Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dấu lặng trong tâm hồn

 

N

hận được giấy mời gặp mặt lớp, mấy ngày nay tâm trạng tôi bồn chồn không yên. Tôi rời mái trường cấp IIIB Vĩnh Linh thân yêu, rời ngôi làng nhỏ bé của mình ra đi đã lâu. Ra đi để được về lại ngôi nhà thân thuộc, đầy ắp kỷ niệm rêu xanh, chao ôi, man mác đến nao lòng! Trở lại ngôi trường cũ, gặp lại những người thầy, người cô đã dạy dỗ tôi nên người, gặp lại bạn bè một thời áo trắng... chỉ nghĩ đến thôi đã làm cho tôi thấy trẻ lại như cô học trò tinh nghịch năm nào. Chao ô! Thời gian! Mới đó mà đã hai mươi năm.

Toán là người bản địa nên được phân công đón bọn tôi tại biển Cửa Tùng. Lịch của chúng tôi là gặp nhau tại biển Cửa Tùng sau đó lên thăm trường cũ. Trong mỗi chúng tôi đều thấp thỏm đợi chờ giờ phút gặp lại năm ba khuôn mặt thân thuộc như tìm về khoảng trời tuổi thơ yên ả. Thời gian chờ đợi không lâu, Hùng, Thương, Cảm từ Hồ Xá đã về, Vĩnh, Xuân, Nam từ Đông Hà ra, Lương, Tâm, Tràn từ Thành phố Hồ Chí Minh ra từ hôm trước và các bạn ở các xã lân cận cũng có mặt đông đủ. Rồi thầy Vũ Đóa, thầy Lãm, thầy Trực, cô Dung, thầy Nam... cũng về dự cùng chúng tôi. Tôi đã rất lấy làm tiếc rằng ngòi bút của mình không đủ sức diễn tả hết tâm trạng của thầy trò và bạn bè trong buổi gặp mặt. Thương nhau, lúc nào cũng nghĩ đến nhau mà đằng đẳng mấy mươi năm trời chẳng gặp. Học trò, thầy cô ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi, các bạn nữ ôm nhau khóc nức nở.

Thay mặt các thầy cô giáo, thầy Vũ Đóa có vài lời tâm sụ với lớp chúng tôi. Thầy rất mừng khi thấy chúng tôi khôn lớn và thành đạt. Thật xúc động biết bao khi nghe lại giọng nói trầm ấm của thầy như khi còn ở trường nghe lời thầy giảng. Tóc thầy không xanh nữa nhưng đôi mắt thầy vẫn rực sáng. Thầy nhìn đăm đăm, thật lâu vào chúng tôi như để thu nhận hết hình ảnh của đám học trò thân yêu vào mắt mình...  Những kỷ niệm xưa bất chợt ùa về. Nhớ những ngày đầu hòa bình lập lại trường cấp IIIB được tách từ trường cấp III Vĩnh Linh. Trường được xây dựng tại Vĩnh Thành, là nơi học tập cho học sinh các xã Vĩnh Quang, Giang, Tân, Thành, Thạch, Kim. Thầy trò chúng tôi tự xây dựng trường bằng những gì mình có. Tự bứt tranh để lợp nhà, đẵn tre và cây bạch đàn làm cột, rui, mèn, lấy rơm trộn đất làm phên che... Bàn ghế được cưa từ những thân gỗ ra đóng lại để có chỗ ngồi và viết. Hình ảnh về ngôi trường lúc ấy tôi còn nhớ rất rõ. Đó là hai dãy nhà tranh vách đất chơi vơi đơn lẻ giữa đồi sỏi trọc. Mùa đông gió lạnh hun hút tứ bề. Mùa hè, nắng lùa gió vào hầm hập. Vậy mà nơi ấy đã đơm đậu niềm tin yêu cho không ít cuộc đời. Dẫu sinh ra trong thiếu thốn bộn bề vẫn chứa đựng một ý nghĩa đích thực của nó là dạy chữ và bồi dưỡng nhân cách con người. Và bấy giờ dù cảnh quan có khắc nghiệt, lòng thầy trò chúng tôi không chao đảo đầy vơi.

Lứa chúng tôi vào trường học lại ở thời điểm mà khoai sắn ngự trị trong bữa ăn hằng ngày. Nhiều bữa ở lại lao động thức ăn mang theo chỉ có khoai và sắn, đứa nào sang hơn được mẹ làm cho đùm bánh bột lọc bằng nhân tép khô. Chúng tôi trải lá sắn bày biện những thứ mình có lên ăn uống ngon lành. Chiều đến thầy trò chúng tôi lại bạt đồi, cúp đất cào lại thành vồng, trồng khoai sắn để phục vụ đời sống và một phần bán đi để mua dụng cụ học tập.

Nhớ môn hóa học của thầy Trực lúc nào cũng thiếu dụng cụ thí nghiệm, thầy trò chúng tôi phải tự tạo ra nhiều dụng cụ để học tập. Dù thiếu mấy cũng chẳng nghe một lời kêu ca, than vãn. Cả trường đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau vượt khó. Ngày ngày dưới mái trường này, thầy trò chúng tôi dốc bầu tâm huyết đưa hết nghị lực vào sách bài.

Nhà ở của thầy cô lại vô cùng tạm bợ, nhiều thầy cô ở xa quê tận ngoài Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, vì yêu học sinh, yêu đất thép Vĩnh Linh mà tình nguyện vào đây dạy học. Thầy Trực, cô Dung, thầy Bẩm, cô Thảo và nhiều thầy cô khác nữa đều ở trong những ngôi nhà tranh vách đất tuềnh toàng; ăn uống sinh hoạt thiếu thốn mọi bề. Song với lòng yêu học trò tha thiết đêm đêm bên những ngọn đèn dầu ai nấy đều cần mẫn, miệt mài bên những trang giáo án, rứt ruột dạy dỗ cho chúng tôi bao điều trong trang sách và cuộc sống.

Nhớ buổi chia tay mùa hè năm l979, năm ba khuôn mặt đẫm nước mắt khi phải giã từ ngôi trường, thầy cô và bạn bè, giã từ những lần đón thu sang và náo nức ngày khai trường rộn rã. Mỗi một chúng tôi đi theo con đường riêng của mình, đứa đăng ký thi đại học, đứa chọn ngành y, đứa xin đi công nhân và đứa thích ở nhà với mẹ. Thằng Lương đẹp trai, hiền lành nhất lớp được bọn con gái thương thầm nhớ trộm vậy mà ra đời nó nhanh nhạy, hội nhập nhanh với cuộc sống và hiện nó đang làm giám đốc một công ty ở phía Nam. Hỏi nó bí quyết thành công là gì, nó cười mà đưa ra một công thức đơn giản: “Uy tín + kiến thức kinh doanh + vốn + quan hệ = giám đốc”. Nó nói vậy thôi chứ có ngần ấy tiêu chuẩn con người phải phấn đấu suốt đời, phải lo chuyện học, chuyện làm ăn không ngừng nghĩ. Thằng Tâm, người nhỏ thó thường bị bọn con gái bắt nạt vậy mà giờ nó đã phụ trách trung tâm đo đạc bản đồ tại thành phố Hồ Chí Minh. Còn có nhiều đứa khác đang làm kỹ sư, bác sĩ, công an hay cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước. Tất cả đều may mắn thành đạt trong cuộc sống, gia đình ấm êm. Nhiều đứa thi rớt đại học về quê lấy vợ, lấy chồng quanh quẩn với ruộng vườn để hai mươi năm chưa ra khỏi lũy tre làng, tạm bằng lòng với cuộc sống của mình và đàn con lít nhít. Nghĩ cho cùng cũng chẳng có gì phải bận tâm cho lắm, bởi đó là chuyện mưu sinh cơm áo đời thường.

Riêng tôi ra trường vẫn tiếp tục đi học, qua rất nhiều trường, nhiều thầy cô. Thầy cô nào tôi cũng quý, cũng yêu nhưng chắc chắn những người thầy, người cô mà tôi thương nhất để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất là những người đã dạy dỗ, dìu dắt tôi những năm tháng ở trường cấp ba này. Những cảm giác ngọt ngào cứ giữ mãi trong tôi suốt cuộc đời dù cho vạn vật có thay đổi. Để rồi cứ mỗi lần về quê, đi ngang qua mái trường này tôi nghe lòng mình bùi ngùi, xao xuyến.

Thầy Lãm, chủ nhiệm cũ của lớp bây giờ già đi nhiều so với tuổi. Có lẽ do những năm tháng vất vả dạy dỗ chúng tôi cộng với căn bệnh dạ dày thâm căn của thầy tái phát. Giờ dạy văn của thầy chúng tôi rất thích, bao trang sách, bao cuộc đời, bao số phận mở ra trước mắt chúng tôi làm cho chúng tôi thêm yêu cuộc sống. Tiếp cận với cái Chân - Thiện - Mỹ giữa cõi đời. Nhớ mãi câu phân tích của thầy về “Tình nghĩa”. Nếu hiểu theo nghĩa toán học tình cảm + nghĩa vụ thì đại lượng nghĩa vụ sẽ biến mất vì quá mỏng manh. Vì vậy tình cảm phải được khởi phát từ sự chân thành, trung thực, tự tâm linh nếu thiếu sự thành tâm thì "tình nghĩa” trở nên giả tạo, nó hủy hoại đạo đức và nhân cách con người. Thầy ơi! nhớ mãi lời thầy dạy, chỉ có tình nghĩa là vĩnh cửu trước mọi biến thiên của hoàn cảnh và biến dịch của thời gian. Bởi mỗi chúng ta cũng sẽ đi qua tuổi xuân lẫn tuổi già, cả giàu sang, nghèo hèn, công danh, lợi lộc, cái còn lại chỉ là tình cảm tốt đẹp giữa con người và con người mà thôi. Không rõ tự bao giờ những lời giảng của các thầy các cô tương tự như thế ở trường cấp IIIB này đã chắp cánh nâng đỡ cho mỗi học sinh chúng tôi trong suốt hành trình cuộc đời của mình.

Ngôi trường cũ đã nhiều lần thay đổi vị trí. Từ xóm Đông chuyển lên xóm Choi Vĩnh Thành, rồi lại trở về chợ Do Vĩnh Tân và ngày ngày nó càng khang trang đẹp đẽ hơn. Biết bao thế hệ lại nối tiếp nhau, họ lại tiếp tục học những trang sách mà chúng tôi đã học, ngồi đúng chỗ hồi chúng tôi đi học. Rồi hàng nghìn, hàng vạn học sinh đã ra trường, dù bây giờ đang làm gì, ở đâu, nhưng hẳn trong tất cả họ đều canh cánh trong lòng một nổi niềm hướng về quê hương và mái trường xưa yêu dấu đã nuôi dạy mình khôn lớn.

Nhiều thầy cô ở trường đã nghỉ hưu, chuyển công tác, nhiều thầy cô mới chuyển về trường và cũng có nhiều thầy cô không chứng kiến sự trưởng thành của chúng tôi hôm nay. Dưới tán lá bàng sân trường chiều nay lòng tôi chợt chùng lại khi nhớ về thầy Phúc, thầy giáo dạy môn chính trị của chúng tôi. Mỗi lần nghe thầy giảng bài xong lớp chúng tôi được một phen tranh luận sôi nổi, bởi thầy gợi mở rất nhiều vấn đề không có trong sách. Còn nhớ ngoài vốn kiến thức uyên thâm, thầy tôi vẫn nghèo - Tài sản chỉ có độc nhất hai bộ quần áo đứng lớp và chiếc xe đạp cũ kỹ, cộc cạch. Đêm đêm thầy phải chong đèn đọc thêm nhiều tài liệu để mở mang kiến thức cho chúng tôi. Vậy mà thầy đã ra đi vĩnh viễn. Xin cùng các bạn đốt nén hương tưởng niệm thầy - người thầy mẫu mực vô vàn kính yêu của chúng tôi.

Câu thơ của ai đó đã nói hộ lòng tôi:

Hai mươi năm trở lại thăm trường

Tim bỗng thắt, niềm vui trào khóe mắt

Bao ước ao để có ngày gặp mặt

Để có ngày tay nối vòng tay...

Vâng, trong vòng tay thầy cô, bè bạn, trở lại mái trường xưa biết bao buồn vui lẫn lộn, và thêm một lần trái tim thầy trò chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Mãi mãi nó sẽ là dấu lặng trong tâm hồn, là cõi tình yêu vĩnh hằng trong cuộc sống. Chúng tôi đã mang theo tình yêu ấy trong tim như những đường vân trên vách đá, dẫu nắng dẫu mưa vẫn không bào mòn.

                                                                                                            T.L

 

 

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 74 tháng 11/2000

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground