Hai đầu năm tháng trĩu con thơ…
Đúng ra là còn vài công việc cuối năm nữa nhưng tôi quyết tâm gác lại hết để toàn tâm toàn ý dọn dẹp, sắm sửa chuẩn bị cho gia đình mình đón Tết. Năm nay, các con học ở xa đều bay về đoàn tụ, cũng là dịp hiếm hoi đủ mặt các thành viên trong nhà.
Mấy Tết trước, bàn ăn bữa nào cũng trống vắng đi một góc, một góc mà sao mênh mang lắm. Nỗi vui nào cũng dừng lại nửa chừng, vui sao được khi mùa sum họp mà các con mình còn tận đẩu tận đâu. Gia đình tôi quê mùa, bé nhỏ nhưng thương lắm! Bao nhiêu nỗ lực của tôi cũng chỉ nhằm vun vén, chăm lo gia đình, con cái. Một chậu mai vàng. Một mâm trái cây tươi tắn trên bàn thờ gia tiên. Một nồi bánh tét. Một xoong măng kho. Một ít rượu vui đợi khách… Chỉ vụn vặt thế thôi mà bở hơi tai, mà mồ hôi ướt đầm lưng áo. Khổ nỗi, vừa ngồi lau mồ hôi đã nhớ, nhiều tuổi rồi, càng lúc càng sống với quá khứ nhiều hơn. Quên thì thôi! Nhớ lại cứ rưng rưng.
Ảnh: I.T
Quên thì thôi! Cơm áo gạo tiền vật cho lên bờ xuống ruộng thì thôi! Hai thứ tóc trên đầu rồi mà cứ Tết đến, ngồi một mình lại bần thần nhớ thương má, nhớ thương cái gánh buồn đau, hai đầu hai anh em tôi của má. Đôi quang gánh hai đầu hai đôi mắt tròn xoe điếng sợ, không phải sợ tiếng thần sấm sét, không phải sợ “ông ba bị” trong chuyện kể đêm hôm mà là rùng mình bởi tiếng đề-pa của cối, của pháo, mà là giật nãy người bởi lửa đạn đất cát mảnh đạn tứ tung ngang dọc bao trùm.
Quên thì thôi! Chưa tới Tết thì thôi! Cứ gió heo may se se thổi lạnh hiên nhà lại nhớ má, nhớ những ngón chân quắp vào đất sét trơn trợt đến gân xương co rút thành tật, nhớ bước liêu xiêu của má trong chạng vạng trời chiều, nhớ chiếc áo bà ba chằng đụp miếng vá, bạc màu thời gian, màu mồ hôi nước mắt, màu tảo tần, màu hy sinh vì con vì cái… Má tôi là góa phụ, một nách năm con, chịu thương chịu khó, tảo tần cho đến hơi thở cuối cùng. Trong đời má chưa bao giờ có được cái Tết đủ đầy, thảnh thơi, chưa bao giờ má dành cho riêng mình một tấm áo đẹp đón xuân, đồng bạc lớn đồng bạc nhỏ kiếm được má đều mua sắm hết cho các con, chưa bao giờ ánh mắt má thôi lo âu khi nhìn bầy con nheo nhóc.
Không phải chỉ bây giờ, không phải chỉ Tết này, không phải chỉ ngọn heo may thổi héo hồn mấy chiều chạp úa mấy bữa nay, mà từ khi chập chững vào đời, đôi gánh giấc mơ của má đã là nỗi ám ảnh trong sâu thẳm, trong lặng im, trong từng giấc chiêm bao, giấc đời thực, giấc hoang hoải kiếp người của tôi. Suýt nữa thì tôi đã mất mạng vì một mảnh pháo xẹt ngang đứt phựt tao gióng mây. Suýt nữa thì giấc mơ của má đã vĩnh viễn về với đất. Suýt nữa thì má để rơi giấc mơ trong cơn loạn lạc. Suýt nữa thì… “chẳng biết má có sống tiếp nổi không?”... Má đã kể như thế, má đã ôm tôi vào lòng mà kể như thế, má đã nhòe nhoẹt nước mắt mà kể như thế. Có một cái Tết, má đang rang nổ chuẩn bị đóng cốm, tôi đã nép vào lòng má để nghe những lời quắn ruột quắn gan của má như thế.
Tôi đã chế bình trà và để nước tràn trên mặt bàn khi chợt chìm sâu vào miền ký ức ấy. Tôi đã đánh rơi không biết bao nhiêu vật dụng trên tay khi lòng mình cứ như thước phim quay ngược chìm ngập trong ánh sáng hỏa châu, trong tiếng rú kinh hãi của má khi mảnh đạn pháo bay xẹt ngang tôi trong một đầu chiếc thúng. Bao nhiêu giấc ngủ của tôi đã bị mảnh đạn pháo ấy cắt ngang làm giật mình kinh hãi, làm mồ hôi lạnh tuôn túa, làm tôi quýnh quíu trốn núp như người mộng du. Mảnh đạn pháo từ ký ức xa đã thành ác mộng gần, đã ám vào tâm hồn tôi thành một thứ vết thương vô hình nhưng âm ỉ rỉ máu, không bao giờ lành lặn trở lại được nữa… Những ngày đêm bi thương đùm túm nhau chạy khỏi vùng lửa đạn ấy cũng trùng dịp cuối chạp Tết nhứt, cũng ngày cùng tháng tận, cũng đoàn tụ, phân ly, cũng mùa ưu tư thân phận, cũng mùa gió heo may se sắt, mơn man khiến cho người chợt người hơn.
Ngồi ngắm từng búp mai rung rinh xòe nở trong khoảnh khắc giao thừa nhưng tôi biết mình đã thiếu tập trung trong bước chuyển giao trời đất thiêng liêng từ năm cũ sang năm mới. Đừng tưởng quá khứ chỉ là quá khứ, có khi từ nơi ấy mầm dương lại hé, lại bừng thức một tâm cảm giao truyền, lại bướm bung từ kén hoặc cũng có thể gầy guộc buồn thương, hoặc bạc phần trong nức nở ba đào. Tôi biết đời sống mình là giấc mơ được trả giá quá đắt bởi những đêm tao loạn, bởi những ngày phân ly và bởi cuộc đời hy sinh của má. Tôi đã làm được gì cho má vui chưa? Tôi đã trưởng thành, đã cống hiến được gì cho đời như kỳ vọng của má? Có lẽ đó là những câu hỏi giản đơn mà khó trả lời nhất trong suốt đời sống của tôi. Quên thì thôi, nhớ lại cứ rưng rưng!
N.H