Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đường xưa đi học

 

S

au khi rời xóm Mộ hơn năm tiếng đồng hồ đi bộ, dưới ánh trăng lờ mờ, gia đình tôi đến bến đò làng. Chúng tôi đi thẳng vào nhà bác Hàm Quang và nghỉ lại đó. Sở dĩ chúng tôi phải ra đi lúc đầu hôm vì đó là thời kháng chiến chống Pháp, vì quân đội Pháp có thể bắn vào những đoàn người từ miền sơn cước xuống. Gia đình tôi vào trọ ở nhà bác Hàm Quang ít lâu thì làng tôi đã làm xong một cái nhà tranh tre ở gần đình làng tặng cho ba mẹ tôi và cả nhà tôi dọn ra đây ở. Chính trong khoảng thòi gian này, cha tôi lo đi liên hệ việc học cho tôi tại một ngôi trường phủ kế cận chợ Sãi. Tôi vào học lớp nhì, sang giữa lớp nhất, trước Tết thì gia đình tôi về lại căn nhà cũ ở Huế.

Trường phủ tôi đi học hồi ấy đã lưu lại trong trí nhớ của tôi hình ảnh nguyên vẹn về một ngôi trường đầu tiên thuở hoa niên của tôi; còn trước đó tuổi nhỏ của tôi biệt tích trong khói lửa không để lại dấu vết. Trường đặt tạm trong một ngôi đình làng cổ; trước mặt là ngôi chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi chấm nước lèo, nghe nói chợ còn lại đâu từ thời Ô Châu; thời ấy chợ là một ngôi chợ tỉnh thuộc người Chiêm thành quản lý. Ngôi đình làng nguyên bỏ hoang phế, nay làm chỗ học cho lớp nhì và lớp ba. Các lớp khác đều học trong nhà dân, mà thầy Toàn dạy tôi, vốn kiêm cả chức vụ hiệu trưởng đi mượn trong các xóm rải rác để làm lớp học. Thầy giáo dạy lớp nhất của tôi là một vị thầy rất tân thời. Thầy có một chiếc răng vàng ở góc miệng khiến nụ cười rất sang. Không hiểu sao thầy không thích ngồi vào ghế, mà khi giảng bài, thầy thường ngồi lên mặt bàn và thường gọi những học trò hay nói chuyện trong giờ học lên tát đôm đốp vào mặt. Tuy vậy tôi rất thích học với thầy vì giờ tập đọc, thầy thường hướng dẫn cho các học trò mang theo những món đồ dùng để minh họa cho bài học. Hôm ấy, nhằm bài "Ngày giỗ", thầy dặn học trò người nào phải mang theo món gì để đủ tập hợp thành bữa giỗ. Người thì mang theo xôi, kẻ mang theo bánh hoặc trái cây; một người cao lớn nhất bọn chúng tôi được chỉ định làm chủ lễ, thầy căn dặn anh ta phải mang theo áo dài đen và chiếc khăn đóng; phần tôi mang theo một bầu nước giếng sạch cùng với củi để pha trà cúng. Đến ngày, ai cũng mong cho giờ tập đọc chóng đến. Mọi thứ được bày biện lên cái bệ thờ trong đình làng gần chỗ chúng tôi ngồi. Người ta ăn uống y như thật, lại còn bánh trái vô khối để đút vào túi; chốc nửa ra chơi sẽ đem tặng mấy đứa bạn học ở lớp bên cạnh.

Ai cũng thấy phương pháp trực quan của thầy là hấp dẫn, nhưng đi học mà phải mang theo lắm thứ lĩnh kỉnh thì thật tội cho những bà mẹ quá?

Đi học ở trường chợ Sãi, tôi mới biết rằng những trò chơi thiếu nhi cũng diễn ra theo mùa; có sinh thành và chết đi như một con người. Chúng tôi kéo ra chơi ở ngoài sân dù nơi ấy vẫn còn đầy cỏ gà, bởi vì chúng tôi phải nhường khoảng trống trong nhà lại cho các ô chơi đánh thẻ, nhảy dây hoặc "thả đĩa ba ba". Trong bọn tôi các bạn lớn tuổi chững chạc, nghiêm nghị, trông như người lớn; thường họ chỉ thích ngồi trầm mặc một chỗ, hình như họ không chơi đùa bao giờ cả. Mở đầu trò chơi, chúng tôi chơi đánh bi hoặc đánh vụ. Phải công nhận rằng các bạn ấy bắn bi thật tài, cách một khoảng xa, họ vẫn bắn trúng viên bi của đối phương, có khi lại bắn bay mất viên bi của người kia để điền vào chỗ ấy viên bi của mình. Tiếp đến là những trò chơi dễ, nhưng đòi hỏi công phu nhiều hơn, trong đó có trò chơi đánh mạng. Vào mùa ấy, mỗi đứa đều mang theo mình một cái mạng, vốn là một mảnh ngói vỡ được mài rất tròn. Vấn đề là biết chọn mảnh ngói, để khi ném xuống cái mạng khỏi lăn đi xa, gọi là mạng đóng. Có một thời kỳ trò chơi bắn vòng cao su rất được ưa thích. Tôi có anh bạn bắn vòng cao su rất giỏi, chỉ dùng đầu ngon tay trỏ và vòng cao su kéo dài, thế mà bách phát bách trúng. Tôi dùng cây thước làm nòng, cột thêm vào đấy một chiếc que ngắn làm con cò. Nghĩa là tôi có “máy” bắn cẩn thận, nhắm đi nhắm lại thật vừa ý mới lẫy cò, vậy mà không thể nào bắn trúng bằng anh bạn tôi chỉ cần dùng có một ngón tay, và ước lượng gần xa chỉ chừng nheo mắt nhìn. Mùa chơi con căng (khăng) thay thế vòng cao su, khi qua mùa xuân, sân trường đã đủ khô để đào lỗ căng. Anh bạn của tôi có tài đánh nhịp vào con căng; và đối thủ của anh lại có tài chụp một con căng đang bay trên không. Thành tích của anh này là một vết sẹo in sâu trên trán, do một con căng bằng thân cây đập vào. Cuối cùng bọn học trò tỏ vẻ chán trò chơi căng mà đua nhau chọi dế. Người ta đi bắt dế nhốt vào những thùng bánh quy có châm lỗ, dùng đọt tre chỗ còn non để cho ăn rồi đem đến trường cho chọi nhau.

Tôi nhỏ con nhất lớp, lại từ Huế mới ra, nên được những anh bạn vạm vỡ yêu thương một cách đặc biệt, trong đó có anh Hoàng Lung, người cao lớn nhất bọn. Chơi đánh mạng với tôi, khi tôi phải cõng anh trên lưng, anh ta hay chỉ ngồi ghé vào lưng tôi gọi là. Bữa trưa Lung muốn tôi về nhà Lung cùng ăn cơm; nhà Lung luôn có món canh rau rất ngon, mẹ Lung bán cơm ở chợ Sãi. Ngang qua cánh đồng làng đang mùa cày bệ, Lung bèn cõng tôi luôn trên lưng như một đứa trẻ con; bàn chân Lung bước lên những tảng đất cày, lưng áo của Lung ướt đẫm mồ hôi. Sau này vì điều kiện ăn học tôi phải quay về Huế, tôi nhớ mãi đình làng cổ bên sông Vĩnh Định, những người bạn tốt bụng vô cùng, giống nhu Hoàng Lung.

Anh Chỉ, con bác Hàm Quang, học cùng lớp với tôi, tính nghịch ngợm, hàng xóm đều kiềng mặt. Ban đêm, mùa trăng sáng, anh Chỉ thường đến bên cửa sổ gần chỗ tôi nằm, lay vai đánh thức tôi dậy cùng đi bắt dế. Tôi nhẹ nhàng lách ra khỏi nhà cùng anh Chỉ đi mãi vào Hà Dâu ven sông, hễ nghe tiếng dế kêu, là lập tức chúng tôi nhìn thấy lỗ hang dế nằm dưới gốc dâu, và một chú dế đen nhánh đang mải mê nhìn trăng. Đôi cánh lụa của chúng khẽ rung theo tiếng hát. Dế ở Hà Dâu của chúng tôi rất mạnh, thường dành phần thắng trong các cuộc chọi dế với các bạn ở trường.

Tôi nhớ một lần trong lớp học im phăng phắc theo giọng thầy tôi giảng bài thì tiếng dế bỗng vang lên. Thầy im lặng nghe ngóng, rồi tiếp tục giảng bài. Tiếng dế lại reo lên. Giọng thầy tức giận, gầm lên:

- Bố của trò nào làm ồn trong lớp học đấy.

Toàn bộ im thin thít. Đứa nào cũng sợ xanh mặt, vì e rằng thầy sẽ vớ nhầm phải mình. Nhưng mà không. Thầy đi thẳng xuống cuối lớp đến chỗ Lung ngồi, bắt Lung soạn hết sách vở ra. Thầy bắt được của Lung chiếc hộp diêm đựng dế. Thầy mang hộp diêm dặt lên trên một góc bàn, rồi ra lệnh cho học trò, ai có dế phải đem nộp hết cho thầy. Xong thầy chuyển tất cả các hộp diêm ra xếp thành từng chồng cao. Rồi thầy dùng gót giày tây dẫm lên những hộp diêm kêu rôm rốp, dẫm nát hết những con dế bên trong. Con dế mèn tội nghiệp của tôi - sau này tôi chuyển từ hộp Bitqui sang nuôi ở hộp diêm, do tính đồng nhất ở một trường quê và cũng để dễ mang theo đã bị giẫm nát trong cơn giận của thầy. Thế là hết một đời anh hùng trận mạc; thế là đã tắt một điểm hợp âm trong biển tiếng động muôn trùng bên bờ sông Thạch. Tôi và anh Chỉ đem an táng nó tại Hà Dâu bên sông. Bắt chước theo tâm tình của con người đối với loài vật mà tôi đã đọc trong truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” ở xóm Mộ.

Nhà anh Chỉ có một bộ tràng kỷ kiểu xưa, thường vào buổi sáng anh vẫn phải ngồi ở đó, để đón khách đến chơi. Nhất là lúc có một con chim khách đến đậu và kêu trên đọt cây cau trước sân; ngoài thời gian ấy, anh Chỉ thường chạy ra sau xóm Đình, rủ tôi đi chơi. Thấy anh hay cầm theo một cuốn sách gì trong tay. Có lần tôi hỏi xem, anh cho biết đó là cuốn "Thù nhà nợ nước” mà anh đã mua tuần vừa rồi ở trên tỉnh. Quyển sách ấy viết về cuộc kháng chiến ở Nam bộ sau Cách mạng tháng Tám của Nhà xuất bản Tân Việt, tác giả là nhà văn Lý Văn Sâm. Anh Sâm viết truyện thiếu nhi rất hay, và nhiều cuốn sách của NXB này đều do anh viết. Tôi thích đọc sách của anh Lý Văn Sâm đến độ thuộc lòng cả tên sách in quảng cáo ở bìa bốn: Thù nhà nợ nước, Trong cơn ly loạn, Mười năm nuốt hận, Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng...

Một hôm, anh Chỉ bày cho tôi cách làm một quả lưu đạn để chơi; bằng một khúc gỗ, một cái van xe đạp, một cái đinh, tra thuốc súng bằng đầu que diêm có lót một mảnh giấy diêm. Kèm theo quyển “Thù nhà nợ nước", chúng tôi đều trang bị quả lưu đạn gỗ ấy, vốn là những thứ ưa thích của trẻ con làng tôi thời chiến. Quả lưu đạn của anh Chỉ nổ rất to, và anh thường xán vào dưới chân cột trụ ngõ của nhà bác Hương Đàn gần trước cổng nhà tôi ở. Mồi lần nghe tiếng lựu đạn giả nổ, ông Hương Đàn bèn chạy vào buồng khoác áo dài cặp chiếc dù vào nách, rồi chạy thất thểu ra đầu xóm vì ông tưởng có "Tây đi lùng" thật sự, nhất là lại có giọng la lối của anh Chỉ. Thấy anh đứng cười trước cổng, mà không tây tàu ở đâu cả, biết mình bị mắc lừa, ông Hương Đàn quay lại chưởi  một trận, rồi vào nhà đối với ông Hương Đàn thì đó là trò đánh lừa quái ác của thằng “con cậu ấm”. Còn đối với anh Chỉ và tôi thì đấy lại là một trò chơi vui thích thời chiến tranh.

Ở làng tôi có một đường lên chợ Sãi chạy dọc ven bờ sông và một bên có hàng rào tre ngăn cách con đường với một mảnh đất rộng; ở đó người ta thường trồng ớt. Mùa hạ đi qua đó, tôi thường gặp trái ớt chín đỏ trông rất vui mắt. Một hôm trên đường đi đến trường, tôi chợt gặp một con chuồn chuồn đỏ rực đậu trên hàng rào tre. Lũ trẻ con chúng tôi rất ngưỡng mộ lũ chuồn chuồn. Người ta bảo rằng cho chuồn chuồn cắn vào lỗ rốn thì biết bơi qua sông được. Chuồn chuồn màu đỏ gọi là chuồn chuồn ớt, màu vàng gọi là chuồn chuồn ngô, còn màu xanh có những sọc màu đen thì gọi là chuồn chuồn đá. Tôi đặt chiếc cặp sách xuống cỏ, men theo chiếc hàng rào tre, và rình bắt con chuồn chuồn trên cao. Tôi vừa giơ tay lên định bắt thì chuồn chuồn đã bay vào bên trong, liệng mấy vòng rồi đậu im thin thít trên một cành ớt trước mặt. Tôi lòn qua hàng rào, bò tới gần con chuồn chuồn. Con chuồn chuồn vẫn đậu bất động như thi gan với tôi, đôi chân trước của nó ôm lấy chiếc đầu láng bóng xoa liên hồi, cái đuôi của  nó phập phồng, mở ra thóp lại theo nhịp thở. Tôi nhẹ nhàng khép hai ngón tay lại, định bụng phen này thế nào cũng có một con chuồn chuồn ớt đem khoe với bạn. Nào ngờ chuồn chuồn chỉ chờ lúc tôi nghĩ như vậy, liền bay thoắt lên. Nó liệng thật xa tưởng là đã bay mất hút, không ngờ nó quay vòng lại chỗ tôi ngồi, rồi đậu vào một cây ớt trước mặt tôi. Tôi bỏ đi không đành lại bắt hụt con chuồn chuồn đi xa dần về phía cồn mã có lẽ đó là giang sơn riêng của loài chuồn chuồn. Lần ấy tôi liền bỏ cả buổi học, vì đến lớp trễ do mãi đuổi bắt con chuồn chuồn ở quanh gò cỏ may, và xa mãi tận cánh đồng làng bên. Sau này có lần về thăm làng, tôi nghe nói con đường xưa đi học của tôi đã chìm dưới lòng sông và khu lăng mộ dưới sông nước kia mà tôi thường lặn xuống để mò ốc gạo, thì nay đã đứng ở trên bãi đất rất xa của cánh đồng làng khác bên kia sông. Thầm nghĩ dưới mặt nước trong xanh của dòng sông Thạch vẫn ấp ủ hình bóng một cậu bé ham chơi và một con chuồn chuồn ớt thích khí trời của đồng cỏ, lòng tôi buồn rười rượi.

Tôi học "trường chợ Sãi" từ đầu lớp nhì đến giữa lớp nhất. Sau đó gia đình tôi chuyển vào Huế và tôi lại ngồi học ở nhiều mái trường khác. Ở nơi đô hội nhộn nhịp này, các nhà trường đều hiện đại, nhưng lũ học trò ở đây lại thích trò chơi đấu gươm của “Hiệp sĩ Zorro" hơn là những trò chơi hiền lành của tôi. Chúng đánh gươm với nhau suốt ngày, nhảy cả lên bàn thầy giáo, mặt nạ của hiệp sĩ Zorro có bán sẵn ở các cửa hàng sách, còn chiếc gươm bằng nhựa thì bày bán ở dọc đường phố. Mọi người đều ham mê những gươm súng bằng plastic, không còn ai thèm đoái hoài đến những trò chơi dân gian dã của mái trường đình làng thuở tôi ở Quảng Trị. Nhưng lòng tôi đã trở thành một mớ tro nguội lạnh không còn gắn bó với mái trường, với bạn học như ngày xưa... Ôi làng tôi, chỉ là nơi lập nghiệp của cha ông tôi, và là nơi tuổi thơ của tôi chỉ dừng lại khoảng một năm rưỡi. Thế mà sau này, khi đi thăm mộ của dòng họ bên ngoại ở xóm Cầu Kim (thuộc thành phố Huế), có người chỉ cho tôi xem rặng núi xa xanh ở chân trời, và bảo tôi rằng nơi ấy chính là Quảng Trị, bỗng nhiên hai dòng lệ của tôi tuôn trào, ướt đẫm gò má.

 

H.P.N.T

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 76 tháng 01/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground