", bãi mìn, Dơi - Nhện, trước mắt là cái hàng rào bí hiểm, đụng vào là nó bật sáng và nổ. Lúc này, mặt trận đường 9 đang hết sức nóng bỏng, bằng cách nào cũng phải chọc thủng hàng rào để mở cửa hàng lanh đưa lực lượng vào áp sát và cắt đứt cuống họng địch ở cảng Cửa Việt. Với con người, nhất là với những chiến sĩ thuộc đơn vị mang số hiệu 1A nổi tiếng là "hung thần của cảng Cửa Việt", thì vượt qua hàng rào điện tử không phải là quá khó, kể cả việc luồn qua hàng rào không để lại dấu vết. Nhưng vấn đề là phải chuyển những vũ khí nặng, cồng kềnh và phải bảo đảm tuyệt mật.

Cái loại dây thép lá mía mới xuất hiện này cũng rất lạ đối với du kích: mìn clay-mo chỉ như gãi vào da nó B40, B41 cũng chỉ làm vỡ những mảnh nhỏ, bộc phá ném vào chỉ làm nó rùng rùng lên mấy cái rồi lại ỳ ra như cũ, kéo thì cắt không đứt. Hay chính là loại dây điện hút người đây chăng? Du kích Trung Giang phải đi mượn của đơn vị bạn loại kéo đặc biệt cắt hẳn một cuộn gánh về để nghiên cứu, một cuộn chuyển lên để "báo cáo". Ít lâu sau, trên xác địch chỉ là thép gai loại cứng, không có gì đặc biệt, dùng bộc phá với cách sử dụng cải tiến theo lối mới là phá được. Du kích đem thử nghiệm, thấy hiệu quả và từ đó bắt đầu chọc thủng từng mảng hàng rào. Lúc đầu chỉ chọc thủng từng điểm vừa đủ đi lại trong một đêm, sáng hôm sau, địch chữa lại, vài đêm sau, du kích lại phá. Về sau, ngày nó làm đêm ta phá, nó chữa chỗ này ta phá hai ba chỗ khác, đêm sau lại phá dồn thêm năm bảy chỗ khác nữa. Nửa năm sau thằng địch bắt đầu ngao ngán, chỉ sửa chữa lấy lệ, ta tiếp tục phá banh hàng rào, đến cuối năm 70 thì việc đi lại thông thương, hàng rào điện tử Mac Na-ma-ra chỉ còn lại từng đám bùng nhùng tả tơi, như cái xác không hồn. Bọn Dơi - Nhện cũng rút dù đi sạch, bọn còn lại co cụm vào các cứ điểm, bám chặt lấy những công sự bê-tông để cố sống giữa vòng vây chặt cứng của du kích.

Lối đánh bằng vũ khí tự tạo được anh em du kích ở đây rất say mê, là phóng bom vào các căn cứ địch. Bom pháo không nổ của địch ở vùng này dày đặc lại dễ nhặt, mỗi ngày cần năm bảy chục, một trăm quả cũng có. Nhặt đem về cải tiến bộ phận ngòi nổ, đắp đất làm bệ, rồi dùng sức mạnh bộc phá tống đi. Vì đã tháo bỏ mất phần đuôi, quả bom cứ lộn vòng lạch xạch trên không, trông rất buồn cười, nhưng vẫn nổ đúng mục tiêu đã định, và khi nổ thì hiệu quả không kém một quả bom ném từ máy bay xuống. Có thể điều chỉnh dây cháy chậm trong ngòi nổ để quả bom nổ ngay khi chạm vào mục tiêu, nổ trên không, hoặc rơi ịch xuống đất, chờ địch bu tới xem mới nổ. Có thể phóng đi hàng loạt một lúc, giống như pháo cấp tập. Có thể phóng một quả bom 250 bảng Anh, đào một cái hố đường kính đến bảy mét bằng một quả mìn muỗi với một cân bộc phá. Chỉ cần một cự ly ba trăm mét với một mặt đất nghiêng 45 độ, là du kích có thể đánh địch "bằng không quân", hoặc pháo binh. Do cự ly ngắn, nên đánh cái này lại chính xác hơn là DKB, A12. Chỉ vất vả một chút là đốt dây cháy chậm xong lại phải cắm đầu chạy thực nhanh. Để tránh sức nổ của khối bộc phá, còn phản ứng của địch thì không đáng kể, vì phải một giờ sau đó, chúng nó mới dám chui lên khỏi công sự. Cách đánh này làm cho địch hết sức khiếp đảm. Những lần đầu mới bị đánh, nó la hoảng lên là miền Bắc đưa máy bay vào ném bom. Hồi ấy du kích phóng vào đồn Mụ Chao bốn quả bom, nổ hai quả. Sáng ngày bọn lính nguỵ nhìn thấy rõ ràng là quả bom, chúng thất kinh, bỏ đồn chạy luôn. Từ khi lối đánh bom phát triển mạnh mẽ trong chiến tranh du kích, bọn địch trên tuyến Mac Na-ma-ra càng ngày càng co rúm lại trong công sự của chúng, chiến thuật vây ép càng trở nên có hiệu quả mạnh mẽ. Giải phóng căn cứ Dốc Miếu trong chiến dịch 1972 là lực lượng du kích của ba xã Trung Sơn, Trung Hải và Trung Giang. Du kích vây chặt căn cứ, và bắn bom liên tục suốt ba ngày đêm liền, đêm cuối cùng thì bắn cấp tập thành bão lửa. Bọn nguỵ Sư đoàn 3 ở đây chịu không nổi, nửa đêm 31-3 tháo chạy khỏi Dốc Miếu , sáng hôm sau, du kích tràn vào chiếm căn cứ.

* * *

Dũng sang bến đò Cửa Tùng đón Thi và tôi về Trung Giang bằng một chiếc thuyền thúng. Nước sông Bến Hải chảy xiết, ngọn nước cứ muốn kéo chúng tôi ra biển. Mới thấy Dũng là một tay chèo thuyền thúng giỏi, chiếc thuyền cứ chênh chếch cắt mặt nước đâm vào bờ, nhẹ nhàng như một chiếc thuyền thoi. Dũng vừa chèo vừa cắt nghĩa: "Ở cửa sông, loại thuyền này lợi thế hơn là thuyền thoi. Nó chống lại sức nước giỏi, vừa đi sông lại vừa ra biển được". Trời đã tối hẳn. Bên bờ Bắc, cánh rừng dương Vĩnh Giang tối thẳm lại, ngọn vút lên nền trời một đường thẳng từ cao xuôi dần xuống cửa biển, ở đó ngọn đèn biển Cửa Tùng nháy đều trong sương mù. Sau những ngày mưa lất phất theo sau đợt bão xa, trời bỗng quang hẳn, bắt đầu có ánh trăng. Trăng non mùa đông lạnh và huyền ảo, làng biển ẩn hiện trong sương, đẹp lạ lùng, cái vẻ đẹp cứ như khinh thường mọi cuộc tang thương vật đổi sao dời đã kéo qua đây hàng chục năm trời. Đúng là trong tôi vẫn còn phảng phất chút máu giang hồ tuổi trẻ, cứ bắt gặp cái bát ngát thoảng mùi bùn mặn của cửa biển là lòng đã rạo rực, chân đi không đành. Chúng tôi ngồi lê trên bãi biển Cát Sơn, nói chuyện hồi chiến tranh. Hồi ấy Dũng làm trung đội trưởng du kích, sau đó làm chính trị viên xã đội Trung Giang là đơn vị được phân công đánh trực diện vào hàng rào điện tử. Dũng vào du kích từ năm 66, lăn lộn trên địa bàn Trung Giang này suốt cả cuộc chiến tranh. Tôi hỏi Dũng một điều vẫn băn khoăn:

- Làm thế nào các cậu có thể đi lại được như vậy trên bãi mìn và máy thu tiếng động của hàng rào?

Dũng cười, nhích nhích những ngón tay:

- Du kích bọn em thì chỉ có hai bàn tay với hai bàn chân thôi anh ơi. Tay có giỏi thì chân nhờ, dở thì chân chịu. Cứ đo rộng một sải tay trên mặt đất, mò cho hết mìn thì thành con đường. Ờ mà cũng lạ. Tay chân mình lúc đó nhạy hơn bây giờ nhiều, thính như mũi con chó săn, đụng phải cái gì lạ lạ là phát hiện ra ngay.

Liên hệ với thực tế, tôi hiểu lời giải thích của Dũng là có lý. Giữa cái chính xác của máy móc và thực tế, bao giờ cũng có một sai số; sai số ấy không cần nhiều, đôi khi chỉ là năm ba mét vừa đủ để toài người một cái... Từ cái máy báo hiệu tiếng động, đến chiếc máy bay trên không xuống lại cái thằng bắn pháo dưới đất, đến quả pháo bay tới mục tiêu... Đúng là cái hàng rào điện tử còn để hở những khoảng cách thừa thải cho người du kích hành động- Những người du kích có mười đầu ngón tay "thính" như mũi chó săn, và một hệ thống phản xạ của cơ thể mẫn cảm và nhạy bén hơn trình độ điện tử. Cái khoảng cách ấy dư dật đến nổi thằng Dũng bạn tôi đây, vừa phá hàng rào, vừa thả lưới, năm 1969 mình nó kéo được mười tám tấn ruốc tươi, gửi lên rừng "làm nghĩa vụ" - cái đó thì tôi phục Dũng sát đất - còn lại làm ruốc để dành, giải phóng xong ít lâu là nó mua đủ gỗ, giờ sắp làm nhà rồi đấy.

Thời kỳ đầu đánh hàng rào, lúc mới chọc thủng được từng cửa khẩu nhỏ, việc đưa lực lượng băng qua hàng rào gặp khó khăn chưa từng thấy bao giờ. Có lẽ cái hàng rào này vào thời kỳ ấy đáng được gọi là tấm lá chắn điện tử của cảng Cửa Việt, nếu nó không gặp một đối phương đánh từ sau lưng nó, là xã Gio Hải.

Cái xã bảy ngàn dân nằm giữa khu tập trung này là một căn cứ lõm, hư hư thực thực nhưng bất khả xâm phạm, tồn tại trường kỳ giữa lòng địch, chính là nơi thu giấu quân, nơi cất giấu vũ khí, là bàn đạp của bộ đội đặc công - nước đi đánh tàu và là bệ phóng của hoả lực kề sát mang tai cảng Cửa Việt. Một buổi sáng tinh mơ nào đó, bọn địch đi kiểm tra hàng rào đang cuống cuồng đuổi theo dấu dép của một "toán Việt Cộng" mà chúng phán đoán là vừa mới vượt hàng rào đi ra phía Bắc, thì chính trong lúc đó, cả một đội quân mang ngược dép cao su lại đang đi sâu vào cảng Cửa Việt, lặn xuống dòng cát Gio Hải, để rồi bất thần đánh đắm những đoàn tàu, làm nổ những kho tàng của chúng; bọn Mỹ đã phải đối phó đủ mọi cách mà vẫn không tài nào lường nổi. Ôi, xã Gio Hải, một vùng cát nằm lọt vào giữa cảng Cửa Việt ở phía Nam và hàng rào điện tử ở phía Bắc, nằm ép giữa trục cứ điểm Quán Ngang - Dốc Miếu phía Tây và họng pháo của hạm đội 7 phía Đông - cái xã kì lạ đến phi thường ấy đã luôn luôn giữ vai trò chủ công của hai mặt trận lớn ở hai đầu, và đã sản sinh ra hàng trăm dũng sĩ diệt Mỹ, cùng với người xã đội trưởng du kích đánh tàu nổi tiếng trên sông Cửa Việt: anh hùng Trương Quang Thọ.

Trong chiến tranh, có một tuyến hành lang khá an toàn luôn luôn được chọn để băng ngang qua khu vực hàng rào điện tử. Đó là đường đi đâm vào dưới chân các căn cứ địch, như đồi 31, Dốc Miếu. Vốn là chốn an toàn của địch, khu vực này tránh được cái nạn bom pháo bắn bất tử từ bốn phía tới, đồng thời cũng tránh được cả những bãi mìn của hàng rào điện tử. Chiếm được khu vực này, ta sẽ có được một con đường hành lang yên ổn nhất trong toàn cuộc chiến tranh. Những đội bắn tỉa đã hoạt động rất có hiệu quả, vây chặt các căn cứ địch, nhốt chúng lại trong những công sự, không cho chúng ló mặt ra bên ngoài. Tay súng bắn tỉa nổi tiếng nhất trên tuyến hàng rào Mac Na-ma-ra mà tôi đã gặp là một cô gái, o Hoàng Thị Chấm, nữ du kích xã Trung Hải. Tiểu đội của o nhận nhiệm vụ vây ép Dốc Miếu bắt đầu từ năm 69. Tiểu đội gồm mười hai đồng chí, trang bị một súng trường bắn tỉa do o Chấm giữ, một khẩu cối 60 ly, năm tiểu liên và B40. Trang bị mạnh như vậy, bởi vì ngoài việc bắn tỉa (càng về sau càng khó làm ăn vì địch không dám ngóc đầu lên khỏi công sự), tiểu đội còn phải tập kích và đánh càn khi nó phản ứng nống ra. Bây giờ qua Dốc Miếu theo đường cũ, từ phía Bắc vào nơi quành tay bên phải còn thấy vết những chiếc hầm ếch đào lõm vào vách đồi. Đó là hầm ở của tiểu đội o Chấm hồi vây ép, chỗ ấy chỉ cách trung tâm căn cứ này một ki-lô-mét; còn công sự thì chỉ cách đồn nó chín trăm mét, đúng cự ly bắn tỉa. Sáng sớm dậy nấu ăn, vắt cơm mang theo, sáu giờ sáng ra công sự bám đánh địch và trực công sự suốt ngày, tối trở lại hầm ếch; địch bò ra thì đánh, buộc nó phải quay trở vào; ngày bắn tỉa, đêm phóng bom vào công sự của chúng. Cứ một tuần lại về hậu cứ, tiểu đội khác lên thay, hai tiểu đội cứ thế luân phiên nhau. Ăn cơm vắt muối rang uống nước hố bom, có khi bị máy bay ném bom sập hầm phải bỏ chạy; có lần bọn Dơi - Nhện bò đến ném lựu đạn vào hầm, may mà hầm trống (lần ấy chúng nó vấp phải mìn  chết hai thằng). Cứ như thế, o Chấm cùng với tiểu đội của o bám công sự vây ép Dốc Miếu suốt bốn năm. Cho đến sáng ngày 9-4-1972 o Chấm vào cắm cờ lên nóc hầm chỉ huy của địch, trước cửa hầm còn xác một số tên cố vấn Mỹ bị giết vì mảnh bom của du kích. Suốt bốn năm đánh giặc ở Dốc Miếu, tiểu đội của o đã hy sinh mất ba đồng chí. Cái giá mà địch phải trả lại, chỉ tính trên thành tích riêng của o Chấm: một dũng sĩ bắn máy bay, một dũng sĩ diệt xe tăng, và bảy lần dũng sĩ quyết thắng. Hồi cắm cờ Dốc Miếu, o Chấm là một du kích hai mốt tuổi. Bây giờ, o về làm y tá của hợp tác xã Trung Hải. Chồng o ở huyện Gio Linh cũ, năm xưa cũng đi đánh hàng rào Mac Na-ma-ra, nay phục viên về làm xã viên, hai anh chị đã có ba cháu. Tôi cùng đi với Thi về Trung Hải, trong một ngày mưa tối tăm mặt mũi, hai anh em phải vác xe đạp lên vai, lội dò dẫm qua cánh đồng nước ngập đến ngực. Thi nói với tôi:

- Đi ăn kỵ (giỗ) kiểu này thì lỗ. Nhưng đi gặp được o du kích này thì cũng đáng đồng tiền bát gạo.        

Buổi tối ấy, dưới ánh đèn dầu toả ra ấm áp cả căn nhà tranh nhỏ, trong tiếng ễnh ương kêu thù thì đầy cả đêm đông ở làng quê, tôi ngồi nghe o Chấm kể chuyện đánh giặc đến khuya. Chốc chốc o lại ngưng câu chuyện, chạy vội sang dỗ cháu bé đang khóc trở giấc. Khác với thường lệ, giấc ngủ không đến với tôi sau một ngày đi đường rất vất vả. Mắt mở chong, tôi lặng lẽ hình dung ra cái ngọn đồi Dốc Miếu đỏ như son, người con gái mảnh khảnh với khẩu súng trường nhỏ trong tay, mắt đăm đăm nhìn qua lỗ ngắm cái chòi gác trung đoàn bộ của địch chỉ cách chín trăm thước. Và như thế đến bốn năm! Tôi thấy tôi không có "đồng tiền bát gạo" nào để gọi là đáng công như Thi nói đùa với tôi. Nhưng trong lòng tôi tràn đầy một niềm vui khoẻ khoắn và cảm động - chắc ai cũng có lần thể nghiệm thấy - cái niềm vui hồn nhiên khi ta gặp một người anh hùng.

Vây ép Dốc Miếu, không phải chỉ có những tổ du kích của xã Trung Hải. Trong phong trào "chia lửa, chia máu" với miềm Nam, tất cả các xã của Vĩnh Linh đã lần lượt từng tiểu đội du kích vào tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, bới cơm gạo, súng đạn theo trong từng đợt ngắn, mươi lăm hôm một tháng lại về. Không có tiêu chuẩn "Bê ngắn, Bê dài" gì cả. Thường trực vây ép Dốc Miếu ở mặt Nam là những tổ du kích Vĩnh Linh vào. Hôm nọ về Vĩnh Giang, tôi gặp đồng chí Ánh, nghe đồng chí kể chuyện tiểu đội đồng chí vào đánh tàu ở soi Mai Xá hồi sau Tết Mậu Thân lại phối hợp đánh càn diệt cả lính Pắc Chung Hy. Đợt trước đó, một tiểu đội khác của Vĩnh Giang đã vào vây ép Dốc Miếu. Chín người đi thì bảy người đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Trong số này, có đồng chí Võ Lý Tưởng, bằng một phát bắn tỉa đã bắn trúng ống dẫn thùng xăng, làm cháy một xe M78 và chín thằng Mỹ chết trụm theo; o Phùng Thị Giải bám công sự suốt hai mươi hôm, cũng diệt được chín tên. Anh Tưởng đã hy sinh ở Vĩnh Linh sau đó. Tôi ghé nhà thăm o Giải nhưng o đi làm lò gạch chưa về. Ấy, cái lũ giặc ở Dốc Miếu, quanh năm suốt tháng quen thói côn đồ, dập pháo tan hoang cả bờ Bắc; chắc hẳn nó không ngờ, người Vĩnh Linh đã xách súng vào tận ổ đòi nợ máu ngay tại hầm ngủ nhà nó. Còn một chuyện này, đáng để trở thành một thứ huyền thoại của hàng rào Mac Na-ma-ra. Cũng vào khoảng 68, có một tên giặc lái Mỹ bị bắn rơi và bị bắt ở Vĩnh Linh, đem về giam ở một xã gần bờ Bắc. Đêm ấy dân quân sơ ý, làm sao, nó lại trốn mất. Thằng này là thiếu tá phi công, đã từng bị bắt ở Triều Tiên và cũng đã trốn thoát. Lần này, nó tìm được về phía bờ Nam. Đến gần Dốc Miếu, nó đã chắc ăn, đứng hẳn dậy, giơ tay vẫy bọn trong đồn, miệng ê a cười toe toét. Đại vô phước cho nó, lại gặp tổ tiền sát pháo binh đang mai phục tại chỗ. Thế là cu cậu giặc lái bị tóm cổ ngay tại trận, bị chuyển ra giam ở công sự của các tổ bắn tỉa Vĩnh Linh ở chân đồi Dốc Miếu vào nội đêm ấy, nó bị giải trở lại đúng cái chỗ mà đêm qua nó mới trốn đi. Có lẽ đêm ấy, nó được nếm mùi dây trói kỹ hơn, và nhớ lại lần trốn thoát ở Triều Tiên, ý hẳn thằng giặc lái Mỹ này bỗng nhiên lại may mắn tâm đắc được từ cuộc chiến tranh Việt Nam một cái lẽ Á Đông rất có lợi cho bản thân nó, ấy là thuyết "phước bất trùng lai". Cái hàng rào điện tử này đúng là đã xoay phải hướng "sát chủ": thay vì mấy ông "vi xi", thì chính lính cậu Mỹ lại qua không lọt lưới. Còn cái Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ được điều ra thi công cái hàng rào chết tiệt này, cũng lại gặp xúi quẩy chưa từng thấy trong lịch sử của nó. Vừa mới ra lệnh làm "khoảng trống" được ít lâu, thì tướng tư lệnh ba sao Hốc-mứt đi loạng choạng ở đâu về - có lẽ đi thị sát hàng rào chiến lược - đã bị bắn rụng trực thăng chết ở Thừa Thiên ngày 14-11-1967. Chưa đầy một năm sau, ngày 17-9-1968, tên tướng hai sao Uy-liêm Chip tư lệnh phó của nó bị bắn gãy xương sống trên trực thăng ở gần Đông Hà đến lượt Uy-liêm Giôn, tướng hai sao tư lệnh mới của cái sư đoàn khốn khổ này lại bị du kích bắn gãy tay ở gần Đông Hà ngày 6-9  - 1969. Chỉ trong vòng hai năm, ba tên tướng cổ-da bị "đi phép"(1)và "rách áo"(2) lia lịa; hai thằng sau này thì rõ ràng là ăn đạn ngay trên cái "khoảng trống" của hàng rào Mac Na-ma-ra. Khoảng trống mẹ gì, cái lão Rai-ơn ba hoa làm ăn như con cầy, phen này thì vớ phải Át bích(3) cả lũ, ôi, "lạy thánh Crit-xtô-phen, che chở cho chúng tôi"...

* * *

- Cái tụi Dơi - Nhện ấy à? Nó toàn đi ăn đêm, chạng vạng mình đi đâu là vấp nó đó. Nó đội mũ rộng có mạng che mặt, mặc quần cọc, áo xăn tay, để dễ trà trộn với du kích. Nó dùng cả AR.15 cả AK, nhưng thường là dùng mìn clay-mo bố trí thành trận địa hình chữ V. Một chữ V của nó khoảng hai chục đến ba chục trái. Một trung đội lọt vào giữa là sạch với nó. Tụi này phục kích rất hiểm , có khi nó ngồi trên cây bắn xuống, có khi nó đơm mìn, thường thích mình tới gần để cướp súng, chộp áo. Khi thấy mình ít thì nó tập kích, khi nó nhỏ hơn thì nó ép lại nín, rồi hứng lại mình khi bất ngờ, nó toàn tìm cách lấy thế chủ động. Tụi tôi ở đây đánh nhau với Mỹ nguỵ gần đủ sắc áo, chưa thấy loại nào nguy hiểm như tụi này. Phải nói là bọn thám báo Mỹ, bọn xi-ti(4) cũng chỉ đáng học trò của Dơi - Nhện.

Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi lên đồi cát. Tôi hỏi Qui:

- Phá nó bằng cách nào?

- Lúc đầu cũng mệt với nó. Nhất là vùng này, nhiều đơn vị bạn qua lại. Có thời gian mình bị tắc đường vì tụi Dơi - Nhện. Sau này, nghiên cứu nắm được cung cách làm ăn của tụi nó, bọn tôi đánh cho nó bốn năm trận chết lăn chiêng, thì nó ớn, làm ăn lai rai ít lâu nữa rồi nó biến đi đâu mất tang. Nói chung, lũ nó đều vậy, hung dữ đến mấy, khi bị đánh cho hết phép thì thằng nào cũng sợ chết như nhau, gan dơi nhện cũng không to hơn gan cộng hoà, bảo an mấy hột.        

- Hồi ở rừng, mình nghe Qui nổi tiếng đánh trận nào là Dơi - Nhện chết trận đó.

Qui cười:

- Chi mô anh. Đánh tụi này là phải nắm chắc nó về tâm lý. Nó là thằng hóc hiểm, vậy cứ tính xem cái gì hóc hiểm nhất, đánh vào là trúng nó. Đây, anh coi...

Từ trên đỉnh đồi, chúng tôi nhìn xuống cánh đồng. Qui chỉ cho tôi xem:

- Sông Bến Ngự đó, kia là đường quan, bên cạnh là ruộng, quá đó nữa là con hói, giữa hói có cái cồn soi nhỏ, có cây lúp xúp kia. Ban ngày, mình phải chịu khó vùi người dưới cát, nằm sát đồi 31 này, bám chặt tụi Dơi - Nhện, thấy lúc chập choạng nó đi về hướng nào. Hồi đó, đêm nào bọn tôi cũng qua đánh bên kia sông. Không Bến Ngự thì Bến Sanh. Thế là biết nó đi đón đường mình. Nhát như tụi bảo an mới phục kích trên đường quan, tụi cộng hoà cũng chỉ nằm chờ ở đám ruộng. Nhưng thằng Dơi - Nhện thì nó phải tính chuyện mình lội dọc theo con hói đó, là con đường bất ngờ nhất. Như vậy, tất nhiên nó sẽ phải phục kích trên cái cồn soi kia, cái cồn rất nhỏ không đủ nằm một tiểu đội, nó tin rằng mình không thèm để ý tới. Chỉ tính toán như vậy, chưa cần trinh sát kiểm tra, cứ nhè cái miếng đất hiểm hóc đó mà quất vào thì Dơi - Nhện chết. Trận đó nó chết mười bốn thằng, đem xác về để ở trường Nhĩ Thượng, trưa trực thăng tới hốt đi. Sau trận đó, uy tín Dơi - Nhện trong đám lính nguỵ bắt đầu xuống dốc.

- Thế nó không đổi cách làm ăn đi sao?

- Có đổi thì cũng xào xáo chừng đó bài bản thôi. Nó không mọc cánh lên trời được thì nó phải ở dưới đất...

Tôi tiếp lời Qui:

- Đúng. Mà dưới đất thì không ai hiểu địa hình địa vật hơn du kích.

Cứ như thế, đơn vị của Qui phát triển nhiều thủ pháp đánh bọn ăn đêm, lão luyện đến nỗi áp đảo hẳn cái thói hiểm độc của bọn chúng. Có lúc phóng bom vào đội hình phục kích của nó, có lúc chờ nó đi mò mẫm xong, nhởn nhơ trở về, lại dập cối quét nó ngay trước cửa đồn. Sau hơn nửa năm bị nhừ đòn, bọn này trở nên chây lười bạc nhược, vùi đầu vào công sự ngủ suốt ngày, ban đêm chỉ quanh quẩn ở chân đồi rồi quay về hang ổ. Thế là bọn âm binh được Cục tình báo trung ương Mỹ dày công đào luyện để bảo vệ vòng ngoài của hàng rào điện tử rốt cuộc đã bị tước mất bùa phép, vật vờ cô hồn biên giới ít lâu rồi cũng đi đời cùng với cái hàng rào đã bị phá nát.

Đồi 31 là một cồn cát nổi cao hẳn lên giữa đồng bằng phía Đông Gio Linh, từ đó địch có thể chế ngự cả vùng biển đến Cửa Việt, và một dải các xã ven tuyến ở Vĩnh Linh. Hồi chiến tranh, ở đồi 31 này và ở Dốc Miếu, chúng đặt hai ngọn đèn pha cực mạnh quét tận bờ Bắc. Hễ phát hiện một vật di động, nhiều khi chỉ là một con chó, là pháo chúng bắn dồn dập đến vài tiếng đồng hồ. Từ ngọn đồi, Qui chỉ cho tôi xem hệ thống các cứ điểm vây mọc chung quanh hàng rào điện tử trước kia. Từ sát bờ biển kể lên, có: thôn 8, đồi 31 - Bến Ngự, - Chi khu Gio Linh - Bến Sanh rồi chênh chếch ra phía Bắc một quãng là Phước Thị và Dốc Miếu. Quanh đồi 31 còn có các chốt đồi 29 và 23. Như vậy, trên một khoảng cách dài khoảng tám kilômét chạy ngang qua ba xã phía Đông đường số 1, địch đã bố trí đến chín cứ điểm lớn nhỏ. Bây giờ, chỉ trừ Dốc Miếu và đồi 31 này, tất cả dấu tích của chúng đều đã bị xoá sạch, chỉ còn thấy những cánh đồng làng liên lì và những cụm mái ngói đỏ rói quanh thị trấn Chợ Cầu. Tôi bảo Qui:

- Qui này, trong kinh nghiệm của cậu, thì thằng Mỹ nó lợi hại nhất ở chỗ nào? Về cái hàng rào ấy mà...

- Cũng "tương đối". Nhưng mà ấy à, mình đánh nó sát sườn có để cho nó nối được hai đầu múi dây lại với nhau đâu.

Tôi không hiểu:

- Múi dây gì?

- Những sợi dây điện tử ấy mà. Nó phải nối hai đầu dây lại, cái hàng rào mới hút người được chớ. Đằng này...

Tôi bật cười về cái ngây thơ hồn nhiên của Qui, nói với Qui về đặc điểm của hàng rào điện tử. Qui cũng phá ra cười:

- Ôi dà dà... Vậy mà lâu nay tụi em cứ hình dung là nó sẽ hút người vô hàng rào. Cứ hễ thấy nó giăng sợi dây gì ra là bảo nhau cắt sạch tuốt, thấy chỉ toàn dây điện thoại. Ra chỉ có vậy. Nếu thế thì cái hàng rào Mac Na-ma-ra cũng không có chi ghê gớm lắm...

- Nó không ghê gớm là vì mình giỏi quá đấy thôi. Chỉ nội bấy nhiêu thôi, trí tuệ của thằng đế quốc cũng đã dồn cả vào đấy rồi.

- Thật hả anh?

- Bảo đảm mà.

Hai anh em tôi ôm lấy vai nhau mà cười. Qui không rõ cũng là lẽ tự nhiên. Làm sao lúc đó Qui có thể đọc được cái đề án bí mật của Lầu Năm Góc; đằng khác, cơ ngơi nó dàn ra như thế này đâu phải chỉ là chuyện chiến tranh tâm lý? Vấn đề của Qui là "phải đánh đừng cho nó nối được hai đầu dây lại với nhau", nghĩa là cái hàng rào ấy đã bị đồng đội của Qui đánh cho nát bét ra kia. Mà đã vào đánh là không ngây thơ chút nào: Dương Bá Quy , sinh năm 1948, nguyên xã đội trưởng Gio Mỹ. Chiến đấu sáu mươi bảy trận, diệt một trăm bốn mươi lăm tên địch, có năm lăm tên Mỹ. Diệt mười tám xe tăng, năm lần bị thương trong chiến đấu. Chính thức đạt mười lần danh hiệu Dũng sĩ.

Có tiếng gọi Qui từ dưới chân đồi. Qui phải về trước vì sắp đến giờ họp. Hôm nay là đại hội xã viên toàn hợp tác xã Gio Mỹ, Qui đang làm chủ nhiệm hợp tác xã. Qui người thấp tròn, mặt mày đôn hậu, và khi bắt tay Qui, tôi thấy bàn tay cậu ấy nặng như một phiến gỗ lim. Qui vẫn còn mang ở lưng một viên đạn và một mảnh mìn từ hồi đánh chốt Bến Ngự. Vợ Qui, cô Thuỷ, đang đi học văn hoá, cũng bốn lần dũng sĩ hồi đánh Mac Na-ma-ra; hai người cưới nhau ở hậu cứ ở Vĩnh Linh năm 1971. Đi dọc tuyến hàng rào cũ này, tôi gặp nhiều vợ chồng dũng sĩ như vậy. Cũng cưới nhau vào khoảng ấy, nghĩa là lúc hàng rào điện tử đã dẹp xong, và những tình yêu thầm lặng trong chiến tranh đang tìm thấy khí thế phấn khởi để mà đơm hoa kết quả...

 

H.P.N.T

  

 

___________ 

* Chết

     ** Bị thương - tiếng lóng hay dùng trong quân đội Mỹ- ngụy

     *** Con Át bích là điềm xấu, điềm báo mạt vận

**** Một loại biệt kích

 

 

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground