Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giếng cổ - lịch sử trong đá và nước

Đ

ối với nhiều người, Gio An thường được biết đến như là một địa danh lịch sử từng đi vào trong ký ức về cuộc chiến tranh chống Mỹ (và cả trong bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Huy Thục). Bây giờ, khi mà âm vang của cuộc chiến đã lùi xa thì ở đất nước này, người ta vẫn thấy còn nguyên những điều kỳ lạ...

Làng trên đá.

Vùng Gio Linh xưa nay vẫn lưu truyền câu tục ngữ : “Gan Mai Xá- Đá Hảo Sơn” Gan Mai Xá - làng Mai (xã Gio Mai) thì rõ rồi (Đất này từng có những vị tưởng bách chiến bách thắng phò Tây Sơn; những anh hùng liệt sĩ “gan đồng dạ sắt” và những bà mẹ làng Mai nổi tiếng từng đi vào âm nhạc như tượng đài. Thế còn đá Hảo Sơn?

Dọc con đường nhựa dẫn vào Hảo Sơn, cũng như những xóm làng khác của Gio An, trước mắt chúng tôi đâu cũng là đá. Trên bề mặt bazan xốp mịn, đá trỗi lên từng phiến lô xô, ở khắp sân nhà, trong vườn cây, trên bờ ruộng... nhiều vô kể. Đá lớp lớp dưới những tầng đất sâu, đá nhấp nhô thiên hình vạn trạng, như thể ông thầy tạo tác ngày xưa đã cao hứng bày ra nơi đây một trận thạch đồ.

Bác Nguyễn Văn Phúng, một cán bộ chuyên trách Văn hóa xã dẫn chúng tôi đi một vòng mục kích “chiến trường” đá. Chỉ tay lên những vườn hồ tiêu xanh thẳm, giọng bác nhẩn nha:

Tiêu trồng trên đá cả đó cháu. Để cải tạo một mảnh đất vườn, chúng tôi đã phải đào và khiêng đổ đi không biết bao nhiêu phiến đá. Để đặt một gốc tiêu, phải bứng đi 3-4 tảng đá to bằng thúng, bằng bàn là chuyện thường.

Đá đào lên chất từng đống đồ sộ trông cứ như một chợ đá vĩ đại. Có thể cảm nhận được rằng, ở đây cây cỏ cũng như con người, đã học được cách sống chung với đá, sinh tồn từ trên đá.

Nhưng khó khăn đến như trồng cây trên đá vẫn chưa phải là sự lạ. Chuyện lấy nước từ đá mới đáng là kỳ tích. Bác Phúng lại kể:

- Ở Gio An, giếng lấy nước thường sâu đến 15- 20m, thậm chí là 30- 35m. Đào một cái giếng như vậy phải mất trên 300 công (mỗi công 50.000đ), tính sơ sơ cũng đến 15-25 triệu đồng nguyên một gia tài của nhà nông!

Vậy nên có người thậm chí cả đời không dám mơ đến chuyện đào giếng. Nhưng ngay cả khi không thiếu tiền người ta vẫn chưa thể cầm chắc là có giếng. Bởi, cũng giống như một trò chơi thử vận may, có người đào xuống dăm bảy mét đất là tìm thấy nước. Nhưng có người nửa đời vật lộn cưa, đào, đục, xẻ với hàng chục khối đá mà nước thì mãi chưa thấy đâu. Chuyện đào giếng (hay là đào đá cũng vậy), nhọc nhằn ngay từ nhát cuốc đầu tiên. Giếng đã sâu 15- 20m lại thình lình gặp những tảng đá lớn như cả một cái nhà ngáng đường. Lại chẻ, đục. Cũng có giếng đào đã chở đi nguyên 3 xe tải đá còn tiếp tục đào thêm 6 mét khối đá. Phấp phỏng và nhọc nhằn như vậy nên chỉ những nhà có chút của ăn của để trong vùng mới “tậu” nổi một  cái giếng. Chẳng đâu xa, ngay như ở An Hướng, làng có 101 hộ vậy mà chỉ có duy nhất một giếng (tỷ lệ dưới 1%), tính trên toàn xã cũng chỉ 7- 8% hộ đào giếng...

- Nói như vậy, bao nhiêu thứ nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt, sản xuất, nước tưới cây tiêu..., toàn xã trông cậy vào đâu? Tôi băn khoăn.

- Cháu có nhìn thấy những chiếc xe bò kéo chở các thùng phuy nặng kia không? Nước đấy. Tất cả đều từ giếng cổ,...

Giếng cổ- Cuộc kỳ ngộ của đá và nước:

Cần nói rằng, cuộc đấuu tranh để cải tạo đá, để sinh tồn trên đá của người Gio An không phải là chuyện mới một sớm một chiều. Ngược lại, nó đã là một cuộc trường chinh dài dằng dẵng suốt trong nhiều thế kỷ, thậm chí là nhiều thiên niên ký. Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã để lại dấu ấn không thể xóa bỏ về một quá trình lao động và sáng tạo bền bỉ để chinh phục đá, chiến thắng đá. Một trong những dấu ấn đặc biệt vẫn còn đến bây giờ ở Gio An là các công trình giếng cổ.

Theo chân bác Phúng, tôi men xuống chân đồi tìm đến giếng Đào, một giếng cổ thuộc địa phận làng An Nha. Đường đi là một con dốc quanh co với những phiến đá thô sơ đủ kích cỡ xếp làm bậc. Bàn tay người xưa cũng lại bày trận đá. Chỗ này lô nhô tựa một đàn hải cẩu nằm dài sưởi nắng. Chỗ kia đá tròn trắng xám hệt như một bãi trứng khủng long tiền sử. Giếng Đào nằm ven sườn đồi, là một sự kết hợp đơn giản nhưng hài hòa thú vị của đá và nước. Đây cũng được xem là một trong những công trình giếng cổ quy mô nhất từ xưa còn lại gần như nguyên vẹn với 3 bậc cấp gồm các bể có chức năng khác nhau. Trên cao nhất là bể lắng có vách xếp đá cuội lớn. Nước ngầm trong đất được thoát ra từ đây. Chảy men theo các khe nhỏ của đá xếp lớp nên nước luôn luôn trong vắt, không bị nhiễm bẩn. Ngay dưới bể lắng là bộ phận tràn, nước từ bể lắng theo hai máng được đẽo gọt thô sơ từ đá tổ ong, chảy róc rách suốt ngày đêm xuống bể chứa. Bể chứa có dạng hình tròn (có nơi là bầu dục), vách gia cố bằng đá to nhỏ đủ loại xếp lớp tự nhiên, thành thấp dần về phía chân đồi và phía ngoaì cùng có các đường rãnh để thoát nước. Và cuối cùng thấp hơn bể chứa là các kênh mương nhỏ, cũng được kè đá, có nhiệm vụ dẫn nước từ bể chứa đổ xuống các ruộng rau liệt, sau đó thì chảy vào các ruộng lúa bậc thang.

Suốt cả đêm ngày, đời này qua đời khác, nước giếng cổ chảy không bao giờ cạn, lại lòng đất sâu mà ra nên luôn luôn trong vắt, mùa hè mát cứ như kem, đông lại ấm đến độ có thể tắm dưới máng nước trong cả những ngày rét. Còn theo như kết quả phân tích của Bộ KH-CN&MT thì chất lượng nước ngầm Gio An vào hàng sạch nhất, tốt nhất cả tỉnh. Nông dân đi làm đồng mệt lử về đây vốc nước từ những máng này uống ừng ực, cứ gọi là tỉnh cả người...Bác Phúng mỉm cười bảo tôi.

Nhưng giếng Đào chưa phải đã là duy nhất ở Gio An. Điều đáng kể là trong địa phận những ngôi làng trên đá này có trên dưới 30 giếng cổ. Một số giếng đã bị thời gian, và nhất là chiến tranh tàn phá đi nhiều dáng vẻ cùng tính năng ban đầu. Tuy nhiên, hầu hết đều được giữ gìn và khai thác hiệu quả cho đến tận ngày nay. Theo như lời bác Phúng, ở một vài giếng cổ ở  địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc, cảnh trí và cấu tạo giếng đặc biệt vẫn còn như nguyên thủy với những cây đa cổ thụ, hệ thực vật nguyên sinh hết sức phong phú. Kể cả những tấm đá rộng để ngoò nghỉ ngơi, giặt giũ, những viên đá tròn dùng để kỳ lưng đã qua hàng nghìn năm nay, bây giờ vẫn còn nguyên vẹn. Ở các làng hiện nay, việc sử dụng nước vẫn phải tuân theo những quy định cụ thể khá nghiêm ngặt. Bể lắng chỉ để dành lấy nước ăn uống, bể chứa lấy nước tắm giặt. Có bể dành riêng cho cá súc vật uống, một số khác chỉ dùng riêng cho đàn ông hoặc đàn bà...Vẫn theo lời của bác Phúng, có giếng như giếng Búng ở thôn An Nha xưa chỉ dùng để lấy nước thờ cúng trong các dịp tế lễ  (hiện giếng này đã hoang phế).

Một vòng  dạo quanh các giếng cổ Gio An, ai mà không bất giác tự hỏi rằng, bậc tiền nhân nào đã tác hợp mối lương duyên thú vị này giữa đá và nước? Từ bao giờ con người đã biết tìm nước từ trong đá và dùng đá để giữ nước cho muôn đời? Dưới lòng bể lắng trong vắt, đá cuội đã mòn vì nước chảy và lớp trầm tích của thời gian hẳn đã quá dày...

Từ đầu thế kỷ, bà M. Colani- một học giả người Pháp đã đưa ra lập luận rằng các giếng cổ thuộc về một bộ tộc ngoại lai thiên di (đã để lại hậu duệ ở Quảng Trị, nhưng chỉ một số rất nhỏ, đã chìm vào tổng thể), là sản phẩm sau nền văn minh cư thạch, vào những thế kỷ sau công nguyên. Một kiến giải khác cho rằng chủ nhân giếng cổ là một bộ phận người Việt di cư từ Bắc vào (những chiến tù của Nguyễn Hoàng sau sự kiện chiến thắng quân nhà Mạc 1572). Kiến giải thứ ba của đại đa số các nhà nghiên cứu lại cho rằng công lao tạo ra giếng cổ thuộc về người bản địa của vương quốc (trên 2000 năm tuổi). Đây cũng là ý kiến được đồng tình nhiều nhất và tỏ ra có cơ sở khoa học nhất. Dẫu sao, điểm chung mà tất cả mọi người đều thừa nhận là: Các giếng cổ hay hệ thống dẫn thủy ở Gio An đều là sản phẩm văn hóa của con người, được sáng tạo vì mục đích phục vụ dời sống con người. Trải qua nhiều thế hệ, những hiệu ích to lớn của các công trình dẫn thủy cổ này trong dân sinh đã được công chứng thực rất rõ.

Và khát vọng xanh trên làng đá

Một cán bộ chính quyền xã Gio An đã quả quyết với tôi rằng: “Nếu không có nước từ giếng cổ, toàn bộ đồng ruộng của Gio An cầm chắc bỏ hoang, còn người dân thì chắc gì sống nổi trên những làng đá này”.

Quả thật, nước giếng cổ đối với người Gio An cũng giống như một dòng sữa bất tận nuôi sống cả đất và người. Hệ thống dẫn thủy cổ cùng với sự cần mẫn lao động của con người nơi đây đã góp sức thổi linh hồn xanh vào đất đá, bắt đá xám cằn khô phải tạo ra của cải và sinh sôi hoa lợi. Bây giờ, dưới chân  những giếng cổ là trùng trùng những mảnh ruộng phì nhiêu và trên những ngọn đồi cỏ dại chen đá xa xưa đã là màu xanh đầy đặn của hồ tiêu, cao su, cà phê, chè, mít. Tuy nhiên, món quà đáng kể nhất mà các giếng cổ đã dành cho người dân Gio An bây giờ có lẻ phải là sản phẩm rau liệt.

Là giống rau ưa thích sạch sẽ, luôn luôn chỉ mọc chỗ nước trong, cây rau liệt Quảng Trị dường như không thể có môi trường sống nào lý tưởng hơn cái nơi chỉ đá và nước này. Xung quanh những giếng cổ, các ruộng rau liệt nhận nước trực tiếp từ bể chứa qua các hệ thống kênh mương, tươi tốt ngay cả trong những ngày hè đổ lửa. Và cây rau sạch này nghiễm nhiên trở thành bạn quý của người Gio An. “Chỉ ruộng rau chừng 50 mét vuông, mỗi vụ thu cũng không dưới 1 triệu đồng. Bằng cả một mẫu ruộng. Vậy nên nhà nào có 1-2 sào rau liệt đã là triêu phú rồi”. Một chị nông dân cho biết.

Ở Gio An hiện nay, diện tích ruộng rau liệt đã lên đến hơn 10 ha. Vào vụ rau, chỉ tính riêng ở làng Hảo Sơn người ta cũng xuất đi từ 1- 1,5 tấn rau ra khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Nguồn lợi thu về từ rau liệt quả thật không nhỏ chút nào. Vậy mà có gì đâu, tất cả nguồn sống, nguồn dinh dưỡng cần cho cây rau quý giá ấy chỉ nước trong là đủ.

***

Với giếng cổ, hình như cuộc chinh phục đất đá vẫn còn tiếp diễn. Có cả một lịch sử lao động sáng tạo đã trầm tích lại giữa lòng đá, nước này. Một lịch sử có màu xanh của khát vọng bất tận.

T.T.H

Trần Thu Hòa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 84 tháng 09/2001

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground