Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đưa Quảng Trị trở thành địa phương mạnh, giàu từ biển - Kỳ 2: Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển

Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển nêu rõ: Du lịch biển, nuôi trồng và khai thác hải sản cùng với công nghiệp ven biển và năng lượng tái tạo là 4 ngành kinh tế biển để tỉnh Quảng Trị tập trung phát triển thành công, đột phá. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị đã thực thi nhiều cơ chế chính sách để thu hút đầu tư. Nhờ đó, các ngành kinh tế biển của Quảng Trị thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững.

Du lịch biển đảo - mũi nhọn ngày càng sắc

Thời gian gần đây, du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch thu hút được nhiều khách đến với Quảng Trị, nhất là tam giác du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ vào điểm du lịch quốc gia. Các bãi biển như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Mũi Trèo, Vĩnh Thái… có sức hút với nhà đầu tư, bởi hầu như còn hoang sơ.

Biển Mũi Trèo hoang sơ thu hút du khách - Ảnh: Hạnh Nguyên

Biển Mũi Trèo hoang sơ thu hút du khách - Ảnh: Hạnh Nguyên

Đặc biệt, tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ đang được định hướng thành khu du lịch quốc gia để phát huy tối đa thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực, khám phá biển đảo, vui chơi giải trí, sân gôn... Nền tảng cho sự phát triển khu du lịch này đã có khi Cửa Việt đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất bao gồm hệ thống khách sạn, nhà hàng, resort. Điển hình là Tập đoàn T&T triển khai xây dựng Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải với quy mô gần 22 ha. Đây hứa hẹn là khu du lịch ven biển tạo điểm nhấn trên tuyến du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng.

Đối với tuyến tham quan ra đảo Cồn Cỏ, từ cuối tháng 8/2018, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đưa vào sử dụng tàu cao tốc vận chuyển khách du lịch từ Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ. Qua đó giúp rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, từ 2 giờ xuống còn khoảng 45 phút, nhằm phục vụ du khách đến với đảo để nghỉ dưỡng, lặn biển, câu cá.

Các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành qua các năm đều khẳng định: Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế biển đảo, hướng vùng biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ thành khu du lịch biển hiện đại, tạo tiền đề để biến khu vực này thành khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Để làm được điều này, tỉnh Quảng Trị đang áp dụng những khung ưu đãi nhất và cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Hàng loạt hoạt động xúc tiến du lịch, đầu tư được thực hiện để phát triển du lịch biển bền vững, lâu dài.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh Quảng Trị xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch biển, đảo. Chú trọng thu hút một số dự án mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tập trung tại các vùng ven biển. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, kết nối các tuyến du lịch với các tỉnh và các nước trong khu vực để đưa du lịch Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Ngành thủy sản vươn ra đại dương

Với bờ biển dài hơn 75 km, ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ, ngư trường Quảng Trị được đánh giá là nơi có nguồn lợi thủy sản dồi dào, có nhiều tiềm năng để phát triển. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ tạo được tâm lý phấn khởi và tin tưởng của bà con ngư dân trong việc mạnh dạn đầu tư, nâng cấp tàu thuyền vươn khơi khai thác thủy sản. Đến nay, tổng số tàu cá toàn tỉnh có 2.155 chiếc với tổng công suất 131 ngàn CV. Trong đó có 187 tàu cá có chiều dài trên 15 m thường xuyên tham gia khai thác ở các vùng biển xa.

Đặc biệt, thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ, toàn tỉnh đã có 25 tàu cá được đóng mới gồm 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ Compsite. Đây là tiền đề để địa phương hướng đến nghề cá hiện đại. Những con tàu công suất lớn đã giúp ngư dân đạp sóng vươn khơi, khai thác hiệu quả và bền vững hơn. Hầu hết tàu cá đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Máy dò ngang, thiết bị thông tin liên lạc… nên ngư dân chủ động hơn trên biển.

Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cũng có bước phát triển vượt bậc. Trước đây chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ và cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; chế biến thủy sản đang còn thô sơ, sản phẩm sau khai thác chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá trị thấp. Đến nay, Quảng Trị đã hình thành 3 trung tâm nghề cá lớn là Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ. Nhiều cơ sở hạ tầng nghề cá quan trọng đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như cảng cá Cửa Việt, cảng cá Cửa Tùng, cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2. Đồng thời đã có 2 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; nhiều cơ sở chế biến, nhà máy thủy sản đông lạnh được đầu tư hiện đại tại Cửa Tùng và Cửa Việt với công suất hàng chục ngàn tấn/năm, góp phần thu mua, tiêu thụ sản phẩm khai thác của ngư dân. Nhiều sản phẩm chế biến được xuất khẩu ra thị trường các nước Trung Quốc, Lào và thị trường châu Âu.

Nói về những đổi thay trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng chia sẻ, đây là sự chuyển đổi theo hướng tích cực để đảm bảo yêu cầu vươn khơi bám biển ở các vùng biển xa và hiện đại hóa nghề cá. Một hướng đi mà ngành thủy sản đang đẩy mạnh, đó là tiếp tục đầu tư về khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, lĩnh vực nuôi biển được triển khai mạnh mẽ hơn, theo đó không chỉ dừng ở việc khai thác đơn thuần mà phải vươn ra đại dương, đương đầu với sóng gió cũng như vượt qua thách thức để canh tác biển.

Phát triển công nghiệp ven biển

Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh Quảng Trị những năm qua đã tập trung chỉ đạo, thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp có quy mô lớn, để phát triển khu vực ven biển của tỉnh thành khu vực phát triển năng động, trong đó lấy Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân, phát triển công nghiệp đa ngành. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập năm 2015, có diện tích gần 24.000 ha, trải dài trên địa bàn 17 xã, thị trấn ven biển thuộc 3 huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm và nguồn lực lớn.

Vào đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, công suất 1.500 MW vào Quy hoạch phát triển Ðiện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 để quy hoạch Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước, mở ra hướng phát triển mới của tỉnh. Dự án nhằm đầu tư xây dựng nhà máy điện khí độc lập tại hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng) trên tổng diện tích 148 ha, sử dụng khí LNG và mỏ khí tự nhiên ngoài khơi để hoạt động.

Cũng tại Khu kinh tế Đông Nam, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đang được đầu tư xây dựng. Cảng Mỹ Thủy được xác định trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg, ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cảng biển nước sâu, có vị trí rất thuận lợi để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Cảng Mỹ Thủy nằm trong Khu kinh tế Đông Nam được xác định là dự án động lực góp phần hình thành và phát triển khu kinh tế. Hiện tại, dự án đầu tư cảng Mỹ Thủy được nhà đầu tư triển khai các thủ tục để khởi công xây dựng. Đặc biệt, khi hình thành cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng thì khu vực ven biển từ Triệu Phong đến Hải Lăng được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Quảng Trị, từ đó hình thành hành lang kinh tế biển đa lĩnh vực, đa ngành nghề từ du lịch nghỉ dưỡng, khai thác, chế biến thủy sản, công nghiệp điện khí, dịch vụ logistics và cảng biển…

Ngoài cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm Điện khí LNG, khu kinh tế này còn thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn như: Khu công nghiệp Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị, Kho cảng Xăng dầu Việt Lào, Khu bến cảng CFG Nam Cửa Việt, Nhà máy sản xuất thép hợp kim và inox... Mặc dù hiện nay một số dự án trong số này đang gặp khó khăn dẫn đến tiến độ triển khai chưa đảm bảo, nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh Quảng Trị, các dự án được kỳ vọng sẽ sớm triển khai và tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Quảng Trị trong tương lai không xa.

Năng lượng tái tạo - lĩnh vực mới thu hút đầu tư

Ai đã từng đặt chân tới Quảng Trị, chắc hẳn đều ấn tượng với gió và nắng nơi đây. Gió và nắng tưởng như vô giá trị, giờ lại đang trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng. Các nhà đầu tư đến để khai thác hai nguồn tài nguyên vô tận này, biến thành dòng điện hòa vào điện lưới quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Đặc biệt là Quảng Trị có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời lớn. Vì vậy, Quảng Trị được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời. Tại các xã vùng ven biển Gio Thành, Gio Hải thuộc huyện Gio Linh, những nhà máy điện mặt trời đã và đang được xây dựng.

Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị có công suất 49,5MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư, đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Quảng Trị đi vào vận hành. Ngoài ra, hai nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 và Gio Thành 2, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng cũng đã đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất 100 MW.

Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị - Ảnh: Bảo Linh

Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị - Ảnh: Bảo Linh

Theo Bí thư Huyện ủy Gio Linh Trần Văn Quảng, vùng ven biển của địa phương chủ yếu là vùng cát hoang hóa, khô cằn nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, nhưng lại rất có tiềm năng để xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Hiện nay các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời vừa giúp địa phương giải quyết việc làm, vừa hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được trên 24 dự án điện mặt trời. Trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động, 19 dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.391MWp, còn lại là các dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Công Thương đưa địa phương vào vùng bức xạ mặt trời số 1 (vùng 1), nhằm tạo điều kiện cho tỉnh thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời. Bởi hiện nay, tỉnh Quảng Trị được phân vùng và áp giá điện mặt trời là vùng 2, tức xếp địa phương vào vùng có khí hậu miền Nam. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị có thời tiết tương đồng với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và còn nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi. Các chuyên gia cho rằng sự kết hợp giữa các yếu tố luồng gió mạnh, vùng nước nông, các đô thị gần bờ biển, bến cảng là điều kiện lý tưởng cho phát triển điện gió ngoài khơi. Tháng 8/2022, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị xem xét, bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cồn Cỏ vào quy hoạch phát triển điện lực. Dự án này có quy mô công suất 1.000 MW, địa điểm xây dựng ở vùng biển ngoài khơi đảo Cồn Cỏ và huyện Gio Linh. Đây là khu vực có tiềm năng gió tốt, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Có thể thấy, bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị đang ngày càng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung trong tương lai gần.

>>>  Kỳ 1: Mở lối ra biển

>>> Kỳ 3: Để kinh tế biển cất cánh

 

HẠNH NGUYÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 345

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground