Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giấc mơ sinh thành

T

rong đời làm báo, viết văn của tôi, chỉ biết lên rừng, xuống biển, thầm lặng đi và viết, đâu dám nghĩ chi về nghề hay phát ngôn điều chi tương tự thế. Ấy vậy mà nay lại gặp  sự cố, nói chính xác ra là bị ám ảnh bởi một chuỗi giấc mơ, khó nói đến lạ. Nhưng khó cũng phải nói ra; không nói ra không cầm được bút để viết tiếp và cũng khó để trở thành người.

Câu chuyện như một kỷ niệm nghề, cho phép tôi được kể ra không theo một trình tự nào hết.

* * *

Nguyên do có lẽ bắt đầu từ cuốn hồi ký.

Mùa hạ năm một chín chín sáu, tôi có người bạn ở Tp. Hồ Chí Minh gửi tặng cuốn sách (chẳng là nhóm bạn bè chúng tôi duy trì một thói quen từ thời sinh viên như thế) lại là cuốn hồi ký của một nhạc sĩ tài hoa có tựa đề “Phạm Duy- Thời cách mạng, kháng chiến" in ở hải ngoại. Thì chẳng hay hớm gì cái chuyện đọc “lén lút” ấy mà kể ra đây, nhưng với tôi đây lại là duyên cớ. Kèm sách, bạn cũ còn có một gợi ý yêu cầu tôi đi tìm Bà Mẹ Gio Linh thời chống Pháp mà Phạm Duy có nhắc đến vài dòng ít ỏi trong cuốn sách.

Thú thật là bất ngờ và còn bất tiện nữa là khác. Phạm Duy là Phạm Duy mà tôi là tôi, hai người hai thế hệ, thậm chí hai đầu chiến tuyến, lại xa cách thế thì nó trói buộc chúng tôi lại để làm gì? Chỉ tại cuốn nhật ký. Bạn tôi sinh ra ở chợ Cầu, phố huyện Gio Linh. Thế hệ chúng tôi lớn lên thuộc nằm lòng bài hát ngợi ca bà mẹ yêu nước thời chống Pháp: "Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày..." chứ nào biết chi cụ thể. Lại nữa thời chống Mỹ  Gio Linh là vùng hoả tuyến, người tập kết ra Bắc kẻ di tản vào Nam sinh sống. Cũng vào thời điểm ấy có nhiều bài hát hát về chiến sự ở bờ Nam con sông vĩ tuyến 17, cái nơi gọi là “vùng hoả tuyến” ấy, suốt ngày được phát ra rả trên đài Phát thanh miền Nam. Thế hệ chúng tôi bấy giờ đang ngồi trên ghế nhà trường ở bậc trung học đệ nhị cấp. Đối diện với những nỗi buồn vô vọng của chiến tranh là những hiểm hoạ tàn khốc, mà nhỡn tiền là nếu thi rớt Tú tài thì ngay lập tức anh sẽ bị bắt lính. Ca từ nhiều bài hát y như những quả mìn hẹn giờ chất chứa lo âu, mất mát, chia li nhưng cuối cùng nó cũng giúp con người ta phản tĩnh. Bây giờ chỉ cần nhớ lại thôi vẫn còn thấy rờn rợn trong người: Có ai qua vùng hỏa tuyến/ Nhắn cho tôi một vài lời/ Mái tranh thân yêu còn đâu/ Lũy tre xanh tươi còn đâu / Đổi thay giờ đây lửa máu… Xóm thôn hoang tàn đổ nát/ Luống khoai nương cà nghẹn ngào/ Tiếng chuông vang không còn nữa/ Vắng trâu ăn trên đồng sâu/ Trẻ thơ đi tìm mẹ hiền…Toàn dân thương Trung Lương/ Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương...Có ai qua vùng hoả tuyến, nhắn cho tôi một vài lời... 

Từ nhỏ thế hệ chúng tôi đã phải chịu cái cảnh ly quê biệt xứ, nay nó có cuốn hồi ký trong tay viết về bà mẹ trên tầm yêu nước quê mình mà vỏn vẹn có mấy dòng thế này sao không ấm ức. Chẳng biết hành hạ ai, nó tìm cách đổ lên đầu tôi cũng là chí phải, con người ta sinh nghề tử nghiệp mà lại. Mấy dòng Phạm Duy viết về Bà mẹ Gio Linh trong cuốn Hồi ký đã nêu:

"Và một hôm, chúng tôi tới một làng trong huyện Gio Linh... Ngoài chuyện 12 người mẹ bị hy sinh đó (chúng tôi sẽ trở lại sự kiện này sau), dân chúng trong làng còn kể cho chúng tôi nghe thêm câu chuyện của một bà mẹ ở trong một ngôi làng gần đó có người con đi dân quân bị lính Pháp bắt rồi bị chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy đầu của anh dân quân xuống để đem đi chôn. Rút cuộc bà mẹ lẳng lặng ra chợ lấy đầu con bỏ vào khăn gói mang về.

Nghe xong câu chuyện tôi xin một anh dân quân đưa tôi tới làng đó để gặp bà mẹ. Đây là một người đàn bà với bộ mặt có nhiều nếp  nhăn nheo, nhưng đối với tôi thì bà đẹp như một vị thánh. Gặp bà, tôi lúng túng không biết nói năng gì và đẩy cho người đưa đường nói hộ tôi. Tôi đã rợn người khi nghe bà kể lại câu chuyện của bà bằng một giọng nói rất bình thản. Rồi bà dẫn tôi đi qua một rặng tre để ra tới chợ nơi mà ngày nào bà đã tới để đem đầu con đi chôn.

Tôi không khóc khi đứng giữa nơi sân khấu chưa đóng màn của một tấn tuồng bi thảm trong kháng chiến, bên cạnh vai chính của vở bi - hùng - kịch này, nhưng trong đêm đó tôi trở về nằm lăn trên cái giường nứa ở một cánh rừng không tên trên chiến khu Quảng Trị, rồi tôi khóc rưng rức khi ngồi dậy và viết ra những câu đầu tiên của bài hát. Lúc đó cũng là lúc tôi nghĩ tới mẹ tôi: Mẹ già cuốc đất trồng khoai/ Nuôi con đánh giặc đêm ngàyCho dù áo rách sờn vai/  Cơm ăn bát vơi bát đầy... Mẹ già tưới nước trồng rau/ Nghe tin xóm làng kêu gàoQuân thù đã bắt được con/ Đem ra giữa chợ bêu đầu!/ Nghẹn ngào không nói nên câuMang khăn gói đi lấy đầu/ Đường về thôn xóm buồn teo/ Xa xa tiếng chuông chuà gieo...

Vừa nãy tôi có nói: Xa cách thế nó còn trói buộc chúng tôi lại để làm gì? Thế mà đọc qua đoạn vừa trích ở trên tôi cũng đã thấy ấm ức, giá mà được ở gần ông nhạc sĩ tài hoa ấy để chỉ chất vấn một điều: Một làng trong huyện Gio Linh rồi trong một ngôi làng gần đó nữa là ở đâu? Khi viết những trang hồi ký này có thể ngày tháng ông quên đi, nhưng  những cái tên làng trứ danh như thế mà phớt lờ đi thì quá vô tình hỡi ai, biết dựa vào đâu để tìm ra nguồn cơn nữa! Nhọc công chưa nói đến nhưng mà nhọc lòng cho người đi sau lắm! Viết tới đây tôi chợt nhớ câu thơ của Phùng Khắc Bắc: Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng!  Vâng, nhà thơ Vũ Quần Phương đã có lời bàn chí phải. Là ông cho rằng vàng rơi mà tiếc là thứ tình cảm tự nhiên ai cũng có nhưng cái anh tiếc công cầm vàng thì lại hoàn toàn khác. Phải là con người chịu khó đúc kết kinh nghiệm sống mới có được thứ tình cảm kết tinh từ nhận thức, chiêm nghiệm ấy.

Biết là vậy nhưng tôi cũng phải đợi thời cơ và cơ hội cũng đã đến với tôi gần một năm sau đó.

* * *

Ấy là dịp toà soạn cử tôi ra Gio Linh chuẩn bị số báo tuyên truyền cho đại hội Huyện Đảng bộ. Bí thư Huyện uỷ bấy giờ là đồng chí Nguyễn Viết Nên làm việc với tôi ở phòng riêng. Khoảng tiếng đồng hồ sau tất cả các nội dung phỏng vấn đã hoàn tất. Tôi khấp khởi tạt qua phòng chính sách, cốt là tìm tung tích bà mẹ Gio Linh. Trưởng phòng TB-LĐ-XH của huyện là chị Mỹ Lệ thuộc lớp hậu sinh, lại là gái Nhan Biều ra làm dâu Gio Linh, làm sao biết về các mẹ Gio Linh thời chống Pháp những năm 47- 48. Chỗ dựa chỉ còn trông vào tủ hồ sơ liệt sĩ thời chống Pháp lưu trữ ở phòng, thế nhưng lục hết vẫn không có hồ sơ nào là liệt sĩ đã bị giặc Pháp đem ra giữa chợ bêu đầu. Liệt sĩ mà không tìm ra thì bà mẹ khăn gói đi lấy đầu là ai lại càng bí ẩn. Mông mênh quá, tưởng chẳng còn manh mối gì để tìm ra tung tích nữa thì đầu óc tôi nảy ra những ý tưởng mới lạ, quả là lúc dồn trí óc ta vào thế bí thì cũng là lúc nó bật dậy, phát sáng. Lởn vởn trong đầu tôi là đồn giặc và chợ búa- nó ở đâu trong thị trấn, vùng ven Gio Linh dấu yêu một thuở tang tóc này?... Rà rà trên các tấm bản đồ chiến sự thời Pháp và Mỹ để lại, tôi cỡi con ngựa chiến Honda 67 tìm khắp. Mấy hôm ở chợ Cầu, ngày sau chợ Nam Đông rồi chợ Kêng và cuối cùng chỉ còn sót lại đồn Nhĩ Hạ bên đình chợ Mai Xá sầm uất một thời. Ở đó tôi đã phát hiện ra đầy đủ sự kiện giặc Pháp trong đồn Nhĩ Hạ đã hành quyết và bêu đầu ra giữa đình chợ Mai Xá một lúc hai chiến sĩ chứ không phải là một như đoạn hồi ký đã trích. Mẹ Hồ, bảy tư tuổi bấy giờ là nữ du kích cảm tử; ông Bùi Thanh Minh, người lính già trung đoàn 95 nhập ngũ sau sự kiện Làng Mai uất hận; mẹ Nguyễn Thị Vện Đỉu, chị gái đầu của lịêt sĩ Nguyễn Văn Phi là người trực tiếp cùng mẹ của mình - một trong hai bà mẹ Gio Linh - ra chợ lấy đầu đứa em thân yêu của mình về chôn cất là những nhân chứng ít ỏi còn sống sót ở làng. Họ rành rọt kể lại cho tôi hay tấn thảm kịch của hai bà mẹ liệt sĩ làng Mai thần đồng năm x­a đã đi vào huyền thoại mẹ - Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng những hồi tư­ởng căm giận và thư­ơng yêu sâu sắc, bằng một lòng căm thù bất cộng đáy thiên.

Ngồn ngộn thông tin, những kẻ khốn khổ thường nhớ dai về những nỗi khổ đau của mình. Hơn thế nữa, ở đây họ lại là những người khổ đau chiến thắng và họ có cách lưu dấu pho sử liệu của mình rất đặc biệt. Tôi chỉ việc ghi chép, xác minh, rà sát lại toàn bộ câu chuyện mà chỉ trong gang tấc không đến kịp thì nó đã vĩnh viễn chìm sâu vào quá vãng. Chưa bao giờ tôi viết một cái gì mà viết ngay tại trận. Có cái gì đó vừa hào sảng, vừa thúc bách trong tức tưởi nghẹn ngào. Đã nửa thế kỷ trôi qua rồi mà tôi cứ rờn rợn trong người, nhất là gần về sáng bên ngọn đèn dầu leo lét một mình thức trong ngôi nhà mẹ Vện Đỉu, tiếng gà khuya chốc chốc gáy khan trong làng. Trắng trọn đêm thức cùng trang giấy trắng, sáng ra, cái ký '' Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay...” đã xong. Cái ký ấy Cửa Việt đăng và chỉ tuần sau ngồi dưới chân tượng đài Thành cổ (là lúc bấy giờ tôi tá túc trong một phòng tập thể ở đó), một lần nữa nó thổn thức lung lay đến tận đáy lòng, ấy là lúc Đài tiếng nói Việt Nam phát trong một chương trình văn nghệ đêm khuya. Và khi chào đón thiên niên kỷ mới vào năm 2000, nhà văn Xuân Đức (Chủ biên) chọn cái bút ký này đăng trong “Non Mai sông Hãn”, tuyển tập 100 năm văn chương Quảng Trị. Trang viết, trang đời nở hoa, tưởng chẳng còn gì để nói thêm nữa.

Vậy mà vẫn còn nhiều điều phải nói. Với tôi đây vừa là cái góc khuất vừa là tình cảm thầm kín trĩu nặng đối với Bà Mẹ Gio Linh và cũng là cái khác biệt giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy cần nói ra vậy.

* * *

Có rất nhiều cái khác biệt đã được phát hiện ra từ sự kiện, nguồn sử liệu đến giai điệu, lời và cái bè trầm mặc niệm… được lưu giữ ở làng Mai Xá.      

Trước hết là việc hai liệt sĩ đã hi sinh và những nhân vật là những mẹ, những chị đem khăn đi gói đầu. Tất cả đều được các nhân chứng kể lại sinh động, được đúc kết trong một bài diễn ca lịch sử gọi là “Làng Mai uất hận”, tóm lược nó lại như sau:

Năm 1947 giặc Pháp quay trở lại đóng đồn ở Nhĩ Hạ rồi Mai Xá Chánh. Giặc đóng đồn bắt lính, bắt phu, trẻ già chi cũng cầm tù, bắn giết. Ngày ngày tiếng giày đinh giày xéo, đêm đêm về súng nổ vang trời. Không ngày nào không diễn ra cảnh tang tóc: Mai chung gối chiều về than vợ mất Đêm hàn huyên mai sớm lại khóc chồng/ Mái đầu xanh chưa kịp để tang ôngGiặc lại tiếp vây lùng bao bắn cháu…*    

Tiếng khóc nh­ư ri, nghẽn đ­ường thôn xóm. Ruộng cày bỏ trắng, bao chiến sĩ đông xung tây đột và trong chiến đấu, một phút sa cơ rơi vào tay giặc. Xã đội tr­ưởng Nguyễn Đức Kỳ, thầy giáo Nguyễn Phi (cán bộ bình dân học vụ) là hai chiến sĩ bị Tây đồn Mai Xá vây càn, bắt đư­ợc ở Miếu Đôi trong Lòi Mai Xá, đưa ra đồn Nhĩ Hạ vào một sáng trời thu ảm đạm, làng xác xơ như­ lá gặp bão đùa. Đấy là sáng ngày 19-8-1948.

Anh Nguyễn Đức Kỳ lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả ở Mai Xá Thị. Gia đình sinh sống bằng nghề ấp vịt, cung cấp cho cả thị tr­ường ở Gio Linh ra tận Quảng Bình. Bố anh họ Nguyễn, tên Diêu, mất sớm; mẹ Lê Thị Cháu tần tảo nuôi bốn con trai, nên về sau có lời nhạc "Mẹ già mồ côi yêu n­ước có kém chi" là thế. Tr­ước cách mạng tháng Tám, làng Mai có thủ tục sinh con gái đồng loạt đặt tên giống nhau. Nhà nào cũng có Nậy, Con, Cháu, Đỉu... muốn phân biệt phải kèm theo tên cha mẹ đằng sau hoặc kèm tên chồng. Mẹ Cháu kèm tên chồng, thư­ờng gọi Diêu Cháu, nổi tiếng nhân hậu, thơm thảo. Ai thiếu mẹ cho, đói san cơm lạnh sẻ áo. Nhân đức là thế, một gia đình đầm ấm sum vầy là thế mà chỉ trong hai chục năm hết Pháp đến Mỹ ra tay tàn sát, tan nát cả một gia đình. Thấm máu và nư­ớc mắt, ba thế hệ dồn dập thay nhau xã thân vì n­ước. Một lần chăn vịt ngang qua phủ đường Vĩnh Linh, Tri phủ khét tiếng Trần Mậu Trinh nghi có tình ý gì sai lính bắt vào tra khảo, ngư­ời con cả của mẹ tên Ngọc tức tư­ởi chết. Kế tiếp cái chết thư­ơng tâm của anh Kỳ: Quân thù đã bắt đ­ược con, đem ra giữa chợ cắt đầu* và rồi mẹ Cháu lại đón nhận tiếp cái chết của đứa con trai út, liệt sĩ Nguyễn Đức Thuỳ, hy sinh anh dũng trong trận công đồn nổi tiếng ở  Con đ­ường 74 hôi tanh máu thù/ khói bom đạn nổ mịt mù/ đoàn xe tan rã xác thù ngổn ngang*. Ng­ười con dâu kế bỏ mẹ mà đi trong một vụ thảm sát tập thể, hơn bốn chục mạng ng­ười trên bốn chiếc đò thư­ờng dân buôn bán bị máy bay " Cẳng chờng" (Dongke) Pháp bỏ bom ở vùng Bời Bời, trên dòng Thạch Hãn. Ngư­ời con trai cuối cùng, anh Nguyễn Đức Khuê xấu số vấp phải mìn chết ở Bánh Lái, Mai Thị. Và tai hoạ cuối cùng, mùa xuân 1968, mẹ Diêu Cháu đau liệt gi­ường chư­a tản cư­ kịp cùng làng xóm, pháo giàn từ Hạm đội Mỹ nã vào làng, nhà cháy, mẹ chết thiêu. Chị con dâu tr­ưởng, đứa con duy nhất còn lại của gia đình chạy về, vừa kịp vùi lấp xác mẹ phía Nam hồi nhà cũng bị tàu chiến Mỹ quét đại liên, bắn gục. Ba thế hệ diệt vong ch­ưa trọn trong vòng hai thập kỷ, khi nợ nư­ớc thù nhà chư­a trả thù xong thì vẫn còn uất ức, khi tiết tùng mai còn trộn lẫn giữa chính khí đất trời. Anh Tùng dẫn tôi đến thăm ngôi vư­ờn cũ, nền nhà xưa của mẹ Diêu Cháu thật sự đã hoang tàn, chỉ biết cúi đầu  mặc niệm. Vừa tủi vừa mừng đư­ợc biết mẹ còn sót lại ba đứa cháu đích tôn: Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Đức Quy và Nguyễn Đức Nghê, nay đã ly quê sinh sống xa làng tận cực nam Tổ quốc. Chạnh lòng tôi đã thốt lên với anh Tùng: “Các anh ơi, quê nghèo đến mấy mà các anh không thu xếp lấy một ng­ười ở lại đất này lo việc khói nhang h­ương hoả cho ấm cúng mẹ và các chị trong lòng đất!”…

Anh Nguyễn Văn Phi con ông Cửu Đen và bà Hoàng Thị Sáng. Tiếng rằng ông Cửu, bởi cái t­ước cửu mua đã ba đời bên làng Bác Vọng chớ ông Đen chân lấm tay bùn chính hãng nông dân xóm Kêng, Mai Xá. Mẹ Sáng ngư­ời làng Bạch Lộc, lấy chồng theo chồng vào đây, sinh hạ năm con. Đầu lòng hai chị: Nguyễn Thị Vện Con và Nguyễn Thị Vện Đỉu. Hai anh em trai gia nhập quân đội, đều là sĩ quan, vị trung tá nghỉ hư­u, vị đại uý đã mất. Tr­ước lúc hy sinh, anh Phi có vợ chừng đã ba năm chư­a kịp có con. Chị Man ở thế, phụng dư­ỡng bố mẹ chồng hơn mười năm lẻ. Cụ đồ Cung có ng­ười con dâu goá bụa chồng sớm, cụ th­ương cảm mà đề thơ:" Không trung nhất phiến nguyệtQuả phụ độc miên thời". Ôi, mảnh trăng treo trên không kia tựa như­ ngư­ời quả phụ đơn chiếc là thân phận cuộc đời cô độc của các chị đó sao? Chị Man ở thế, chừng khi cả bố lẫn mẹ chồng khuất, mới về bên quê Dư­ơng Xuân, Triệu Phư­ớc, Triệu Phong lấy chồng, con nay đã lớn. Bà Nguyễn Thị Vện Đỉu tuổi đã bảy lăm, đứa con gái đầu, thân nhân duy nhất còn sống ở làng của mẹ Sáng ngậm ngùi kể cho tôi nghe nhiều chuyện mộc mạc chân quê của ng­ười em dâu miệt biển. Hơn mư­ời năm nay, chị em bà không gặp đ­ược nhau bởi chị Man cũng đã vào Nam sinh sống, bà ao ư­ớc một lần hạnh ngộ cuối cùng cho thoả lòng mong nhớ kịp khi mình nhắm mắt xuôi tay…

"Anh hùng mạc bả danh thâu luận, vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu". Không thể lấy được thua mà luận về ngư­ời anh hùng, bởi trong vũ trụ đã lưu mãi tiếng khen tiết nghĩa. Thì mãi đến tận bây giờ, oán d­ường ấy, hận dư­ờng ấy, cừu thù d­ường ấy dân làng Mai còn kể lại rạch ròi bằng diễn ca về cái chết bất tử của hai trai làng:

Đêm xuống trong đồn Nhĩ Hạ chúng tra tấn, nh­ưng Lòng chiến đấu gan đồng dạ sắt/ chí căm thù ghi tạc tâm can* và đến gần khuya thì nghe những câu khẩu hiệu về lãnh tụ và đất n­ước của mình: Họ hô lớn: Độc lập muôn năm! Họ hô to: Hồ Chí Minh muôn năm! Họ hô vang: Việt Nam bất diệt!..*

Sáng ra, ngày 20-8-1948, lũ giặc man rợ cắt đầu hành quyết: Con tôi đâu chẳng có hình hài*, và  Đây là đâu, đây là giữa chợ/  Đây là đâu bến n­ước thôn Mai*. Hai chiếc đầu, cái đư­a vào giữa chợ, cái ở bến Đò cắm lên đòn xóc khủng bố. Trớ trêu và nhục nhã thay cho nền văn minh hoa lệ nư­ớc Pháp, những kẻ giết ng­ười man rợ kia còn kịp bôi dầu bidăngtin óng m­ợt, chải chuốt trang điểm cho hai mái đầu xanh. Ôi: Hai khuôn mặt vẫn còn rạng rỡ/ Nét oai hùng ngạo nghễ khinh khinhBốn con ngư­ơi sáng chói lung linhIn hình ảnh thù trong đáy mắt/ Hai hàm răng hãy còn nghiến chặt/ Nh­ư ăn gan nuốt mật quân thù...*

Từ xóm Kênh, rồi từ Mai Xá Thị có ba ngư­ời phụ nữ xăm xăm, tất tả, nách thúng mẹt trà trộn giữa đám đông đi về phía chợ. Họ là ai vậy ? Đó là mẹ Diêu Cháu cùng ngư­ời chị dâu cả anh Kỳ là Khương Thị Mén; bà thợ Di thím ruột anh Phi đi lấy đầu. Cạnh đấy, bên nách đồn Mai Xá chánh, bọn Tây đồn biết, chúng lùng sục suốt cả buổi chiều. Thế chẳng đặng đừng, gia đình anh Kỳ phải đ­ưa chiếc thúng có cái đầu lên gầm tra cất giấu. Biết làm sao đư­ợc: Con ra đi hình hài tuấn kiệt, con trở về có chiếc đầu thôi*. Các mẹ nén chặt đau thư­ơng chao nghiêng những mái đầu như­ thuở nào ôm con trong lòng vỗ về nũng nịu: Mẹ đây này con hỡi con ơi Làng xóm đó con hời con hỡi! Bế con về an nghỉ ngàn thuTrả xong ơn nhà nợ n­ướcThù xâm lư­ợc thù chung Tổ quốc*...

Cứ nh­ư thế các mẹ, các chị dồn nén đau thư­ơng, đợi đến lúc màn đêm chùng xuống c­ưa vội những thớt ván vuông vừa khít chiếc đầu, lặng lẽ ra chôn ở nghĩa địa Cồn Go, Mai thị. Các anh nằm đó đợi bảy năm ròng, năm 1954 giặc rút khỏi đồn Nhĩ Hạ bà con mới kịp lấy xác các anh về, cải táng. Quả là Bọn Tây đồn Nhĩ Hạ/ Dân thôn Mai tôi phỉ nhổ đời đời…*

Ba đêm sau (23.8.1948), tại nhà mẹ Diêu Cháu sát nách đồn Mai Xá, quân ta đã về.  Bộ đội chủ lực, dân quân du kích xã cùng bà con tổ chức lễ truy điệu. Mẹ Nguyễn Thị Hồ, đội viên đội nữ du kích cảm tử bấy giờ kể lại, chính trong buổi lễ truy điệu này bài hát " Bà mẹ Gio Linh" đã được cất lên. Mẹ bảo: " Khóc cả và thôn, chúng tôi mỗi đứa mỗi tờ giấy, cây bút chép liền, sau rồi ghép lại. Nhờ thế mà thuộc hết lời bài hát…".  Cũng mẹ Nguyễn Thị Hồ cho biết, nhà mẹ Diêu Cháu sát bên nách đồn Pháp nên buổi lễ truy điệu diễn ra trong không khí cẩn trọng trang nghiêm mà im lặng tuyệt đối; quân ta cảnh giới nghiêm ngặt từ trong ra ngoài. Trước bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ đặt sát hiên nhà, bộ đội ta bồng súng giương lê hai hàng, xung quanh là dân quân du kích và dân chúng. Sau khi tuyên bố lí do xong, người chỉ huy như là chính trị viên đứng ra lĩnh xướng, đọc lên cái lời truy điệu bằng lời thơ, cứ chầm chậm đọc hai câu thì dừng lại để tập thể các chiến sĩ, về sau gần như tất cả mọi người xen vào hát theo cái bè trầm mặc niệm rì rầm trong âm hưởng nguyện cầu trầm hùng mà sâu lắng. Mẹ Hồ hát: Mẹ già cuốc đất trồng khoaiNuôi con giết giặc đêm ngày… thì dừng lại để ông Bùi Thanh Minh và mọi người chen vào xướng lên cái bè trầm rì rầm cầu nguyện : Hờ hờ hơ hờ/ hờ hờ hơ hờ... Cho dù áo rách sờn vai/ Cơm ăn bát vơi, bát đầy…thì dừng lại để xướng lên cái bè:  Hờ hờ hơ hờ/ hờ hờ hơ hờ... Mẹ mừng con giết nhiều Tây/ Ra công cuốc vun cày cấy… thì dừng lại để xướng lên cái bè: Hờ hờ hơ hờ/  hờ hờ hơ hờ...

" Hờ hờ hơ hờ, hờ hờ hơ hờ"..., xen kẽ, ngắt quảng đều đặn giữa ca từ hai câu, vì thế lặp đi lặp lại đến mười chín lần cái bè trầm rì rầm cầu nguyện trong cái giàn đồng ca khá lạ lùng. Ôi quý làm sao cái bè trầm mặc niệm, cái bè truy điệu nguyện cầu tập thể, thấm đẩm nước mắt đau thương mà sâu lắng trầm hùng ấy. Năm mươi năm rồi, tôi nghe mẹ Hồ hát, không phải trong cái đêm truy điệu nguyện cầu chính thức ấy mà khóc… Và bài hát tôi nghe có bè và giai điệu rất khác lạ so với bản nhạc sau này của nhạc sĩ Phạm Duy…

Và trên đời cái gì có qua thì phải có lại, cũng như có duyên thì mới có nợ vậy.

   

* * *

Bây giờ xin nói đôi điều về duyên nợ.

Duyên nợ lần này không phải là cuốn hồi ký nào nữa rồi mà chính là cái bút ký “Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay…” và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

17 số Cửa Việt bộ cũ khép lại, tôi thấy hình như tính tình anh Tường thay đổi hẵn. Mưa xuân chỉ còn rửa sạch hoa trái chứ không gột rửa được những u uẩn trong tâm hồn anh nữa. Giàn hợp xướng ve sầu mùa hạ trên đường Nguyễn Trường Tộ tụ tán bên chân cầu Phú Cam không ru nỗi giấc ngủ ngày của anh. Mùa thu, ôi mùa thu tôi thấy anh không còn là con chim nhảy nhót ra lan can sưởi nắng hanh vàng, và mùa đông lạnh căm buốt giá anh cũng không còn là con sâu nằm yên trong tổ nữa! Anh quý mến Trịnh Công Sơn, nâng niu cái căn gác Trịnh bàn giao lại cho anh là vậy mà bây giờ bỗng chốc biến thành “địa chỉ buồn”. Anh biến đổi đến mức thoắt ở thoắt hiện, chớp nhoáng, bạt mạng…Anh Tường không chỉ là con người thâm hậu uyên bác mà còn là con người vô cùng nhạy cảm tinh tế. Trước đó anh có thể uống rượu với tất cả mọi người bằng một tâm cảm bầu bạn nhưng sẽ dứt khoát khước từ, bước ra khỏi cuộc chơi nếu phát hiện ra một người nào đó mà anh nghi ngờ về nhân cách. Vậy mà lúc này anh hành xử hết sức lạ lùng, như sau này anh kể lại rằng “tôi uống như một gã bất cần đời, nâng cốc chúc sức khoẻ cho cả nàng Kiều và Sở Khanh, vua Nghiêu và tên Đạo Chích, cho cả Ga-li-lê lẫn Giáo hội…”. Là nói quá lên vậy chứ đi đâu, ở đâu anh vẫn giữ được mối liên hệ và bao dung với lớp đàn em từng là bầu bạn một thuở dưới chân Thành cổ. Hễ có dịp gặp là dốc bầu tâm sự thâu đêm suốt sáng; riêng với Nguyễn Quang Lập và tôi thì còn sâu nặng như cả “khối tình Trương Chi” vậy! Từ năm 1990 cho đến tháng sáu năm 1994, có bấy nhiêu tháng ngày ít ỏi, Nguyễn Quang Lập và tôi là hai cộng sự đắc lực cho anh Hoàng Phủ trong việc ra tờ Tạp chí văn nghệ tỉnh nhà. Cọ xát tiếp xúc với những ngõ ngách trí tuệ tâm hồn của anh, tôi vẫn thích nhất những đêm đàm đạo văn chương cho dù chính trị, xã hội hay thế sự đông tây kim cổ đâu đâu đi nữa anh vẫn là con người thâm hậu uyên bác. Sau này khi anh ngã bệnh, anh Nguyễn Trọng Tạo và tôi cứ tiếc là ngày thường không ghi âm lại toàn bộ lời nói, ý tưởng của anh trong các cuộc trà dư tửu hậu. Nếu có ý thức ấy thì bây giờ có thể xuất bản thêm cho anh một tuyển tập khác, hoặc là “Nhàn đàm”, hoặc là “Thế sự”. Ngoài việc đọc nhiều và với một bộ nhớ bách khoa toàn thư, anh còn có cái đức là nâng niu trân trọng trang viết của bá tánh đi kèm với việc khen chê minh triết. Có lần anh khen Phạm Xuân Vinh và tôi viết chung cái bài khảo cứu về danh nhân Bùi Dục Tài, rồi cái bút ký “Hành hương về Thành cổ”, đằng sau lời khen bao giờ anh cũng “mổ xẻ” , chất vấn đến kiệt cùng. Nói thêm một chút về cái ký “Hành hương về Thành Cổ” vì thân phận nó cũng khá long đong. Nguyên do là Tổng biên tập Tạp chí tôi lúc bấy giờ là nhà thơ Lê Thị Mây cử tôi đưa nhà văn- Bác sĩ quân y Phan Cao Toại vào Thành cổ là chiến trường xưa để viết một cái gì đó về đồng đội của mình trong chiến dịch 81 ngày đêm khốc liệt mà anh là người bám trụ được 49 ngày đêm, bị thương nặng được đưa về tuyến sau, sống sót. Chị Mây đã dành “đất” cho anh để đăng bài, nhưng rồi khi về Nha Trang không thực thi kịp lời hứa anh điện cho chị Mây nhờ tôi viết bù. Thế chẳng đặng đừng, tôi viết bằng máu thịt, bằng cơm ăn nước uống, bằng vốn liếng tích luỹ được từng ấy tháng năm tờ Cửa Việt đứng chân trên đất Thành cổ. Vậy mà khi viết xong, Tổng biên tập báo tôi là chị Mây không những không đăng, không giải thích lí do mà còn nhìn tôi với một thái độ xa lạ, dè chừng. Ai rơi vào trạng thái ấy như tôi chắc cũng đều muốn hỏi, có còn ai như tôi “yêu nước” mà còn bị phân biệt đối xử nữa không? Nghiệm ra mới thấy cái lý để nhạc sĩ Phạm Duy làm phép đối sánh: “Mẹ già mồ côi yêu nước có kém chi” là vậy!.. Có chi tiết này động viên cái anh chàng yêu nước mồ côi bấy giờ là tôi, kể ra luôn không thì vong ơn bội nghĩa. Ấy là lúc ngộ tình cờ tôi vào phòng văn thư đánh máy xin mấy tờ giấy trắng, phát hiện ra út Thuý Sâm đang gõ máy chữ nhập bản thảo cái ký “Hành hương…” của tôi mà giàn giụa nước mắt. Út Sâm xuất thân là bộ đội xuất ngũ, bấy giờ đang là nhân viên văn thư đánh máy. Cảm ơn những giọt nước mắt thánh thiện đã nhỏ xuống trang bản thảo lúc bấy giờ, đó là sự đồng cảm, là tiếng nói lương tâm của người trong cuộc. Tôi biết cái bút ký “Hành hương…” thuộc về chân lý, dù nó như quả bom hẹn giờ sắp phát nổ, vì nó thật quá, phủ phàng và đau đớn quá. Như đã nói: Cầm vàng mà lội qua sông/ vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng nên tôi gửi cái ký này vào cho anh Nguyễn Quang Hà nhà văn quân đội, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương. Anh hồi âm cho tôi vỏn vẹn có sáu dòng thư riêng, trong đó có câu nhận xét như vầy: “Đau, nhưng in được. Đừng gửi báo khác, nhớ nhắc anh em cộng tác với SH”. Là tác giả tôi hiểu thế nào là “đau” nhưng chưa hết. Khi Sông Hương công bố, nhà báo Lê Mạnh Hùng biệt hiệu là Hùng Râu chộp được, điện nhờ tôi chuyển thể làm phim kịp dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 2 tổ chức tại Tp. Huế. Phim lọt vào vòng chung khảo, tôi cùng anh Tường đi xem, thấy anh tỏ thái độ hài lòng nhưng không nhận xét gì. Hôm sau BTC công bố cái phim “Trả lại tên cho Anh” ấy được Huy chương Bạc, anh bảo tôi điện mời Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chiêu đãi . Hùng râu và tôi rất vui, không ngờ khi vào cuộc anh Tường biến nó thành buổi họp báo đối chất với  ông Chánh chủ khảo, chỉ vì một từ “căng quá”! Một lần nữa tôi hiểu thế nào là “đau”, là “căng quá” nhưng vẫn cứ đấu dịu với anh Tường là chả can qua gì, đến như bản thảo cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” mà khi vào nhà xuất bản cũng bị “cò kè”, biến dạng thành “Thân phận tình yêu” thì anh cứ đi mở “văn phòng luật sư” riêng cho các nhà văn họ nhờ. Cuộc thăm thú nào cũng chóng tàn, khi tôi chuẩn bị trở về cái nơi mấy anh em tôi đặt cái trụ sở báo gọi là “Khối tình Trương Chi”, anh ôn tồn bảo: - Thôi rứa cũng được! Ăn cơm uống nước Thành cổ bấy nhiêu năm trời, ba anh em mình cũng đã trả được món nợ. Anh có cái ký “Đêm chong đèn nhớ lại”, Lập ra Hà Nội cũng kịp viết cái ký “Nổi chìm một thị xã” và bây giờ chú có cái ký “Hành hương…”. Xem ra cái ký của chú “đạt đạo” nhất. Anh đã giải tán cái hội “Người Ham chơi” rồi, nói với Lập là không trách cứ gì hai chú mi nữa đâu (là trước đó chừng 2 tháng, anh thành lập cái hội Người Ham Chơi, nhưng Lập và tôi lấy lí do vợ dại con thơ không gia nhập Hội ấy đươc!) . Ra ngoải nhớ viết cho nhiều, nhất là hoàn thành sớm mấy cái công trình khảo cứu về văn hoá Quảng Trị…”. Cứ thế, anh em tôi xa dần, cho đến khi công bố cái bút ký “Mây trắng…” Anh khen nhưng kiểm tra kỹ nguồn tư liệu, nhân chứng, vì nó hoàn toàn khác lạ với những gì anh đã biết về Bà mẹ Gio Linh. Và nhân chuyến qua Đức rồi qua Pháp anh lấy cái ký này làm quà tặng nhạc sĩ Phạm Duy. Không biết các vị cao đàm khoát luận với nhau như thế nào ở Pari, nhưng khi về nước anh điện tôi vào Huế nhận món quà là chai rượu ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy gửi. Trong cuộc rượu tại nhà riêng của anh đêm ấy mà khách mời số đông là văn nghệ sĩ “một lứa bên trời lận đận” ở lại Huế sau khi tách tỉnh Bình Trị Thiên, anh nói với mọi người là sau khi đọc được “Mây trắng…” Phạm Duy hỏi rất kỹ về thân thế của Thi, mình giải thích thế nào ổng cũng không chịu tin, nhất là về tuổi tác. Mình nói “Nó là lính của tôi, lúc viết cái ký này mới ba bảy, ba tám tuổi; ổng cho là phải sáu, bảy mươi…” và kèm theo những lời dặn dò xa xa gần gần, đại ý là chuẩn bị “tâm thế”, thế nào ổng cũng về nước, cũng ra Quảng Trị tìm tôi trao đổi vài việc. Linh cảm đã cho tôi biết là Phạm Duy sẽ trao đổi chuyện gì, nhưng khi sự việc xảy ra thì cũng khá bất ngờ.

Hai năm sau, kể từ cái hôm anh Tường thông báo, nhạc sĩ Phạm Duy tìm về. Sáng ấy, ngày 9. 9. 2002 anh Nguyễn Đắc Xuân điện cho tôi có cách gì để giúp gia đình Phạm Duy Trở Về Quảng Trị- vâng Come back Sorriento không? May là tôi đang ngồi cùng bàn học trong cái lớp Cử nhân chính trị cùng với đại tá Ngô Quận, Phó Giám đốc Sở Công an. Tôi đưa ra lời thỉnh cầu, anh Quận nhạy bén giúp đỡ đến mức sau giờ nghỉ giải lao anh đã về cơ quan thu xếp mọi việc. Trưa ấy vừa về tôi đã thấy hai đồng chí công an bảo vệ nội bộ cũng là quen biết ngồi đợi ở nhà. Chúng tôi thoả thuận giao kèo giản đơn và chóng vánh, tôi được phép thoải mái tự do đưa nhạc sĩ Phạm Duy thăm thú bất cứ nơi đâu trong vòng 12 tiếng đồng hồ ngày hôm sau. Tôi điện anh Xuân, chờ ở nhà riêng. Đang ngồi đợi thì đồng nghiệp Lê Đức Dục xuất hiện, vừa hỏi vừa đùa: “Anh thấy phóng viên báo Tuổi Trẻ tài không?”. Phải nói là trên cả tài và chưa đầy 10 phút sau chúng tôi lên xe đưa đoàn về Mai Xá... Việc đầu tiên tôi xin phép nhạc sĩ cho tôi xưng hô như thế nào cho phải đạo, ông bảo cứ gọi bằng anh cho trẻ trung, gần gũi. Tôi hỏi thành phần trong đoàn đang có mặt trên xe, anh vui vẻ giới thiệu và sau khi đáp lễ tôi nhập vai người hướng dẫn viên khá đạt. Trên đoạn đường ngắn ngủi từ Đông Hà về Mai Xá ấy, không hiểu sao tôi cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái mối quan hệ “tình chi duyên em” giữa ca sĩ Thái Thanh và Thái Hằng, anh cười rất vô tư và còn xác nhận bi chừ vẫn thế, cuối đời khăng khít hơn đầu đời, có hơn Kim Trọng không? Tôi nhắc đến tướng Nguyễn Sơn hồi ở chợ Neo, Thanh Hoá- đôi mắt anh rạng ngời toát ra cái sự oai phong lẫm liệt của kẻ chinh nhân. Vậy mà khi nhắc đến chuyến đi thực tế sáng tác của anh vào mặt trận “Bình Trị Thiên khói lửa”, người đàn ông khoẻ khoắn cao to, tóc trắng như cước ấy là Phạm Duy lặng đi, xa xăm vời vợi… Ở bến đò, đình chợ Mai Xá và vị trí cuối cùng là nền nhà cũ mẹ Diêu Cháu, Phạm Duy đã khóc và nhiều người cũng không cầm được nước mắt khi tôi giải thích, làm cái công việc của một người thuyết minh lịch sử không chuyên, nhất là vụng về hát lời và cái bè trầm truy điệu nguyện cầu rì rầm tập thể ... Anh khẩn cầu, đề nghị tôi đưa anh ra khỏi cái “vòng vây bức tử” này. Quay lại quốc lộ IA tôi đưa đoàn ngược ra chợ Cầu, dừng bên chân cầu Bến Ngự. Cũng như ở Mai Xá, lần này tôi vẫn cố ý kiểm tra xem vị nhạc sĩ tài hoa này đã đặt chân đến đây chưa? Tôi giới thiệu với mọi người rằng đây là nơi ra đời bài hát “Mười Hai Lời Ru”… Nguyên văn  trong cuốn hồi ký vừa nêu ở trên, nhạc sĩ Phạm Duy viết như vầy:

“Đi diễn một vài nơi trong tỉnh Quảng Bình xong, chúng tôi lại phải leo núi để vào Quảng Trị, vì dưới đồng bằng, quân đội Pháp xây rất nhiều đồn canh. Ban ngày chúng cho lính đi vào các làng mạc để khủng bố dân chúng, ban đêm chúng ở trong đồn bắn ra bừa bãi. Nhưng lúc đó chúng tôi còn rất trẻ và chẳng biết sợ là gì cả, cho nên sau khi ở với Uỷ Ban Kháng Chiến tỉnh Quảng trị trên núi vài ngày, chúng tôi đề nghị với chính quyền địa phương cho chúng tôi xuống đồng bằng để đi công tác.

Và một hôm, chúng tôi tới một làng trong huyện Gio Linh…(ba chấm bỏ lững của tác giả hồi ký).

Khi chúng tôi tới đầu làng, dân chúng lảng đi không muốn nói chuyện vì lính Pháp vừa tới đây khủng bố. Họ tưởng chúng tôi là người của Pháp. Nhưng sau khi biết chúng tôi là đoàn Văn nghệ được Tỉnh uỷ phái về công tác ở đây thì dân làng niềm nở đón tiếp. Hỏi thăm tình hình nơi đây, họ kể cho nghe chuyện lính Pháp vừa tới khủng bố làng này và đưa chúng tôi đi coi cái hố chôn tập thể. Đi qua một cái cầu tre, tôi thấy nước dưới chân cầu hãy còn nhuộm mầu máu đỏ, hỏi ra thì được biết chuyện 12 người mẹ vừa bị bắn chết. Chuyện như thế này:

Sau khi một toán lính Pháp đi tuần tiễu và bị du kích bắn chết hay bị giật mìn gì đó, lính Pháp được phái tới làng này để trả thù. Chúng tập trung dân làng lại và thấy trong đám đông có 12 người mẹ đang bồng trong tay 12 đứa con thơ. Chúng bắt dân làng phải khai ra nơi trú ẩn của những du kích quân vừa gây thiệt hại cho chúng, nếu không chúng sẽ giết 12 người mẹ này. Vì không có ai khai cả cho nên chúng lôi 12 người mẹ đang bồng con thơ đó ra bờ sông, và ra lệnh cho 12 người mẹ đó ném 12 đứa con của mình xuống nước. Lẽ dĩ nhiên 12 người mẹ đó không làm theo lệnh chúng và bị chúng bắn chết cùng 12 đứa con thơ. Tôi soạn ra một bài có âm hưởng dân ca miền Trung nhan đề Mười Hai Lời Ru để ghi lại tội ác này: Miền Trung yêu dấu có một bài ruVọng từ quê mẹ là nơi căm thù/ Mười hai người mẹ/Giặc bắt ôm con/ Thả trôi suôi dòng

Bài hát kể lại câu chuyện hãi hùng đó với kết luận là 12 người mẹ đó ôm con chết đi, nhưng từ đó, hằng đêm, trên con sông đau thương này, người ta vẫn nghe văng vẳng 12 lời ru của 12 người mẹ Việt Nam chết trong kháng chiến:

Mười hai câu hát đưa tự miền xa

Để thành lời ca ghi vào lòng ta ...”

Trong đời, ít khi tôi bị lâm vào cái thế bị “bắt cóc bỏ đĩa”, vậy mà bây giờ phải làm một ca sĩ “bất đắc dĩ” giữa cái sân khấu là con đường phố huyện bên chân cầu vào buổi trưa, không kèn không trống, trước mặt lại là tác giả của ca khúc là một Phạm Duy lừng danh lần đầu tiếp xúc. Vậy mà tôi đã thuyết và diễn rất thành công. Phạm Duy lại khóc, bấy giờ nhiều người lẫn tôi đều khóc. Trên đường quay trở lại Đông Hà không hiểu sao cả đoàn im như thóc, hệt như lúc ta đi đưa đám tang về vậy. Mãi cho đến khi xe quặt vào ngõ, anh mới sực tĩnh, thoát ra khỏi cơn mê ngày. Anh rối rít cảm ơn tôi với những cử chỉ vụng về, nhất là ánh mắt như có cái sự nuối tiếc sắp sửa chia lìa. Anh lật cái gọng kính lên,  nhìn kỹ tôi rồi nói, đúng là học trò ông Hoàng Phủ, vậy mà hai năm trước gặp ông ở bên trời Tây, ông xác tính kiểu gì “toa” vẫn không tin cậu còn trẻ đến như vầy. Lúc chia tay anh ôm lấy tôi mà nói, rất cảm ơn em, nhờ em mà lần này về nước anh đã nối lại được nhịp cầu Nam Bắc, và giải thích cho mọi người hiểu là từ năm 1954- 2002 anh chưa hề có cơ hội nào để qua lại Trung Lương- Gio Linh- Bến Hải một lần nào nữa. Ôi nghĩ mà thương cái anh chàng “ yêu nước mồ côi”, vì tôi biết trước năm 54 anh là một trong những văn nghệ sĩ đạt được kỷ lục đi thực tế bằng chân đất, lộn vè vào Nam ra Bắc không dưới “ ba vòng sáu tráo”…

* * *

Bây giờ kể thêm về những giấc mơ.

Giấc mơ lần đầu tiên về  Mẹ, Bà Mẹ Gio Linh đến với tôi mơ hồ mà có lần tôi đã nói là trong trường chiêm cảm. Đó là cái đêm tôi và anh Tùng ngủ lại trên chiếc xuồng nan bồng bềnh trong rừng Sác, ngôi vườn thượng uyển của làng Mai còn sót lại và phục sinh sau hai cuộc chiến vào một đêm trăng lạnh. Soi bóng ngôi đình, bức tường thành và cổng tam quan mờ ảo, tôi cố hình dung ngôi chợ làng Mai nhộn nhịp nơi bến đò xưa có cây ngô đồng rợp bóng giữa trời thu cách mạng phần phật ngọn cờ đỏ sao vàng.  Có những người con bị giặc đem ra giữa đình, chợ bêu đầu. Rờn rợn dưới ánh trăng suông có hai mái đầu chải dầu bi-dăng-tin óng mượt. Có bóng hình những bà mẹ nuôi con đánh giặc đêm ngày…Tôi cố xua đi và lắng nghe trong không gian tĩnh mịch xa xăm tiếng chuông chùa Mai Đông Tự reo ngân sau rú Lòi Chàm và ngủ thiếp đi trong nỗi ám ảnh nhọc nhằn bình an như thế. Giật mình tiếng vạc kêu sương. Tôi bừng tỉnh dậy giữa đêm trăng vằng vặc, hiu quạnh. Trên cao kia Mây trắng ơ hờ… mây trắng bay/ Mây sà quán chợ, mây qua đình làng/ Mây trắng ngập bến đò ngang/ Mây rung rừng Sác, mây rung tán bàng…Vần vũ áng mây trắng lốp, lúc bay bổng lúc la đà chơi vơi mặt nước và bất chợt phủ lên đình chợ làng Mai như ngọn núi. Ở đó Mẹ huyền diệu hiền từ bước ra, mồn một rõ ràng. Tôi toát mồ hôi, đập lay anh Tùng dậy. Anh xoa tay lên trán tôi rồi trấn an là không chi mô, chắc mấy ngày qua lao tâm lao lực quá sức chịu đựng ấy mà.

Lần nữa là sau chuyến công tác dài ngày ở Hướng Hoá về, đang cặm cụi làm thiên phóng sự kêu cứu cho những cánh rừng đại ngàn miền Tây thì cơn sốt rét rừng tái phát, đốn tôi đổ gục. Nghiệt ngã trong hôn mê sâu, tôi đang chống chọi lại con bệnh quỷ khóc thần sầu ấy thì Mẹ, Bà Mẹ Gio Linh lại hiện về. Mẹ hiền dịu chân quê thế mà sao tôi thì toát mồ hôi lạnh, thiên hà mặt đất như đang dậy sóng. Và lần này nữa, không hiểu vì sao Bà Mẹ Gio Linh lại ám ảnh, day dứt trong tôi chứ không phải là các liệt sĩ như anh Kỳ, anh Phi! Có kỳ quặc không bởi những giấc mơ khi Mẹ hiện về, mỗi lần như thế tôi đều rà soát lại trong đầu, mình còn có phạm phải sai sót gì với Mẹ chăng? Cái hôm đưa gia đình nhạc sĩ Phạm Duy ra tạ tội về, tôi thấy Mẹ bao dung, nhìn xuống mỉm cười trên mái đầu bạc trắng như cước của “đứa con tài hoa phung phá mà nay đã biết hối lỗi”. Mẹ đã chứng giám cho thành tâm âý của anh và anh cũng đã kịp hồi cư, làm cái công việc lá rụng về cội rồi kia mà! Và lần này nữa, trong dáng điệu chân quê nhân từ Mẹ nhìn tôi có ý như trách: " Sao lại mây trắng ơ hờ, mây trắng bay... Chú mi định tung hê hết công lao người ta lên trời, hắt hết ra biển Đông ấy à?..." Lạnh buốt tâm can tôi khẩn cầu Mẹ bằng cả sự van lơn: Thưa mẹ con hiểu. Ôi chiến tranh, có phải tử biệt sinh ly là điều đau khổ nhất và bây giờ đoàn viên là giấc mộng tái hồi? Phải, chính Mẹ chứ không ai khác, phải được người đời vinh danh, phải có những con đường mang tên Bà Mẹ Gio Linh trong lòng thị trấn quê nhà và các thành phố lớn…

Sinh thời chắc chắn các Mẹ không có khát vọng lưu danh nhưng hậu thế chúng ta vinh danh cho các Mẹ là một việc làm chính đáng. Mong sao giấc mơ sinh thành của tôi sớm trở thành hiện thực, sớm có con đường mang tên Bà Mẹ Gio Linh, vì như tôi đã nói, tôi thuộc “tuyp” người: Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng! Còn như ai muốn dựng tượng Bà Mẹ Gio Linh thời chống Pháp như mẹ Suốt ở Quảng Bình thời chống Mỹ, tôi nghĩ cũng bình dị thôi, cứ dựng tượng một bà mẹ cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày là được.

Y.T.

    

-------------

* Trích lời trong bài Diễn ca lịch sử gọi là “Làng Mai uất hận”.

 

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 205 tháng 10/2011

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground