Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 31/05/2023 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đất ấm tình người

1. “Thương nhau, vui buồn bên nhau” là một câu trong bài hát Hà Nội - Viêng Chăn. Ca khúc được hát bằng hai thứ tiếng Việt - Lào ấy luôn được hát vang trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, giao lưu nghệ thuật giữa hai quốc gia láng giềng cùng uống chung dòng nước Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Và dịp tết cổ truyền của nhân dân các bộ tộc Lào - tết Bunpimay năm nay, bài hát nghĩa tình ấy lại ngân vang trong những mái trường đang đào tạo cán bộ, sinh viên Lào tại tỉnh Quảng Trị.

Tháng tư năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lưu học sinh Lào đang theo học tại các trường Chính trị Lê Duẩn, Cao đẳng Y tế Quảng Trị và Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị không thể trở về nước đón tết cổ truyền. Vậy là chiều ngày 12 tháng 4, thầy cô, bạn bè và các ban ngành, đoàn thể tỉnh Quảng Trị đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ mừng tết Bunpimay cho gần hai trăm lưu học sinh theo phong tục của người Lào để các bạn không cảm thấy quê nhà xa vời vợi.

Hội trường Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị ngân vang tiếng đàn guitar, tiếng hát, tiếng chúc mừng rộn rã. Chúng tôi vừa mới bước vào hội trường đã bị vây quanh bởi một vòng các nữ sinh Lào mặc áo váy truyền thống búi tóc trên đầu cài bông hoa chăm pa rực rỡ. Các bạn cúi đầu và chắp tay chào khách “xa bai đi”, chúng tôi cũng chắp tay cúi chào đáp lại. Ngay sau đó các lưu học sinh Lào chuyển sang bắt chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Điều đáng ngạc nhiên, các bạn nói tiếng Việt khá sõi và tự nhiên. Nhờ vậy không khí của buổi giao lưu thật gần gũi, nồng ấm nghĩa tình, khiến chúng tôi có cảm giác như đang được đón tết Bunpimay ngay trên đất nước triệu voi tươi đẹp.

Tết Bunpimay là lễ hội lớn nhất của đất nước Lào xâu chuỗi nhiều mỹ tục độc đáo được tham dự mới thấy sự hấp dẫn, lôi cuốn. Mọi người bị cuốn hút vào cuộc vui bằng không khí cởi mở, vui tươi không phải chú mục đến quan hệ cao thấp, thân sơ, xa gần. Năm nay, nghi lễ mừng tết Bunpimay được các trường phối hợp chuẩn bị chu đáo theo phong tục của Lào. Một mâm lễ gọi là mâm khoẳn gồm có rượu, hoa, trứng, xôi nếp, nước và những sợi chỉ đủ màu sắc trang trí thành một hình tháp. Bắt đầu vào buổi lễ, đại biểu khách quý và thầy cô ngồi xung quanh mâm khoẳn. Các bạn sinh viên Lào sẽ lấy những sợi chỉ trên mâm khoẳn và buộc vào cổ tay từng đại biểu và thầy cô. Tiếp theo là nghi thức choàng những vòng hoa tươi thắm vào cổ, vẩy nước thơm làm từ các loài hoa lên tay và lên vai từng người và chúc phúc. Buộc chỉ cổ tay, vẩy nước thơm kèm với những lời chúc bình an, may mắn là một thông điệp mà các lưu học sinh Lào dành cho khách quý, bạn bè Việt Nam rằng chúng tôi yêu mến các bạn.

Đại biểu tham dự tết Bunpimay tại trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị được sinh viên Lào buộc chỉ cổ tay và vẩy nước thơm chúc phúc - Ảnh: HN

Đại biểu tham dự tết Bunpimay tại trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị được sinh viên Lào buộc chỉ cổ tay và vẩy nước thơm chúc phúc - Ảnh: HN

Sau phần lễ là phần hội diễn ra trong bầu không khí thân mật, thắm đượm tình hữu nghị. Mọi người có mặt, không phân biệt lứa tuổi, địa vị xã hội, cùng hòa mình vào những câu hát, điệu múa và thưởng thức ẩm thực giao lưu Việt - Lào. Các lưu học sinh Lào nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi múa lăm vông, kể cho chúng tôi nghe biết bao kỷ niệm ấn tượng về mảnh đất Quảng Trị, đất nước Việt Nam tươi đẹp và nghĩa tình. Một số khác lại kể về mái trường, về những gương mặt thầy cô, bạn bè người Việt thân yêu... Súc Viengthen, sinh viên năm cuối ngành dược Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đến từ huyện Taleo, tỉnh Savannakhet đã một năm rồi chưa được về thăm nhà vì dịch Covid-19. Cô gái rất xúc động vì sự quan tâm, tình cảm của thầy cô, cũng như của các bạn sinh viên người Việt dành cho lưu học sinh Lào như những người thân trong gia đình. Sống và học tập trên đất nước Việt Nam cho Súc nhiều cảm xúc từ lạ lẫm đến thân thiện. Súc nói rằng không chỉ những dịp lễ tết như thế này, mà khi du học ở Việt Nam, lưu học sinh Lào luôn nhận được sự quan tâm, chăm nom, giúp đỡ tận tình trong học tập và cuộc sống sinh hoạt. Các em có chỗ ở ký túc xá đầy đủ tiện nghi, được cấp học bổng và được hỗ trợ phí sinh hoạt. Nhờ đó mà Súc cũng như các bạn vơi bớt nỗi nhớ nhà, có động lực và niềm vui trong học tập.

Cô gái Lào xinh đẹp Douangmany đến từ tỉnh Salavan buộc vào cổ tay tôi chiếc vòng được tết bằng những sợi chỉ đa sắc và niềm nở bắt chuyện bằng tiếng Việt. Em là sinh viên ngành Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nên nói tiếng Việt rất lưu loát, biết cả những câu ca dao, những “tiếng lóng”, hoặc câu bông đùa ví von, và am tường văn hóa Việt không ngờ. Chia sẻ cảm xúc khi đón tết xa nhà, Douangmany biết ơn nhà trường, thầy cô và các ban ngành đoàn thể tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi giao lưu mừng tết Bunpimay đầm ấm theo đúng phong tục của đất nước mình. Douangmany kể đã sang Việt Nam học hai năm, đi thăm nhiều nơi, gặp nhiều người ở Quảng Trị đã để lại cho cô gái Lào nhiều cảm xúc khó diễn tả. Em nhận thấy có một sự thay đổi trong nội tâm, thấy trong mình hé nở một thứ tình cảm đặc biệt với con người và vùng đất láng giềng, khi biết ở đây mình được che chở, yêu thương…

Cuối buổi giao lưu, khi chia tay chúng tôi, cô sinh viên Lào say mê học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đọc mấy câu thơ tiễn biệt làm chúng tôi xúc động, bịn rịn: Thương nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua, và Đến đây thì ở lại đây / Bao giờ tốt rễ xanh cây mới về… Douangmany nói, đã xác định tư tưởng là vậy nên khi sang du học trên đất bạn, lưu học sinh Lào đã hòa nhập tốt, vui vẻ và tự tin phát triển bản thân với chung một tâm huyết là học ở Việt Nam về phát triển quê nhà.

2. Đầu năm 2019, tôi theo học một khóa đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Lê Duẩn, lúc đó lớp trung cấp lý luận - hành chính Lào khóa 9 cũng vừa nhập học. Bắt đầu tiếp nhận học viên Lào khóa đầu tiên năm 2008, Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị là ngôi trường đầu tiên của Việt Nam đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ của nước bạn Lào. Ròng rã suốt một năm học, sớm chiều được tiếp xúc cùng lớp học viên Lào khóa 9 và tham gia các hoạt động thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào do nhà trường tổ chức giúp tôi hiểu sâu thêm về mối quan hệ giữa hai dân tộc cứ như “chim liền cánh, cây liền cành”.

Trải lòng với chúng tôi, học viên Lào ai nấy đều dành cho thầy cô Trường Chính trị Lê Duẩn sự yêu thương, tôn trọng, biết ơn. Bởi dưới mái trường này, các bạn Lào được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, cả những lúc ốm đau bệnh tật luôn có thầy cô bên cạnh sẻ chia. Các bạn thường xuyên được nhà trường tổ chức cho những chuyến thăm quan thực tế tại nhiều địa danh của Quảng Trị. Rồi những ngày lễ truyền thống của Lào, thầy cô và các bạn học viên Việt không quên chúc mừng, mang theo nhiều quà, cùng liên hoan múa hát với các bạn học viên Lào...

Lớp Trung cấp LLCT - HC Lào khóa X viếng Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh tư liệu

Lớp Trung cấp LLCT - HC Lào khóa X viếng Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh tư liệu

Vẫn nhớ khi lớp chúng tôi nhập học được một tháng, chính các thầy cô Trường Chính trị Lê Duẩn đã đứng ra làm cầu nối để lớp học viên Việt chúng tôi và lớp Lào khóa 9 làm quen với nhau, tổ chức cho hai lớp thi đấu giao hữu bóng chuyền và giao lưu văn nghệ, ẩm thực. Đây như một phong tục đẹp, bởi kể từ khi lớp Lào khóa đầu tiên về Trường Chính trị Lê Duẩn, các lớp học viên Việt - Lào sống gắn bó kết đoàn, thường tổ chức giao lưu văn nghệ thường xuyên cũng là cách làm bền chặt thêm mối tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào. 

Tiệc giao lưu ở ngay sân trường Chính trị Lê Duẩn. Lớp tôi đãi học viên Lào một bữa tiệc ngon với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Lần đầu gặp gỡ, được đón tiếp trọng thị, nhiều bạn Lào cũng tỏ ra dè dặt. Sự khách sáo chấm dứt ngay khi thầy cô và nhiều người bạn Lào nói được tiếng Việt đã giúp cho quá trình giao lưu được thuận lợi hơn. Trên sân khấu mở nhạc với các bài hát ca ngợi mối tình Lào - Việt. Chúng tôi cùng nhau ca vang, nhún chân xòe tay theo điệu nhạc. Lăm vông, điệu quốc vũ của người Lào, các bạn nữ lớp Lào chủ động mời và không người bạn Việt nào từ chối. Động tác cũng đơn giản, bước tới bước lui ba bước rồi sang ngang một bước. Những người chưa quen với lăm vông sẽ được các bạn Lào dìu dắt. Và cũng chỉ cần vài phút, ai cũng có thể đắm chìm vào điệu lăm vông uyển chuyển nhẹ nhàng. Một bạn nam lớp tôi được niềm vui song ca với một bạn nữ lớp Lào lời ca ngọt ngào Em ở bên Tây. Anh ở bên Đông. Hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sáng. Đất nước Chăm pa, đất nước Tiên Rồng chung bước đi lên xây đắp mối tình. Tình Việt - Lào anh em mãi mãi không bao giờ phai... khiến chúng tôi, những con người của hai đất nước cảm nhận thêm sự sâu sắc về mối tình thuỷ chung, trong sáng hiếm có của hai đất nước. “Cái cảm giác ấm áp nơi đất khách quê người này không phải đi đến nước nào cũng có được. Lào và Việt Nam tuy tiếng nói khác nhau, văn hóa có nét khác nhau, nhưng tấm lòng thì giống nhau, thân thiết, gần gũi như cùng trong một nhà”. Đó là chia sẻ chí tình của Long Xayabanha, lớp trưởng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính Lào khóa 9 mà tôi vẫn nhớ.

Điều đáng trân quý là bây giờ dẫu xa nhau về khoảng cách địa lí, giữa bộn bề công việc, cả người ở lẫn người đi đều luôn nhớ về nhau. Các bạn cán bộ Lào tốt nghiệp về nước nhưng hai lớp Việt - Lào chúng tôi vẫn giữ liên lạc, không quên gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân các dịp lễ tết hai nước. Thật vui mừng khi biết rằng, sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Chính trị Lê Duẩn trở về nước, các bạn đã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng lãnh đạo quản lý, vì thế được cất nhắc lên những vị trí cao hơn trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể của hai tỉnh Salavan, Savannakhet.

3. Do đặc điểm địa lí núi sông liền một dải, nên Quảng Trị là mảnh đất in đậm dấu ấn tình hữu nghị Việt - Lào. Biên giới phía tây tỉnh Quảng Trị giáp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan. Cách mạng ba tỉnh đã “buộc chỉ cổ tay” cho nhau từ những ngày kháng Pháp, kháng Mỹ gian khổ, khi cả Đông Dương là một chiến trường. Những người lính Pathet Lào đã tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào cùng Quân giải phóng Việt Nam bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới hai nước. Không ít lần Trường Sơn Đông nghiêng sang Trường Sơn Tây và ngược lại trong những đợt chi viện lẫn cho nhau cùng chống lại đế quốc hùng mạnh. Chính trong hai cuộc kháng chiến gian khổ ấy, đã nảy sinh cái tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” gắn kết cách mạng ba tỉnh và sẽ còn gắn kết bền lâu cùng nhau trên hành trình đổi mới và phát triển.

Hôm nay, cả Quảng Trị và Savannakhet, Salavan cùng năm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Với tất cả những gì đã và đang chuyển động trên hành lang này, cùng với việc thúc đẩy hội nhập và phát triển nền kinh tế của ba tỉnh, thì đường đến thăm nhau đã gần hơn với con đường 9 năm xưa, nay là con đường xuyên Á Đông Tây đã rút ngắn khoảng cách xa xôi từ vùng Hạ Lào về miền Trung Việt Nam. Riêng với cán bộ, sinh viên Lào ở hai tỉnh Salavan, Savannakhet theo học những ngôi trường trên đất Quảng Trị lại càng gần hơn: buổi sáng chất đồ đạc lên sau thùng chiếc xe pickup rồi xuôi theo đường 9, đầu giờ chiều họ đã có mặt ở Đông Hà để lên giảng đường…

Những năm qua, theo diện hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Salavan, Savannakhet, tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận, đào tạo tiếng Việt, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và chuyên ngành hệ cao đẳng cho cán bộ, sinh viên hai tỉnh của Lào. Hơn mười năm qua, đã có nhiều đoàn cán bộ, du học sinh Lào đến sống, học tập tại những ngôi trường của Quảng Trị. Họ trở thành cầu nối hữu nghị Việt - Lào, Quảng Trị - Savannakhet - Salavan, và có tấm lòng sâu nặng với mảnh đất Quảng Trị, với đất nước Việt Nam. Họ sang nước bạn, được bạn giúp trong học tập và trở về phát triển đất nước. Điều đọng lại sau những tháng năm ấy là ân tình của con người đất Việt dành cho con người xứ sở hoa chăm pa, thủy chung như bây giờ và mãi mãi xanh tươi…

 

HẠNH NGUYÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 322

Mới nhất

Thể lệ cuộc thi sáng tác ca khúc Quảng Trị chủ đề “Quảng Trị - niềm tin và khát vọng” năm 2023

15 Giờ trước

Ban Tổ chức ban hành Thể lệ Cuộc thi sáng tác ca khúc chủ đề “Quảng Trị - Niềm tin và khát vọng ” năm 2023, như sau:

Lễ Phật Đản PL.2567 - DL.2023 tại Triệu Phong

27/05/2023 lúc 01:31

 Đó là lời nhấn mạnh trong Thông điệp

Danh dự và niềm tin

25/05/2023 lúc 17:12

Thơ Nguyễn Hà Linh

Quê hương tạc Người; Người trồng cây Hạnh phúc

25/05/2023 lúc 16:59

Chùm thơ Vũ Như Cẩn

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/06

25° - 27°

Mưa

02/06

24° - 26°

Mưa

03/06

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground
Gốm sứ Tâm An