Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi tìm chuyện tình nơi biển bạc

Dẫu đêm hôm mang tiếng quấy rầy người khác nhưng tôi đánh bạo tìm gặp cho được anh Võ Minh Đẩu, Chủ tịch xã. Không ngờ anh Đẩu tiếp tôi ngoài giờ hành chính mà vui vẻ kể đến mọi ngọn nghành. Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì lòng người ở đây cũng rộng mở và hiếu khách như biển Cửa Tùng vậy.

Xưa kia cửa biển gọi là Thừa Lương. Con sông cũng gọi là Hiền Lương. Con sông Hiền Lương đổ ra sông Thừa Lương để bây giờ gọi mãi Bến Hải - Cửa Tùng. Có lẽ cha ông ta từ trước muốn có ở đây hai mặt vẹn toàn: Lương tiền với lương thiện đó chăng! Trong chiến tranh giặc Mỹ đã hủy diệt chính nơi cửa sông này một trận bom dội xuống làm sập một căn hầm địa đạo, làm chết ngạt gần 200 trẻ em và bà mẹ - cảnh tượng ấy rùng rơn cho đến bây giờ. Người ta đồn rằng: Cho đến nay mỗi lần biển sắp động là nghe tiếng rên khóc thảm thiết từ trong cửa vọng ra. Chuyện đó cũng không ai quả quyết rằng không, rằng có. Nhưng một điều chắc chắn là dư âm đau thương ấy vẫn còn vang vảng cho đến ngàn đời sau. Đất và biển Cửa Tùng, Cồn Cỏ mãi mãi ở trong ký ức đồng bào cả nước.

Cái giá ấy phải trả là ngày nay hơn bốn nghìn người dân được hồi sinh quây quần trên mảnh đất nơi cửa sông xinh xắn như một nữ hoàng kiều diễm. Trên một trăm lẻ mười hộ gia đình như đàn chim xây tổ ríu rít để biển Cửa Tùng thêm rộn rã biết bao. Có gì sung sướng hơn khi họ làm chủ sông nước, biển trời. Yêu biết mấy hàng trăm khuôn ngực vạm vỡ phanh trần trên một trăm hai chục con thuyền reo vui trong tiếng máy, hòa tan trong tiếng sóng, man mác trong biển trời, đêm ngày ra khơi vào lông. Mỗi hộ gia đình là một phần kinh tế riêng, mỗi con thuyền thành tổ hợp có lối “xuất kích áp biển nhập sóng” khác nhau, tất cả chung sức không những làm đẹp một Thừa Lương ngày xưa thêm no làng vui biển mà còn thừa cá, thừa tôm, thừa tiền để làm nên bài ca tính dụng giờ đây.

Để tương xứng với một cửa biển là điểm hẹn của bạn bè khắp nơi hăm hở về đây, Cửa Tùng phải vươn lên những thách thức trăn trở hết mình mới được như thế. Người Cửa Tùng từ lâu đã có gan bám biển thì nay bám thêm đồi – Có cái gì gần gũi hơn tay chèo tay cuốc – Trời đất giang sơn đã cho họ cả biển rộng trời cao còn cho thêm cả gia cư bề thế. Ăn con cá ở dưới biển lại về ở trên đồi đất đỏ bazan để “an cư lạc nghiệp”. Đất ấy đã quý nay còn quý hơn vì đã thấm đẫm xương cốt của cha ông bao đời để nhuần thêm mát dịu bốn mùa, cho trù phú một vùng cây hồ tiêu quý giá. Kinh tế biển kinh tế vườn quấn quít lấy nhau. Nếu các vùng nông nghiệp có VAC thì ở đây đã hội nhập VBC từ mấy năm nay.

Người dân biển mở ra kinh tế vườn được cả “dĩ ngư vi bổn” rồi được thêm “dĩ nông vi bổn” thì có gì bằng. Cá tôm kết bạn với hồ tiêu. Óc tiêu nho nhỏ cũng biết chắt chiu làm ra những con thuyền, những vàng lưới- Ở đây người ta không kể đến đầu lợn bao nhiêu với hộ gia đình. Nuôi lợn một kén ăn, thừa chất tanh bụng ỏng đít tóp mỡ mặc sức ai có lực nấy nuôi, nuôi từ “tam tam lợn, tiểu đội lợn, trung đội lợn” mà nuôi lên… Lợn ủn ỉn trong chuồng xây nền láng ăn no nằm phơi bụng trắng thề lề. Cá tôm không lắm lời mà lợn lo săn thịt nạc nhiều, phải ỉa ra cho có phân gốc tiêu. Thảo nào cây hồ tiêu ở đây tươi tốt đến kì lạ. Nhìn trong đêm ánh điện phản chiếu tôi tưởng cứ ngỡ là chuổi cườm con nít. Nhà nông hết chê nhà biển Cửa Tùng là dân không biết chi về “trồng trọt”nữa rồi. Nhà nào bét nhất cũng ba mươi gốc đứng ngửa mặt trông lên còn lại dưới và trên trăm là thường. Nếu nhà nông đâu mười hai nấc để trèo lên tận đọt mà hái thì ở đây phải hai cái thang chắp lại mới đủ. Anh Đẩu cười xề xề, nói nửa đùa nửa thật làm tôi lạc quan hết mức về chuyện “thượng vàng hạ biển” này: - Ở đây không thấy cay gì ngoài cây tiêu. Một gốc tiêu tốt năm mất mùa xuống giá cũng bằng nửa sào ruộng nhà nông. Tiêu Cửa Tùng chỉ ngửi hơi cá, hóng gió biển, ngắm trộm khách du lịch cũng đủ lớn chứ đừng nói đến chuyện chăm bón.

Thì ra cái gì khi bắt đầu cũng có nguyên do của nó. Qũy tính dụng nhân dân Cửa Tùng ra đời, cũng nhờ đời sống nhân dân Cửa Tùng đang đi lên. Làm nhiều tiêu rộng – được mẻ cá hả dạ con thuyền, được mẻ cá thì vá con thuyền. Làm nghề cá có khác gì đánh bạc. Sắm một vàng lưới chuồn sơ sơ cũng trên triệu bạc, đó là chưa kể đến lưới rê, lưới rủ, lưới quét…để đánh được con mực, con nục, con thu, con tôm hùm, con tôm bạc…Có cái phải đến vài trăm sải. Có loại ngót chục triệu bạc chứ chơi. Thế rồi gặp may thì có, gặp gió về không, bông lông sóng, bao la biển, toàn chuyện “gửi trứng cho ác thần” cả. Có lúc phủi tay sạch trơn sạch trọi. Chuyện “vọng phu” bồng con chờ chồng, chờ chồng không đặng càng lâu hóa đá cũng bắt đầu từ dân biển mà ra. Thời nay so với trước chuyện đắm ghe chết người nhờ ơn trên biết trước nên phần nào dân biển né tránh được. Song bao la “vũ trụ biển” làm sao lường nổi hết từng cơn sóng cơn gió giật. Nghề biển là “ra đi một sự đã liều” âu đó là một sự dũng cảm trong lao động mà ít có nghề nào so được. Các cụ xưa nói chẳng sai: “Trời cho cái tố tháng ba, trúc cột trụ biểu chết cha thợ nề”. Chuyện đó trăm phần trăm không có, làm chi có dụ thợ xây đứng đó mà không chết lại chết cha…Chỉ vì  các cụ cương lên để nhắc làm cho người đi biển hãi hùng mà đề phòng: Tháng ba là tháng biển lặng tuyệt vời song giông tố thường xảy ra bất ngờ. Cũng tháng ba năm ngoái (1996), thuyền anh Bốn làng này ra đi gồm bảy người, bị cơn lốc đắm thuyền. Anh quét góp gia sản, sắt hầu bọp miệng cả nhà rồi vay tiền ngân hàng cho đầy bốn mươi nhăm triệu sắm ra thế là đi đời trong giây lát. May nhờ có thuyền Đà Nẵng cứu hộ không thì cả bảy người bỏ mạng đã đành mà còn thêm bảy hòn vọng phu từ Cửa Tùng đứng ngóng ra. Hòn nào hòn nấy bồng thêm con nữa thành ra ba bảy hai mươi mốt cả thảy. Có đau không? Đau lắm chứ “đồng tiền đi liền khúc ruột” làm cả đời tiêu tan một phút. Hơn năm rồi tôi gặp lại anh Bốn sắc diện vẫn chưa hoàn hồn – Ơn nhờ tiền nợ ngân hàng cho khoanh, tín dụng Cửa Tùng vẫn cho vay tiếp, không đủ to anh sắm thuyền nhỏ, lại chập chững bước đầu ra khơi mới nhìn thấy biển. Ra thế đấy, dù có chết cũng phải sắm, phải làm, có chạy đằng trời đi đâu cho khỏi biển, phải quay về với biển mà thôi. Vì cái nghĩa xưa nay: “Thuyền là nhà biển cả là quê hương” để “đánh bạc” với biển là cái nghề muôn thuở. Nữ thập tam đã biết gánh cá, quẩy tôm, nam thập lục đã chắc tay chèo, săn tay lưới theo cha ra biển. Tôi nghe mà xót huống chi muối Cửa Tùng mặn xát vào lòng người Của Tùng mà không xót sao được.

Bác Lê Thanh Tư, giám đốc Qũy tín dụng nhân dân Cửa Tùng nói với tôi mà tựa như khuyến cáo cấp trên vậy: - Kể cũng lạ, nói là rừng vàng biển bạc mà trên rừng có chương trình 327, sao dưới biển không cho chương trình  “hai ba tám” để dân biển mạnh dạn đầu tư đồ nghề cho thiệt dữ vào, Nhà nước không mất đi đâu, chẳng lẽ người đi biển lại cầu gió lốc làm đắm thuyền hay sao?

Ý nghĩ bác Tư làm tôi thêm đa cảm với biển. Đất nước ta nơi nào mà chẳng có biển. Gía như cho tôi được đi suốt chiều dài ba nghìn hai trăm sáu chục ki lô mét bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên; giá như được đặt chân lên hết thảy mọi nơi trong tám chục cây số bờ biển Quảng Trị thì có nỗi sung sướng nào hơn đã nhìn tận mắt sự hùng vĩ của biển Việt Nam. Biển là kinh tế thực sự “biển là kho lương thực màu lam”, nhưng biển bạc đã bao đời phải lao đao trong cuồng phong sóng dữ để cho người làm biển phải long đong lận đận “ăn miếng trả miếng”.  Chừng nào ta chưa chinh phục được nó thì ít ra ta đừng để cho biển có nơi phải thiếu “dấu chân thuyền” phải “bạc đầu thương nhớ”, đừng để cho, “chỉ có biển mới hiểu thuyền đi đâu về đâu”. Đất nước ta đang giàu lên trông thấy. Sản phẩm nào làm ra mà chẳng quý, chẳng qua mồ hôi nước mắt để góp sức làm giàu. Có phải ba mặt hàng ta đang trao tay gửi bạn làm thêm duyên nợ với mình đã được anh em năm châu chào đón thì trong đó dầu khí và hải sản được lấy từ biển mà ra. Có ăn gì qua khỏi cơm cá do chính bàn tay chai sạn của nhà nông, nhà biển một nắng hai sương làm ra nó còn hàm chứa bao điều chưa nói hết. Có phải nghề biển là nghề “chim trời cá nước”. Khó mà dễ nếu ta đơm được nó thì giàu to. Khi nhà biển trúng một mẻ lưới thì đủ đổi đời ngay tức khắc. Không chơi với ai lợi bằng “đánh bạc” với biển. Sao không trúng, muốn trúng to thì phải xìa bạc ra to. Dân biển mong có máy móc phương tiện hiện đại để vươn ra xa đánh bắt và cả việc nuôi trồng chế biến được nhu nhập công nghiệp tiên tiến, có đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề thì xìa đâu trúng đó là cái chắc. Tất cả không muộn lắm đâu nhưng nhất định ta sẽ có, nhưng muốn có nhanh chã nhẽ để mình Nhà Nước lo. Bác Tư người Cửa Tùng khiêm tốn nói vậy chứ Quỹ tín dụng là cái cầu nối cũng được, mà gọi nó là em em của ngân hàng cũng xong. Chị ngân hàng ở xa có em Qũy tín dụng ở gần dân. Tất nhiên ai có gia thế nấy, chị là Nhà nước, em là nhân dân nhưng cùng chung giòng máu tiền cha mẹ sinh ra cả”.- Đấy Qũy tín dụng và ngân hàng ví như vậy để dễ thấy cái “tình tiền nghĩa việc” ra cả. Bên nào cũng vận hành đồng tiền đi khắp “cơ thể”. Qũy tín dụng được cái của dân, do dân, gần dân, thuận tiện cho vay, huy động được tối đa tiền gửi trong dân.

