Gần bảy mươi tuổi tôi đi lại con đường xưa tôi đi vào. Ngày tôi đi từ nơi huấn luyện quân chiến đấu vào chiến trường cách nay đã nửa thế kỷ. Bây giờ thì tôi đi trở ra sau một chuỗi ngày về thăm Quảng Trị. Tôi về thăm nơi bao đồng đội tôi ở lại quê hương này. Tôi đi từ Đông Hà lên Khe Sanh rồi ở lại một đêm ở đấy. Đêm ấy sương buông dào dạt. Mãi đến 8 giờ sáng mới tan sương. Tôi đã già nhưng còn nhớ lắm, tháng 4 năm 1968 sương mù cũng thế. Đợi tan sương là pháo địch bắn, đợi tan sương pháo ta cũng bắn. Những trận đối pháo ở thung lũng Khe Sanh Hướng Hóa này đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Cây cối ở cái lòng chảo hệt như Điện Biên Phủ ngày xưa nay xanh ngút ngát. Ai có lên Lao Bảo hãy dừng chân ở thị trấn Khe Sanh mà nghỉ lại cho thảnh thơi rồi ngắm nhìn chập chùng hồ tiêu triền đồi cây trái ăn quả mươn mướt trùng trùng.
Hướng Hóa - nơi mây vờn gió núi - Ảnh: Bôn Nguyễn
Lúc chiều tôi vào khu thương mại cửa khẩu. Bụi lầm lên mỗi chuyến xe qua rồi gió lại cuốn đi. Lao Bảo vừa yên tĩnh vừa hiền vừa hy vọng. Tôi tìm mua những thứ nông sản của A Sầu A Lưới. Tôi đi tìm cái áo giống như áo người con gái Lào mà một hôm hành quân tôi thấy trên đường Trường Sơn. Tôi như đang trẻ như hơn nửa thế kỷ trước hành quân đi vào nhìn thấy em gái Lào gùi sắn tấm áo đẫm mồ hôi có những đường chỉ uốn lượn quyến rũ. Cô bán hàng cười thật tươi. Bác ơi, cô gái Lào của bác chắc thành bà cụ rồi. Áo của bà cụ ấy nay thành áo các cô gái Lào trẻ măng đang mặc đây này, bác mua đi. Tôi mộng du nhìn những tấm áo gái Lào mà thấy như đội ngũ hành quân chúng tôi bát ngát tiếng cười và ánh mắt em gái trong như suối nhìn theo.
Ai chưa từng uống cà phê Quảng Trị thì hãy khoan so sánh cà phê vùng miền này kia nhé. Xin hãy đến Khe Sanh, hãy nhìn và lắng nghe những giọt cà phê rơi rất chậm. Hãy lắng nghe, nhớ rằng trong tiếng tí tách kia, trong hương vị cà phê có những âm thanh kim loại một thời, âm thanh của tiếng người, âm thanh của gió, âm thanh nắng, âm thanh cơn mưa trong lửa và cả những cơn rú hét của thiên nhiên lũ lở tràn qua. Giọt cà phê như thế mới là giọt cà phê thấm đẫm đời người. Cà phê Quảng Trị không giống bất kỳ đâu. Hãy lên với Hướng Hóa để nhìn miên man nương rẫy cà phê tít tắp lên tận Sa Mù trên độ cao hơn ngàn mét. Ở đấy những cây cà phê hay hoa dã quỳ dại uống sương trời tắm mây trời và tiết ra tinh túy khói sương trời đất. Cà phê Sa Mù trời ban cho Quảng Trị còn ít lắm nhưng rồi sẽ nhiều.
Thu hoạch cà phê Khe Sanh - Ảnh: Phan Tân Lâm
Ngày hôm sau tôi dậy thật sớm, nói lái xe đổ đầy xăng ở thị trấn Khe Sanh. Chúng tôi qua sân bay Tà Cơn đi trở ra trên con đường Trường Sơn Tây là con đường tuần biên qua đèo Sa Mù ra Khe Gát Quảng Bình. Tôi dừng lại ngoài cổng khu di tích Tà Cơn thắp một nén nhang cắm ở ven đường. Tôi đứng lặng đợi những sợi khói mỏng manh bay hết tan vào gió. Tôi không biết những đồng đội tôi nằm lại đây liệu có ngửi thấy hương thơm của nén nhang không? Nhưng tôi thì tin các anh ấy biết là tôi đi qua đây mà phù hộ cho chuyến đi ngược chiều ký ức của tôi được may mắn. Tôi ăn sáng ở chân dốc ngã ba Tân Hợp. Cô gái chừng mười bảy tuổi mặc đồng phục trung học bê phở cho khách dáng vẻ hơi vội vàng. Tôi hỏi, cháu vội đi học phải không? Dạ cháu sắp đi ạ. Người mẹ vừa làm hàng cho khách vừa nói với ra. Để đấy cho mạ, mi đi đi. Nghe tiếng lai Quảng Trị nhưng tôi vẫn nhận ra ngay chị chủ hàng là người Thanh Hóa. Vãn khách, chúng tôi ngồi uống nước chè hút điếu thuốc lào. Bằng điếu cày ống lồ ô. Người phụ nữ chủ quán kể rằng, con có cha là bộ đội hi sinh ở Tà Cơn năm Mậu Thân. Con vô đây tìm hài cốt cha hai ba năm liền đều vô vọng. Những ngày con lang thang hết cánh rừng này khu nhà dân nọ, con gặp anh nớ người Vĩnh Linh cũng đi tìm hài cốt cha giống như con. Hai năm trời lặn lội vừa làm rẫy thuê kiếm tiền để tìm mộ cha, cả hai chúng con đều không tìm thấy cha mình. Đất trời Tà Cơn Khe Sanh nay đã xanh lên ngút ngát. Chỉ có đất thì đỏ. Con từ quê bạc màu vào đây nhìn đất đỏ như son mà luôn nghĩ mình có thể đi trên xương cốt cha mình lúc nào không biết. Người ta bảo cha chúng con chắc tan vào đất rồi đã biến vào cà phê hồ tiêu cả rồi. Chúng con ở trọ cùng chỗ để đi tìm mồ cha. Lâu dần rồi thương nhau yêu nhau. Thế là hai đứa con đi tìm xương cốt của cha lấy nhau. Chúng con lấy nhau và quyết định ở lại đây, ở lại ngay tại mảnh đất cha mình đã hóa thành đất đai. Ngày ngày tháng tháng vợ chồng con đều thắp nhang và chúng con luôn tin rằng hai ông bố của chúng con cùng về. Chồng con trồng cà phê con thì mở quán bán hàng. Đứa con gái đầu lòng học cấp ba dưới Khe Sanh. Đứa nhỏ học trên Hướng Phùng. Trong nhà con kia kìa có hai cái bằng Tổ quốc ghi công. Có hai người giải phóng quân đều trẻ măng và rất đẹp trai. Tôi hỏi nhà có bán cà phê không? Dạ nhà con làm cà phê Sa Mù để bán còn không pha ở nhà ạ. Cà phê là rẫy nhà con trồng trên đỉnh đèo Sa Mù cách đây 30 cây số. Trên ấy mát lắm ạ. Cà phê uống sương và mây trời quanh năm nên có vị thơm rất lịm, không gắt bác ạ. Nhưng có lẽ mỗi lần bán một gói cà phê vợ chồng con luôn rưng rưng nhớ tới cha mình. Đồng bào ở đây ai cũng tin là trong hương vị cà phê Hướng Hóa, cà phê Khe Sanh, cà phê Sa Mùđều có tiếng cười, tiếng gọi của những người con trai vì Tổ quốc mà hi sinh.
Vườn hoa Chân Trời ở Khe Sanh - Ảnh: Trần Minh Hiếu
Quảng Trị ơi, một thời tuổi trẻ của tôi và đồng đội. Mảnh đất ân tình và nghĩa nhân chịu nhiều khổ đau hàng đầu đất nước bây giờ đang vươn lên từ đất từ lòng người những con người chịu thương chịu khó. Tết này tôi sẽ nhờ bạn tôi gửi hoa lan hoa lay ơn từ Sa Mù về Hà Nội. Sa Mù ơi, ngọn đèo hoa trong mây thẳm, nhất định chúng tôi sẽ trở lại