Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi qua mưa lũ

Trong túi khôn của nhân gian khi tổng kết những tai ương trần thế có xếp hạng 4 thứ: thủy, hỏa, đạo, tặc. Và nước vẫn xếp đứng đầu trong bốn đại họa đã nêu.

Và năm nay, năm Canh Tý 2020, mưa lũ bất thường... và đại nạn sạt lở hiện ra với gương mặt của một hung thần.

*

Khu vực thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa sau trận sạt lở đất kinh hoàng - Ảnh: M.T

Khu vực thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa sau trận sạt lở đất kinh hoàng - Ảnh: M.T

Chúng tôi có mặt ở Cam Lộ và Đakrông vào giữa tháng 10 khi mưa lũ hoành hành khắp chốn. Núi bên cầu Đầu Mầu thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ trên Quốc lộ 9 sạt lở khiến cho mọi sự giao thông qua đây gặp nhiều nguy hiểm rình rập. Đi tiếp lên thôn Phú An, xã Hướng Hiệp thuộc huyện Đakrông cũng gặp sự cố tương tự phía nam đường 9. Ông Hồ Văn Nam, người dân tộc Vân Kiều, nói với chúng tôi khi trên đầu trời mưa không dứt: “Chưa có năm nào mà mưa nhiều như năm nay. Núi nứt ra trôi bùn về lấp cả ruộng đồng. Mấy năm trước ngọn núi này đã phát ra tiếng nổ. Nay nếu mưa nhiều thì rất đáng lo, nếu sạt lở xảy ra thì đe dọa tính mạng của bà con sống dưới chân núi”.  

Còn đây là cảnh tượng sau sạt lở ở xã Đakrông cũng thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Nhà dân ở đây lưng dựa vào đồi núi, mặt hướng ra đường Hồ Chí Minh từ cầu treo Đakrông chạy vào. Cách đó chừng vài chục bước chân, nhà ông Hồ Văn Do gần 80 tuổi cùng chung số phận trong đợt mưa lũ tháng 10 năm nay. Theo ông Hồ Văn Do, từ bao đời nay chuyện sạt lở chưa hề xảy ra với người dân Vân Kiều nơi đây. Thế nên khi tai họa ập đến họ thấy thật kinh hoàng. Sạt lở đã cuốn phăng nhà cửa, kéo theo đất đá. Dấu vết của thảm họa còn in hằn trên mặt đất, mặt người. Anh Hồ Văn Hang và ông Hồ Văn Do ở thôn Pa Tầng, xã Đakrông đứng trên đống đổ nát ngậm ngùi kể lại những nỗi kinh hoàng vì sạt lở mà họ vừa trải qua trong mùa mưa lũ năm nay.

Quang cảnh này nhìn từ mặt đất hay quan sát từ trên cao đều cho thấy một nhận xét chung là sạt lở đã làm biến dạng núi rừng, con người khó lòng sống yên ổn như trước đây khi thảm họa từ thiên nhiên ngày một cận kề. Người dân sơn cước sống dựa vào núi rừng bao đời nay nhưng bây giờ đại ngàn không hiền hòa như trước nữa khi mưa bão tràn về.

Nhưng tai họa chưa dừng ngang đó, khi sạt lở cuốn trôi nhà cửa, ruộng đồng. Phải gọi đúng tên là thảm họa khi trong một đêm đại nạn sạt lở đã vùi lấp cả một gia đình ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa vào chiều tối ngày 17/10/2020 cướp đi sáu nhân mạng. Đau thương khiến đất trời và con người như chùng lại trong mưa gió não nề.

Họa vô đơn chí, chỉ sau đó một đêm, vào đêm 18/10 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa thảm họa sạt lở lại nối tiếp khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã hy sinh. Chị Lê Thị Hương, nhà ở đối diện doanh trại bộ đội chỉ cách con đường nhựa, là một nhân 23 chứng. Chị Hương kể lại giọng vẫn còn chưa hết bàng hoàng, vừa kể chị vừa chỉ ra mặt đường nhựa nứt nẻ vì chấn động địa chất sạt lở cái đêm không thể nào quên.

Có chứng kiến sinh mạng đồng bào, đồng chí bỏ mình vì thảm họa sạt lở đất mới thấu hết nỗi đau sinh ly tử biệt. Những cảnh tượng đau thương và xúc động như thế này mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm chúng ta mỗi khi nhớ lại những mất mát không thể nào bù đắp. Bởi sinh mạng của những người dân, người lính đã ra đi thật đột ngột, chỉ để lại nỗi đau tê tái, bàng hoàng cho những người ở lại.

Cũng cần nhắc lại để nhấn mạnh rằng sạt lở không chỉ là quả đồi ở sau nhà, ở gần nhà mà có thể từ xa đến mức khó ngờ. Như ở Hướng Phùng thì quả đồi sạt lở từ phía sau cách doanh trại đến 1.600 mét. Nhưng tai ương vẫn ập xuống bất ngờ khi mà nửa quả đồi sạt lở, kéo theo khoảng 2 triệu mét khối đất đá và nước mưa giáng họa xuống con người, san bằng mọi thứ thành bình địa. Và trong những thời điểm dầu sôi lửa bỏng như thế thì nguy hiểm cũng còn rình rập những người trực tiếp chỉ đạo chống thiên tai, những người đi cứu hộ, cứu nạn.

Sạt lở xé toang một căn nhà xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa - Ảnh: M.T

Sạt lở xé toang một căn nhà xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa - Ảnh: M.T

Chúng tôi tiếp tục đến với núi rừng xã Hướng Sơn trong những ngày mưa gió tháng 11/2020. Nơi đây, huyện Hướng Hoá đã báo cáo tỉnh cho di dân 45 hộ với hơn 170 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số ra khỏi vùng sạt lở hết sức nguy hiểm. Trước đó, ngay khi trời tạnh đã xuất hiện những vết nứt từ chân núi chạy lên đến đỉnh núi với chiều dài hàng mấy trăm mét. Những vết nứt này cũng mới xuất hiện cho thấy địa chất của đồi núi nơi đây đang có sự cố lớn, đe dọa sự an nguy của đời sống con người và vạn vật, khiến ai nhìn vào cũng thấy âu lo, sợ hãi. Vì đó thực sự là dấu hiệu của tai họa khôn lường. Núi rừng đã không thể bình yên mà đang ở mức cần phải báo động khẩn thiết.

*

Vậy khi thiên tai đã đến mức thảm họa thì cần phải đối phó như thế nào hay nói cụ thể hơn, cứ mưa nhiều là nguy cơ sạt lở càng cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, liệu có phòng tránh được không? Đó là những câu hỏi thường trực đặt ra, nhất là với địa bàn miền núi vào mỗi mùa mưa bão, khi biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều hơn và ngày một khó lường.

Từ góc độ địa phương đơn vị thôn, bản người dân cũng cần có những hiểu biết nhất định để có thể chủ động phòng tránh phần nào thảm họa sạt lở. Chia sẻ điều này bà Hồ Thị Miên, bí thư chi bộ thôn 24 Phú An ưu tư trong mưa gió. Bà nói thôn sẽ cảnh báo để bà con chủ động phòng tránh nếu như xảy ra thiên tai.

Tại xã Húc, một trọng điểm sạt lở vừa qua, Hội Chữ thập đỏ địa phương cũng đã tiếp cận người dân bản địa để truyền thông phòng tránh thiên tai. Ông Trương Văn Đại, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hướng Hóa đến nhà dân tập hợp bà con truyền thông về phòng tránh thiên tai, đặc biệt là với nguy cơ sạt lở. Chị Hồ Thị Dân ở thôn Tà Cú, xã Húc, sau khi nghe cán bộ Chữ thập đỏ phổ biến đã nói: “Người dân chúng tôi đã hiểu những tác hại nguy hiểm của thiên tai, sạt lở trên địa bàn, biết cách chủ động phòng tránh để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của bà con nơi đây”.

Và khi thiên tai đã có dấu hiệu của thảm họa thì cách đối phó với nó cũng khác trước vì tình huống đã khác, đã đột biến, bất thường nên ngay cả phương châm đối phó thiên tai “bốn tại chỗ” cũng cần nhìn nhận đầy đủ hơn. Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nói rằng: “Ngay cả phương án bốn tại chỗ tuy rất có tác dụng nhưng cũng cần nhìn nhận lại. Vì khi thiên tai đã có dấu hiệu thảm họa như sạt lở vừa rồi thì những phương tiện cứu hộ, cứu nạn thông thường như ghe xuồng, máy xúc cỡ nhỏ đều không thể đáp ứng. Vụ sạt lở Hướng Phùng nếu không có máy xúc cỡ lớn của các đơn vị thi công gần đó thì công tác cứu nạn không thể nhanh chóng như vậy được. Và trong thời tiết mưa lũ liên miên, thiên tai chồng lên thiên tai thì việc tìm kiếm để lâu càng gian nan, phức tạp”.

Chúng tôi đã tìm đến một nhà khoa học chuyên ngành có những nghiên cứu về sạt lở đất, trong đó có địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tiến sỹ Trần Hữu Tuyến, nguyên Trưởng khoa Địa lý - Địa chất, Đại học Khoa học Huế, trình bày khá mạch lạc về những nghiên cứu khoa học của mình và đồng nghiệp về nguy cơ sạt lở đất, những vấn đề cần được nhìn nhận, quan tâm và tìm hướng giải quyết. Trước hết là một cách nhìn tổng thể về nguy cơ sạt lở ở Quảng Trị. Cần có những nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tế để cảnh báo cho địa phương, giúp chính quyền các cấp và nhân dân có thể chủ động phòng tránh thiên tai, đặc biệt là với nguy cơ sạt lở. Khi có được bản đồ cảnh báo cụ thể từng khu vực thôn, xóm, từng gia đình thì sẽ hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

Nạn sạt lở không chỉ hiểm họa đối với Quảng Trị mà còn là nguy cơ trực tiếp đe dọa nhiều tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên, thậm chí mang tính chất quốc gia. Vì vậy thiết nghĩ cần có những nghiên cứu khoa học chuyên ngành, liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, từ địa phương đến trung ương trong hoạch định chính sách kinh tế, bản đồ quy hoạch dân cư phải căn cứ vào bản đồ nguy cơ sạt lở đất. Với những địa bàn rộng lớn cấp xã trở lên có nguy cơ này cần phải có những cuộc di dân quy mô thì phải tính đến chuyện an cư lạc nghiệp, người dân có thể sống và yên tâm làm ăn lâu dài. Đây quả thực là bài toán khó. Nghĩa là vừa có giải pháp trước mắt vừa có giải pháp lâu dài, vĩ mô và vi mô. Tìm được phương sách căn cơ và quan trọng, và nhất là phải thực lòng chung sống hòa thuận với thiên nhiên thì mới tránh xa được những thảm họa từ đất trời, trong đó có sạt lở.

Vì vấn đề quá thời sự lại mới xảy ra nên bài viết này sau khi phản ánh thực trạng cũng cố gắng đề xuất một vài cách nhìn tìm hướng giải quyết. Vấn đề chỉ mới xới lên, mong sớm hoàn thiện để thiết thực phục vụ cho quốc kế dân sinh.

 

(Tạp chí Cửa Việt, số 315, tháng 12/2020)

PHẠM XUÂN DŨNG

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground