Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gia đình học hiệu Tiên Việt

N

hư đã nói ở phần đầu thiên hồi ký “Phù Sa ánh sáng” trích đăng trên Cửa Việt số 121, tôi có nói sẽ trở lại “Gia đình học hiệu Tiên Việt” mà hoạt động giáo dục cũng như hoạt động văn hóa nghệ thuật muôn hình vạn trạng khác đều do thầy giáo Trương Quang Phiên, người thầy dạy chữ đồng thời cũng là người thầy cách mạng của nhiều thế hệ con em trong vùng trước cách mạng tháng Tám. Ông giáo làng này có sức tỏa sáng; con người đích thực là phù sa của ánh sáng cách mạng tháng Mười.

Thầy giáo Trương Quang Phiên (1904 - 1989) sinh ra và lớn lên ở làng Mai Xá, xã Do Mai, tỉnh Quảng Trị. Sau bảy năm học chữ Nho chuyển sang học trường Pháp – Việt Quảng Trị, thi đỗ tiểu học toàn cấp (primaire complémentaire – tấm bằng này do Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ là Phạm Quỳnh ký) khác với tiểu học yếu lược (Certificat d’étude primaire indigène – do quan kiểm học ở tỉnh ký). Sau đó thầy còn vào Huế học tiếp hai năm để lấy bằng sư phạm ở trường École pedegine. Cũng chính ở khoảng thời gian này thầy tham gia hoạt động trong tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, bị kết án ba năm tù giam ở Lao xá Quảng Trị và khi mãn hạn tù giam còn bị án quản thúc thêm hai năm nữa ở làng. Tù tội làm thầy Phiên kiệt sức, ngày ra tù anh rể của thầy là ông Bùi Thúy cõng thầy từ Lao xá về nhà, ốm đau liên miên tưởng như không sống nổi. Các thầy thuốc bắc bấy giờ ở làng như Viên Trang, cụ ấm Đồng luôn chạy chữa thuốc thang và kết hợp với nghị lực của mình, bệnh tình thầy Phiên dần dần thuyên giảm. Phục hồi được sức khỏe, thầy lại ra đi hoạt động cách mạng và dạy học tư. Vào Huế dạy ở trường “Trung Bắc học liệu”, trường bị đóng cửa vì có thầy giáo làm cách mạng đã bị bắt; ra Quảng Trị dạy trường tư thục Đông Hà, trường cũng bị đóng cửa vì cả thầy và trò có nhiều người hoạt động cách mạng. Mãi cho đến năm 1937 thầy Phiên về làng mở “Gia đình học hiệu Tiên Việt” dưới sự bảo trợ cho phép của nha kiểm học Quảng Trị mà quan kiểm học bấy giờ là ông đốc Dzu (Hồ Dzu), thầy dạy thầy Phiên ở lớp Sư phạm trường Quốc Học Huế. “Gia đình học hiệu” là cách gọi tên theo lối Nho học, nghe oai phong lẫm liệt thế thôi chứ thực chất đó chỉ là “lớp học gia đình”, về sau học trò đi thi ghi vào đơn dự thi bằng tiếng Pháp gọi là Classe familliale de Mai Xá. Nó khác với Trường làng (hương trường), ví dụ như ở An Tiêm thì mới được gọi là École intercommunale de An Tiem. Còn Tiên Việt hay Tiên Việt Dạ Nhân đều là bút danh của thầy Phiên; “Gia đình học hiệu Tiên Việt” có nghĩa là lớp học gia đình của thầy giáo Trương Quang Phiên.

Bây giờ đến khu vườn cũ, nền nhà xưa của “Gia đình học hiệu Tiên Việt” chúng ta sẽ chẳng tìm ra vết tích gì bởi trước đó Tây phá nhiều lần và Mậu Thân 1968 đã bị bom đạn san thành bình địa. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, gia đình ông Trương Quang Tạ, cháu thúc bá gọi thầy Phiên bằng bác thừa hưởng mảnh vườn là đất hương hỏa dựng lên đó ngôi nhà tạm, nay tu bổ tương đối khang trang để sinh sống. Thế nhưng trong ký ức của các thế hệ học trò thầy Phiên như Bùi Xuân Ban, Tô Khuyến, Trương Khắc Kỷ kể lại thì cái “Gia đình học hiệu Tiên Việt” ấy hiện lên rất rõ nét: Hàng ngày, cánh cửa lớn bằng lá tro được chống lên, kê thêm ba cái ghế băng dài xung quanh một bộ phản gõ, đó là lớp học gia đình, là trường học của thầy Phiên. Học trò đi học thất thường vì còn phải lo mùa màng thời vụ, cào hến dưới sông, bắt cá bắt tôm ngoài đồng. Lớp học gia đình đủ lứa tuổi, đủ các lớp từ đồng ấu đến lớp nhì, lớp nhất làm được luận văn bằng tiếng Pháp. Còn đám học trò ngày ấy học những nội dung gì, hãy lắng nghe Tô Khuyến kể: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trong chúng tôi dù lớn tuổi hay ít tuổi hơn, đến nay có người đã qua đời, ai đã trải qua những bài học vỡ lòng ở “Gia đình học hiệu” đều không thể nào quên. Học chữ Quốc ngữ, bắt đầu từ tập đánh vần: a-bờ-a ba, a-lờ-a-la-sắc-lá, ê-bờ-ê-bê, bê bú bò… Bắt đầu tập đọc: - Cái cò, cái vạc, cái nông/ Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò! – Ai bảo chăn trâu là khổ? Không! Chăn trâu sướng lắm chứ! - Đầu tôi đội nón mê như lộng che, tay tôi cầm cành tre như roi ngựa… có một anh du sơn, du thủy nhiều nơi, lúc về làng bà con đến hỏi: Anh đi du sơn, du thủy, anh thấy nơi nào đẹp hơn cả? Anh ta thưa liền: Quả thật tôi thấy quê ta đẹp hơn cả! Học chữ Nho cũng bắt đầu từ thiên/trời, địa/đất, cử/cất, tồn/còn, tử/con, tôn/cháu, lục/sáu, tam/ba, gia/nhà, quốc/nước… rồi chuyển qua học cửu chương: cửu cửu bát nhất, bát cửu thất nhì, thất cửu lục tam, lục cửu ngũ tứ… Tương tự học chữ Pháp từ số đếm: oong, đơ, toa, cát, xanh, xít, xết, uýt, nớp, đít… đến tập nói tiếng Pháp. Học trò sắp hàng ngoài hiên, thầy nói: Ăng tờ rê (vào lớp). Học trò quên, thầy che miệng nhắc lại là: Vào lớp. Rồi thầy dõng dạc hô lại: Ăng tờ rê! Học trò nhớ ra: Nu dăng tờ rông đờ la cờ lát xì (chúng con vào lớp). Học tính bằng tiếng Pháp: đơ phoa oong phe đơ (hai lần một là hai), đơ phoa đơ phông cát (hai lần hai là bốn), đơ phoa tờ roa phông xít (hai lần ba là sáu)… Ông Trương Khắc Kỷ còn cho biết thêm về lịch học trong ngày: Buổi sáng từ 7 giờ đến 10h30’ Chiều từ 2 giờ đến 17h. Trong tuần thầy Phiên thường ngẫu hứng ra từ một đến hai bài toán đố. Đề toán ra lúc 9 giờ, cuối buổi học trò nào chưa giải ra, thầy giữ lại ở “Gia đình học hiệu” cho ăn cơm trưa, ngủ trưa đợi đến giờ học buổi chiều tiếp tục tư duy. Có một bài toán ông Kỷ nhớ lại nguyên văn như sau: “Có 3 người bạn rủ nhau đi câu đem về được một oi cá, thế nhưng vì mệt tất cả đều ngủ quên và lần lượt thức dậy ở những thời khắc khác nhau. Anh bạn thứ nhất lúc thức dậy đem oi cá chia ra làm 3 phần, thấy lẻ một con đem vứt xuống sông (để cho chẵn), xong đem về 1 phần, còn để lại 2 phần. Anh bạn thứ hai thức dậy cũng làm tương tự, đem oi cá chia làm 3 lẻ 1 con đem vứt xuống sông, đưa về 1 phần, để lại 2 phần. Anh bạn thứ ba thức dậy tiếp tục chia oi cá làm 3 phần, thấy lẻ một con đem vứt xuống sông cho chẵn… Hỏi oi cá đó có mấy con?”. Bài toán đố ấy, buổi sáng ông Kỷ làm không ra được giữ lại ăn trưa, nhưng giữa giờ ngủ trưa ông Kỷ nghĩ ra trình đáp án cho thầy, thầy Phiên cho nghỉ cả buổi chiều và kèm theo lời khen: - Cái thằng cà cọng lắm!” Thầy Phiên cũng có bài học vỡ lòng về nghề nghiệp, đó là việc thầy hay kể cho các thế hệ học trò nghe về bức tranh màu vẽ ở bình phong to lớn giữa sân trường Sư phạm Huế. Tranh đề” Về thăm thầy cũ”, vẽ ngài thống chế nước Pháp đứng dưới tam cấp, tay cầm mũ thống chế, hơi nghiêng, cung kính. Thầy giáo cũ đầu tóc bạc phơ, vừa nheo mắt vừa bước xuống tam cấp, đưa tay ra … Dưới bức tranh ghi: - Thầy còn nhớ tôi không? Tôi là Các-nô đây? – Thầy giáo cũ già nua giương mục kỉnh lên: - Modeste, fe vis; medeste, fe mourai! (Bình thường tôi sống với đời, bình thường tôi từ giã cuộc đời!). Cái giản dị nhưng vô cùng cao quý của người thầy giáo ở lớp học gia đình của thầy Phiên là như vậy. Và tất nhiên đám học trò thầy Phiên thích nhất là sau buổi học chiều (thường vào lúc 14h chiều cuối tuần) ngồi nghe thầy kể chuyện Nhạc phi, Tam quốc bên Tàu, chuyện “không gia đình” bên Tây, những câu chuyện rất tiến bộ trong tủ Sách Hồng (Livere, Roze).

Thuở ấy, con gái trong làng chưa ai được đi học, thế mà bà Mót (bà Trương Thị Cương sau này là vợ ông Trương Công Hy, mẹ của nghệ sĩ Trương Thị Tân Nhân) em ruột thầy Phiên, nhờ học ở lớp gia đình này mà trở thành cô gái biết chữ đầu tiên ở làng Mai Xá. Học trò của “Gia đình học hiệu” là con cháu trong nhà, anh em trong làng, người làng xa đến cũng là bà con của thầy Phiên. Nhưng đây không phải là một “Gia đình học hiệu” đơn thuần. Đám học trò ngày ấy ai cũng cảm thấy: tuy rõ ràng có học trò học hành thật sự, nhưng hình như đây vẫn là một cái màn che cho một nơi “quần anh tụ nghĩa” gì đấy. Vì khách đến thăm thầy giáo thì thật đáng chú ý. Ông bà giáo Đạm ở Đông Hà, bà Hoàng Thị Ái, ông Hoàng Hữu Huy, Hoàng Hữu Cảnh ở Bích Khê. Những lúc những vị khách từ Bích Khê đến, thế nào cũng có cụ Trương Khắc Khoan, cụ Trương Quang Côn đến chơi. Cũng có đôi lần ông đốc học Dzu, ông hiệu trưởng Hoài về thăm, rồi lại có cả thầy mục, thầy đội lệ trên huyện về nhòm ngó, theo dõi. Ấn tượng nhớ đời của đám học trò thầy Phiên vẫn là những năm thầy bị quản thúc ở làng, lính lệ về bắt thầy đi trình diện. Có khi đi trong ngày, có khi thầy ở lại qua đêm. Tuy bị lính lệ túm cổ áo lôi đi, nhưng tác phong thầy bao giờ cũng chững chạc, ung dung. Thầy mặc áo dài đen, quần trắng, che dù và không quên quay đầu lại nhắn nhủ đám học trò một câu: Cát-to-duy-lết (Quatoze Juillet) đập chết không tội”. Thầy Phiên vì thế, không chỉ là người thầy dạy chữ mà còn là người thầy cách mạng của bao nhiêu thế hệ ở cái “Gia đình học hiệu Tiên Việt” này.

Ngoài việc bị bắt bớ, thỉnh thoảng lớp học lại tạm nghỉ vài hôm đề thầy đi Huế thăm con cháu học hành trong đó. Những lần như thế, ngoài việc liên hệ công tác cách mạng và mua sách báo, thầy còn đi xem kịch. Thầy Phiên thích vở “Lan và Điệp” thích đến nỗi về nhà thầy viết lại kịch bản và thuyết phục học trò diễn kịch, trong đó có cả cụ Bùi Hương Liên là thầy dạy thầy Phiên học chữ Hán. Cụ Liên đóng vai bà Án, bà Tuần không ai hơn được. Ông Trương Công Đồng(1) , Tô Khuyến thủ vai nữ sinh thì duyên dáng không ai bì Ông Thiên vai quan huyện, ông Bột (đều là học trò thầy Phiên) vai lý trưởng thì nhất. Đạo diễn là thầy Phiên ở sau sân khấu nhắc nhở, gợi ý, đi đi, lại lại tủm tỉm cười! Cứ thế đêm đêm tập diễn ở cái “Gia đình học hiệu Tiên Việt”, bà Hoàng Thị Đường (vợ thầy Phiên) lo nước chè. Có đêm còn có cháo để bồi dưỡng diễn viên, đạo diễn.

Cái nhà “hương lửa” ông bà để lại cho thầy Phiên rộng rãi nhưng tối tăm. Vách bằng gỗ, không có cửa sổ, cửa lớn lợp bằng lá tro, mái lợp tranh. Những năm 36 - 39, nhờ được mùa mấy vụ liền, vợ chồng thầy mớ tu sửa lại, lợp mái ngói, xây tường gạch. Ngày mừng nhà mới, hai ông anh rể và hai ông em rể của thầy tặng bức hoành phi; đám học trò thầy Phiên như ông Tá, ông Thiện, ông Quế, ông Phong, ông Bột… chung nhau tặng một bức trướng bằng lụa xa-tanh màu vàng viết bốn chữ Quốc ngữ theo lối chữ triện: “Kim chú tại dung”, nghĩa là “vàng đúc tại lò” ý nói cái “Gia đình học hiệu Tiên Việt” của thầy Phiên là cái lò đào tạo, truyền đạt cho học trò không chỉ về chữ nghĩa mà còn truyền bá tư tưởng, lý tưởng tình cảm cách mạng nữa. Duy chỉ có cụ Hoàng Hữu Cảnh vừa là người cậu ruột, vừa là người bạn cách mạng của thầy Phiên tặng đôi câu đối, vừa khen, vừa chê, hàm ý sâu xa rằng cuộc đời hoạt động cách mạng của hai người chưa đi tới đích: “Trượng phu bốn bể là nhà, đâu phải cơ đồ chừng ấy!/ Quân tử một lòng vì nước, biết bao trung hiếu cho vừa!”.

Chao ôi! Con người ta từ thuở sơ sinh đến khi nhắm mắt xuôi tay, không một ai không nhờ cậy đến thầy. Cái “Gia đình học hiệu” của thầy Phiên chỉ tồn tại trong vòng mười năm nhưng với người dân Mai Xá và Do Linh thì nó thật sự là một cái lò đào tạo thiêng liêng và cao cả. Bởi từ cái lớp học gia đình này đã để lại cho ngôi làng cả một truyền thống cách mạng và mở mang dân trí. Ngoài dạy học ra, thầy còn dạy cho học trò lý tưởng cách mạng (về sau hầu hết học trò đều theo thầy Phiên làm cách mạng hết và làm nghệ thuật). Thầy hướng dẫn cho nhiều học trò viết báo, làm thơ, viết kịch, tranh luận triết học và dàn dựng các buổi diễn cải lương, kịch nói, ngâm thơ.

Trên đây chúng tôi mới có dịp nói về “Tiên Việt học đường lò đào luyện”, còn “Mai Đình” (2)  trụ sở điểm văn thơ” lại là chuyện khác. Sinh thời thầy Phiên không xuất bản thơ cũng như lưu lại đầy đủ bản thảo thơ. Tuy nhiên bằng vào các nguồn tư liệu khác nhau, nhóm chúng tôi cũng đã sưu tầm được gần ba trăm bài thơ thể thất ngôn bát cú, thơ xướng họa và câu đối phong phú và đặc sắc liên quan đến tụ điểm văn thơ là đình làng Mai Xá trước cách mạng tháng Tám, trong đó có đến ba chục bài thơ tài danh của thầy Trương Quang Phiên. Xin hiến bạn đọc vào dịp khác.

Y.T

_______________________________
 

 

(1) Cụ Huỳnh Tấn Phát nguyên Chủ tịch Chính phủ CMLTCHMNVN; bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN thì ông Trương Công Đồng là đại sứ, đại diện Chính phủ CMLTCHMNVN tại miền Bắc.

(2) Mai Đình: Đình làng Mai Xá.

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 122 tháng 11/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground