Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gìn giữ tinh hoa núi rừng

C

hưa bao giờ Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh vui tươi, rực rỡ sắc màu đến vậy. Từ miền núi rừng phía tây Quảng Trị, các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô hội tụ về đây, nắm tay nhau thể hiện quyết tâm gìn giữ “nét văn hóa thuần hậu phong thủy” của dân tộc mình.

Khắc khoải giữ nghề

Mặt trời khuất dần sau đỉnh núi. Khói lam chiều hòa cùng màn sương giăng mờ ảo khiến núi rừng như khoác lên chiếc áo mới. Cứ độ chiều tà, nghệ nhân Mai Hoa Sen (sinh năm 1943, trú tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông) lại tẩn mẩn lau chùi từng “hiện vật” trong “bảo tàng nhạc cụ dân tộc” của gia đình. Mỗi chiếc đàn ta lư, sáo tirel, khèn bè... đều in dấu trong lòng người nghệ nhân luống tuổi với nhiều kỷ niệm. Ở miền sơn cước phía tây tỉnh Quảng Trị, Mai Hoa Sen là nghệ nhân hiếm hoi thuộc và có thể sáng tác lời cho nhiều làn điệu dân ca. Thành quả ấy kết tinh từ tháng ngày ông miệt mài đến các bản làng xa xôi “bồi dưỡng vốn âm nhạc dân tộc”. Sống phân nửa đời người, điều làm nghệ nhân Mai Hoa Sen trăn trở nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống. “Cánh cửa nhà mình luôn rộng mở đón chào các bạn trẻ say mê âm nhạc dân tộc. Thế nhưng, không nhiều người mặn mà tìm đến” – Nghệ nhân Mai Hoa Sen thoáng buồn tâm sự.

Tà Rụt – mảnh đất nghệ nhân Mai Hoa Sen sinh sống vốn được xem là chiếc nôi âm nhạc truyền thống của người Pa Kô. Đối với người dân nơi đây, âm nhạc cũng quan trọng như cơm ăn, nước uống. Bước vào bất cứ gia đình nào ở xã Tà Rụt, ta cũng có thể gặp ít nhất một nghệ nhân cùng với “bảo tàng nhạc cụ dân tộc thu nhỏ”. Trên mảnh đất này, tiếng đàn, tiếng hát dường như không bao giờ tắt. Thế nhưng, đó là chuyện ngày xưa. Sự đổi thay của bản làng vô hình trung đã làm mai một nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, âm nhạc cũng chịu chung số phận. Hiện nay, các nghệ nhân có tiếng ở xã Tà Rụt như: Vỗ Kiều, Kăn Giêng, Mai Hoa Sen... đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Trong khi đó, những thanh niên trẻ lại không mấy mặn mà với thanh âm của nhạc cụ cũng như những làn điệu dân ca truyền thống. Các em quen với tiếng nhạc trẻ xập xình, thích hát karaoke và mê mẩn các loại nhạc cụ hiện đại.

Sự mai một văn hóa dân tộc thể hiện rõ hơn ở nhiều vùng quê thuộc huyện Hướng Hóa và Đakrông. Tại một số bản làng, việc thành lập đội văn hóa, văn nghệ chuyên hát các làn điệu dân ca, sử dụng nhạc cụ truyền thống trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Không được lưu truyền, các làn điệu dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô cứ thế rơi rụng dần. Bên cạnh đó, số người có khả năng chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Sự “lãng quên” âm nhạc dân tộc cũng đồng thời với việc đánh mất nhiều nét văn hóa truyền thống khác như: nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát... và ngay cả  tiếng nói và chữ viết.

Đắng lòng trước thực tế ấy, nhiều nghệ nhân miền sơn cước đã và đang âm thầm bảo tồn văn hóa dân tộc. Mỗi người một hành động cụ thể như: sưu tầm, ghi chép lại những làn điệu dân ca; vận động con cháu học cách làm nhạc cụ; tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống tại gia đình; xây dựng đội nghệ nhân... Ông Kray Sức, nguyên cán bộ văn hóa xã Tà Rụt chia sẻ: “Chúng tôi tâm niệm, văn hóa còn thì người Vân Kiều, Pa Kô còn. Văn hóa mất thì người Vân Kiều, Pa Kô cũng mất. Vì vậy, ai cũng nhiệt huyết với công việc”. Song, thực tế là chỉ dựa vào mỗi sức các nghệ nhân thì khó lòng gìn giữ trọn vẹn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nên, ngày ngày, những cá nhân tâm huyết vẫn khắc khoải tìm lời giải cho bài toán khó. Trong lúc ấy, tiếng nhạc trẻ xập xình lấn át dần tiếng khèn bè, sáo Tirel...

Cho hôm nay và mai sau...

Đến giờ, ông Hồ Chư - người được thượng tôn là “nhà dân tộc học” không thể nhớ hết số lần mình ngược từ thành phố. Đông Hà lên huyện Hướng Hóa và Đakrông vận động các nghệ nhân tham gia Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Là người con của chốn núi rừng, tình yêu văn hóa dân tộc luôn sục sôi trong lòng ông Chư. Thế nên, chứng kiến cảnh thanh niên bản xếp nhạc cụ lên chái bếp, không thông thuộc làn điệu dân ca, nỗi phiền muộn trĩu nặng trong lòng ông. Sau bao đêm trằn trọc, ông Hồ Chư nghĩ: “Nếu không kết nối những người có tâm huyết với văn học, nghệ thuật dân tộc lại thì e rằng người Vân Kiều, Pa Kô sau này sẽ quên nguồn cội. Đã đến lúc phải hành động”.

Ý tưởng thành lập Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị nhanh chóng được mọi người ủng hộ. Ngay đến ông Hồ Chư cũng không ngờ mọi việc lại êm xuôi đến vậy. Ông Chư chia sẻ: “Khi tôi tìm gặp các nghệ nhân, không ít người xúc động đến mức rưng rưng nước mắt. Họ đã dành phân nửa cuộc đời để gieo tình yêu văn hóa dân tộc vào lòng các bạn trẻ. Thế nhưng, có lúc những trái tim nhiệt huyết ấy cảm thấy đơn độc và lực bất tòng tâm. Nay, họ có thể vững tin hơn vì biết sẽ có nhiều người đồng hành cùng mình”. Hay như lần ông Hồ Chư gặp bà Hồ Thị Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đakrông, người “cán bộ lão làng” khẳng khái nói ngay: “Tim còn đập, tôi còn cùng anh em giữ gìn văn hóa dân tộc mình. Tôi sẽ tham gia Phân hội”. Cứ thế, hành trình của ông Chư và đồng sự thêm ấm lại.

Đại hội thành lập Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị có sự hiện diện của nhiều cá nhân nặng lòng với văn hóa vùng cao. Chưa bao giờ hội trường Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đông vui và rực rỡ sắc màu đến vậy. Những bộ trang phục thổ cẩm đẹp mắt, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo... làm không khí thêm đậm chất núi rừng. Ngay đầu buổi lễ, các tiết mục văn nghệ với thanh âm của cồng chiêng, khèn, sáo và làn điệu dân ca đã vang lên rộn rã, như mời, như gọi lữ khách. Nghệ nhân Hồ Văn Hồi, đội trưởng đội nghệ nhân khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa vui vẻ cho biết: “Chúng tôi đã chăm chỉ tập luyện suốt mấy ngày nay với mong muốn “chào sân” bằng màn biểu diễn ấn tượng nhất. Đối với anh em, thành công hôm nay sẽ báo hiệu những tín hiệu vui trên con đường bảo tồn văn học, nghệ thuật dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mai sau”.

Một điều khá đặc biệt là Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh không chỉ gồm các nghệ nhân, mà còn có sự góp mặt của những đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo huyện Hướng Hóa và Đakrông. Họ từng “ăn sương, nằm đất” cùng nhân dân để vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kêu gọi người dân giữ nét thuần hậu văn hóa dân tộc mình như: thành lập đội nghệ nhân, tổ chức các lễ hội, thi hát ru... Tham gia Phân hội, tôi tự nhận thấy mình cần hành động nhiều hơn nữa để cùng mọi người giữ gìn văn hóa dân tộc. Đây có thể nói là mệnh lệnh từ trái tim”.   

Ngay trong khuôn khổ buổi lễ ra mắt, Ban chấp hành Phân hội Hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh đã thảo luận, xây dựng phương hướng hoạt động trong năm 2013 và những năm kế tiếp. Theo đó, Phân hội sẽ triển khai cho cán bộ, hội viên học tập Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với vai trò, vị trí của mình, Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể như: khảo sát, thống kê các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Vân Kiều, Pa Kô soạn thảo các chuyên đề về giữ gìn văn hóa dân tộc; thống kê những công trình, đầu sách, bài viết giới thiệu văn hóa, văn học, nghệ thuật của hai dân tộc thiểu số, từ đó định hướng cho việc sưu tầm, nghiên cứu quảng bá, bảo tồn các loại di sản; thành lập hai chi hội tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa và thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông... Đặc biệt, Ban Chấp hành Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh nêu cao nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và bồi dưỡng các hạt nhân có năng khiếu, thực sự tâm huyết để kết nạp vào Hội. Em Hồ Thị Hà, thành viên trẻ nhất của Phân hội chia sẻ: “Là một thanh niên, về sống ở miền xuôi thời gian dài nhưng em luôn trân trọng những nét văn hóa của dân tộc mình. Em mong ngày có càng nhiều bạn trẻ tham gia Phân hội, bước tiếp chặng đường của những nghệ nhân đi trước”.

 Hơn ai hết, những thành viên Phân hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị hiểu rằng, việc thành lập Phân hội chỉ là bước đi đầu tiên. Để giữ gìn nét thuần hậu của dân tộc, họ còn mất thời gian dài và cần đổ nhiều công sức. Tuy nhiên, ai cũng phơi phới niềm tin vào ngày mai – ngày mà lời ca, tiếng hát “thuần Vân Kiều, Pa Kô” lại âm vang khắp núi rừng.

Q.H 

 

Quang Hiệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 224 tháng 05/2013

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

5 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground