Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dưới Tầng bọt sóng

C

ó lần tôi được nghe một nhà khoa học nói rằng: Thủy tổ của loài người chúng ta bây giờ là loài… cá! Nghe có vẻ như đùa. Nhưng rồi một nhà Hải Dương học đã chứng minh: “Sự sống là con đẻ của mặt trời với đại dương nguyên thủy”. Ông cho rằng: Sự sống ra đời trong nước biển rồi sẽ mãi về sau mới lan lên đất liền.

Nghe nguồn gốc chuyện cá tôi giật mình khi nghĩ đến chuyện đời, chuyện người. Chí ít trong mỗi cơ thể chúng ta cũng đã chứa gần ba phần tư máu mặn nước biển. Rất nhiều lần với cảm giác hụt hẫng mất trọng lượng như vậy khi đứng trước biển: Một cá thể sống với những bí ẩn và biến động không ngừng, tôi khao khát được đối thoại với những câu hỏi day dứt: Sự mất cân bằng sinh thái, sự cạn kiệt đến bất ngờ và khó hiểu của các loại hải sản trong biển, rồi biển cứu rỗi, biển của tâm linh, biển của thời kinh tế thị trường. Và có lẻ phải bắt đầu từ bờ, đó là cũng là một thứ biển có bao ngọn sóng ngầm.

Tôi có một người anh lớn tuổi hơn đã từng là một thời “Vua máy” ở của lạch này. Anh là một kĩ sư hàng hải giỏi, từng có tay nghề thợ nguội 7/7 ở nhà máy đóng tàu Hải Phòng. Là đứa con trai một hiếu thảo, trong lần về chăm sóc mẹ ốm, anh ở lại quê gần nữa năm sau khi đã lo xong chu đáo ma chay, tang lễ cho mẹ. Ra đến cơ quan mặc dầu đã trình bày hết lý, hết tình nhưng cuối cùng anh bị buộc thôi việc. Hồi đó được làm việc trong biên chế cơ quan nhà nước là sang lắm. Được ăn chế độ sổ gạo, được tiêu chuẩn tem phiếu từ vải vóc đến xà phòng, dầu mỡ. Bỗng dưng trắng tay. Anh lặng lẽ trở về quê với một ít đồ nghề sửa chữa máy và vốn liếng kinh nghiệm làm thợ gần hai mươi năm phục vụ nhà nước. Cái đầu máy đầu tàu ấy lại còn phải kéo sau lưng cái rơ – moóc: Một vợ bảy con đã bị trượt khỏi đường ray. Anh làm lại từ đầu, từ việc gò một đôi thùng gánh nước đến thiết kế chiếc bếp đun bằng khí hàn Ô-xy. Những năm đó quê tôi được mùa cá. Các đội vó bắt đầu đống thuyền to lắp máy để 22, 23 sức ngựa của Nhật thay các loại máy S320 (Ba Lan) cũ mèm được bốc lên bờ làm máy chạy xay xát. Máy Nhật bền, gọn nhẹ, đồng bộ ít hỏng hóc. Đây cũng là bắt đầu cái thời danh ta sính đồ Nhật. Cánh buồm nây căng phồng đón gió và những mái chèo gỗ cày sóng chỉ còn lại trong thơ ca và kí ức lãng mạn một thời. Máy Nhật tốt, nhưng phụ tùng hiếm và đắt thường nằm ở các tổng kho mà với cơ chế bây giờ phải qua bao nhiêu cửa, qua bao dấu triện vuông tròn mới “moi” ra được. Đặc biệt hiếm là các loại kim phun và pit-tông lông giơ (Bơm cao áp) của máy phát điện 1 KVD8 (Đức). Các nhà máy cơ khí thủy lợi bắt mua cả cỗ máy 4KVD8 (công suất gấp 4 lần máy dân biển thường dùng là 1KVD8). Loại máy này vừa to vừa đắt chả lẽ chỉ lấy bốn kim phun, bốn bơm cao áp mà phải mua cả cỗ máy. Nắm bắt được kẽ hở này anh đã làm giấy tờ mua máy “ma” để khuân về nhà hàng bì phụ tùng máy. Nhà anh trở thành đại lý tiêu thụ nhờ vào các “vệ tinh” tỏa đi khắp nơi và hướng tâm về biển. Còn có những giai thoại về anh rất thú vị như: Chỉ cần một búa gõ vào thân máy giá ngang bằng… một tạ gạo! Chả là một lần đang đánh vó ánh sáng thì máy phát điện nấc lên giật cục rồi lịm dần, cá chạy tán loạn ra hết. Cả đội vó nhấp nhổm chờ máy nổ như ngồi trên đống than khi thấy anh vừa ngó nghiêng cái cục sắt lỳ lợm vừa uống rượu tiếp khách văn chương. Bao vốn liếng trong đầu được lôi ra nhưng vẫn bất lực. Bực dọc, anh giơ búa lên nện vào thân máy. Nhát búa định mệnh như muốn đánh vào cái đầu đã bắt đầu nóng lên và nặng chịch. Ai dè, khi quay ma-nô-ven bỗng nhiên cái “con KVD8” ấy khùng khục rồi nổ giòn giã. Hóa ra có một bộ phận nào đó bị lỏng ven do cú va đập hú họa siết chặt được.

Nhà anh từ một tầng lên hai tầng rồi tầng ba, được trang bị các tiện nghi đắt tiền: cátsét, ti-vi, xe máy. Vợ anh bỏ nghề giáo viên về chỉ việc chăn nuôi gà để bồi dưỡng cho ông chủ và các chú ở tổ sữa máy ăn… cháo khuya. Đó là thời kì hoàng kim. Anh trở thành “mạnh thường quân” với giới văn nghệ. Nhiều nghệ sĩ đã về nhà anh chơi, ở đó hàng tuần, hưởng cái không khí mát lành từ tầng ba của biển cả.

Bằng một thời gian mấy năm tôi đi học xa trở về thăm anh thì chao ôi, một cảnh tượng thật đau lòng: vẫn ngôi nhà ba tầng ấy nhưng giờ đây rêu móc xám xịt, đứng lặng ngắt, trong nhà rộng rãi đến là lo! cái xưởng máy giờ đống của suốt ngày, lỏng chỏng ở ngóc vườn là mấy cái nắp quy-lát (nắp máy) vài chiếc bánh đà cùng đôi ba cái trục cơ hết cốt. Anh già đi trong thấy đôi mắt mệt mỏi hất ngược lên đôi gọng kính viễn gắn hững hờ trên sóng mũi: đôi bàn tay tài hoa giờ nổi gân guốc run run nâng ly rượu ngâm rắn biển mời tôi.

Hết thời rồi cậu ạ. Cả cái của lạch này gần một trăm thuyền vó tức là có một trăm cái máy 33 của Nhật và gần 50 cái động cơ 1KVD8 của Đức nằm bỏ không trên bờ. Cái kho phụ tùng “của chim” của tôi quý như vàng giờ thành đồ bỏ đi. Bao vốn liếng tôi dốc vào đó cả. Gồm kim phun, trục khuỷu, xi lanh, pit-tông mới. Biển đột ngột mất cá! Tôi trắng tay, sạch vốn. Cứ tưởng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến nơi ai dè làm ăn ở biển khó thật. Tất cả phụ thuộc vào biển. Mà biển thì thật là bí ẩn, khó hiểu. Đánh cá như đánh bạc mà. Ở nông thôn chỉ phụ thuộc vào một phần của thiên nhiên. Nhưng con người nhà nông lại chủ động được thời vụ. Đất đó, nước đó, giống đó tất tật rõ ràng. Còn biển đúng là “biển giả”. Miếng ăn đã vào miệng rồi có khi còn chưa thật nữa là.

Tôi hỏi anh:

- Nghe mọi người bảo anh bây giờ là chủ của một xưởng sản xuất đá cơ mà.

- Mình đã bỏ ra gần trăm triệu mua máy nhưng đá ế lắm. Cá không có lấy gì mà ướp. Còn phục vụ mấy quán giải khát thì dân biển lấy tiền đâu mà bia bọt. Không có tiền để thay thế phụ tùng, máy lại hỏng luôn. Mình đã gọi cho người đến bán.

Hòa vốn chứ anh? Tôi sốt ruột hỏi.

- Sao lại hòa được, lỗ trắng mất đấy. Họ chỉ mua cá với giá bán… sắt vụn! Đành đẩy đi cho khỏe để đầu tư thời gian rèn mấy đứa con “trên đe dưới búa”, kèm cặp nó học hành cho tử tế sau kiếm cái nghề chứ cái nghề biển nó bạc lắm.

Sau mấy tuần rượu, anh mở cho tôi nghe cái băng bài hát “Sao Mai”, thơ của anh do một nhạc sĩ nổi tiếng ở tỉnh lẻ này phổ nhạc. Mấy câu cuối nghe thật ai oán như vận vào anh: “thương nhau chưa trọn ý thơ – Nên Sao Mai vẫn cứ mờ nhạt xa…”.

Tiễn tôi ra cửa anh cứ nắm lấy tay tôi lắc nhắc hoài:

- Này, cậu thấy mình làm thật, bỏ mồ hôi, sức lao động và vốn liếng ra mà còn chịu cái cảnh này; hú hồ những người làm xiếc bày mưu, tính kế để lòe thiên hạ bằng cái sức mạnh của đồng tiền ngân hàng cho vay. Mấy “tỉ phú” làng ta bây giờ cũng đã xẹp như gián cả rồi!

Tôi đến nhà “tỉ phú” một thời tiếng tăm lừng lẫy nhưng nghe nói anh đang nằm điều trị ở bệnh viện y học dân tộc tỉnh vì cái chứng bệnh đau đầu kinh niên mới xuất hiện gần đây sau khi vỡ nợ ngân hàng. Anh tên là Vượng, Nguyễn Tiến Vượng! Nghe cái tên đã thấy cái gì đó rất hào khí tiềm ẩn một sức mạnh siêu hình nhưng con người thì ngược lại: nhỏ thó, cái giọng liến thoáng trơn nhẩy như có trát mở vào. Đôi bàn tay có cái tật xoa xoa làm cho dáng anh như lúc nào cũng muốn rụt lại trong cái tổ kén của mình. Nhưng đặc biệt là đôi mắt cứ luôn nhìn xuống có vẻ cam chịu nhưng bất chợt đảo lên rất nhanh, sáng quắc và rồi lại bình thản hơi ươn ướt có vẻ đa cảm lắm. Anh Vượng vốn trưởng thành từ một nuôi quân (người chuyên nấu ăn cho các thuyền vó). Nấu cơm trên biển đâu phải dể dàng: Thuyền luôn chao đảo. Cái nồi cơm to tướng (phục vụ từ 12 đến 15 người) làm sao tiếp nước liên tục để cơm sôi chín tới không phải “trên sống dưới khê, bốn bề nhảo nhoẹt” vì dân biển rất kiêng, lại phải điều chỉnh hãm lửa luôn ở tư thế nghiêng dưới mặt biển 450. Rồi mỗi người một tính nết, ăn cũng mỗi người mỗi kiểu, sao cho kho một nồi cá có chỗ cay, chỗ nhạt, chỗ mặn, chỗ ngọt. Có những bữa thịt gà ấm chân răng, nhưng có hôm trở nước, bòn không ra một bóng tăm cá. Lại lo mọ thức khuya, dậy sớm giật vài con cá thởng nằm sát đất nướng lên, giã nhỏ trộn với bột canh, ớt cay, hạt tiêu, gia vị để làm sao đẩy được cái nồi cơm quân dụng to tướng vào hết các cái máy nghiền quen “chém to kho mặn”. Có tài xoay xở, tháo vát chủ yếu là chuyên môn của anh không liên quan đến kinh nghiệm đánh bắt cá mà chỉ lo phục vụ hậu cần. Là người nắm kinh tế, ăn chia sổ sách cộng với cái tài ăn nói lưu loát Tiến Vượng đã nới rộng mối quan hệ ngoại giao lên đến kho bạc, làm quen với các thứ bậc ngân hàng. Nhà anh đông khách dần. Tiếng tăm anh Vượng nổi như đùng. Tiếng tăm đội vó của anh Vượng phất lên như cờ. Cần máy mới ư – có ngay. Cần lưới vó “xịn” ư – có ngay. Có ngay cả những con số nợ ngân hàng lên đến choáng mặt. Rồi đùng một cái các hợp tác xã đánh cá giải thể. Cái đội vó được trang bị nhất xã ấy đã về tay ông chủ mới: Nguyễn Tiến Vượng. Tât nhiên là anh mua lại với cái giá hóa giá rẻ như bèo; tất nhiên là trong các cổ phần mới của đội vó anh Vượng có cả phần của ông chủ nhiệm và anh kế toán trưởng. Nhưng than ôi, máy tốt, thuyền hay, người giỏi chưa đủ mà còn phụ thuộc vào một phần quyết định rất quan trọng. Đó là cây “rạo vàng” trồng ngoài khơi. “Rạo vàng” là loại rạo mà người ta tính cứ mỗi cây tre trồng xuống lại thu về một cây vàng. Đó là vùng đất bồi cuộn lên dưới đáy biển có nhiều phù du cho cá ẩn sinh đẻ lại nằm ở “cửa tử” của luồng nước. Có cái “rạo vàng” như thế là đã có sẵn cái chum gạo chỉ có việc ra xúc mà mang về. Đội vó Tiến Vượng không có “rạo vàng” đành bỏ tiền ra chỉa hàng chục cây rạo nhưng chỉ là “trời ơi, đất hỡi” vì anh ta làm gì có kinh nghiện dân gian thả rạo. Kinh nghiệm này là “cha truyền, con nối” kết tụ cả mấy đời người như một báu vật thiêng liêng, lại phải có “giác quan biển thứ sáu thật nhạy cảm nữa. Đành phải chịu đi đánh xen ở cái rạo “vàng” và chia phần cho đội chủ nhà. Có lần đài báo bão, Tiến Vượng tranh thủ “chiếm” cây rạo vàng. Mỗi lần thời tiết có sự biến đổi đột ngột trước hay sau bão, cá đều áp vào nhiều, mực ăn cũng rộ lên. Có những loại cá đặc sản như cá Sú, cá Hồng lâu nay ẩn náu trong những tảng đá san hô là “rạn” nay cũng thấy tức ngực, chóng mặt mon men thò ra đớp bóng liền bị mắt câu. Lần này mẻ cá đánh gấp gáp trước lúc hừng đông được vài chục tấn nhưng rồi đành phải đổ cá bớt xuống biển để vào kịp cửa lạch trong khi mắt bão xám xịt đã theo sát sau lưng. May nhờ máy tốt, thuyền với hàng chục mạng người mới không phải về nhập hộ khẩu cho Hà Bá. Cách ăn chia của Tiến Vượng cũng khá là sòng phẳng: nhà nghề (ông chủ) được hưởng 4 %, còn bạn (các thủy thủ không có cổ phần) hưởng 4 %, còn lại khấu hao vào sự hao mòn của thuyền, máy, lưới. Nhưng nghịch lý thay ông chủ lại không trực tiếp đi biển mà thuê kĩ thuật. Những người này đánh bắt giỏi nhưng quản lí con người lại yếu, không có cổ phần tài sản nên không có vai trò quyết định. Họ lại là những ngư dân “nhà nòi” trình độ văn hóa mới qua biết nhìn mặt chữ, là những “bợm rượu” làm việc tùy hứng “của chung không ai khóc” nên sản lượng cá cứ tụt dần xuống mức báo động. Tiến Vượng ngày càng quắt lại như một quả dưa leo chồng trên đồi cát. Lại nghe chuyện Tiến Vượng đến kì trả nợ ngân hàng chưa phải trả tiền lãi, còn được mua tiếp bao nhiêu “khế” (một thuật ngữ dung trong ngân hàng). Mỗi “khế” 30 triệu, Vượng dành riêng một “khế” đưa vợ đi Hà Nội chơi và chữa bệnh, còn đội vó giao cho mấy người thân trong họ hàng trực tiếp đi dưới thuyền “quản”! Rồi cũng như số phận ông “Vua máy”, khi biển mất cá, cháy nhà mới ra mặt chuột: Thì ra lâu nay thuyền, máy, nhà cửa – cái lâu đài đồ sộ trên cát là tiền vay ngân hàng để thế chấp. Hàng loạt tiện nghi đắt tiền trong nhà tiến Vượng đều đội nón ra đi; nhà niêm phong, mấy mẹ con xuống ở dưới bếp. Có chăng chỉ còn lại cái máy giặt đã có thời bảo hành mua của tàu buôn lậu không ai tha cho nằm chềnh ềnh bên cái giếng đất che bằng tấm vải buồn cũ như chứng nhận một thời của ông tỉ phú dởm. Mới biết cái ranh giới này thật mỏng manh. Vợ Tiến Vượng trở lại với cái nghề muôn thuở là buôn nước mắm. Lại thức khuya dậy sớm đun đun, nấu nấu rồi căng vải chắt ra từng giọt sóng sánh màu cánh gián từ những chum sức vại mẻ muối ướp cá. Có lẽ khi nhẫn nại chờ những giọt “mật mặn” nhỏ tong tong ấy chị mới tấm thía một điều: làm giàu không dễ.

Làm giàu chính đáng không phải dễ! Tuy vậy, ở quê tôi gần đây đã xuất hiện một vài mô hình có thể tin được mặc dầu bây giờ họ đang ở thế “cưỡi lưng hổ”. Tôi đã gặp một trong những người như thế. Anh là thuyền trưởng tàu 04 - là giám đốc công ty TNHH Rạng Đông. Con tàu của công ty anh giá hơn một tỷ đồng do nhà nước cho vay với lãi suất thấp (0,87%) trả nợ trong bảy năm, thuộc chương trình “đánh bắt cá xa bờ”. Gặp tôi anh bảo:

- Cái ưu thế nhất của loại tàu đánh bắt bằng phương thức vây rút chì này là mình chủ động vì có sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại như: Máy dò cá, thông tin nhanh: có máy bộ đàm, không phụ thuộc vào các cây “rạo vàng” của một thời nữa. Tàu không những đánh bắt xa bờ mà còn với ưu thế công suất máy khỏe, trọng tải lớn tàu vươn xa để đánh bắt xa quê ra Bắc, vào Nam. Ở đâu có cá là đến không chỉ quanh quẩn với ngư trường quen thuộc chà đi, xát lại của mình.

Tôi hỏi:

Thế hiện nay đội tàu các anh có khó khăn gì không? Người thuyền trưởng trẻ trung nhưng dạn dày kinh nghiệm bổng cao giọng:

- Chúng tôi là lính mới. Tất cả đều mới. Bắt đầu làm từ đầu. Vừa làm vừa học. Thất bại nhiều hơn thành công vì mò mẫm mà! Có giáo trình sách vở gì dạy đâu. Thế mà vẫn có nhiều cơ quan chủ quản xem chúng tôi như là con ngoài giá thú mặc dầu chính họ đẻ ra đấy nhưng là thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm không mang nặng đẻ đau. Lẽ ra chúng tôi phải được ưu tiên phần nào bởi bước đi ban đầu đang học hỏi này ví như: Thời gian trả vốn cho ngân hàng quay vòng quá nhân. Và đặc biệt là lượng thông tin quá ít ỏi và lạc hậu. Lẽ ra Sở thủy sản của tỉnh phải liên hệ đường dây nóng với Sở thủy sản các tỉnh khác để biết được ngư trường nào hiện nay có cá xuất hiện đột biến thông báo kịp thời cho đội tàu chúng tôi biết tọa độ để đi đánh bắt.

Tôi nhìn đôi cánh tay của anh chém vào không khí với đôi mắt sáng long lanh và giọng nói khúc chiết, hỏi đùa một câu:

- Thế lúc nào anh đã nghĩ đến cái chuyện biển hết cá thì sửa sang hầm tàu lại để chuyển sang nghề… buôn lậu chăng?

Anh cười:

“Con sâu làm rầu nồi canh” – chúng tôi đang sợ bị mang tiếng vì chuyện đó. Bởi vì không biết rồi đây tỉnh ta hay của lạch nào lại có hàng tàu vây rút, và tàu giạ xuất xưởng hạ thủy thì liệu có giữ được trọn vẹn không. Vì đặc trưng của tàu giạ là bê cá chạy suốt dọc bờ biển của Tổ quốc – ai có thể biết được! Nhưng mà thôi – anh lại khẳng đinh – Ai cũng biết cái cành câu cơm của mình là gì chứ! Vả lại lương tâm của con người làm nghề biển cũng như nghề thuốc vậy, đó là tính nhân đạo, trung thực. Nếu giả dối là biển giận đó!

Nếu giả dối là biển giận – tôi có thể dùng câu nói cửa miệng của anh bạn tôi để kết thúc cuộc đối thoại này. Vì biển cũng là một sinh linh, một cá thể sống hay chính là phiên bản của họ. Những người đang chinh phục biển khơi! Không! Họ đang sống hòa hợp với biển khơi để khai thác tài nguyên – Thứ “vàng trắng” hiếm hoi sâu tầng tầng bọt nước khi biển đang thời kì “chảy máu trắng”…

                                                                                                N.N.P

Nguyễn Ngọc Phú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 78 tháng 03/2001

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground