Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giấc mơ vàng trắngGiấc mơ vàng trắng

 Trước ban kinh tế mới Cao Văn Tân gọi cây cao su là “cây chiến lược”, “cây chủ lực”. Bác Ẩm và nhiều xã viên kỳ cựu hợp tác xã vùng kinh tế mới Dục Đức, Phước Sơn thì gọi là cây “khó tính” cây “công tử”. Còn bác Dương Văn Biều, đứng đầu một trang trại miền Tây Vĩnh Thủy thì bảo: Cao su chỉ là một cây lưu niên không khác gì cây chè, cây mít.

Thì ra cùng một thứ cây, một việc làm, nhưng do nhận thức hiểu biết khác nhau mà mỗi người có một cách nghĩ, cách gọi và tát yếu kết quả mang lại cũng sẽ khác nhau. Qua đó đủ biết người dân Vĩnh Linh hiểu về cây cao su còn quá sơ lược. Mặc dù cây cao su được du nhập vào Vĩnh Linh từ cuối thế kỷ thứ XVIII với diện tích vài ba chục héc ta, do một chủ tư bản người Pháp có tên Loa-di lập đồn điển ở Khe Su, Đơn Thạch Vĩnh Hòa, nay thuộc địa phận Nông Trường Bến Hải. Song chẳng bao lâu sau, chiến tranh nổ ra, Loa-di phải cuốn gói về nước, mảnh đất này trở thành chiến địa ác liệt giữa ta và địch, cây cao su lại trở về cội nguồn hoang dại nguyên thủy của mình.

Hòa bình lập lại hai nông trường Bến Hải và Quyết Thắng ra đời. Năm 1958, cây cao su mới được đưa vào thành một trong ba cây trồng chính ở cả hai nông trường hai cây còn lại là chè và hồ tiêu. Năm 1965 cao su của nông trường Quyết Thắng đã mọc thành rừng, cho hàng ngàn tấn mũ, thành nơi cất dấu kho tàng đạn dược và trận địa pháo phòng không, trận địa tên lửa của quân ta. Cũng từ trận địa này, chiều 17-9-1967, trong vòng 30 phút trung đoàn 238 tên lửa đã lập công đầu, bắn rới máy bay chiến lược B52 đầu tiên của Mỹ trên chiến trường Việt Nam.

Những tưởng cây cao su từ đó sẽ có vị trí xứng đáng trong tập đoàn cây công nghiệp, cây xuất khẩu của huyện. Nhưng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, chẳng biết từ đâu, mọi người bảo nhau rồi đây cao su tự nhiên sẽ nhường chỗ cho cao su nhân tạo, cùng các loại chất dẻo cực kì hiện đại khác. Thế là các công trường đua nhau chặt hạ cây cao su, thay vào đó là cây so đũa, một loại cây gỗ thân mềm, rễ họ đậu, có nhiều ở Nam Bộ, làm cọc choái cho cây hồ tiêu (nghe đâu đay là công trình nghiên cứu của một bà phó tiến sĩ nông học nào đó). Trong những ngày ấy khắp Vĩnh Linh. Đến đâu cũng nghe bàn tán về cá trê phi và cây so đũa. Đặc biệt là cây so đũa. Trong các cuộc hội nghị người ta tặng cho nhau từng nhúm hạt của loại cây “quý hiếm” này. Ai may mắn lắm  thì được vài trăm hạt. Ai chậm chân cũng cố xin cho được vài chục hạt. Nhiều người coi so đũa là cây cứu cánh, cây làm giàu. Vì hồ tiêu thời bấy giờ được mệnh danh là vàng đen. Đối với đất đỏ Vĩnh Linh muốn có nhiều vàng đen, không khó, nếu như có đầy đủ cọc choái theo yêu cầu. Mới biết cây so đũa của bà phó tiến sĩ nọ giữ vai trò quan trọng như thế nào đối với người dân Vĩnh Linh lúc ấy.

Nhưng rồi một năm, hai năm, với sức lớn nhanh như thổi, cây so đũa đã tranh hết mọi dinh dưỡng trong đất và truyền nhiều thứ bệnh cho tiêu. Cây tiêu vàng hoe, rụng lá rồi chết dần. Thế là cây so đũa buộc lòng phải hạ bệ, cao su nhân tạo và chất dẻo cao phân tử rẻ như bèo cũng chẳng thấy đâu, nên mấy trăm héc ta cao su tự nhiên của nông trường chưa kịp phá, mới có cơ tồn tại và phát triển như bây giờ.

Song, dù tồn tại và phát triển, thì cây cao su ở Vĩnh Linh vẫn là thứ cây của Nhà nước, của công nhân nông trường. Còn đối với hàng vạn nông dân thì nó vẫn là thứ cây dửng dưng xa lạ.

Ngay như cụ Trí, một ông lão gần 80 tuổi ở xã Vĩnh Long – Người đã từng là công nhân cạo mủ thời kỳ thực dân Pháp mộ vào làm phu cho các đồn điền cao su Nam Bộ, mỗi lần có ai đó nói đến cây cao su là chạm đến hồi ức đầy tủi nhục và hãi hùng của cụ. Cụ bảo: “Đất Đồng Nai tốt lắm. Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện mà. Thế mà thằng Pháp còn đầu tư chăm bón rất ghê. Còn các loại đất chó ăn đá, gà ăn sỏi ở ta thì trồng mần răng được cây cao su”. Không phải chỉ có cụ Trí mà nhiều người dân Vĩnh Linh, kể cả một số cán bộ có trách nhiệm cũng nghĩ như vậy, khi không khí làm cao su từ những ngọn đồi phía Tây Gio Linh rộn ràng sôi nổi tràn qua. Có người còn nêu lại luận thuyết của một kỹ sư người Pháp, khẳng định rằng cây cao su không thể phát triển rộng trên địa bàn Bắc sông Bến Hải.

Song, cuối năm 1992, qua điều tra khảo sát của tổ quy hoạch thuộc Bộ nông nghiệp, thì vùng gò đồi phía Tây Vĩnh Linh có 600 đất đủ mọi điều kiện để phát triển cây cao su. Theo đó, tổ quy hoạch của huyện mới khẩn trương phân vùng cắm tuyến, lập luận chứng cho ra đời vùng kinh tế mới cao su Bắc sông Bến Hải. Cả Vĩnh Linh náo nức rạo rực một không khí hy vọng đợi chờ. Tháng 12-1994 dự án được phê duyệt: Năm 93 Nhà nước sẽ đầu tư vốn đủ cho việc trồng mới 100 ha cao su. Liền đó, huyện gấp rút tổ chức cho trên 200 hộ có đủ điều kiện tình nguyện đi kinh tế mới, sớm định cư lập nghiệp, hình thành những làng mới trên các vùng đã quy hoạch.

Cao Văn Tân nguyên là kỹ sư kinh tế, Giám đốc công ty thương nghiệp được điều qua đặc trách trực tiếp chỉ đạo dự án kinh tế mới này. Anh bước vào trận chiến đấu mới đầy khó khăn thử thách – trận chiến đấu mà đối phương là núi đồi sỏi đá là thời tiết khí hậu khắc nghiệt và sự bảo thủ trì trệ cố hữu trong từng con người anh trực tiếp chỉ huy. Bởi đại bộ phận trong số họ ở quê nhà do đất chật người đông, hoặc do thiếu kiến thức làm ăn mà cuộc sống luôn thiếu thốn. Giờ nghe có chủ trương kinh tế mới là họ liền tình nguyện xin đi mong tìm sự đổi đời. Sự ra đi của họ đơn giản nhẹ nhàng như một chuyến đi tranh đi củi dài ngày vậy. Phần lớn có động cơ chính đáng muốn tìm đến nơi đất rộng người thưa để dễ thi thố vẫy vùng. Nhưng cũng không ít người chỉ cốt sao nhận được chút tiêu chuẩn đầu đi đầu đến, chân trong, chân ngoài, dễ làm khó bỏ. Lại có người đi kinh tế mới là để khai phá được nhiều đồi bãi, trồng được nhiều sắn khoai, nuôi được nhiều trâu bò, dồn sức trong năm, bảy năm khi có số tiền cần thiết và mọi khả năng khai thác đã cạn kiệt thì lại quay về. Thành ra một đội quân chỉ vài trăm hộ mà có nhiều động cơ tư tưởng khác nhau. Người thực lòng với kinh tế mới khá nhiều. Nhưng người coi kinh tế mới chỉ là chỗ tạm nương thân, sống theo kiểu cây tầm gửi cũng không ít. Và điều tai hại hơn cả là một số lớn bà con chưa thật tin vào khả năng hiện thực đối với cây cao su. Nhất là khi hàng ngày phải đối mặt với bao khó khăn thiếu thốn trên vùng sỏi đá khô cằn. Nhiều lúc Cao Văn Tân cũng chán ngán trước cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nhưng trong thâm tâm, anh vẫn tin một cách chắc chắn rằng, đất này sẽ trồng  tốt cây cao su.

Nhiều người tin anh, làm theo anh, theo hướng dẫn của tổ kỹ thuật. song vân không ít người hoài nghi do dự, thậm chí có vị tập đoàn trưởng vẫn công khai chống lại anh, đòi anh cho trồng nhiều sắn khoai lương thực, trước khi trồng cây cao su. Để mục tiêu biến thành hiện thực, đồng thời với việc bằng mọi cố gắng ổn định ăn ở cho bà con, anh cho quay ro-ni-o hàng trăm bản tài liệu hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây cao su, phát tận tay cho mỗi người và chuẩn bị đầy đủ  cho mọi yêu cầu về giống về phân hóa học, kịp thời dịch vụ cho tập đoàn và hợp tác xã. Tháng 9-1993 có vốn về là triển khai trồng đồng loạt trong 6 hợp tác xã và tập đoàn kinh tế mới trong huyện.

Thế mà không ít người chỉ tiến hành qua loa, hú họa. Thậm chí, chỉ tác động tác cưa gốc, không muốn tốn nhiều thời gian, có người còn bó lại tường bó rồi dùng rựa phạt mạnh như kiểu chặt củi. Kết quả gần 90% diện tích cao su đã trồng hoặc chỉ còn trơ lại hố, hoặc cứ héo khô dần, vàng vọt, ngắc ngoải. Nhiều đoàn khách về thăm kinh tế mới Vĩnh Linh, nếu đi từ đồi Phát Lát trở ra, đến với hợp tác xã Dục Đức hoặc tập đoàn sản xuất Cây Dưới, tập đoàn sản xuất Đông La Ngà đều có chung cảm giác ngán ngẩm thất vọng. Có người đặt lại câu hỏi: “Hay là đất này quả thật không trông được cao su?”. Nhưng nếu đi tiếp quảng đường còn lại, đến với trang trại của tập đoàn bác Dương Biều thì các cảm giác nặng nề ấy liền biến mất, thay vào đó là sự lạc quan, tin tưởng. “Đất này không những không trồng được cao su mà còn trồng rất tốt, không thua kém một nơi nào khác. Chẳng qua người phụ đất, chứ không phải đất phụ người”. Bởi tỷ lệ cây sống ở đây gần 100%. Chỉ mới 8 tháng tuổi mà cao su bình quân cao tới 1m8, có nhiều cây cao trên 2 mét. Nhiều vị khách xúc động nắm lấy đôi bàn tay đầy chai sạn của Bác Biều và mấy nông trại viên ở đây mà lắc mà giật, mà nói những lời như vậy.

Tiếng lành đồn xa, tôi vất vả lắm mới tìm được đến trang trại của tập đoàn bác Biều vì đường núi gập gềnh lắt léo, lại qua nhiều rẽ trái với rẽ phải. Trước mặt tôi trên 3 quả đồi nhấp nhô thoai thoải, hàng ngàn cây cao su hàng nối hàng thẳng tắp. Cây nào cây nấy mượt mà xanh. Thân lá mập mạp khỏe khoắn rung rinh trong nắng sớm. Trang trại này chỉ có 4 hộ đều là xã viên hợp tác xã Thủy Ba Tây (Vĩnh Thủy) lên lập nghiệp do bác Biều làm tập đoàn trưởng. Mỗi hộ canh tác một vùng đồi khác nhau nhưng tất cả đều liền vùng liền khoảnh, với diện tích năm đầu 3,5ha. Sau mỗi năm, mỗi hộ tăng 1 héc ta. Trong trồng cao su, ngoài bao bọc vành đai cây lâm nghiệp. Thấp thoáng giữa các hàng cây, bốn tập đoàn viên cần mẫn xăm xới gieo lạc, đậu xanh. Đất trồng cao su mà luôn được trăn trở thuần thục, tơi mịn không còn một gốc cây, một bụi cỏ khác nào đất gieo rừng vậy.

Bác Biều và 4 trại viên tiếp tôi trong 1 căn lều chật chội. Như để thanh minh cho sự sơ sài tạm bợ về chỗ ăn chỗ ở của mình bác kể:

- Năm ngoái, sau khi có quyết định cấp đất. Chúng tôi giúp nhau dựng xong hai ngôi nhà tương đối tươm tất. Mới tạm dừng về gặt mùa, thì ngày hôm sau không biết đứa nào ác độc phóng lửa thiêu trụi. Chúng tôi mới che tạm 3 cái lán này, để dành tiền của và thời gian đầu tư cho cao su đã.

Tôi hỏi bác, bí quyết nào làm cho cao su của tập đoàn có tỷ lệ sống cao và tốt nhanh như vậy? Bác cười, phô hàm răng còn trắng nguyên ngữa đôi bàn tay sần sùi chai sạn và gân guốc của tuổi 63, nói:

- Có bí quyết chi mô, cái cốt yếu là phải chịu khó, chịu khổ, phải hết sức hết lòng vì nó. Đoạn Bác nói giọng tâm sự:

- Trên đầu tư cho mỗi héc ta từ phát, xủi, san húc, cày máy đến cây giống, phân bón và chăm sóc, tổng cộng 4,5 triệu là vừa đủ. Đó là chưa kể mỗi nhà chúng tôi còn bỏ thêm vào đó trên 100 công. Thì ra trồng cây cao su cũng na ná như trồng cây chè cây mít, ngoài sự tuân theo đầy đủ cách hướng dẫn của mấy chú kỹ thuật, tôi còn bảo con cháu và anh em trồng xong cây nào là tưới nước thật đẫm vào hố cây đó. Nhằm tạo độ nén cần thiết, tránh các lỗ hổng trong hố, làm cho bộ rễ của cây tiếp xúc đầy đủ với đất, cây sẽ chống đỡ tốt với hạn. Chúng tôi vừa thử mỗi nhà 10 cây không tưới nước sau khi trồng thì sức sống kém hơn nhiều so với hàng ngàn cây được tưới nước, mặc dầu chúng tôi đã ém, đã nén kỹ theo tài liệu trên hướng dẫn.

Bác Biều cùng nhóm tập đoàn viên của bác, đều là dân Vĩnh Tú, nơi dưa đỏ ngon nổi tiếng cùng với tài ứng tác chuyện trạng cũng nổi tiếng một thời. Năm 1965 theo chủ trương điều hòa dân cư của huyện, bác cùng một số bà con tình nguyện lên Vĩnh Thủy làm ăn sinh sống. Thế rồi nổ ra chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tất cả gần như bị xóa sạch. Kết thúc chiến tranh, bác cùng vợ con bắt tay xây dựng lại từ đầu. Đến nay bác có nhà xây, có vườn cây ao cá, cuộc sống khá đầy đủ. Song, cơ ngơi ấy xem ra vẫn quá chật hẹp so với sức vóc của bác và đàn con cháu mỗi ngày mỗi trưởng thành khôn lớn của Bác. Thế là bác quyết định mở hướng đi lên miền Tây để gây dựng thêm cơ đồ sự nghiệp cho con cháu.

Bận túi bụi với trăm ngàn công việc không tên, đến nỗi bỏ ra vài giờ tập xe đạp bác cũng cứ khất lần, đến nay đi đâu bác cũng toàn cuốc bộ. Ấy thế mà tiếp thu cái mới, cây trồng mới thì bác lại chộp liền, và nắm bắt rất nhanh. Nhìn vườn cây cao su mơn mởn của bác, tôi nói đùa.

- Có lẽ bác bỏ qua giai đoạn quá độ đi xe đạp, mà tiến thẳng lên xe cúp, Tô-yô-ta. Anh Chụy, một trong bốn chủ hộ của trang trại bác cũng cười tán thưởng:

- Đúng quá đi chứ, cứ bỏ rẽ một cây cao su một trăm ngàn đồng thì 500 cây của bác đã là 50 triệu, đó là chưa kể hàng chục triệu của 3 ha bạch đàn. Cứ thêm vào, 3 năm nữa thì xe cúp, hay To-yo-ta đối với bác Biều chẳng có gì cao xa lắm.

Tạm biệt bác Biều cùng bà con ở đây, tôi tiếp tục cuộc hành trình hơn 10 cây số nữa để đến với hợp tác xã Dục Đức Phước Sơn. Đơn vị cuối cùng thuộc vùng kinh tế mới của huyện. Phước Sơn nguyên là đất của dòng Phước Sơn do thượng thư Nguyễn Hữu Bài lập đồn điền rồi bán lại cho một người Pháp. Năm 1992 lập ra dòng tu Phước Sơn. Một dòng tu lớn trưng thuộc La Mã do cha cố người Pháp phụ trách. Người Pháp xây dựng ở đây hệ thống nhà cửa kiên cố với hàng trăm lao động và trên 200 héc ta ruộng đất trồng nhiều cây ăn quả như cam, quýt, bòng, bưởi ở đây đã nổi tiếng một thời với những khu vườn rậm rì hoa trái.

Tập đoàn kinh tế mới Dục ĐỨc ra đời từ đầu năm 1991, lấy Phước Sơn làm trung tâm. Mục tiêu lúc bấy giờ là cây lâm nghiệp, trâu bò đàn và cây lương thực. Năm 1993 có dự án kinh tế mới Bắc sông Bến Hải, Dục Đức mới chuyển trọng tâm qua trồng cây cao su với diện tích 25 ha của 36 hộ.

Dẫn tôi đi một vòng quanh quả đồi trống trơ lơ thơ những cây sắn, họa hoằn lắm mới có một vài cây cao su gầy nhẵng, tím nhạt. Thấy khách không vui, bác Ấm cùng mấy xã viên Dục Đức biên bạch:

- Cao su là loại cây công tử, cực kỳ khó tín, nó chê đồi đá bạc này, nên trồng xuống, chẳng thấy lên. Chúng tôi quả quyết rằng, đất này cao su không trồng được. Tôi liền cãi lại:

- Các bác nói không đúng. Phước Sơn đã có thời là trồng cây ăn quả, ngay cây sắn còn sống được thì lẽ nào không trồng được cao su? – Đến đây bác Ấm mới nói hết sự thật:

- Do vốn về quá chậm, việc tổ chức trồng cũng thiếu chu đáo nên không  chịu nổi nắng hạn. Cộng thêm nạn trâu bò phá và người tìm sắt, đào bom đào bới vô tội vạ làm cho số cây ít ỏi còn lại bị mất thêm. Đoạn bác nói tiếp:

- Nhưng đầu tháng 6 vừa rồi chúng tôi đã củng cố lại hợp tác xã và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, tổ chức dân quân. Đề ra các nội quy xử phạt nghiêm minh đối với những ai có hành vi phá hoại tài sản hợp tác xã. Bước đầu đã 6 lần bắt giữ trâu bò các nơi đến thả rong, xử phạt trên 500 ngàn đồng, nhằm bảo vệ số cao su ít ỏi còn lại. Thua keo này bày keo khác, rút kinh nghiệm qua thất bại vừa rồi, chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ cao su trong năm tới.

Sáng hôm sau làm việc với Cao Văn Tân, tôi mới biết quyết tâm của Dục Đức cũng là quyết tâm chung của toàn thể cán bộ xã viên tập đoàn viên toàn vùng kinh tế mới. Anh nói:

- Dân mình vốn có tính bảo thủ nặng. Ngay như việc đưa giống mới vào đồng ruộng và gieo thẳng thay cho cấy cũng phải một cuộc cách mạng hàng chục năm. Vậy nên cây cao su họ chỉ mới nghe mà chưa thấy trồng được trên đất đồi Bắc sông Bến Hải thì họ chưa tin, hoặc chỉ mới tin một nữa. Giờ thì đã có thực tế của bác Biều cũng như số cây còn lại của hết thảy các tập đoàn và hợp tác xã thì họ đã tin, rất tin. Do vậy vụ cao su năm tới sẽ có thêm nhiều bác Biều, thêm nhiều vườn cao su xanh tốt. Chiều hôm đó tôi còn nhận thêm nhiều thông tin đáng mừng nữa về cây cao su ở Vĩnh Linh. Đó là năm 1993 nông trường Quyết Thắng đã trồng thêm 252ha theo dự án 327 và liên kết với xã Vĩnh Long trồng thêm 40ha bằng cách cho Vĩnh Long vay vốn, giúp đỡ về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Cũng như Cao Văn Tân tôi tin rằng cao su sẽ mọc thành rừng trên các quả đồi Bắc sông Bến Hải.

                                                                                                V.T

Văn Tuyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 3 tháng 12/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground