Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu thành phố Đông Hà - Ảnh: Đ.T.T
1. Không mênh mang “lội không tới bờ, lặn không tới đáy” như Cửu Long Giang nơi đất rừng phương Nam; không đỏ lừ phù sa và hào hoa chảy giữa đôi bờ những vùng đất có tầng văn hóa sâu dày như sông Hồng nơi cuối trời đất Bắc; cũng không như sông Hương mang vẻ đẹp thơ mộng trường tồn của miền đất cố đô; sông Hiếu là một con sông duyên dáng và khiêm nhường như tính cách của người dân quê Quảng Trị.
Không đủ dài để có sức vóc ầm ào nơi cửa bể, không đủ rộng để làm cho người đôi bờ diệu vợi, sông Hiếu là gương mặt quê thuần hậu như sinh ra để làm tròn chức phận của một đời sông lam lũ. Từ ngàn xưa, sông Hiếu đã gắn bó cật ruột với mảnh đất và con người Đông Hà. Với vị trí nằm giữa lòng thành phố, sông Hiếu tô thêm vẻ đẹp thiên nhiên vốn có và cảnh quan kiến trúc đô thị, góp phần điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái cho toàn vùng.
Cùng với sự phát triển của cư dân đô thị, sông Hiếu đã tạo nên nhịp cầu nối đôi bờ duyên dáng và được quy hoạch như là một không gian kiến trúc thoáng đãng, điểm nhấn kiến trúc độc đáo của thành phố Đông Hà. Từ những lợi thế đó, về hướng phát triển không gian đô thị theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đông Hà trong tương lai đã xác định lấy sông Hiếu làm trung tâm cảnh quan và là điểm nhấn kiến trúc phát triển đô thị. Khai thác quỹ đất hiện có, mở rộng đô thị về phía bắc, phát triển theo hai bờ sông Hiếu kéo dài đến Ngã Tư Sòng.
Trong những lần theo đường Hoàng Diệu để lên quê Cam Lộ, hay đi qua những thôn làng về phía hạ nguồn, tôi đã dõi theo và cảm nhận được từng sự thay đổi của vùng đất bờ bắc Hiếu Giang trong nỗ lực biến ý tưởng quy hoạch đô thị thành hiện thực sống động. Cách nay nhiều năm về trước, cứ chiều xuống, rất đông người dân Đông Hà và những vùng lân cận đã tìm về nơi những triền sông Hiếu để hóng mát. Người dân làng hoa An Lạc xứng danh là những người nhanh nhạy với thời cuộc khi “bung” ra, chiếm lĩnh khoảnh đất còn ướt đẫm mùi nê địa ngay trước thềm nhà khi con nước ròng Hiếu Giang vừa rút xuống để đóng trại dựng lều mở mang dịch vụ ăn uống, giải khát. Lúc bấy giờ, một đoạn đường Trần Nguyên Hãn nhỏ hẹp, lẫn trong tre trúc, kề bên mép nước quẹo từ cầu Đông Hà về chưa đến đập Đại Độ đã chen dày những hàng quán. Những tên quán nghe bình dị, chân mộc như Bãi Bồi, Cát Vàng, Bên Sông... hay ẩn nhẫn một khát vọng tốt lành như Phúc Lai, An Bình… luôn đầy ắp thực khách. Người uống bia dầm chân xuống đất ẩm, trò chuyện trong tiếng giòn vang của đò máy xuôi ngược và tiếng gõ mạn thuyền thư thái của dân chài thả lưới nơi dòng sông Hiếu.
Bên cạnh mở mang dịch vụ, những năm gần đây, địa bàn phường Đông Giang, Đông Thanh được biết đến là một trong những nơi cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường, chủ yếu là thành phố Đông Hà. Do đặc thù cận giang nên cứ mỗi mùa lũ về, nước sông Hiếu tràn vào đồng bãi, xóm làng, gây ngập úng, có khi rất dài ngày. Nước rút, phù sa ở lại. Phù sa đắp bồi cho đất đai nơi đây năm này qua năm khác, luôn có độ phì nhiêu, tơi xốp. Cây cối gieo trồng đất phù sa không cần chăm bón nhiều vẫn tươi tốt quanh năm. Người dân Đông Giang, Đông Thanh nổi tiếng cần cù chịu khó, khéo tay, hay làm. Cái thế cận thị, cận giang đã góp phần tạo nên tính năng động trong cung cách làm ăn của người dân nơi đây. Làm giá đỗ, bún bánh, ngành nghề, dịch vụ, chăn nuôi, làm lúa, trồng hoa, cây cảnh... đủ cả. Riêng về trồng hoa, cây cảnh và trồng rau màu, chuyên tâm rau sạch, rau an toàn, người dân Đông Giang, Đông Thanh đã đạt đến mức lành nghề, khắp nơi biết tiếng.
Hơn một thập kỷ hiện thực hóa ý tưởng bố trí không gian cảnh quan kiến trúc theo mô hình “Thành phố bên sông nước”, “Đô thị nhà vườn” trên cơ sở phát huy những lợi thế đa dạng về địa thế, không gian mặt nước… Đông Hà đã từng bước hình thành được dáng vóc ban đầu đầy triển vọng. Bây giờ, ai có dịp đến thưởng thức đặc sản bánh ướt An Lạc trứ danh sẽ thấy rộng mở trước mắt con đường Thanh Niên vạch một lối đi rộng rãi, năng nắn xuôi về phía đông, nhập vào đường xuyên Á để ra biển Cửa Việt. Đường xuôi về đến đâu, phố xá, khu dân cư theo đến đó. Một vùng quê thuần nông, xa xôi, cách trở đang được nối gần lại với thị thành. Rồi nữa, một đoạn đường Hoàng Diệu nối đến cầu sông Hiếu, những công sở bề thế của tỉnh đã mọc lên. Làng quê của người dân Đông Thanh dọc theo bờ Hiếu Giang vốn mộc mạc bởi những nếp nhà ẩn giữa mảnh vườn rộng, có chuối trồng sau, cau trồng trước, yên hòa và thuần hậu đã có sự dịch chuyển theo hướng xây dựng nhà vườn, biệt thự vườn với đầy đủ hạ tầng cần có cho sự phát triển của đô thị. Nhờ vậy, những cơ sở kinh doanh dịch vụ nơi đây đã liên tục phát triển... Đường Hoàng Diệu, đường Thanh Niên thực sự là “tuyến đường động lực” được đầu tư xây dựng nhằm hiện thực hóa định hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm phát triển của Đông Hà và tạo ra điểm nhấn cơ bản về cảnh quan, hạ tầng, dân cư của thành phố ở khu vực phía bắc sông Hiếu.
Tuyến đường Hoàng Diệu bên sông Hiếu - Ảnh: Đ.T.T
2. Có thể thấy, đô thị Đông Hà bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỷ XX nhưng quá trình đô thị hóa với tốc độ phát triển nhanh và mạnh thì phải đến sau năm 1989 - khi Đông Hà được chọn làm thị xã tỉnh lỵ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự quan tâm đầu tư của tỉnh nên bước đầu, thành phố Đông Hà đã tạo được bộ mặt mới của văn minh đô thị.
Xuất phát từ ưu thế về đặc điểm vị trí địa lý, thị xã Đông Hà (trước đây), nay là thành phố Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử cận, hiện đại của dân tộc luôn là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung.
Năm 1989, Đông Hà được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Để xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Đông Hà nhiệm kỳ 1992 - 1996 đã xác định: thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy đô thị nuôi đô thị” để huy động nhiều nguồn vốn, sức lao động, vật tư, kỹ thuật... tạo nên sức mạnh tổng hợp tiếp tục thực hiện từng bước hoàn chỉnh, làm mới, nâng cấp các tuyến giao thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện, thực hiện nhanh việc đặt tên đường, tên phố và số nhà; đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng theo hướng phát triển lâu dài, gắn với sản xuất, kinh doanh và cải tạo môi trường, tăng thêm vẻ đẹp cho thị xã, thực hiện đô thị hoá theo hướng văn minh, hiện đại...
Với nỗ lực vượt bậc, ngay từ khi tỉnh Quảng Trị lập lại (tháng 7/1989), Đông Hà đã quan tâm tập trung cho công tác quy hoạch đô thị. Với 7.255 ha diện tích tự nhiên, trong khu vực đô thị chiếm 60,5,% tổng diện tích, dân số trên 80.000 người, được chia thành 9 đơn vị hành chính cấp phường, Đông Hà đã dần hình thành nhiều khu dân cư mới, hàng ngàn ngôi nhà có kiến trúc hiện đại được xây dựng theo quy hoạch đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn. Nhiều công trình kiến trúc có giá trị trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, tôn giáo, lịch sử ngày càng được tu chỉnh và bảo vệ, góp phần tạo nên bức tranh kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống.
Quá trình thực hiện đô thị hoá gắn liền với xây dựng và quy hoạch đô thị, Đông Hà từng bước vươn lên để khẳng định vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh; đồng thời phát huy ảnh hưởng của mình là một trong những trung tâm giao lưu thương mại của miền Trung và của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chỉ tính trong vòng 8 năm (1991 - 1998), Đông Hà đã được đầu tư trên 244 tỉ đồng để xây dựng cơ bản và quy hoạch đô thị. Đặc biệt, trong 5 năm đầu của thế kỷ XXI (2001 - 2005), các nguồn vốn được huy động đầu tư cho phát triển tăng khá nhanh. Các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày càng nhiều như giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh đô thị, trụ sở làm việc, chợ đầu mối, trường học, bệnh viện, trạm y tế, thiết chế văn hoá,... Đông Hà cũng đã từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ sầm uất của tỉnh và khu vực.
Ghi nhận những thành tựu đó, ngày 11/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP thành lập thành phố Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị. Sự kiện này đã đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đông Hà và tỉnh Quảng Trị. Đây là động lực to lớn góp phần mở ra thời kỳ phát triển mới của thành phố trung tâm tỉnh lỵ.
Trong những năm gần đây, Đông Hà hướng tới trở thành đô thị loại II, từng bước trở thành đô thị thông minh, bắt kịp xu thế phát triển của các đô thị động lực trong nước. Ngày 15/6/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1234/QĐUBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2045. Đây thực sự là “chìa khóa” mở hướng phát triển của thành phố trong thời kỳ mới, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền đô thị. Nói như dự phóng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ đây, Đông Hà có cơ hội phát huy “bản lĩnh tổng hợp của một vùng đất gắn liền với lịch sử” và “đang dồn năng lượng cho cuộc chạy việt dã vào tương lai”.
Theo đồ án quy hoạch, Đông Hà sẽ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng thành phố Đông Hà trở thành “Thành phố kết nối xanh” với ba trụ cột là “xanh- thân thiện- năng động”, định hướng tổ chức không gian thành phố với ý tưởng chủ đạo là lấy sông Hiếu làm trục cảnh quan chính của đô thị, kết nối các “tuyến xanh” với sông Thạch Hãn, Vĩnh Phước, hệ thống ao, hồ...cùng với các không gian cây xanh đô thị là yếu tố liên kết không gian giữa khu trung tâm hiện hữu với khu vực phát triển mới.
Trong tương lai, đô thị Đông Hà sẽ tỏa ra 4 hướng. Ở phía bắc tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu đô thị mới, nông nghiệp đô thị, kết nối với tuyến hành lang thương mại dịch vụ du lịch phía bắc, Khu công nghiệp Quán Ngang, Cảng hàng không Quảng Trị, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Hiếu. Phía nam tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, sạch, hệ thống kho tàng, hình thành các trung tâm giáo dục, y tế kết hợp với các khu đô thị mới gắn với du lịch sinh thái sông Vĩnh Phước. Phía đông tập trung phát triển khu đô thị mới, phát triển nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái trải nghiệm, kết hợp với không gian cảnh quan sông Thạch Hãn. Phía tây tập trung phát triển, cải tạo, chỉnh trang khu vực hiện hữu, hình thành các khu du lịch sinh thái gắn với lâm viên khu vực hồ Khe Mây, hồ Trung Chỉ, phát triển công nghiệp, logistics gắn với tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường Điện Biên Phủ.
Sông Hiếu chảy qua những xóm làng thanh bình trước khi hòa vào cửa biển - Ảnh Đ.T.T
Một điểm nhấn của Đông Hà chính là dòng sông Hiếu. Đây là một dòng sông có tính kết nối và lan tỏa chứ không đơn thuần mang lại cảnh quan tươi đẹp cho Đông Hà. Trong nỗ lực xây dựng sông Hiếu thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Đông Hà, trên sông Hiếu đoạn qua Đông Hà bây giờ, cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu, công trình đập ngăn mặn sông Hiếu, cầu dây văng sông Hiếu đã được xây dựng. Người xưa có câu “Cây cầu là đầu con lộ”. Từ những cây cầu này, Đông Hà sẽ kết nối thuận lợi đôi bờ sông Hiếu và vùng vành đai thành phố, mở ra hướng giao lưu thông suốt với các địa phương trong tỉnh, trong nước. Nhiều du khách phương xa đến đây, và ngay cả người dân Đông Hà, Quảng Trị có dịp nhìn ngắm sông Hiếu bây giờ cũng đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần hậu của dòng sông quê hương, đúng như tâm trạng của nhà thơ Đỗ Hoàng đã viết trong bài thơ “Ơi sông Hiếu”: Có phải vì em mà sông đẹp / Hay vì nết đất của quê ta!
3. Ở một khía cạnh khác, cần phải khẳng định, Đông Hà có được “gương mặt đô thị” với điểm nhấn là dòng sông Hiếu và cảnh quan hai bên bờ sông mở ra không gian phát triển bền vững như hôm nay cũng chính nhờ sự chuẩn bị cho tương lai của thế hệ đi trước lựa chọn, mở đường.
Đông Hà sau trước vẫn là đô thị gắn với sông nước do nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa 2 con sông quan trọng của vùng Quảng Trị là sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Đông Hà cũng là đô thị được bao bọc 3 phía bởi 3 con sông: Thạch Hãn, sông Hiếu và Vĩnh Phước. Ngoài ra còn có Hói Sòng và nhiều hồ như hồ: Trung Chỉ, Khe Mây, Đại An, Khe Sắn... Dọc đôi bờ sông Hiếu có ruộng vườn trù phú, có sản vật đa dạng với cảnh sắc non nước hữu tình ở vùng hạ lưu, đã được học giả Dương Văn An cảm tác khen ngợi: “Thượng Độ, Hạ Độ mặt trăng trên nước, trăng ngần”; “Thượng Độ, Hạ Độ dãy núi ngoài mây, xanh biếc”...
Trong bài báo: “Suy nghĩ về cách đặt vấn đề quy hoạch thị xã Đông Hà” đăng trên báo Quảng Trị ra ngày 3/8/1989, kiến trúc sư Bùi Hiệt có viết: “Tỉnh lỵ của một tỉnh thông thường là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một tỉnh. Quy hoạch thị xã Đông Hà cũng là làm nhiệm vụ tổ chức lại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phục vụ cho nền sản xuất, đời sống, văn hóa của toàn tỉnh ngày một nâng lên, chứ không chỉ phục vụ cho nhu cầu thị xã, mà còn có tầm chiến lược của cả tỉnh. Đến lượt mình, thị xã Đông Hà như là một đối tượng, một chỉnh thể phục vụ cho mục đích chung đó. Vậy thì phải tạo cho bản thân Đông Hà có một cấu trúc hợp lý, đủ mạnh, đủ khả năng lan tỏa, ảnh hưởng ra cả tỉnh. Quy hoạch thị xã Đông Hà không chỉ có “mục đích tự thân”. Một đô thị ra đời và phát triển theo quy luật riêng của nó, thậm chí những khả năng xung quanh đô thị lại có tác động hầu như quyết định đến tính chất, quy mô và hình thái của đô thị. Với Đông Hà, tôi nghĩ chính cảng Cửa Việt đóng vai trò quyết định đó. Nếu đường 9 đã góp phần sinh ra thị xã Đông Hà thì cảng Cửa Việt sẽ nuôi dưỡng, làm cho đô thị này lớn lên gấp bội”. Trong quá trình phát triển, dự phóng này của kiến trúc sư Bùi Hiệt đã được kiểm chứng và tỏ rõ sự “có căn cứ” của nó.
Cách nay hơn 30 năm, khi gánh vác trọng trách thị xã tỉnh lỵ, cơ sở hạ tầng của Đông Hà chỉ có thể khái quát vẻn vẹn trong 6 chữ: “đường đất, nước giếng, đèn dầu”. Trước thềm xuân mới 2025, Đông Hà đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc, sức vươn đáng ghi nhận trên chặng đường phát triển. Quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2045 về cơ bản đã hướng đến việc phát huy các tiềm năng, lợi thế của thành phố, là cơ sở hết sức quan trọng và cần thiết để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thích ứng với bối cảnh phát triển toàn vùng Bắc Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng Đông Hà xứng đáng với tầm vóc đô thị loại II, từng bước trở thành thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và nghĩa tình với bè bạn gần xa...
Đông Hà - thành phố nơi ngã ba sông với trăm dòng nước chảy. Những dòng sông Thạch Hãn, sông Hiếu và Vĩnh Phước bây giờ đã qua rồi thời chìm trong tre trúc rối bời, chật hẹp và những xóm làng, phố thị tạm bợ, gập ghềnh. Tất cả đang soi mình xuống những dòng nước theo nhịp thở của thủy triều, tìm lối xuôi về cửa bể để luôn nhìn thấy gương mặt quê hương nhiều nội lực, nhiều bứt phá nhưng cũng rất đỗi ân tình…