Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi chợ hoa cho biết làng hoa

T

ừ ngàn xưa hoa, lá, cỏ cây đã trở thành máu thịt của con người Việt Nam. Lòng khao khát cái đẹp thấm sâu trong thiên nhiên dễ dàng giúp con người toại nguyện trước thế giới hoa và cây cảnh. Có thể nói, thiếu hóa thì cuộc đời sẽ nghèo đi biết mấy. Hoa là niềm vui, là biểu hiện của sự lạc quan làm cho con người ta yêu cái đẹp, cái quý hiếm, trong sạch, thanh cao. Nó làm cho chúng ta thêm nhân hậu, dịu dàng. Trong những bông hoa, con người tìm ra ngôn ngữ hùng hồn hơn cả những lời ngọt ngào trên thế gian, nói về tình yêu, mùa xuân. Có lẽ vì thể là cụ Nguyễn Du đã đưa hơn hai nghìn loài hoa vào truyện Kiều thay lời cho bao nhiêu cảnh ngộ, tâm trạng.

Sen tàn cúc lại nở hoa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Hay:

Xót xa đào lý một cành

Hoa xuân đuơng nhị ngày xuân còn dài.

...

Trồng hoa, chơi hoa, tạo cho còn người có thú vi tao nhã, tu dưỡng tâm tính, hướng tới cái chân, thiện, mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay với nhịp độ phát triển của kinh tế công nghiệp, con người đã cảnh báo về môi trường, sinh thái thì việc trồng hoa, cây cảnh ở làng tôi thực sự góp phần cải tạo môi sinh, tăng nguồn thu nhập.

Thời nội tôi còn sống, vườn hoa nhà tôi cũng như trong làng chủ yếu trông hoa mào gà, bông trang và vạn thọ, đó là những thứ hoa cúng ở xứ này. Vườn nhà ai, dù trồng bất cứ loài hoa gì cũng đều dành một góc vườn để trồng những loài hoa ấy. Những bông trang hồi ấy màu đỏ thắm không như bây giờ qua lai tạo thành nhiều màu khác nhau. Những bông vạn thọ màu vàng tươi được kết thành từng bó nhỏ bày bán ở chợ Đông Hà vào những dịp rằm và tết. Tôi nhớ những dịp xuân về, trong khói hương trầm nghi ngút trên bàn thờ gia đình, bao giờ nội tôi cũng trang trọng đặt một lọ bông trang và vạn thọ. Mặc dù có bao nhiêu loài khác nhưng ông tôi nhất định chỉ đặt hai loại hoa cúng đó  mà thôi. Ông bảo: “Màu đỏ của bông trang tượng trưng cho chí khí và linh hồn của dân tộc, còn hương hoa vạn thọ có thể bay rất xa. Những người khuất núi nhớ mùi hương đó mà về hưởng chút lộc xuân cùng con cháu”. Bây giờ hoa cúng trong dịp rằm và tết không như trước nữa, người ta có thể đặt bất cứ loài hoa nào lên bàn thờ, kể cả hoa cúc tím. Bởi vậy, người làng tôi thu hẹp dần đi diện tích trồng bông trang và vạn thọ để trồng những loài hoa khác cho phù hợp với thị hiếu người  tiêu dùng. Tôi thấy nhớ và thương những chùm trang đỏ, nhớ mùi hương vạn thọ trong phút giao thừa, nhớ thuở hàn vi của ngôi làng.

Quê tôi có bao nhiêu hộ thì cũng có ngần ấy vườn hoa. Mỗi gia đình vừa có chung sắc  thái truyền thống làng hoa vừa tạo nét độc đáo riêng theo sở trường của từng chủ vườn. Người thích trồng hoa cúc bởi màu vàng thảng thốt của nó, cúc là loài hoa ý nhị nhất trong muôn hoa. Người thích trồng hoa lan, bởi biết lan là chúa các loài hoa. Những chiếc lá mỏng và mềm mại uốn cong xung quanh mấy giò hoa lan xinh xắn, những bông hoa nhỏ, cánh trắng, nhị hoa lấm tấm nhỏ xíu. Người ta nói lan là loài hoa mẫn cảm, nó có khả năng chia sẻ niềm vui, nổi buồn với khổ chủ, biết tỏa hương thơm đãi khách. Đó có thể là huyền thoại, nhưng làn hương ẩn hiện thoáng có, thoáng không trong vườn cây tỉnh lặng gợi chút gì huyền diệu là điều có thật. Có lẽ vì thế mà đời Tống, ông Hoàng Xuân Cốc đã ví lan như “người quân tử”. Thi hào Nguyễn Trãi đã hơn một lần nhắc đến Lan trong thơ “Lan còn chín khúc, cúc ba đường”. Quê cũ chẳng về nở để hoang”. Nhiều người ở làng tôi thích trồng hoa thược dược, đồng tiền bởi vẻ đẹp của nó được phơi bày lồ lộ. Thế mới biết người ta nói chơi hoa thể hiện nhân cách, tính tình của mỗi con người.

Những  năm qua, thu nhập từ trồng qua đã giúp người dân  làng tôi phần nào tháo gỡ bớt những khó khăn, nó gấp 6 – 8 lần so với trồng lúa, hoa màu. Nhưng xem ra người An Lạc vẫn trồng hoa nhiều nhất vào dịp tết, còn cả năm thì chững lại bởi cung đã vượt quá cầu. Không trách cứ gì làng hoa, chúng ta hãy đưa ra một vài con số về khả năng tiêu thụ hoa cắt ở hai thành  phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh: bình quân có chỉ 1 USD/người/năm trong khi đó ở các nước phát triển trị giá này là 16 USD. Đối với làng hoa qua cạnh tranh, mua bán và cọ xát ở chợ Đông Hà nhiều năm, sức mua còn hạn hẹp hơn nhiều. Bởi vậy, làng hoa của tôi đang có xu hướng chuyển qua nghề trồng cây cảnh. Thực tế nhiều người dân ở làng đã có nguồn thu nhập ổn định ở nghề này. Cây cảnh ở làng đang được nhiều  nơi ưa chuộng, thực sự đã góp phần làm giảm bớt đi phần nào sự ngột ngạt của bê tông hóa, sự nóng bức của cái xứ sở gió Lào này. Người dân làng hoa rất nhanh nhạy, hiểu rõ được giá trị của sinh vật cảnh trong đời sống hiện nay, không những ở thành thị mà nông thôn nhu cầu tiêu thụ cũng rất mạnh. Thưởng thức cây cảnh là một thú chơi sang trọng, tao nhã, mang tính thẩm mỹ cao. Khoa phong thủy cũng đã thừa nhận rằng: Hoa lá, cỏ cây  được bố trí hài hòa trong gia đình, bệnh viện, nhà khách sẽ loại trừ được khí độc, tạo ra vượng khí, giúp con người vui tươi phấn khởi, tim phổi hoạt động tốt.

Đất An Lạc hợp với nhiều loại cây cảnh như tùng, bách, si, sứ, thiên tuế, vạn tuế... Nhưng người ta trồng nhiều nhất vẫn là các loại mai, có gia đình trồng đến hàng ngàn chậu với nhiều độ tuổi và thế đứng khác nhau. Tất cả với  một sự khởi đầu như vẻ đẹp của mai không lộ liễu, không non nớt và nông  cạn. Nhìn anh Cường một nghệ  nhân trồng hoa của làng như dồn cả tâm lực vào việc uốn thế cho những cây mai, tôi không dám lại gần như sợ cắt đi luồng suy nghĩ trong anh. Trồng hoa, chơi hoa là vấn đề tinh tuế của mỗi dân tộc. Ông cha ta đã tính kỹ trong việc chọn hoa và cũng thâm trầm trong việc thưởng thức. Không phải ngẫu nhiên các cụ gọi mai là loài hoa quý, là sứ giả của mùa xuân. Bởi màu vàng chói lọi và đằm thắm của mai, bởi sự dâng hiến không bao giờ lỡ hẹn với trời đất của mai. Khi mùa xuân đến, trong đậm đà hương sắc, mai điểm xuyến những bông hoa vàng như một lời chúc tốt lành cho đất trời. Gốc mai càng già dặn, xương kính, uyển chuyển và cánh mỏng manh, tinh khiết càng thể hiện sự trong sáng, thiện lành. Người trồng mai còn gửi gắm tâm tư, đạo lý vào từng gốc mai. Nào là các thế cây phụ tử, huynh đệ, bằng hữu, mẫu tử. Nói về mối quan hệ đạo đức con người có thế “tiều phu quản tử”, thế này có hai cây cùng gốc, cây tiều phu thì sần sùi gân guốc, cây tử mộc lên trên tươi trẻ giống như người tiều phu cõng con vậy. Về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ mai còn có thế “nghinh phong” (đón gió), “xuy phong” (gió thổi). Có lẽ vì thế mà danh sĩ Cao Bá Quát đã thốt lên “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai” (Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai). Tôi cảm thấy thực sự ân hận bởi đã đùa bạn tôi, thầy giáo Quyền ngoài việc dạy chữ, chỉ biết “dạy” mai, suốt ngày tỉa tót, uốn lượn cho hàng trăm gốc mai của mình.

Bố tôi, những lúc ra ngắm vườn, thường căn dặn các anh tôi: “Chơi cây cảnh không được hấp tấp, vội vả, mà phải biết kiên nhẫn, hiểu được hồn cây mà tạo dáng”. Đúng vậy, bất cứ cây cảnh nào cũng mang đến dấu ấn tạo hóa, càng gần với thiên nhiên bao thì giá trị của tác phẩm càng cao. Trong nghề cây cảnh, người dân làng tôi phải mất nhiều công sức trong việc trồng và chăm bón cho cây. Người trồng cây phải có sự lựa chọn tinh tường, chắt lọc tối đa, giữ lại những nét độc đáo tinh tế, trên cơ sở đó mà đẩy tác phẩm trên mức thiên nhiên. Phải tạo ra được nét thuận và nghịch, nét đồng điệu hay tương phản, cây này có vẻ cổ kính thanh cao, cây kia lại thướt tha yểu điệu. Người An Lạc đã thổi hồn mình vào hoa, cây cảnh. Nhiều cây như sanh, si, tùng, bách, sứ tạo thành nhiều kiểu dáng: dáng trực, dáng xiên, dáng hoành, dáng huyền. Nhiều cây có thế bạt phong, cây vươn cao phía trước để chống đỡ, cây có dáng hổ gầm, cây nai gặm cỏ. Nhiều cây sanh uốn ba tầng thể hiện phúc – lộc – thọ, cây bốn tầng nhân – trí – nghĩa – dũng. Có những cây tùng được cắt xén như một tam giác cân không đều thể hiện thiên – địa – lợi. Rồi những cây có gai gốc gọi là sông thụ, một gốc ba cành là tam đa, gốc nam cành là ngũ phúc... Thế cây cũng giống như tâm hồn người An Lạc: thoải mái, hiền hòa, sống có nhân nghĩa. Nhiều gia đình ở  làng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cây cảnh như nhà ông Cường, ông Lang, ông Kế... xem ra thứ nghệ thuật “bonsai” ở xứ hoa anh đào xa xôi đã bắt đầu đến “định cư” và có chiều hướng phát triển ở mảnh đất An Lạc này.

Ở làng quê tôi, gần tết đã có nhiều người sành hoa lên dạm trước các chậu mai, sanh, sứ. Càng sát tết, đường An Lạc tấp nập người các nơi đổ về mua hoa và cây cảnh, cũng có nhiều người đến cốt chỉ ngắm hoa, ngắm cảnh, đi chơi cho biết làng hoa. Người quê tôi sẽ rất vui vẻ giải đáp thắc mắc cho bạn nếu bạn muốn biết về kỷ thuật trồng hoa, ươm hoa và chăm sóc cây cảnh. Niềm vui của khách mua hoa cũng là niềm vui của người An Lạc. Nhiều giống hoa, cây cảnh ở An Lạc đã được “xuất khẩu” ra Nam Định, Hải Phòng. Đó là những tín hiệu vui cho làng hoa đang làm ăn phát đạt...

***

Nhân một lần vui vẻ, tôi hỏi bố: “Để cải tạo vùng nông nghiệp ven đô sắp tới, Ủy ban thị xã sẽ mời Hội sinh vật cảnh ở Hội An ra để phổ biến thêm những kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh cho làng mình, bố có đi dự lớp tập huấn ấy không?”. Bố tôi lắc đầu, dẫu không mất tiền bố cũng không đi chỉ vì một suy nghĩ đơn giản: “Cây ở đâu hợp với đất ấy. Với khí hậu nghiệt ngã như ở Quảng Trị này chắc chi kinh nghiệm ở các nơi đã áp dụng được!”.

Tôi cảm thấy ái ngại cho bố tôi, bởi  kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh của bố cũng như ở làng này vẫn mang tính tự phát, chưa được trang bị những kiến thức khoa học cơ bản. Mà mỗi khi không có kiến thức thì khó mà tiến kịp với các vùng miền hoa trong cả nước.

“Chơi hoa dễ đã mấy người biết hoa” Vâng, có ai hiểu hết về hoa, người hoa và cả nỗi trăn trở của người trồng hoa. Dẫu sao tôi vẫn kỳ vọng vào sự khởi sắc, lên ngôi của làng hoa. Còn gì vui hơn khi xuân về tết đến trong mỗi gia đình người lớn quây quần bên các cây cảnh để tỉa tót, nâng niu và bình phẩm. Còn các bạn trẻ yêu nhau cầm trên tay không phải những bông hồng Đà Lạt mà đó là những bông hồng ở An Lạc – làng hoa, và có cả khối người đến cốt chỉ ngắm hoa, đi chơi cho biết làng hoa.

T.L

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 76 tháng 01/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground