Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Để làng trạng còn… trạng!

Bạn hỏi Vĩnh Linh có gì vui mà cứ trở lại miết vậy?

Vĩnh Linh trước nay vẫn luôn là mảnh đất hàm dưỡng một nếp sống văn hóa thâm hậu. Cái mảnh đất bên ven bờ Hiền Lương đã từng là “lũy thép”, có biển biếc, bàu trong, sông xanh, rú thẫm, có những làng địa đạo, những làng vườn bazan ven biển, làng nghệ sỹ, làng bắt cọp... Và nhắc bạn đến Vĩnh Linh thì nhớ tìm về Vĩnh Hoàng, một làng có biệt tài ứng tác chuyện trạng dân gian nổi tiếng cả nước.

Cả làng, cả xã nói trạng

Theo sách Ô châu cận lục thì địa danh làng Vĩnh Hoàng ra đời sau cuộc Nam phạt của vua Lý Thánh Tông vào đất Chăm Pa, hiện nay là làng Huỳnh Công Tây của xã Vĩnh Tú. Chính nơi đây có nghề sáng tác và kể chuyện trạng nên gọi là chuyện trạng Vĩnh Hoàng và cách gọi này tồn tại cho đến ngày nay. Làng Vĩnh Hoàng thủa trước (là kể từ kháng chiến chống Mỹ về trước) hầu hết diện tích cả làng đều được phủ bởi rú rậm và động cát. Trải qua những cuộc binh lửa tàn khốc, lại thêm con người ngày một đông đúc, cuộc mưu sinh của người làng càng ngày càng khốc liệt. Và chuyện trạng nở rộ cũng chính từ trong giai đoạn ấy. Những thứ ác nghiệt phải đối mặt hàng ngày, thay vì lo sợ, họ đã biến thành những câu chuyện hài hước, lấy nụ cười để chế ngự những khó khăn do hoàn cảnh mang lại.

Người làng Trạng mang lại tiếng cười lạc quan cho nhau bên ấm chè xanh - Ảnh: N.T

Người làng Trạng mang lại tiếng cười lạc quan cho nhau bên ấm chè xanh - Ảnh: N.T

Có thể nêu ra đây một vài câu chuyện tiêu biểu trong kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Những năm chiến tranh bom đạn của địch hầu như lúc nào cũng thường trực, thế là có chuyện một anh chàng đi ăn giỗ bên kia bờ Bến Hải, nhưng không có tiền qua đò, chiều về vợ hỏi qua sông bằng cách nào, anh chàng bèn kể cho vợ nghe diệu kế qua sông bằng cách khiêu khích máy bay Mỹ ném bom bên bờ Bắc để hất sang bờ Nam, ăn uống xong lại thách máy bay ném bom bờ Nam để hất ngược lại bờ Bắc, đỡ mất tiền đò mà lại được bữa giỗ no nê. Còn có chuyện một ông lão bị máy bay Mỹ bắn như vãi đạn vào đầu, về nhà thấy ngứa ngỡ là chấy, bảo vợ đem lược ra chải, chải xuống thì toàn đầu đạn cắm trên da đầu gây ngứa. Hay chuyện dân quân đào địa đạo, đào xong thì gặp mấy anh to cao, râu ria xồm xoàm, hỏi ra mới biết là đào đến đất nước Cu Ba rồi…

Chính phương ngữ đã tạo nên chuyện trạng Vĩnh Hoàng có bản sắc riêng biệt để không thể lẫn vào một địa phương nào khác và để không phải ai cũng có thể nói trạng, kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng cho đúng chất trạng. Phương ngữ “đặc sệt”, cộng thêm chất giọng nặng trịch và tính nết hài hước của dân bản địa khiến những câu chuyện trạng lôi cuốn người nghe, làm người ta chưa hiểu mà vẫn phải phì cười, và dẫu nghe nhiều lần cũng không chán.

Trào lộng đến mức ấy, có lẽ chỉ có con người Vĩnh Hoàng thôi. Chuyện gì cũng nói trạng được, cũng biến thành tiếng cười lạc quan, không có chỗ cho sự sợ hãi và muộn phiền, đó là tinh thần của những con người cùng “đi cày với cọp”. Bao đời nay, sự hiện diện của địa chỉ văn hoá đặc sắc này luôn là niềm tự hào trong đời sống tinh thần của người Vĩnh Linh - Quảng Trị, như là di sản văn hóa phi vật thể quý báu có một không hai, cần được gìn giữ và lưu truyền.

Thế nhưng di sản văn hóa ấy đang dần mai một và nhạt nhòa về bản sắc. Ngay Vĩnh Tú là vùng đất sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng thế mà giờ những gì của loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian này còn lại rất ít ỏi. Mấy năm một lần, xã Vĩnh Tú tổ chức hội thi chiếu trạng ngày xuân, người đi nghe đông lắm. Chứng tỏ chuyện trạng Vĩnh Hoàng cho tới tận hôm nay vẫn rất có sức thu hút người nghe. Vấn đề là, cái phong trào hội hè thi thố đấy, nó có tác dụng làm cho mọi người nhớ rằng Vĩnh Tú có chuyện trạng và có không gian của trạng, còn sau đấy chuyện trạng chẳng mấy khi có dịp dùng đến. Thực tế là những câu chuyện đã “tam sao thất bản” và người kể chuyện cũng dần mất chất trạng trong từng lời văn, giọng điệu.

Có nhiều lý do dẫn đến không gian văn hóa làng trạng đang bị thu hẹp và nhạt đi. Một là cuộc sống càng sung túc, bớt phần cơ cực, những câu chuyện trạng đầy ắp lạc quan càng thưa vắng dần. Hai là các nghệ nhân cũng già yếu lụt nghề, trong khi lớp trẻ kế cận thì không mấy mặn mà với văn hóa chuyện trạng của quê hương mình. Thứ ba là suốt bao nhiêu năm qua chúng ta xây dựng nông thôn mới, cuộc sống hiện đại dần lên, nhưng những gì là bản sắc văn hóa lại chưa được quan tâm bảo tồn và phát huy, vân vân…

Nói trạng cũng ra tiền!

Vừa rồi về Vĩnh Tú, thấy các nghệ nhân chuyện trạng và một số lãnh đạo xã trăn trở chuyện bảo tồn kho chuyện trạng, phục dựng không gian diễn xướng chuyện trạng ngày xưa và xây dựng thành một sản phẩm du lịch văn hóa, thấy dự định có vẻ rất khả thi. Vĩnh Tú có hai bàu nước lớn là bàu Thủy Ứ và bàu Trạng thiên nhiên xanh mát trong lành phong cảnh hoang sơ hữu tình, tiềm năng phát triển du lịch ở những chỗ này là rất lớn. Xã sẽ quy hoạch hàng trăm hecta diện tích của hai bàu này để làm môi trường cho các loài cá tôm sinh sống tự nhiên, đồng thời làm du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa giới thiệu “đặc sản” nói trạng và chuyện trạng của quê hương với du khách. Rất hiếm nơi kết hợp được như thế.

Là mới chỉ bàn bạc ngoài lề chứ chưa có một kế hoạch cụ thể, nhưng chúng tôi, những người yêu mến chuyện trạng Vĩnh Hoàng cũng thấy mừng. Bởi khi đã biến chuyện trạng Vĩnh Hoàng thành sản phẩm du lịch văn hóa là được cả đôi ba đường. Việc làm ấy cũng chính là một cách bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này, không chỉ để cộng đồng có thể hiểu đúng và tự hào về bề dày của văn hóa trên mảnh đất đang sống, mà còn là động lực thúc đẩy thế hệ sau cố gắng hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, bồi đắp ngày một dày hơn kho chuyện trạng của vùng đất. Từ đây có niềm tin và nhiều cơ hội khôi phục lại loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian chuyện trạng đã từng nổi tiếng cả nước, kho chuyện trạng sẽ không bị thất truyền, và tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh có thêm một điểm du lịch mới hấp dẫn.

Và dự định này là rất có cơ sở để thực hiện khi bây giờ Vĩnh Linh đã trở thành một địa chỉ du lịch của Quảng Trị. Ngày ngày du khách trong nước và nước ngoài tấp nập tới mảnh đất này để thăm lại dòng sông Hiền Lương một thời đã là dòng sông tuyến, thăm “nữ hoàng bãi tắm” Cửa Tùng, đến thăm địa đạo Vịnh Mốc là một làng hầm tiêu biểu thể hiện bản lĩnh can trường của người dân lũy thép. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng và những bàu nước tự nhiên như Thủy Ứ, bàu Trạng của xã Vĩnh Tú cũng là những “tài nguyên” quý giá của mảnh đất Vĩnh Linh này. Nếu có chính sách khai thác hợp lý, Vĩnh Tú rất có thể trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa đặc sắc để du khách dừng chân trên hành trình tham quan Vĩnh Linh.

Bàu Thủy Ứ thường được nhắc đến trong những câu chuyện trạng - Ảnh: N.T

Bàu Thủy Ứ thường được nhắc đến trong những câu chuyện trạng - Ảnh: N.T

Thực tế mấy năm qua, bàu Thủy Ứ và bàu Trạng đã có những khởi động ban đầu đúng hướng. Khi một số người dân ở đó đã nhận ra sức hấp dẫn của những bàu nước quê nhà nên đầu tư mở dịch vụ nhà hàng ẩm thực. Mấy căn chòi được dựng lên giữa bàu nước rộng mênh mông để khách thư giãn, có bến thuyền ngắm cảnh. Còn đặc sản chủ yếu là những món ăn được đánh bắt từ trong lòng bàu: cá chép, cá rô, tép nhảy… từ đất cát: con dông, dưa hấu đỏ, lạc… và dĩ nhiên không thể thiếu “đặc sản” chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Thường là một cuộc vui chơi ở bàu Trạng hay bàu Thủy Ứ diễn ra như thế này: Khách đến, ngồi xếp bằng trên chòi, ăn những món ăn đặc sản “cây nhà lá vườn”. Trong khi ăn, nếu khách biết và yêu cầu, sẽ có sự xuất hiện của đội biểu diễn chuyện trạng là những nghệ nhân chuyên nghiệp của xã. Khách sẽ có cơ hội mơ hồ hình dung lại không gian đã nảy sinh ra cách nói trạng, kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng ngày xưa nó như thế nào. Đó là những chiếu trạng bên bát nước chè xanh, miếng dưa đỏ mát lành, chân tình và gần gụi để các nghệ nhân kể những chuyện hài hước làm quà tặng cho khách. Đương nhiên phải kể bằng chất giọng nặng trịch và đậm đặc thổ ngữ địa phương...

Kể ra như thế cũng đã hấp dẫn, có cơ sở để có thể hướng tới phát triển kinh tế du lịch. Nghe nói khách gần xa cũng đã biết đến và hàng ngày cũng có lưa thưa khách viếng tới. Giờ Vĩnh Tú, nếu biết quảng bá, và trước khi quảng bá, phải có sự đầu tư chăm chút thêm nữa cho những bàu này, không cứ là phải làm hoành tráng, mà là hết sức tối giản, phù hợp với cảnh quan sinh thái và gần gũi tự nhiên, thì khách tham quan có thể kéo dài được cả ngày chứ không như lâu nay chỉ ghé một chút rồi lại về. Rồi một việc nữa cũng rất quan trọng, cùng với là đầu tư vào bàu Trạng và Thủy Ứ. Đó là, đào tạo những người hiểu biết văn hóa chuyện trạng Vĩnh Hoàng, bồi đắp tình yêu với chuyện trạng cho thế hệ trẻ, cũng như tiếp tục sáng tác những câu chuyện trạng mới của giai đoạn hiện nay, để phục vụ du lịch.

Giờ xã Vĩnh Tú đang rất hy vọng chỗ bàu Trạng và bàu Thủy Ứ sẽ bật lên từ thế mạnh du lịch, lúc đó sẽ có không gian để bà con có cơ hội diễn xướng chuyện trạng bằng cái giọng quê đậm đà sâu nặng và mạch nguồn dân gian chuyện trạng vẫn được lưu truyền.

 

NGUYÊN THẢO

Mới nhất

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

28/11/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

8 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground