Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gian nan đưa sách vào trường

Sách hoá nông thôn (SHNT) là phong trào xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam được Nguyễn Quang Thạch thực hiện từ năm 2007. Riêng tại Quảng Trị, với những cá nhân tích cực, SHNT đã đi được chặng đường dài.

Tuy nhiên, việc đưa sách đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để ai cũng có cơ hội tiếp cận nguồn sách hay, sách quý và xa hơn nữa là góp phần cùng chấn hưng văn hóa đọc vẫn còn mang nặng những nỗi niềm mà sự thờ ơ của người trong cuộc mới là điều đáng quan tâm.

Gần như thành “thông lệ” đến tháng 4 hoặc liên quan đến vấn đề phát triển văn hóa đọc, các phóng viên thường tìm đến gương mặt quen thuộc là Lê Minh Tuấn - Chủ nhiệm Chương trình SHNT tại Quảng Trị. Hơn 10 năm theo dõi chương trình SHNT do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng và 6 năm chương trình SHNT thực hiện ở Quảng Trị, tôi biết Lê Minh Tuấn không muốn mọi người biết nhiều về cá nhân mình. Điều anh mong muốn chính là sách hay, sách tốt có thể đến với trẻ em vùng khó và nhất là sự chung tay để xây dựng những tủ sách lớp học thuận tiện cho học sinh có thể đọc sách bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, nếu cứ lầm lũi làm thì khó có thể vận động được nhiều nhà tài trợ sách. “Một mình thì cõng được bao nhiêu sách? Cõng đến bao giờ? Nếu nhanh hơn một vài tháng là có thể giúp đỡ được rất nhiều em học sinh nghèo” - Lê Minh Tuấn trăn trở. Với suy nghĩ đó, năm 2015, anh quyết định tham gia tham luận tại Chương trình Khai mạc Ngày Sách Việt Nam 21/4 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị tổ chức để nói lên tiếng nói về thực trạng đáng báo động của việc thiếu sách, không đọc sách… đến các sở, ngành, đơn vị và qua đó kêu gọi nhiều người cùng đồng tâm hợp sức chăm lo văn hóa đọc. Lê Minh Tuấn cũng nhận thấy, việc kêu gọi trên mạng xã hội giúp kết nối được nhiều chương trình, nhiều cá nhân, tổ chức ngoài tỉnh hỗ trợ nên bắt đầu thực hiện từ đó.

Là thế hệ 9X, anh cũng đam mê công nghệ và từng xây dựng thư viện online cho cộng đồng. Sau một thời gian triển khai, anh nhận thấy một thực tế là dù có điều kiện để tiếp xúc với công nghệ tiên tiến, sách điện tử, online, sách nói… nhưng vẫn còn có rất nhiều người đam mê và dành tình cảm cho sách giấy và sách giấy vẫn rất hữu ích nếu được hiện diện ở các tủ sách lớp học. Do vậy, Tuấn đã nảy sinh ý tưởng xây dựng các tủ sách ở các vùng nông thôn, lớp học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng để đưa sách đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và ở những nơi có điều kiện sống vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, với những thế mạnh riêng của chính nó, đọc sách là phương cách tốt nhất để làm giàu có vốn liếng ngôn từ của con người; đồng thời với những thuộc tính đi liền với việc đọc là suy nghĩ, suy ngẫm, tra cứu, tìm tòi... nó là cơ sở hữu ích cho việc nâng cao tri thức, hiểu biết, tạo dựng những vỉa tầng sâu sắc trong toàn bộ hệ thống kiến thức, nhận thức của mỗi con người.

Lê Minh Tuấn với niềm vui đưa sách đến trẻ em vùng khó - Ảnh: M.T

Lê Minh Tuấn với niềm vui đưa sách đến trẻ em vùng khó - Ảnh: M.T

Khác với mô hình thư viện trường học truyền thống, việc xây dựng tủ sách lớp ở từng lớp học sẽ phù hợp từng độ tuổi với một không gian mở và mang tính kế thừa. Đối với tủ sách lớp học của chương trình SHNT, các em sẽ được trang bị sách phù hợp với độ tuổi của mình. Học sinh lớp 1 sẽ được đọc sách với số chữ tương ứng với sự nhận thức và khả năng đọc để lĩnh hội kiến thức ở độ tuổi 6 - 7. Tương tự như vậy.

Là dân làm kinh tế, anh tự nhẩm tính rằng, với kinh phí dự kiến 1,2 triệu đồng/tủ cho số lượng 40 - 70 đầu sách hoàn toàn mới, hoàn toàn có thể xây dựng theo hình thức cuốn chiếu để trang bị 100% các lớp học trong trường. Lớp trước ra trường để lại cho lớp sau và các lớp sau có thể bổ sung thêm đầu sách bằng số tiền rất ít. Chỉ cần mỗi cựu học sinh hoặc mỗi phụ huynh đóng góp 30.000 đồng/năm là có đủ sách hiện diện ngay trước mặt các em, vừa gần gũi, thân thương biết bao nhiêu và qua đó cũng giúp các em cũng trưởng thành biết bao nhiêu.

Không thể hình dung nếu một ai đó trong suốt cuộc đời mình không coi trọng việc đọc mà có thể có được một trữ lượng thông tin, kiến thức lớn. Khối lượng kiến thức thu thập được từ việc đọc chính là một thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người. Trong khi đó, số tiền để “phủ sóng” cho mỗi tủ sách lớp học cũng chỉ tương đương tô phở ăn sáng của người ở thành phố. “Công thức” để tự thực hiện tủ sách cho chính con em của mỗi người đã có sẵn, triển khai dễ dàng. Thế nên ở thời điểm năm 2015, Lê Minh Tuấn đã có những phác thảo hết sức “mơ ước” là chỉ trong 5 năm sẽ phủ kín 3.000 tủ sách lớp học và với tiến trình đó thì sau năm 2020, Quảng Trị không cần có sự hiện diện của chương trình SHNT nữa. Thế nhưng…

Ba năm đầu, Chương trình vấp phải sự đón nhận nghi ngại, thậm chí là “ruồng rẫy” vì không biết mục đích đem sách đi tặng là gì, sách đó liệu có phải là nguồn sách hợp pháp. Đến năm thứ 5, câu chuyện lại mang tính chất khác. Đầu tháng 3, một trường cấp 3 liên hệ để nhờ Lê Minh Tuấn vận động tủ sách cho trường. “Mình vui quá. Thế là sau một loạt những cố gắng của mọi người trên nhiều phương diện, người ta đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc xây dựng tủ sách” - Minh Tuấn hớn hở chia sẻ. Thế nhưng “niềm vui ngắn chỉ tày gang” khi anh biết rằng, trường nọ đang chuẩn bị để được công nhận điểm trường đạt chuẩn quốc gia nên trong thời ngắn mong muốn rốt ráo có tủ sách để “bằng chị bằng em”, cho “đủ điểm”.

“Tuấn có thấy buồn khi hành trình mà mình vạch ra trong 5 năm mà đến nay chỉ đi được 1/10 chặng đường?”. Lê Minh Tuấn trả lời câu hỏi của tôi bằng một thái độ khá tư lự: “Công thức sẵn rồi, có nhiều nơi triển khai rồi thì mọi người dân có thể tự làm tủ sách cho quê hương, trường cũ, gia đình. Số tiền cũng không phải nhiều, ngay cả đối với Quảng Trị. Thế nhưng điều làm mình thất vọng là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này còn làm hình thức và nhất là đa phần mọi người đều trông chờ vào người khác làm cho mình mà không biết rằng gia đình, nhà trường là nơi hưởng lợi trước tiên”.

Còn nhớ, từ một email của một cô giáo sang dạy tiếng Việt ở Trường phổ thông Hữu Nghị Việt - Lào (tỉnh Savannakhet, Lào), Lê Minh Tuấn đã không ngại đường xa, vận động 16 tủ sách với trên 700 đầu sách qua tận điểm trường. Những đêm giao thừa mọi người về nhà chuẩn bị đón Tết sum họp thì Tuấn và nhóm bạn còn lang thang trên đường để lì xì sách, gieo một thói quen tốt để ươm mầm mai sau. Sự nhiệt tình đến một lúc nào đó cũng sẽ bị nguội lạnh nếu không có sự hồi đáp. Bởi xét cho cùng, văn hóa đọc gắn liền với sự hưng thịnh của một đất nước nên cần những chính sách và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các đơn vị liên quan hơn là sự cố gắng, nỗ lực của các cá nhân đơn lẻ dù rằng sự đóng góp của họ cũng rất quan trọng.

Lì xì sách tại Hướng Hóa - Ảnh: M.T

Lì xì sách tại Hướng Hóa - Ảnh: M.T

Cuốn sách Tự lo (Self-Help) của Samuel Smiles mượn lời của J.S. Mill ngay trang đầu: “Giá trị của Nhà nước, xét lâu dài, là giá trị của các cá nhân cấu thành”. Muốn có một đất nước mạnh, độc lập, phải có những cá nhân mạnh và độc lập, thông qua tự rèn luyện, tự lo. Đọc sách, xét cho cùng bản chất của nó chính là việc tự học, tự rèn luyện. Những quyển sách chính là người thầy, người bạn học với những giá trị vượt không gian và thời gian dành cho mỗi người. Cải cách giáo dục theo hướng khai phóng, tức là gieo vào tâm hồn và đầu óc các học sinh niềm vui tò mò, khám phá, biện bác và cởi mở trước mọi ngả đường tương lai. Lịch sử các nước phát triển cho thấy văn hoá đọc sách gắn liền với giáo dục. Nước Nhật bước vào hiện đại hoá không phải từ tro tàn của chế độ cũ, mà ngược lại, được xây dựng trên một nền móng văn hoá đã phát triển cao, đa dạng về nội dung học và vững chắc. Trước khi thực hiện cải cách, đổi mới, vào thời mở cửa Minh Trị Duy Tân, dân tộc Nhật lên cơn sốt đọc sách nước ngoài để biết phương Tây đã làm gì và đang làm gì mà “nước giàu quân mạnh”. 

Tính đến cuối năm 2020, các tác động xã hội mà SHNT mang lại là hàng trăm ngàn cha mẹ học sinh, cựu học sinh, các thành viên xã hội, học sinh, thầy cô giáo, các nhà trường, cấp huyện, cấp tỉnh đã tạo ra hơn 30.000 tủ sách, mang lại cơ hội tiếp cận sách cho hơn 1.000.000 bạn đọc nông thôn. Riêng đối với Quảng Trị, Chương trình SHNT vận động được hơn 400 tủ sách lớp học đến 45 trường tiểu học với trên 20.000 quyển sách trị giá gần 1 tỷ đồng.

Hiện nay, vì quá mải với đời sống kinh tế hay nhiều yếu tố khác mà con người đang xem nhẹ đời sống văn hóa tinh thần. “Nhiều trẻ em nghiện game bỏ bê học hành, thậm chí vi phạm pháp luật, ba mẹ mới tìm đến sách để học cách nuôi dạy con. Hoặc là hướng con đọc sách, mê sách thay vì có thời gian trống dễ bị mê hoặc bởi thức khác. Đây là việc cần làm trước bởi nhiều người không thấy ngay được lợi ích của việc đọc sách và vai trò của tủ sách gia đình. Đọc sách phải là thói quen hằng ngày chứ không phải giải pháp tình thế. Và để giúp một người hình thành thói quen không phải đơn giản” - Tuấn trăn trở. Nhiều năm theo đuổi thúc đẩy văn hoá đọc, khó khăn lớn nhất theo anh vẫn là thói quen đọc sách mỗi ngày. Giáo dục có ba ngôi trường quan trọng, đó là gia đình, trường học và xã hội mà cuộc đời mỗi người đều phải trải qua. Để tạo dựng được văn hóa đọc, ba mẹ phải quan tâm đến việc đọc của con trẻ ngay từ lúc còn nhỏ, đó là những việc đơn giản mỗi ngày như đọc sách cùng con, xây dựng tủ sách gia đình. Tiếp đến, trường học có thư viện tốt và đọc sách được coi trọng như là môn học chính thức sẽ nối tiếp nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc trong từng em học sinh. Bằng sự tự lực của người dân cùng những chính sách đúng đắn và hành động quyết liệt của Nhà nước đối với xây dựng văn hóa đọc thì rõ ràng, không còn những cá nhân miệt mài “cõng sách”, “cửu vạn sách” như Lê Minh Tuấn.

Có một tác giả đã ví von rằng, trên đời có ba thứ thường được mọi người rất kính nể: Người giàu về kinh tế, người có cương vị cao trong xã hội và người có học vấn, có trình độ kiến thức cao. Người trình độ thấp thì ứng xử văn hóa thấp. Người có tri thức, có trình độ cao thì có thái độ và cách thức ứng xử văn hóa cao. Tôi nhớ trong một bài viết của tác giả người Trung Quốc, bàn luận về vấn đề tại sao người Trung Quốc không thích đọc sách. Theo tác giả có 4 nguyên nhân: Một là tố chất văn hóa của người dân ngày nay là kém. Hai là từ nhỏ không rèn luyện thói quen đọc sách. Ba là lối “giáo dục đối phó” khiến trẻ em không có thời gian và tinh thần để đọc sách ngoài bài học. Bốn là càng ngày càng thiếu sách hay. Một xã hội phát triển hay thụt lùi cũng nên xem xét đến việc đọc sách có sâu hay không bởi những người đang đọc sách, đọc những quyển sách gì có thể quyết định tương lai của một quốc gia. Do đó, đọc sách không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn tác động đến cả dân tộc, cả xã hội. Một dân tộc không thích đọc sách là một dân tộc đáng sợ; một dân tộc không thích đọc sách là một dân tộc không có hy vọng. Câu chuyện này, chắc chắn không chỉ riêng của Trung Quốc.

MINH TRÍ

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground