Những đêm ngủ ngon, tôi thường mơ thấy quê nhà. Có những hình ảnh rất xa từ một ngày thơ ấu nào đó, tưởng đã chìm sâu dưới lớp bụi thời gian, bỗng dưng trở về trong mộng, rõ từng chi tiết như vừa mới xảy ra hôm qua; có khi giữa những hình ảnh xa xăm ấy chen vào một mối lo nghĩ nóng hổi vừa có lúc ban chiều, cái thực cái hư cứ quyện vào nhau tươi rói. Thường tôi hay mơ thấy con đường dẫn vào lối xóm hoặc cảnh gia đình tôi hóng mát sân trăng, có đủ cả mẹ, cha và cả cháu bé con người chị gái, cha tôi khoan hậu phân giải cho tôi một nỗi buồn làm nặng lòng tôi trước khi lên giường ngủ, hay mẹ tôi vỗ về an ủi mối tình vớ vẩn nhưng chưa được đền đáp đang làm cay đắng lòng cậu con trai. Tỉnh giấc, bồi hồi nhớ quê hương, tôi cố nằm yên không dám thở mạnh, ước mong những hình ảnh thân yêu kia rồi sẽ còn trở lại với mình, lòng tự dối lòng rằng ánh trăng hắt qua cửa sổ chiếu sáng nửa chiếc giường ta đang nằm đây chính là ánh trăng quê hương làng Thượng đó, bóng cây gì ngả vào nhà này ấy là bóng cây sầu đâu trước ngõ nhà mình tại Xóm Rào năm xửa năm xưa...
Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
Mùa hè năm 1956, vào khoảng tháng bảy ta, sau khi chính quyền Sài Gòn trở mặt, nhất định không tổ chức tổng tuyển cử như quy định tại Hiệp định đình chiến Genève, tôi được cử đi công tác vào vùng giới tuyến Vĩnh Linh. Trên đường, chưa tới được thị trấn Hồ Xá nơi dự định dừng chân nghỉ qua đêm thì đã hơi quá muộn, trăng mười bốn lên cao tỏa sáng vằng vặc, tôi đành ghé lại xin nghỉ tạm qua đêm tại một cái quán nhỏ ai đó vừa làm ven Quốc lộ 1. Dân cư cái xóm nhỏ trên dãy đồi sim cằn cỗi này có nhiều người từ miền Nam tập kết ra hồi hòa bình mới lập lại định cư sinh sống, cũng có những người vừa vượt tuyến ra Bắc sau, tránh ách cùm kẹp của địch, họ vừa ghé lại đây xin nương tạm mươi hôm, sau hẵng tính chuyện làm ăn sinh sống lâu dài. Bà chủ quán hỏi: “Anh người quê ở làng Thượng?”. Tôi xa quê đã lâu, giọng nói pha trộn tiếng nhiều vùng vậy mà bà vẫn nhận ra căn cơ cái giọng nói quê mùa của anh cán bộ. Và bà nói tiếp luôn: “Làng Thượng anh có thím Lượn vừa mới vượt tuyến ra đây hôm qua. Thím nghỉ ở cái nhà chỗ đằng xa tê...”. Tôi chồm dậy, bao nhiêu mệt nhọc mấy ngày đường lọc cọc đạp xe bay biến hết. Một người làng quê tôi, một người làng “Thượng Xóa” vừa từ trong nớ chạy ra đây! Tôi cần phải gặp con người đó, gặp ngay lúc này, cho dù thím Lượn là người quen cũ hay là người tôi chưa từng gặp bao giờ.
- Trời, eng Diêu! Chớ eng từ Hà Nội vô đây răng chừ rứa?
Câu nói thím Lượn vừa thốt ra đặc sệt giọng nói ở làng quê. Người tôi bỗng dưng như ngưng đọng, hay đúng hơn, đê mê trong phút giây tưởng bất ngờ gặp lại một người yêu quý lắm và xa cách nhau lâu ngày. Giọng nói làng quê của thím Lượn gợi lên trong tôi toàn cảnh của một thời thơ ấu lúc nào cũng buồn vui xen kẽ. Tôi có cảm giác như tất cả các thớ thịt trong người mình rung lên tựa những dây đàn - tôi biết hình ảnh này sáo cũ nhưng chưa tìm thấy gì khác để diễn tả hết cảm xúc lúc này. Ôi giọng nói quê hương! Giọng nói ta nghe từ khi còn nằm ngửa trong nôi, giọng nói ta bi bô lúc ta bắt đầu tập nói. Giọng nói ấy hồi đi học ở trường tỉnh, tôi không thích tí nào vì nó vụng nó quê nó thô quá, khiến các bạn học cứ vin đó vào mà chế giễu, làm tình làm tội thằng bé đang mặc cảm với giọng nói quê mùa cha mẹ sinh ra, giọng nói “quê một cục” ấy sao hôm nay nghe dịu dàng thân thương đến vậy. Tưởng chừng qua giọng nói làng quê tôi nhìn thấy lại cảnh quê hương bị ngăn cách đã bao ngày, giọng nói ấy là tất cả mọi người và mọi cảnh ở một nơi xa, rất xa kia tính từ bờ bên kia của dòng sông Bến Hải hướng về Nam!
Lại có những việc rất thường ngày thời trước, mà nay bất chợt gợi lên trong lòng tôi bóng dáng quê hương. Ngay những ngày còn ở giữa thủ đô Hà Nội, nửa đêm sực tỉnh, nghe một tiếng còi xe lửa xa xa, chừng ấy đủ làm tôi trở nên thao thức. Bởi làng quê tôi cũng có con đường sắt chạy ngang qua, ngày xưa đêm đêm đều có những chuyến tàu vào Nam ra Bắc vào khoảng hai, ba giờ sáng; tôi còn nhớ lần nào cũng vậy, mỗi lần nghe có tiếng xình xịch của đoàn xe lửa vừa qua khỏi cái ga xép La Vang là gà trong làng tôi đua nhau gáy, như thể chuyến tàu đánh thức chúng dậy. Những đêm ngày mùa, cần phải thức khuya dắt trâu đạp lúa, nghe tiếng còi tàu từ xa vọng lại, không đợi tiếng gà, cha tôi lẩm bẩm nói với mình:
- Tàu suốt từ Hà Nội vô rồi. Đã quá canh tư rồi, phải để cho con trâu nó nghỉ - cha tôi lầm bầm.
Quãng đường sắt ngang qua làng tôi đã bị ta phá dỡ hoàn toàn từ những ngày đầu kháng chiến. Những tấm tà vẹt sắt được nhiều người dân lấy mang về làm vật liệu xây hầm trú ẩn tránh bom đạn giặc, không rõ nay con đường làm lại có được như xưa? Và đêm đêm có còn các chuyến tàu xuyên Việt thay nhau chạy ngang qua làng, tiếng bánh các toa tàu nặng nề lăn trên đường sắt như thay cho trống cầm canh và tiếng gà gáy sáng. Không rõ cha tôi những đêm thao thức, nghe tiếng còi tàu vào ra trong những ngày đất nước bị ngăn cắt này, nay cha có còn theo thói quen mà buột miệng:
- Tàu suốt từ Hà Nội vô rồi, đã sang canh tư rồi đó.
............
* Bài viết trích trong cuốn Hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” của nhà báo Phan Quang, NXB Văn học ấn hành năm 2019.