Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đôi bờ dân ca

Giữa hoang dã thiên nhiên, giữa hoang sơ lịch sử của đôi bờ, mỗi dòng sông đều có mỗi dáng vẻ riêng, một dòng chảy riêng ở phía cuối nguồn.
 

Sông Hồng nước đỏ với châu thổ phù sa phì nhiêu, tạo nên hình hài, dáng vóc của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cửu Long Giang với chín nhánh sông vạm vỡ như những cánh tay trần của người dân Nam Bộ giang ra ôm chặt mảnh đất thân yêu nơi dựng nghĩa của Bình Định Vương anh hùng dân tộc Trương Công Định trong những ngày đầu “Mang gươm đi mở nước… để ngàn năm nhớ mãi đất Thăng Long”… Sông Hương lặng lờ êm trôi giữa vùng đất nắng gió của miền Trung, tiềm ẩn sự giàu sang vương giã hơn một thế kỷ của vương triều Nhà Nguyễn, để  lại cho hôm nay một cố đô Huế với một quần thể lăng tẩm, đền đài… được xếp hạng là kỳ tích văn hóa của nhân loại. Sông Gianh - lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại không muốn nhắc đến bởi nỗi đau “cốt nhục tương tàn” của giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh…

Và còn có một dòng sông, như một dải lụa xanh chảy giữa lòng Quảng Trị, đã “một thời chia đau, đã một thời góp đau và nỗi đau chia cắt…”. Chiếc đòn gánh nặng hai đầu đất nước, đong đầy nước mắt của sự nhớ thương, lòng căm giận và máu xương biết bao thế hệ gia đình, biết bao sinh linh đã ngã xuống sì sự nghiệp giải phóng đất nước, sự sống còn của một dân tộc, sự tồn vong của một quốc gia, trước khi chuyển đưa những hạt phù sa hồn nhiên, màu mỡ của núi rừng Trường Sơn về với đồng bằng, với biển đã có một dòng chảy an nhiên, thơm thảo và dịu lắng như một cung đàn mà vẫn cháy lên một khát vọng của miền đất dân ca Vĩnh Giang…

 Hôm nay, tôi đứa con xa xứ trở về quê nội Vĩnh Giang lặng lẽ bước đi trên bờ đê gió thổi, nắng ngọt và tiếng gió thổi vọng trong lòng. Và lặng lẽ như mình là người có lỗi. Dẫu hơn hai mươi năm về trước tôi đã có một lần sám hối với dòng sông…

Tiếng sóng vẫn dội vào bờ, của đôi miền đất nước. Dư ba tiếng sóng đọng lại trong lòng là lời thì thầm của dòng sông nói với đất với người như chuyển đưa giọng hát, tiếng đàn của miền đất dân ca Vĩnh Giang đến với mọi miền đất nước với những “gừng cay, muối mặn, đĩa muối chấm gừng”… với “Những buổi sang ngang bên kia bờ thùy dương vắng lặng…”, với “… miếng cau Thủy Bạn, lá trầu chợ Do” mà nên vợ nên chồng, mà trọn nghĩa tao khang, với những điệu “lý riêng riêng” cho số phận tình duyên, của mọi kiếp người, với những “Bên ven vờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê…” để lại một niềm khắc khoải làm cháy lên những câu thơ da diết của Xuân Hoàng:

…Con đò chẳng đợi chờ lâu

Trách mình đến chậm trong lời thương nhau…

Chuyện con đò, chuyện dòng sông, chuyện người lái đò đưa khách qua sông là chuyện của một thời. Nhưng với vùng đất sông nước Vĩnh Giang, chuyện con đò, chuyện dòng sông, chuyện người lái đò đưa khách qua sông  không còn là chuyện của một thời mà trở thành một huyền thoại về đời sống văn hóa nghệ thuật của Vĩnh Linh ngày trước, cũng như hôm nay. Như nguồn gốc ra đời của ngôn ngữ loài người “Bắt đầu là lao động và tiếng nói ra đời trong khi cùng lao động”. Cũng như mọi vùng quê khác của Quảng Trị, những người dân đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất sông nước này buổi đầu cũng phải chặt cây, san đồi, lấp trũng để cấy lúa, trồng khoai, nuôi tôm đánh cá để  lấy cái ăn cái mặc. Lao động và xã hội đã tạo ra những giao lưu tình cảm, giao lưu văn hóa, những quần thể dân cư và thành quả lao động của họ đã tạo dựng nên xóm nên làng. Những Tân Trại, Phường Trầu, Di Loan, Phước Lụy, Cổ Trai, Lộc Đức, An Ninh có từ ngày ấy. Giữa hoang dã thiên nhiên, giữa hồng hoang văn hóa, trước phong cảnh hữu tình con người dễ sinh lòng trắc ẩn. Và khi con thuyền ván đầu tiên do cụ Tú họ Cao đóng ra để đưa cô con gái đầu của mình qua sông để làm dâu ở vùng đất Lâm Xuân (Gio Linh), thì con đò, dòng sông và mái chèo đã sinh ra câu hát cho người…

Sau đám đưa dâu của họ Cao, con gái làng trên, con trai làng dưới thường tụ tập nhau lại để hát để hò đối đáp gây mối tương duyên. Tiếng hò, câu hát ngày đêm cứ đồng vọng giữa đồng, rung ngân dọc suốt triền sông len vào cõi sâu kín trong tâm thức của một người lái đò đưa khách qua sông. Đó là cụ Nguyễn Mè (tức cụ Ba Mê) thân phụ của cố nghệ sĩ nhân dân Châu Loan. “Duyên kỳ ngộ” với một tâm hồn mẫn cảm, đa đoan, sau hơn mười tám năm cầm chèo lái đò đưa khách qua sông, cụ Ba Mè đã gác chèo, nhường thuyền cho một người hàng xóm để lấy năm mươi quan tiền đồng đứng ra lập gánh hát phục vụ bà con và kiếm kế sinh nhai. Ngoài những đứa con tài danh của mình như Châu Loan, Châu Phụng, cụ Ba Mè còn thu nạp thêm những nghệ nhân, kép hát tài ba như Nguyễn Duyến, Nguyễn Tộ, Nguyễn Trạm, Hoàng Thị Huyền… Những đêm hát đầu tiên phục vụ bà con ở các làng Tân Trại, Phường Trầu, Làng Tùng, Di Loan… thật cảm động. Bà con không những đến xem rất đông mà còn úy lạo ban hát rất nhiều thóc gạo, hoa quả. Nhờ vậy, ban hát của cụ Ba Mè có điều kiện tuyển thêm kép hát, mua sắm phông màn, nhạc cụ. Trong số kép hát có Cao Thị Phượng con gái út của cụ Tú Cao không những đàn hay hát giỏi mà còn đẹp người đẹp nết, ít ai bằng, làm lay động lòng người sau những đêm diễn. Nhưng xưa nay như một định mệnh “Cổ lai tương phương mệnh bạc” người nữ kép hát tài sắc đó đã sớm rời ban hát ra đi trong một cơn ác bệnh trong lần lưu diễn ở đất Cổ Thành, để lại sự mất mát không gì bù đắp được cho gia đình, cho ban hát và cho ngàn vạn người thích nghe hát của Quảng Trị. Sau khi phục vụ bà con ở địa phương và hoàn tất xong việc xây dựng chương trình, ban hát Ba Mè đã lên đường đi biểu diễn phục vụ rộng rãi công chúng ở khắp các phủ Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, Cổ Thành Quảng Trị và cố đô Huế là hai nơi ban hát ở lại lưu diễn nhiều lần. Một lần lưu diễn ở cố đô Huế, Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) quá mê giọng hát Châu Loan và sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” của Châu Phụng nên nói với đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hòe xin chủ hát cho được gặp Châu Loan và Châu Phụng. Cụ Ba Mè từ chối. Vĩnh Thụy buồn phiền nói với đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hòe rằng: “Đúng là người của sông nước sinh ra, người của một thời, tài sắc như thế thì thôi…”.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, sau khi cụ Ba Mè qua đời, gánh hát ngừng việc biểu diễn, mỗi người đi mỗi ngã. Nghệ sỹ Châu Loan tham gia văn nghệ kháng chiến. Châu Phụng theo chồng vào Sài Gòn. Nghệ nhân Nguyễn Duyến, kép hát Nguyễn Trạm, tác gia Nguyễn Tộ trở về quê hương tiếp tục hoạt động nghệ thuật phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân địa phương. Đêm đêm sau lũy tre làng Tùng Luật vẫn nghe dìu dặt, ngân xa tiếng phách, tiếng nhị của cụ Duyến và tiếng hát tiếng hò của trai gái trong làng. Còn những sáng tác của cụ Nguyễn Tộ ở làng Tân Trại như vè “chống giặc bắt lính Vĩnh Giang”, “Anh ơi quay súng trở về’, “Mẹ già đang mong…” đã góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của quân và dân Vĩnh Giang và phục vụ tuyên truyền binh vận.

Năm 1954, khi hòa bình lập lại trên nửa đất nước, kết hợp với các nghệ nhân vùng Phan Thiết ra tập kết, nghệ nhân Nguyễn Duyến đã đứng ra thành lập đội tuồng Làng Tùng, và mở nhiều lớp dạy đàn, dạy hát cho lớp con cháu. Chất giọng và tài hò bài chòi của Ái Chủng cũng bắt đầu từ đó. Đoàn văn công Trị Thiên mỗi lần lưu diễn  ở Vĩnh Linh đều tìm về Vĩnh Giang để tuyển diễn viên. Con đường nghệ thuật và tài năng của các nghệ sĩ tài hoa như Kim Quý, Sỹ Cừ, Kim Phú cũng bắt đầu từ mảnh đất quê hương sông nước Vĩnh Giang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Nguyễn Duyến và sự giúp đỡ của Ty Văn hóa Vĩnh Linh, mà trực tiếp là nghệ sĩ Lê Anh, Võ Đình Hùng, nhà thơ Cảnh Trà… một lớp người  trẻ, tài năng và nhiệt tình như Gia Tự, Hữu Nồng, Bùi Phán, Nguyễn Thị Ngoan, Cao Thị Khuê, Thế Sấn, Lê Thị Nồng… góp phần xây dựng lên đội văn nghệ Vĩnh Giang đã từng  “làm mưa làm gió” trên các sàn diễn của Vĩnh Linh và của Quân khu Bốn. Và những diễn viên nghiệp dư, những dân quân đất tuyến Vĩnh Giang ngày bám công sự chiến đấu bắn máy bay địch, đêm đưa đò chở bộ đội thương binh qua sông vẫn lạc quan hát về cuộc sống chiến đấu, lao động của mình. Biết bao kỷ niệm xúc động về những người lính của Binh đoàn Sông Dinh, cán bộ chiến sỹ của Mặt trận B5 sau mỗi lần xem đội văn nghệ Vĩnh Giang biểu diễn trước lúc chuyển quân. Không ít những sỹ quan chiến sĩ đã gửi lại những tấm khăn dù, chiếc mũ cối, ảnh lưu niệm cho đội.

Năm 1967, nhà thơ Tố Hữu lúc ấy là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương vào làm việc với Khu ủy Vĩnh Linh đã đến Vĩnh Giang và được xem đội văn nghệ Vĩnh Giang biểu diễn phục vụ dân quân và bộ đội dưới lòng địa đạo đã khóc một cách sung sướng và cảm động. Những giọt nước mắt nóng hổi cảm kích và chân thành gan ruột của nhà thơ đã làm ấm nồng thêm tình đất, tình người của vùng quê sông nước Vĩnh Giang. Năm 1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau khi xem đội văn nghệ Vĩnh Giang diễn vở hài kịch “Lật nhào thằng Mỹ”của Thế Sấn, đã cười sảng khoái và nói với đồng chí Nguyễn Văn Thiêm - Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Giang lúc bấy giờ rằng: “Quân dân Vĩnh Linh, quân dân Vĩnh Giang chiến đấu rất dũng cảm mà sống lạc quan lắm! Thằng Mỹ thua là phải!”…

Hơn thế nữa, đội văn nghệ Vĩnh Giang được thay mặt cho lực lượng dân quân tự vệ Quân khu Bốn ra biểu diễn phục vụ Trung ương và cán bộ, nhân dân thủ đô Hà Nội. Giọng hát tiếng đàn của anh em văn nghệ Vĩnh Giang đã gây ấn tượng sâu đậm và nhiều xúc động trong lòng quân và dân thủ đô. Với những tiết mục hò mái nhì, hát dân ca xuất sắc, đội văn nghệ Vĩnh Giang đã được Cục Văn hóa - thông tin Bộ quốc phòng chọn cùng một số diễn viên của đoàn văn công Tổng cục Chính trị đi thăm và biểu diễn ở các nước bạn Cộng hòa dân chủ Đức, Triều Tiên. Những đêm biểu diễn (chủ yếu là hò mái nhì và hát dân ca) của anh chị em văn nghệ Vĩnh Giang đã làm cho nhân dân Đức, nhân dân Triều Tiên hiểu thêm về sức sống của con người Việt Nam. Dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu, rất đỗi lạc quan yêu đời và thủy chung với bè bạn. Một bà mẹ Đức - bà Meta đã tặng chị Bích Ngoan người hát dân ca hay nhất của đội văn nghệ Vĩnh Giang một áo dạ và một khăn voan. Chiếc áo dạ và chiếc khăn voan ấy, chị Bích Ngoan vẫn lưu giữ làm kỷ niệm cho mãi đến bây giờ.

Trong những năm đầu sau chiến tranh vượt lên trên những đau thương, mất mát, thiếu thốn do hậu quả chiến tranh gây ra để xây dựng lại cuộc sống, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Giang vẫn duy trì và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương mình. Và những hoạt động văn hóa, văn nghệ, giọng hát, tiếng đàn của anh chị em văn nghệ Vĩnh Giang đã làm dịu những vết thương đau của người, của đất do chiến tranh gây ra. Nghệ thuật bao giờ cũng có mảnh đất riêng để sống trong lòng người. Ấy là sức sống của vùng đất dân ca này.

Năm 1983, khi vào dự Đại hội văn nghệ Bình Trị Thiên, nhà thơ Huy Cận - Thứ trưởng Bộ Văn hóa và nhà văn Rum - Bảo Việt ở thành phố Hồ Chí Minh đã ra thăm Vĩnh Linh và đến Vĩnh Giang. Sau khi thăm phòng truyền thống của xã, nhà thơ Huy Cận đã đến thăm bến đò B. Đứng dưới tán cây dừa mới xanh lại lá trên bờ và con thuyền neo hờ dưới sông, nhà thơ Huy Cận đã nói rằng: “Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh hãy cố gắng xây dựng ở  bến sông này một tượng đài kỷ niệm. Để lưu giữ những kỳ tích của cuộc chiến đấu lao động oanh liệt vừa qua. Bởi vì mảnh đất Vĩnh Linh, mảnh đất và con người Vĩnh Giang không những dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu mà còn thể nghiệm một lối sống rất đẹp, rất có văn hóa…” Thế mà mãi cho đến hôm nay, mảnh đất này, bến sông này vẫn cứ thao thức và hao gầy sau nhiều năm tháng cầm đàn và cầm súng.

Có ai nhớ về một bến sông xưa? Câu hỏi dội vang lên từ ruột đất, từ lòng sông, từ lòng người lay đưa như mái chèo gạt nước đẩy thuyền chở khách qua sông, lay đưa như mối duyên tình chưa trọn kiếp tao khê.

Như người lữ thứ, trải qua trước vạn dặm đời, tôi lại trở về với bến sông xưa. Bến sông kỷ niệm một thời trai trẻ, một thời mộng mơ, một thời của câu hát. Tôi lại đi trên bờ đê gió thổi, nghe thổn thức tiếng sóng dội vọng trong lòng. Trong một phút linh cảm, tôi thấy những khóm rừng nguyên sinh lại mọc lên từ những cánh đồng dọc suốt triền sông, thấy lại ngôi đình làng với những chiếc mái đình cong trông như những nốt la giáng chúc xuống cung đàn và con thuyền ván mảnh mai như một chiếc lá và cô lái đò lại hát điệu “lý riêng riêng” mỗi lần chở khách qua sông. Và tôi nghe từ dòng sông, từ cánh đồng, ruộng lúa lại rung ngân lên vạn ngàn khúc hát. Những khúc hát trong ngần, dịu ngọt của miền đất quê tôi, quấn quít lấy gốc cây, con sóng mà vút cao lên ngưng đọng giữa thiên thu trông như những giọt sáng của khúc đàn tranh đang ngân lên giữa trời xuân đang độ chín…

 

Vĩnh Giang, tháng 5.1996

N.N.P

NGÔ NGUYÊN PHƯỚC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 34 tháng 07/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground