Những cuộc gọi lúc nửa đêm
Những dòng sông đỏ lừ giận dữ cao ngang mặt đường chực chờ dâng trào, những cánh đồng chìm trong biển nước, những đoạn đường sạt lở cùng những tai nạn, mất mát về người... Dịch bệnh và thiên tai là “phép thử” lớn từ cuộc sống đối với chính quyền các cấp khi đối diện với những áp lực lớn trong việc điều hành và cân đối để đảm bảo phát triển kinh tế và đi đôi với ổn định đời sống cho Nhân dân.
Năm 2020 đã đi qua như thế để minh chứng một điều rằng thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua. Để có những mùa xuân bình an thật sự cho Nhân dân, ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ đã đề nghị các giải pháp để phát triển kinh tế và xã hội đều phải dựa trên sự ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên.
Là người con của mảnh đất miền Trung, hiển nhiên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã từng trải qua nhiều trận lũ kinh hoàng nhấn chìm bao nhiêu tài sản, nhà cửa, vườn tược và cả mất mát về con người. Nó là miền kí ức đau thương mà mỗi lần nhắc nhớ về vẫn khiến ông nhói lòng. Thế nhưng nếu so với mấy mươi năm đã qua có lẽ cũng không bằng những gì mà ông đã trải qua trong năm 2020 với cương vị là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị khi chỉ trong một tháng Quảng Trị đối mặt với 6 cơn lũ và 3 cơn bão.
“Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được chúng tôi chuẩn bị rất cụ thể và chi tiết với kịch bản dự phòng các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, năm 2020 thì tình hình lũ, bão vượt khỏi tầm kiểm soát và khả năng thực hiện 4 tại chỗ của địa phương” - ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Thông thường, ngay khi có thông tin dự báo thời tiết, các đơn vị sẽ khẩn trương công tác di dời dân đến nơi an toàn. Sau đó đến từng địa điểm để kiểm tra nơi ở có đảm bảo về ăn ở, vệ sinh môi trường và người dân có chấp hành nghiêm túc việc di dời này hay không.
“Bản thân mình từng sống trong cảnh đói rét, thậm chí là đối mặt với nỗi sợ hãi bị mất mạng, mất mát tài sản khi bão, lũ ập đến nên có thể hiểu được tâm tư của bà con. Chính vì thế, trong thời khắc hiểm nguy càng phải lo cho người dân như lo cho người thân trong gia đình mình. Dân được sơ tán an toàn rồi thì nhà ở, tài sản của người dân như thế nào? UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải quan tâm phải cắt cử lực lượng bảo vệ tài sản của dân để họ an tâm chấp hành yêu cầu của cấp trên”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng lực lượng chức năng kịp thời cứu em bé sơ sinh vùng tâm lũ xã Hải Lâm (Hải Lăng) - Ảnh: Tiến Nhất
Còn nhớ trong những ngày giữa tháng 10/2020, nước lũ dâng nhanh chỉ trong vài giờ đồng hồ làm người dân không kịp trở tay. Dù nước dâng cao và dâng nhanh cùng với mưa như đổ nước từ trên cao xuống không ngừng nghỉ, các thuyền cứu hộ rọi đèn đến từng nhà đưa người dân đi sơ tán. Với quan điểm “ở nơi đâu có tiếng người là phải đến”, ông Hà Sỹ Đồng đã dẫn đoàn vừa kiểm tra vừa đi đến từng nhà cứu nạn.
Đêm 17/10/2020, tại khu vực phường Đông Thanh (TP Đông Hà), nước lụt lên quá nhanh và bất ngờ nên chỉ có phương tiện cứu hộ chuyên dụng mới có thể sơ tán dân di dời đến trụ sở các cơ quan gần đó. Tuy nhiên, tại một đơn vị thì cổng đóng, then cài. Không cách nào liên lạc được với người đứng đầu cơ quan này, ông Hà Sỹ Đồng quyết định đập cổng trụ sở để kịp thời đưa người dân vào trú ẩn an toàn.
Đến 1 giờ 30 sáng vừa về đến nhà, người còn ướt sũng nước thì nhận được tin báo khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 tại huyện Hướng Hóa bị sạt lở núi. Nhận được tin, ông đề nghị tổ chức họp khẩn cấp lúc 2 giờ đêm.
“UBND tỉnh tổ chức cuộc họp kéo dài gần 1 giờ đồng hồ để phân công trách nhiệm, chia các đoàn. Có đoàn ứng cứu tại chỗ những nơi đang bị ngập lụt vùng đồng bằng, có đoàn trực tiếp lên ứng cứu cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337” - ông cho biết.
Đối với công việc lên ứng cứu tại nơi sạt lở của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, đây là nơi nguy hiểm nhất và xa nhất nhưng với vai trò là Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, đồng thời với tình cảm của người lính từng đứng trong quân ngũ, ông Hà Sỹ Đồng nhận trách nhiệm làm trưởng đoàn cùng với Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đi ngay trong đêm đến hiện trường, tìm mọi giải pháp khắc phục đường sá để đưa các phương tiện, huy động lực lượng máy móc con người tại chỗ để ứng cứu Đoàn 337 cũng như một số hộ dân ở nơi sạt lở.
Trước khi bước vào cuộc họp khẩn trong đêm, với trách nhiệm từ chính quyền địa phương, ông đã trực tiếp gọi điện tới Bộ trưởng Quốc phòng để báo cáo tình hình ở khu vực sạt lở. Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương trực tiếp hỗ trợ, huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời giúp đỡ Đoàn 337 với điều kiện tốt nhất, và cứu người là ưu tiên trên hết.
“Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người có tình cảm rất sâu sắc và yêu thương quân, dân. Đồng chí động viên địa phương trước mắt sử dụng “4 tại chỗ”, trong cứu người phải đảm bảo an toàn. Nếu có khó khăn và khẩn cấp thì trực tiếp gọi lại để Bộ trưởng hỗ trợ”. Cũng ngay trong đêm đó, Bộ trưởng đã gọi điện và giao nhiệm vụ cho một Thứ trưởng cùng một số đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, yêu cầu có mặt khẩn cấp, cùng địa phương thành lập Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp tìm kiếm người mất tích của Đoàn 337 cũng như tìm kiếm người dân ở vùng nguy hiểm.
3 giờ sáng thì Đoàn quyết định lên đường. Trên đường đi gặp rất nhiều khó khăn do mưa lớn, núi sạt lở. Sở chỉ huy tiền phương được thành lập ngay tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa do ông Hà Sỹ Đồng trực tiếp chỉ huy.
Đến 7 giờ sáng bắt đầu tiếp cận hiện trường với rất nhiều công việc phải tiến hành trong điều kiện thời tiết và đường đi rất nhiều khó khăn, công việc cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều nguy hiểm. “Dù thế nào, chúng tôi cũng phải cố gắng hết sức để tìm và đưa các anh về quê hương”. Chiều 19/10, tất cả 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp do lở núi đã được tìm thấy trong nghẹn ngào thương tiếc.
Là người lính được đào tạo, huấn luyện trong môi trường bộ đội (binh chủng pháo binh), đối với ông, việc thực hiện công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn không chỉ là nhiệm vụ về mặt lãnh đạo của UBND tỉnh mà còn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của người lính; phía trước là nhân dân đang gặp gian nguy, người lính Cụ Hồ đã không ngần ngại hi sinh. Còn nhớ trước đó, ngày 8/10/2020, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn Quảng Trị diễn ra mưa lớn gây lũ. Trong thời gian này, tàu Vietship 01 đang hoạt động ở vùng biển cảng Cửa Việt bị ảnh hưởng lũ và sóng biển cao nên mắc cạn cách bờ gần 1 km. Lúc này trên tàu có 12 thuyền viên. Ngay sau khi sự cố xảy ra, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần, trách nhiệm rất cao.
Ông Hà Sỹ Đồng đã đề nghị vận động những ngư dân có tay nghề cao, có kinh nghiệm vượt sóng biển xung phong cứu người trên biển. Đồng thời trực tiếp điện thoại cho Bộ Quốc phòng đề nghị hỗ trợ trực thăng để giúp Quảng Trị trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên điều kiện thời tiết lúc xảy ra sự cố rất phức tạp. Trong điều kiện mưa lớn, gió mạnh cấp 6 - cấp 7, máy bay trực thăng không thể bay treo đứng ở một vị trí để triển khai nhiệm vụ được. Máy bay nếu thả dây cứu nạn không cẩn thận vướng tàu bên dưới, rất nguy hiểm cho phi công và cả kíp bay. Khi nhận thấy các điều kiện chuẩn bị, thời tiết và khí tượng đảm bảo an toàn thì sáng 11/10, máy bay trực thăng lập tức cất cánh, quyết liệt triển khai việc cứu hộ các thuyền viên một cách nhanh nhất, đảm bảo an toàn.
Đó chỉ là những vụ việc nổi cộm được cả nước biết đến. Hơn một tháng với 6 trận lũ và 3 trận bão càn quét qua Quảng Trị đều là những đêm thức trắng để giải quyết công việc.
“Một số địa phương, nước lũ đã rút, để lại cảnh quan nhếch nhác, hoang tàn. Nhìn thấy những ngôi nhà sụt lún in hằn dấu vết nước đỏ; những sân phơi toàn lúa thối, những chuồng trại trống không vì gia súc gia cầm đã bị cuốn trôi; những trường, lớp, bàn ghế, sách vở ngổn ngang bùn đất… khiến chúng tôi rất đau lòng. Thế nhưng trong hoàn cảnh đó, có nhiều người dân chia sẻ rằng, họ sẽ dựng lại mái nhà của mình, gieo thêm mớ hạt cho luống rau sau vườn, dọn sạch cái chuồng trại tan hoang để thả thêm bầy gà mới… Đó là nghị lực phi thường của những con người miền Trung. Dù có giông bão, khó khăn nhưng trong họ vẫn luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt. Thiên tai, dịch bệnh là những sự cố ngoài ý muốn của con người, nhưng trên thực tế nó luôn xảy ra bất cứ lúc nào. Để ứng phó với nó, mỗi quốc gia, mỗi địa phương có những đối sách riêng, qua đó thể hiện năng lực điều hành và giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của địa phương đó. Đồng thời nó cũng thể hiện được sự chăm lo của Đảng đối với Nhân dân là ở chỗ đó” - Ông Hà Sỹ Đồng trăn trở.
Tái thiết cuộc sống mới - mệnh lệnh từ trái tim
Các trận bão, lũ rất lớn diễn ra ở miền Trung trong năm 2020 đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của rất nhiều địa phương và làm cho rất nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo và kiệt quệ về kinh tế, sức khỏe, rất cần được đặc biệt quan tâm, giúp đỡ.
Về vấn đề tái thiết cuộc sống mới sau bão, lụt, ông Hà Sỹ Đồng cho biết thêm, ngay sau khi bão, lũ vừa tạm ngưng thì công việc tái thiết được khẩn trương triển khai. “Ở đâu có người nghèo là ở đó có sự hỗ trợ, sẻ chia, có những tấm lòng yêu thương, đùm bọc. An toàn tính mạng con người là trên hết, nên đầu tiên chúng tôi xác định cần giúp những người không có nhà ở bằng cách hỗ trợ một phần, hay cho vay để họ ổn định cuộc sống. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ cây giống, con giống, nhất là những cây ngắn ngày, thậm chí là cực ngắn ngày để bà con có thể thu hoạch kịp thời trước tết Nguyên đán. Về lâu dài, những vùng nằm ở ven sông suối dễ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống gây nguy hiểm cho người dân phải được quy hoạch tái định cư, để người dân có nơi ở tốt hơn, an toàn hơn”.
Về vấn đề di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm ở miền núi, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết ngay sau xảy ra những vụ sạt lở kinh hoàng hồi tháng 11/2020, Sở đã rà soát ghi nhận 71 hộ dân cần di dời khẩn cấp ở xã Húc, xã Hướng Sơn và xã Hướng Lộc (Hướng Hóa). Theo ông Hòe, đến ngày 6/12/2020, đã có đầy đủ kinh phí để di dời 45 hộ dân ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn). Riêng 26 hộ còn lại thì tỉnh đã đồng ý chủ trương di dời nhưng Sở và UBND huyện Hướng Hóa đang bàn phương án di dời phù hợp. Ở tầm vĩ mô, Quảng Trị cần di dời lên tới 2.796 hộ dân đến nơi ở an toàn hơn và kinh phí để thực hiện lên tới 7.732 tỉ đồng.
Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta. “Dù chúng ta có lo ngại hay lạc quan, muốn hay không muốn thì chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với những tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thế nhưng trách nhiệm của chính quyền là phải kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho người dân và nền kinh tế. Trong đó, phải nâng cao năng lực ứng phó và xử lý có hiệu quả với các sự cố bất thường và các thách thức phi truyền thống, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ cứu nạn” - ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Về tầm vĩ mô, đó là tập trung thực hiện nhiệm vụ tái thiết kinh tế nông nghiệp bị thiệt hại sau bão, lụt; khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng du lịch, trường học, trạm xá và cơ sở hạ tầng nông thôn bị thiệt hại sau bão, lũ. Xây dựng kế hoạch tái thiết tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp sau thiên tai. Phấn đấu thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhân dân từ hoang mang lo lắng, hoảng loạn, thậm chí sợ hãi đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và an tâm tin tưởng hơn trước mùa mưa bão…
Vì những mùa xuân an bình
Sau “phép thử” lớn cho thấy, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Bên cạnh hai trụ cột kinh tế và xã hội, vấn đề môi trường được sự quan tâm đặc biệt. Chính trong thiên tai đã cho thấy con người cần phải có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa với thiên nhiên, với Đất Mẹ.
Đó là các giải pháp để phát triển kinh tế và xã hội đều phải dựa trên sự ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên. Đầu tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị. Qua đó nhằm thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội về cây rừng tự nhiên, ý nghĩa của nó đối với môi trường sống thông qua khuyến khích phong trào trồng cây ở khắp mọi nơi.
Mùa xuân là thời điểm được xem trời đất giao hòa, vạn vật đua nở. Trong không gian thiêng liêng sẽ làm cho mọi người thức tỉnh. Một năm cũ qua đi, với những thành công hay thất bại, những vui buồn lẫn lộn, những cám cảnh đời thường… sẽ giúp người ta được thêm những trải nghiệm. Một năm qua đi, mỗi người tăng thêm một tuổi thì người ta cũng sẽ hiểu về bản thân mình, hiểu về người khác và hiểu về môi trường sống của mình hơn. Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển.
“Năm 2021, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Việc trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2021 này kế hoạch của tỉnh cũng trồng khoảng hơn 7.000 ha rừng và 2,5 triệu cây phân tán. Sự phát triển của phong trào trồng cây, trồng rừng không những đem lại lợi ích về môi sinh, môi trường, hạn chế thiên tai, lũ lụt mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cao, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập bền vững giúp người dân sống tốt hơn nữa với nghề rừng” - ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Huy động gần 15.000 người dân, các ban ngành, đoàn thể cùng với cán bộ thủy nông, lực lượng vũ trang ra quân làm thủy lợi năm 2020 để khắc phục hậu quả bão, lũ - Ảnh: Tiến Nhất
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và triển khai quy hoạch canh tác theo từng vùng, miền và tiểu vùng khí hậu, lường trước được hậu quả biến đổi khí hậu để trồng trọt. Người dân cũng rất cần được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn đào tạo để bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất, từ đó có định hướng nghề mới, không sản xuất theo phong tục tập quán truyền thống trước đây.
Tết Nguyên đán là khoảng thời gian mà sự chia sẻ về tinh thần và vật chất thường thấy ở nhiều nơi và ở nhiều cấp độ từ thành thị đến nông thôn. Từng phần quà, từng lời động viên ân cần đến với người dân có hoàn cảnh khó khăn đã tự làm nên một mùa xuân yêu thương của cộng đồng. Khi khát vọng vươn lên và đưa Quảng Trị phát triển được đánh thức, lòng người càng thêm phấn khởi, toàn dân xung phong thi đua, đó là lúc mùa xuân rộn rã đến bên đời.