Hôm sau tôi đến trụ sở làm việc thấy bà con đứng chật cả vòng trong vòng ngoài. Nghe nói bà con kẻ đến vay người đến rút tiền để chuẩn bị lưới cụ cho vụ đánh cá nam nên đông làm vậy. Tôi hỏi cháu Võ Thị Tịnh một thanh niên chừng trên hai mươi nhăm tuổi, và được biết cháu có chồng với một con, bố mẹ vừa cho ở riêng hai năm nay, cháu đã đến vay ba lượt trong năm, lần này vay tới một triệu để sắm lưới chuồn. Tôi cầm “tờ đơn in sẵn” cháu vừa đưa cho liếc qua. Xem xong tôi hỏi cháu:

- Cứ một lần gửi cháu mang tiền đến đây à?

- Dạ không, chỉ lần đầu còn hiện nay đã có tổ tiết kiệm đường xóm. Mình đi đến người ta ghi vào sổ mình và ghi vào sổ người nhận thế là được. Bất kể lúc nào người ta cũng nhận, có lúc tổ nhóm siêng họ đi từng nhà nữa đó.

Ngẫm lại lời anh Chút, Phó chủ tịch huyện Vĩnh Linh nói đúng bắp: Dân đã có đồng ra đồng vào, không làm được tín dụng lúc này là phải chặc lưỡi “chà mà tiếc”- Đấy, rồi lại đổ tội cho ngân hàng: không rườm rà, có rườm rà cứ nói mãi. Mà ai làm cũng thế cả, không “rườm” thì mất như chơi, chuyện tiền nông mà dễ dãi sao được. Từ trên dội xuống không còn cách nào khác. Nhà nước phải chắc tay “nắm đằng cán”. Gía như nơi nào cũng có tín dụng dân nghèo đỡ ra nhiều phen: Nhà biển lưới rách thuyền thủng: chạy; nhà nông ngô vàng thiếu lân, lúa không lên cân thiếu đạm: chạy. có tín dụng để lo việc nhỏ, còn ngân hàng lo liệu việc to hơn, “chị em phân cấp nhau” thì người nghèo cũng yên tâm biết mấy.

Từ khi có chủ trương cho vay năm bảy trăm nghìn không cần thế chấp. Tổ nhóm tín chấp nơi nào mà chả lập, nhưng cuối cùng làm khổ cho anh xã. Nào xét duyệt đơn trương, nào phải xem anh đã nợ nần ai chưa, nào phải đợt này đợt nọ, người vay một đường, tiền một nẻo, người duyệt đơn một nơi rõ khổ. Ai dám đứng ra tín chấp đồng loạt. Đại sức mấy nhà hảo tâm thấy người nghèo mà thương. Phải thế chấp cả ngôi nhà nhưng may lắm cũng được mươi hộ vay là cùng. Chính điều này anh Đẩu đã tâm sự đại chi cởi mở với tôi, anh còn cười khà khà nói như bịa ra mà đúng: - Sợ chi mà không làm tín dụng, có tín dụng trong xã đủ mạnh tiếc chi nhân dân không nợ không vay. Tín dụng đã có điều lệ của Nhà Nước ban hành nó là người đầy đủ pháp nhân.

Đấy, Qũy tín dụng Cửa Tùng ra đời trong bối cảnh đó. Tại sao nói ra đời? Ở đây có kinh nghiệm từ trước tới giờ không có chuyện vỡ nợ, vỡ nần gì cả. Số vốn tín dụng cũ còn lại tám triệu. Vài năm trước đó ai có nhắc đến tín dụng là gì. “Thượng vàng hạ cám” đã có ngân hàng lo liệu thì “để lâu sợ cứt trâu hóa bùn”. Thôi cho nó đi theo điện đường cũng là nguồn lợi chung đều hưởng. Bây giờ khai trương lại có phải mới choang hay không? Nếu gọi “ ra đời” chứ gọi “phất cờ khởi nghĩa tín dụng” cũng chẳng sai: Vì tín dụng đã có “cờ hồng mác cũ” còn từ “khởi nghĩa” họ hàng với “khai trương” cũng cho là được. Nhưng đâu có dễ, nếu muốn phất cờ khởi nghĩa ít ra cũng phải “biết địch biết ta”. Ta, tức đời sống nhân dân Cửa Tùng bắt đầu khấm khá. Nhu cầu vay gửi sản xuất kinh doanh đang là vấn đề nóng bỏng. Chủ trương chính sách Nhà Nước được truyền đi khắp mọi nhà bằng con đường thông tin tự phát. Mối hoài nghi mặc cảm với tín dụng cũng được giảm dần. Ngân hàng nhà nước coi tín dụng như một khách hàng cỡ bự để thu hẹp đầu mối mà tiền vẫn đến tận tay người nghèo.

Cuối năm chín nhăm, cấp ủy xã họp mở rộng, dựa vào hội Nông dân, hội Phụ nữ, Thanh niên, hội Cựu Chiến binh thành lập ngay ban vận động do anh Võ Minh Đẩu Chủ tịch xã đứng ra làm giám đốc. Tổ chức mua phiều đợt đầu. Khối cán bộ xã được tạm ứng trước một tháng lương cộng với một số cán bộ đoàn thể các hội, một số bà con am hiểu thấu đáo chủ trương tín dụng mới. Chỉ mười tám ngay sau đã có sáu chục thành viên tham gia được hai mươi triệu tiền vốn cầm tay. Bấy giờ cử ra cho một ban quản lý lâm thời để dự kiến sau này đại hội bầu không trúng lại khó khăn hết đường nói. Bầu đến ai cũng tư lự, suy tư, từ chối, vì ai cũng nhìn vào đồng tiền chưa đủ mua một chiếc xe dream rạc, thế mà ai dám cầm cờ phất. Trẻ có gan thì rụt rè chưa quen chuyện tiền nông. Gìa thì có kinh nghiệm thì gan phổi đã teo bớt. Thời bây giờ chuyện làm ăn ai tự đứng lên mới ngoan cường, biết lượng sức lượng tài. Nếu lãnh đạo chung chung một công việc khác cấp ủy có thể chỉ định. Còn chơi với đồng tiền “không dám đâu”. Nhưng sự đời không có người này thì có người khác. Tài hoa trẻ không có thì “tài hoá trẻ” vậy. Đến lượt ba người quyết định một phen. Một: Bác Thanh Tư (năm nhăm tuổi) đã vào sống ra chết với tín dụng cũ. Hai: Anh Lê Hồng Mai: Công an nhân dân về nghỉ hưu ; Ba: Anh Nguyễn Trung Hiếu đã từng lăn lộn với nghành ngân hàng mấy chục năm mới về nghỉ chân ướt chân ráo…

 Theo điều lệ Qũy tín dụng mới, từng ấy tiền và thành viên đã đủ tiêu chuẩn khai trương- Mà phải khai trương gấp để Ban giám đốc có đủ tư cách pháp nhân, còn phải xách gói đi đây đi đó nữa chứ. Nhậm chức còn nóng hôi hổi, Bác Tư cùng hai anh vơ hết cả ngân sách xã và vay thêm ngân hàng cả trăm triệu. Tín dụng bắt đầu hoạt động. Nói hoạt động là đúng vì còn phải thăm dò tình hình lực lượng “đối phương” xem sao. Vừa cho vay vừa vận động thêm thành viên và người gửi. Một việc chủ yếu khác là sắp xếp tổ chức tận các hộ gia đình, lên đến xã duy trì nề nếp từng tổ nhóm. Các tổ tín chấp được thay bằng tổ tiết kiệm. Chỉ từng ấy việc đã mất thêm một tháng rưởi ròng rã. May đã kết nạp thêm được hai chục thành viên chính thức. Vị chi cả cũ cả mới được tám chục “nghĩa quân” tín dụng lúc này.

Đùng một cái trước và sau Tết Bính Tý, biển động lên bốn tháng. Sóng bịt khăn tang tầng tầng lớp lớp lăn xả vào bờ mà thét mà gào mà rung lên từng cánh cửa. Ai chưa quen về đây một hôm khi biển động, bờ vòng cung như lồng chảo hứng sóng. Sóng dập đến long tai nhức óc. Thuyền lên bộ quá lâu hết nằm ngửa lại nằm nghiêng cuối cùng phải nằm sấp. Dân biển mà…Ngoài biển toàn tiền là tiền nhưng gặp đông dài ngày là “treo om”. Ăn không ngồi rồi vài ba ngày lại thấy hoảng, huống nỗi bốn tháng liền ai làm gì ra được dồng “ke”. Hơn bốn nghìn miệng ăn. Có lẽ nào trời chưa nuôi được một ngày lại bóp cổ ngay khi tín dụng vừa ra đời. Ai cũng chong mắt hau háu nhìn vào tín dụng. Tín dụng thì hết sạch trơn không còn đồng dính gói. Nhưng lẽ nào để cho nó khắc nhập rồi lại khắc xuất. Ai có am hiểu dân nghèo giàu như trở bàn tay mới dám vung tay lúc này: trời yên biển lặng trở lại làm đâu trúng đó. Thị trường đang đói cá, chỉ vài hôm ra biển trúng quả cũng đủ ăn trệt cả năm, đó là luật biển xưa nay. Điều này người cầm cờ phất không cần suy nghĩ mà đã “biết địch biết ta” từ đầu. Thế là anh em chia nhau một người một ngã đi khắp các cửa trong tỉnh để vay tiền. Chỉ tiêu phải vay cho được ba trăm triệu mà càng nhiều hơn càng tốt mới đủ đưa về san se cho bà con vay. Được tín dụng đưa tiền về, nhà giàu bàn tán, người nghèo xôn xao. Ngày đầu tại trụ sở tín dụng người đứng kẻ ngồi vòng trong vòng ngoài như họp chợ, sợ đến lượt mình hết tiền. Tín dụng vui mà không thốt nổi nên lời là khẳng định được chỗ đứng vững vàng. Tín dụng không còn là chuyện khó lắm không làm được.

Đại hội thứ hai có đến 560 thành viên. Cửa Tùng chưa có hội trường để đủ chỗ cho toàn bộ thành viên. Đó là chưa kể các thành viên phụ các xã lân cận như Vĩnh Giang, Vĩnh Tân chung sức góp vốn vào đấy. Từ 20 triệu ban đầu vay, số dư lên tới một tỷ. Huy động được 619 triệu đồng tiền gửi, cho vay 840 lượt. Cũng không bao giờ quên ơn sâu nặng ngân hàng các nơi trong tỉnh cho vay 678 triệu đồng để lấy lại phong độ cho tín dụng Cửa Tùng vượt qua  những cú xốc bất ngờ. Anh Đẩu Chủ tịch xã và cả bộ sâu Ban giám đốc Qũy tín dụng có chung một nhận định hết sức lạc quan với tôi: - Cuối năm nay (97) anh có dịp về lại, chúng tôi sẽ có một nghìn thành viên và tiến lên mua bảo hiểm.

Tôi tin ngay vào lời nhận định đó sẽ không bao giờ bỏ ngõ. “Vạn sự khởi đầu nan” mà ở đây có trên một nửa số đó. Nếu bình quân mỗi hộ thành viên thì con số các anh đưa ra xấp xỉ với số hộ trong toàn xã.

Thảo nào từ khi có Qũy tín dụng, làng xã Cửa Tùng thêm yên ấm, vui tươi. Ranh giới giàu nghèo vẫn có, nhưng tình cảm xích lại gần nhau. Lâu lâu người ta gọi nhau í ới họp hành. Không có cuộc họp nào bằng cuộc họp tiền nông tín dụng. Bà con lối xóm có dịp ngồi lại với nhau . Ngày nào cũng rộ lên về chuyện tín dụng. Ai đã vào, ai chưa vào, ai vay nhiều, ai vay ít. Lãi suất tiền vay sao cứ giảm dần, giảm dần.v.v…

Thì ra tín dụng cũng góp phần vào chuyện đoàn kết trong khu dân cư. Nạn cho vay nặng lãi không còn, nạn bán cá non chấm dứt, người thất nghiệp giảm dần – Người ta coi “đồng tiền là tiên là phật là sức bật để làm ăn” – Đồng tiền không có con số cuối cùng chỉ có con người mới có “dân số”. Từ khi tín dụng mở ra chế độ cho vay ngắn hạn (3 tháng) dùng cho sinh hoạt, mọi cái gì cũng dựa vào tín dụng. Không có chuyện mỗi lần có việc đột xuất chồng bảo vợ, vợ thúc chồng, chạy đến toạc ống quần hầu hạ người này đến người khác mà vay không ra. Việc đám cưới, đám tang, tín dụng cũng cho vay “sốt” năm bảy ngày mang tới thanh toán liền. Anh Nguyễn Văn Cang làng này kể cho tôi nghe: anh có người o ruột không có con trai , mấy người con gái lấy chồng khác làng bà không chịu theo một đứa con nào. Có lẽ đa số người già là vậy. Anh Cang đã nghèo phải nuôi thêm người o ruột bên cạnh. Khi bà cận tử nhất sinh anh phải vay mượn chạy chữa thuốc thang, đến lúc bà tắt thở áo quan chưa có. Tín dụng biết anh không thể nào trả được nhưng cũng phải hạ sổ viết phiếu xuất cho anh mua một chiếc quan tài. Nhưng chuyện ngược lại sau khi bà con xóm làng giúp anh trong việc phúng viếng, số tiền đó anh tiết kiệm hết mức để đưa đến thanh toán cho tín dụng.

“Đồng tiền là tiên là phật”- Tôi đã thấy ông tiên, ông Phật qua tranh vẽ và tượng nặn đất, còn như người thật và hai ông đã làm bao nhiêu việc thiện như thế nào thì chưa bao giờ thấy. Nhưng đồng tiền lương thiện, “đồng tiền đi liền khúc ruột” ở đây đã có thật. Cũng đồng tiền mà cất qua nhiêu thế hệ, qua bao bàn tay lao động thì sẽ khác. Nó như một liều thuốc không kể nhiều hay ít nếu người dùng biết sử dụng thì sẽ cực mạnh và công hiệu vô cùng và cải tử hoàn sinh cho con người. Và ở đây như một chuyện cổ tích có thật đã giải thích cho câu nói lâu nay: Hãy để cho người nghèo cái cần câu chứ đừng cho con cá. Tôi đã tìm đến nơi tiền tình biển bạc là đây.      

                                                                             Cửa Tùng 25.4.1997

                                                                                         P.T.S.

Phùng Thế Sấn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 33 tháng 06/1997

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground