Nắng đầu năm vàng như màu mật dát đều trên các nẻo. Ánh bình minh rọi vào sườn Trường Sơn Đông lấp lánh con đường như dải lụa nối Trường Sơn Tây. Bên “mưa quây” tôi tìm tới nơi “nắng đốt” có cánh Đồng Troài bên bờ biên giới, với câu chuyện ngược thời gian về miền đất mới phía tây Quảng Trị.
Sông Hiếu chạy dọc Quốc lộ 9 rồi mất hút đầu nguồn địa phận huyện Cam Lộ. Đến cây số 41 gặp dòng Đakrông, nước trong vắt trườn qua các bãi đá cuội sáng màu. Lòng sông dích dắc như một vết nứt khổng lồ tạo thành vực thẳm lởm chởm đá. Đôi bờ bông lau nở muộn phất phơ tựa những chòm râu trắng. Nhìn sang bên kia sông, xóm Khe Ngài là một quần cư biệt lập; nhà sàn nhấp nhô quyện với màu xanh của lá non giống bức tranh tươi mới màu mực. Lên đến cầu Rào Quán, sông bắt đầu chia nhiều nhánh nhỏ luồn lách vào các khe núi. Từ đây có con đèo ngoằn ngoèo từ từ leo lên tới đỉnh Trường Sơn. Đi qua thị trấn Khe Sanh mờ sương, hiu hiu gió núi thoảng hương cà phê ngàn năm tuổi. Con đường 9 dẫn tôi nghiêng về sườn Tây, ở đây nó không men theo sông suối nữa, mà ngạo nghễ trên đỉnh non cao. Ở điểm cao Làng Vây phóng tầm mắt về phía đất nước Lào, sẽ thấy Đồng Troài mướt xanh màu lá.
*
Đồng Troài là tên ở địa phương dùng chỉ một dải đất thoai thoải nằm bên bờ sông Sê Pôn, như một bãi phù sa được bồi đắp từ lâu, sát biên giới quốc gia Lào. Phía bên kia là dãy núi cao, người dân Việt gọi bằng cái tên rất đẹp: Yên Mã Sơn, tiếng Lào gọi là Sa-ma-tẹt… và có đỉnh núi Cô Rốc hình chiếc yên ngựa, đó là một trong những cao điểm mà trực thăng của quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện các chuyến không vận đáp xuống trong chiến dịch Lam Sơn 719.
Nơi đỉnh cao Làng Vây nhìn về cánh Đồng Troài mướt xanh đến tận biên giới Việt - Lào - Ảnh: Đ.D.L
O Gái quê ở xóm Rào, làng Đâu Kênh, xã Triệu Long. Năm 1975, O cùng dân các xã của huyện Triệu Phong lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Mỗi xã lên đây lập một làng mới, được gắn thêm từ “Tân” đứng trước, như: Tân Thành, Tân Phước, Tân Long... Cánh Đồng Troài nằm trong vùng định cư mới xã Tân Long. Tôi hỏi O về xuất xứ tên gọi Đồng Troài, O nói: “Khi lên đây đã nghe gọi tên Đồng Troài rồi, còn nguồn gốc xa hơn thì không rõ. Hồi nớ rừng già che phủ, cánh Đồng Troài là một khoảng trống được bộ đội trồng hoa màu, nhiều lắm, như đậu lạc, đậu xanh, ngô, khoai, sắn…”.
Qua câu chuyện O kể, chỉ có rẫy lương thực đó là tươm tất, được tỉa vẽ giữa hoang hóa của rừng già. Kể cả con đường 9 lúc đó cũng nhỏ chưa đủ hai làn xe, lỗ chỗ hố bom đạn cày nát đang được san lấp. Xe chạy qua làm bụi cuốn mù mịt bám vào lá cây ngả màu hoe vàng. Lau sậy mọc vươn ra choán mặt đường. Ban đêm thì yên ắng đến rùng rợn, tiếng lợn rừng chạy quanh hè; rồi tiếng eng éc, huỳnh huỵch của bẫy thú nhà ai sập được. Tiếng hả hê của ai đó nói với con thú mắc bẫy “phá hết nương hết rẫy, bắt hết chúng mày may còn cái mà ăn”.
Rồi O chép chép miệng như đang tiếc nguồn lương thực ngày đó: “Rứa mà không ai ăn được! Bộ đội họ trồng khi mô mà giỏi, lạc củ nhiều đến nỗi trồi lên khỏi mặt đất, đậu đỗ thì quỵt xuống từng chùm chín đen thời tách hạt, rồi ngô khoai lần lượt đến mùa thu hoạch cũng mẩy tròn…”. Kể đến đây, O “ôi dào” lên một tiếng kiểu ngao ngán: “Không ai biết cả cánh đồng lương thực đó là bộ đội sản xuất, chuẩn bị cho bà con ngày đầu lên kinh tế mới có thứ mà ăn”. Rồi O nhấn nhá: “Đói quá, ai cũng đi qua nhìn, đi về nhìn, hồi đó kỷ luật khiếp lắm, không ai dám “nhổ trộm”, cứ nhìn thèm thuồng hết lần này đến lần khác. Về nhà nhìn mấy đứa con nheo nhóc đói mà nghĩ quẩn, định làm liều nhưng rồi cắn răng chịu đựng!”.
O gần 80 tuổi mà kể các chi tiết tỏ tường về ngày đầu gặp cánh Đồng Troài vào năm 1975. Cánh đồng đó như một điểm nhấn về sản xuất nông nghiệp đầu tiên của vùng kinh tế mới, mùa tiếp mùa là những rẫy lúa, những ruộng lạc mướt xanh. Bốn bề mênh mông đồi núi hoang vu, chỉ có cánh Đồng Troài như một thung lũng lọt thỏm giữa các đỉnh cao của thâm sơn cùng cốc.
O Gái - Người ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới, đang hoài niệm cùng tác giả
Ngày đầu ở cánh đồng phía tây Quảng Trị có nét gì đó gần giống với cái màu tươi mới trong “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải: “Bãi trồng lạc ở cánh đồng phía Tây Hồng Cúm trải ra từ chân khu nhà ở của đội sản xuất số 2 mênh mông cho mãi tới giáp rừng. Giữa cái màu xanh lặng lẽ của lá lạc, lá cỏ nghệ, và rút đồng, nổi lên một miếng vàng sẫm của mấy mảng cỏ gianh và lá cót đan lẫn lên nhau”. Nhưng cánh đồng năm 1975 khác cánh đồng năm 1957, một bên là một nông trường trong không khí lao động hăng say hồ hởi, còn một bên chỉ một cánh đồng khiêm tốn vỏn vẹn chỉ vài hecta, xuất hiện như hạt vàng giữa những thách thức khó khăn. Nhưng giống nhau là màu xanh của lá, của mùa vụ; hình ảnh con người vượt lên khó khăn đầy nghị lực, từ hai bàn tay.
Lời O lại tiếp tục trầm xuống: “Rứa rồi có đêm mưa giông, chỉ một đêm thôi…!”. O kể nghe xót xa như cận kề cơn đói: Ngồi trong nhà cũng nghe nước chảy ồ ồ như tiếng khóc của đứa thanh niên mới lớn. Nước thấm vào mái lá, đổ xuống đất nhão nhoét. Mưa xối xuống cánh đồng. Bao nhiêu củ già và chuỗi đậu tách hạt ngâm mình chỉ một đêm… Ngày sau mưa tạnh O lại ra đồng như thường lệ, để thòm thèm ngắm cái thân lạc già nua, lưa thưa mấy lá vàng cố bao bọc chùm quả lạc lúc nhúc trồi lên mặt đất…
Nhưng hỡi ôi! Nhìn mà tiếc ngẩn ngơ. Chúng đã nảy mầm trắng lấp ló, nhanh như vội vã hồi sinh sau những ngày chịu đựng… Cái màu trắng của chồi non chấp chới trên lớp đất sũng nước, đôi mắt người nhìn chợt hoa lên cùng cái bụng đói cồn cào, đăm đăm đầy thắc mắc. Khi hay rằng bộ đội sản xuất là để lại cho mình ăn. Thì tiếc quá! Họ lấy cái mầm trắng đó về xào. Mầm đậu giòn giòn ngọt thanh như truyền năng lượng cho bà con tiếp tục bám đất, canh tác trên cánh đồng này.
*
Một lần đầu tháng ba, tôi đến với sườn Tây Trường Sơn. Đồng Troài không còn là rẫy đậu ngô, khoai sắn như lời O Gái kể, mà là một vùng lau lách hoang hóa chen nhau mọc, choán hết mấy gốc cây mục còn sót lại, như chưa hề có sự sinh sôi. Có chiếc máy cày đang lồng lộn với mấy luống đất khô hạn. O lại ra đây, nhìn đường cày đứt quãng, nhìn tuốt về phía bờ Sê Pôn. Biết tôi sẽ thắc mắc về sự thay đổi này, O lại quay về hơn hai mươi năm trước: “Lên đây là xác định nhờ trời, trời thương thì trời cho, trời không thương thì phải chịu…”. Giọng của O không có chút trách móc, mà cũng chẳng than thân, trách phận. O nói như lẽ mặc nhiên sống dưới gầm trời này: Mấy mùa đầu tiên, mưa thuận gió hòa, bà con được mùa, trời như thương cảnh ngày đầu nối khố cùng nhau mà cánh đồng lạc, sắn, ngô, khoai… gieo xuống là nảy mầm, hết nắng là đến mưa. Từng cơn mưa như rắc từng hạt ngọc của trời lên lớp đất tơi xốp, thấm vào các gốc cây hoa màu đang thời hoa xòe nhụy nở, cho ong bướm nhịp nhàng thụ phấn. Mùa về kĩu kịt, tiếng cười nói nhiều hơn… rồi mùa sau lại đến, cũng lại nhịp nhàng như thoi đưa, như có bàn tay sắp đặt của trời. Đồng Troài vì thế mà gần gũi, mà thân thương.
Được, mất - ông trời quyết định điều đó, là tiết trời thay đổi và luân chuyển mà bao đời nay con người phải theo. Cũng gần mùa thu hoạch vào một năm có cơn mưa lớn, mưa to chưa từng thấy. Chưa bao giờ nước dưới sông Sê Pôn trườn lên cánh Đồng Troài. Thế mà năm đó, O nghe nước chảy quanh nhà, khác thường. Tiếng gầm của con nước băng qua bờ bị vỡ, tiếng xói lở lục bục… Chỉ sau một đêm, thành quả lao động của vụ mùa đã bị ngâm mình trong nước. Rồi năm sau, năm sau nữa cũng tương tự - hạt, củ lại bị ngâm nước nhú chồi trắng như nấm mọc sau mưa; lúa khô cúi đầu cũng nằm rạp xuống vương vãi nảy mầm. Có người nói hình như do con người chặt phá làm thay đổi cái dòng chảy gì đó. Thế là bỏ hoang cả cánh đồng cho đến bây giờ.
*
Tôi nhìn chiếc máy cày lật lên những gốc củi mục, gốc củi của những cánh rừng già ngày xưa, và hiểu rằng nơi tôi đứng đây là đại ngàn Trường Sơn, là “rừng che bộ đội” và “rừng vây quân thù”. Chiếc máy màu đỏ chạy trước, kéo theo giàn lưỡi cày lật tung mặt đất, lộ ra một nguồn sống mới, từ màu đất mới. O Gái khoe: Cần 2 sào đất trồng chuối là cũng đủ nuôi cả nhà rồi, giống cây này không sợ mất mùa như hoa màu. Từ đây cánh Đồng Troài và các sườn núi sẽ trở thành rừng chuối bạt ngàn.
Bao mùa rừng thay lá, và Đồng Troài cũng chuyển mình, như nghệ thuật chuyển cảnh của một thước phim tư liệu giàu cảm xúc. Tôi khó nhận ra đâu là đường biên của cánh đồng ghi dấu ấn một thời hồng hoang. Chỉ còn dòng Sê Pôn chảy ngược là thủy chung không đổi thay, nằm đó, tựa vào Đồng Troài như nói với tôi rằng: Chính nơi này đã có một cánh đồng lương thực, từ đó đến giờ đã gần nửa thế kỷ.