Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hai người PaKô được đặt tên đường

B

ây giờ, chuyện về hai người đàn ông của bản Pring thuộc xã A Dơi, huyện Hướng Hóa – Quảng Trị tự đứng ra làm hai con đường cho ô tô chạy liên xã, liên thôn có thể không còn là “tin trang nhất” nữa rồi – Cường – một “giáo viên cắm bản” rất rành… đọc báo lấp lửng với tôi như thế. Rồi anh kể về người thương binh một chân ấy đã vác đá làm đường suốt từ sáng sớm cho đến đêm khuya, rằng có lúc ông đã ngã lăn tròn cùng với đá…

Mơ… mặt trời đừng lặn

Trước mắt tôi là người thương binh chỉ còn lại một chân Hồ Mơ đang cuốc đất làm mương nước thủy lợi cho ruộng lúa bậc thang, nếu ông không tự nói tuổi 71 của mình thì thật khó mà tin. Ông khỏe khoắn, trẻ trung, tràn đầy ham muốn sống, ham muốn làm việc hơn nhiều lần so với những thanh niên ngồi quán cà phê từ sáng đến 12 giờ trưa ở thị xã tôi sống. Ông thả cuốc vào nhà đón khách với câu nói: “Bác mơ ước làm sao đừng có ban đêm, mặt trời cứ sáng hoài ri thì làm được biết bao nhiêu là việc”. Ông kể: Hồi trẻ, bác khỏe nhất vùng này, năm 1956 thì đi bộ đội, năm 1969 bị thương được đưa ra Bắc điều trị.

Đất nước thống nhất, bác nhất mực đòi về quê. Bác có nhiều chuyện lắm, chuyện tình, chuyện người… nhưng chừ chỉ nói chuyện con đường phải không? Năm 1999 bác bắt đầu khởi sự làm con đường nối từ đường 135 vào vùng rừng Re Lau, ngày nào cũng dậy từ lúc trời chưa sáng, cuốc đất vá đá san đường, cho đến khi trời tối không còn thấy đường làm nữa thì về. Suốt ba năm trời như thế. Lúc đầu chỉ một mình, về sau bà con trong bản hiểu ra cũng tham gia. Con đường dài hơn ba cây số, xe ô tô chạy được đã giúp bà con trong việc làm ăn rất nhiều, chở sắn bán cho nhà máy, phân tro, giống má để trồng cao su… tất cả đều được vận chuyển bằng ô tô hết. Nhưng mà đường tôi làm có là gì so với đường của Hồ Phúc Yên đã làm…

Hơn 10 năm trước khi thương binh Hồ Mơ san núi làm đường, một cựu binh, đại úy về hưu Hồ Phúc Yên đã cùng vợ mở núi làm đường cho xe ô tô  chạy từ xã A Túc vào tận Pa Tầng dài hơn 13 cây số. Hồi anh về hưu chỉ mới trên 45 tuổi chút ít, anh bảo mình tham gia bộ đội từ hồi… con nít, nên tính hệ số dư tiêu chuyển về hưu non. Sức trẻ cộng với khát khao đổi đời và giúp đỡ đồng bao thiểu số của mình ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn đã thúc giục Yên làm việc không hề biết mệt mỏi, ngày đêm là gì. Anh nói: Chỉ trong hơn một năm thôi, vợ chồng tôi trần lưng ra làm đường, thuê mướn bà con bản làng nữa, thế là hoàn thành con đường để xe Zin ba cầu chạy được. Tôi thu mua sắt thép phế liệu cho đồng bào với giá phải chăng.Cả vùng Lìa đói cơm hiu hắt, vàng da vì sốt rét và ăn sắn, măng rừng như hồi tỉnh lại nhờ có con đường mới mở. “Bây giờ con đường đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp tốt lên rồi, nhưng không một người dân nào ở vùng biên giới này là quên công ơn to lớn của vợ chồng Hồ Phúc Yên” – Pả Cư, Chủ tịch xã A Dơi nói – nhưng, Hồ Mơ và Hồ Phúc Yên không chỉ mở ra những con đường cho ô tô chạy mà hai bộ đội Cụ Hồ đó thực sự là tấm gương, là con đường mở mang hiểu biết, làm ăn cho đồng bào Pa kô, Vân Kiều…”

Chiến thắng hủ tục

Năm 1998, giữa lúc đang khỏe mạnh, lao động “hùng hục còn mạnh hơn cả trâu” thì Hồ Phúc Yên lăn đùng ra ốm, chân phải bị liệt, rồi cứ teo dần, không đi lại được, phải nằm một chỗ. Bà con chú bác của Yên cho rằng anh bị ma bắt nên hết tìm thầy cúng này đến thầy mo khác, từ trong huyện, tỉnh cho đến thầy ở tận Lào về cúng. Nhưng bệnh tình ngày càng nặng thêm. Chân Yên nổi lên một cục hạch sưng mủ ngày càng to, người thì gầy rạc đi, không ăn uống gì được. Bà con của Yên quyết định làm cái lán ngoài rừng đưa anh ra nằm đó để… chờ chết. Việc cúng bái vẫn tiếp tục, chị Liên vợ anh vẫn còn nhớ là sau gần ba năm mời thầy cúng đi hết hơn 120 triệu đồng là toàn bộ gia sản của vợ chồng chị lúc đó. “Nhưng tôi không đầu hàng. Một mình tôi không cưỡng lại được rất đông bà con dòng họ nhà chồng trong việc đưa chồng đến bệnh viện chữa trị, nhưng tôi vẫn âm thầm cứu chồng” – vợ Yên kể. Như là sự may mắn của số phận, vào khoảng cuối năm 1999, Viện sốt rét Quy Nhơn lên A Dơi để… bắt muỗi, trong đoàn có bác sĩ tên là Định, Liên đem chuyện chồng ra kể và nhờ bác sĩ về xem. Thế là cuộc phẩu thuật khối u được thực hiện khẩn cấp ngay tại lán chờ chết của Yên. Hơn bảy lít mủ cào ra từ chỗ ấy. Sự sống của Yên được giành lại từ chính tay những thầy mo và ngay chính những người trong gia đình.

Tôi là người trở về từ cõi chết. Sau ba năm nằm liệt một chỗ đến cuối năm 2000 tôi bắt đầu tập đi lại. Rồi lại ăn uống như… voi, rồi lại khỏe mạnh như… voi. Mình hạnh phúc nhất là các con đều trưởng thành, một cháu đang học đại học sư phạm mẫu giáo, một cháu đang học đại học y khoa, cháu trai nữa vừa vào trường thiếu sinh quân an ninh. Sau khi thoát chết, mình lao vào làm kinh tế cho gia đình, giờ sắn, bắp, cao su của mình lúc nào cũng nhiều nhất xã thôi. Nhưng có lẽ điều khiến mình suy nghĩ nhiều nhất là sự sống của mình là bằng chứng sống động để đấu tranh với những hủ tục lạc hậu của đồng bào mình. Bây giờ, chính những người ngày trước bắt cúng khi mình đau ốm đã tiên phong trong việc đưa con cháu đến bệnh viện khi đau ốm rồi. Họ nói đau do con vi trùng thì làm răng cúng con ma mà lành được, may mà cứu được thằng Yên…

Làm nên những cánh rừng già

Tôi hỏi làm sau chỉ với một chân còn nguyên vẹn thôi mà vẫn dám đứng ra làm cả một con đường lớn thế này, Hồ Mơ nói rằng ông quá thương những người phụ nữ của bản làng, mỗi lần nhìn thấy họ cuối ngày làm trên rẫy ai cũng phải ra về với một gùi củi nặng còng lưng là ông khóc. Để họ đỡ nhọc nhằn gùi củi, ông mở con đường cho xe chạy. “Từ ngày con đường tôi mở, xe Zin ba cầu, xe công nông chạy được thì phụ nữ của Pring không còn vất vả nữa. Nhưng con cường của Hồ Mơ cũng là con đường giữ rừng nữa đấy. Ngày tôi từ miền Bắc về quê, cả vùng đồi Cu Nhoi này trơ trọc vì bom đạn và chất độc của giặc, tôi xót xa lắm và nghĩ bây giờ hòa bình rồi, phải làm sao có lại những cánh rừng già che chở, bảo vệ con người, con vật như hồi xưa” – Hồ Mơ nói rồi đưa tay xuống gầm sập lôi ra cái chân giả dùng để đi rừng thay vào, ông nhanh nhẹn lôi tôi leo núi Cu Nhoi.

Lội qua khe Re Lau nơi có ngôi nhà “gác rừng” của Hồ Mơ là đã ngập trong mát lạnh của rừng. Đã gần hai chục năm rồi, thương binh Hồ Mơ rời bản Pring ra đây làm ngôi nhà để chăn nuôi gia súc và kiến tạo lại rừng Cu Nhoi. Ông nói: “Có phải trồng gì đâu, chỉ cần không đốt, phá thì rừng lên xanh tốt lại ngay thôi. Khu rừng 54 héc ta này giờ đã tốt tươi và rậm rạp lắm rồi, thêm chục năm nữa, Cu Nhoi lại thành rừng già như hồi chưa có chiến tranh. Kiểm lâm huyện đã đến kiểm tra và chính thức công nhận nơi đây là khu rừng phòng hộ đầu nguồn, không được khai thác hay sử dụng vào mục đích gì khác rồi. Bác mừng lắm. Mỗi bản, mỗi xã đều có những khu rừng đặc biệt như Cu Nhoi thì nhất định rừng núi Hướng Hóa quê mình sẽ mau chóng thành rừng vàng”.

Đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, lại chỉ còn một chân nhưng hiện bác Mơ đang làm một trang trại nông nghiệp lớn gồm 3ha ruộng lúa nước, 3ha rưỡi cao su, 5ha sắn và đàn trâu bò trên 50 con. Hỏi ông thế đã giàu nhất vùng chưa, ông cười: “Nói Hồ Mơ là triệu phú cũng được mà tỉ phú cũng được, tiền mặt thu hàng năm thì triệu phú mà cộng hết đất đai, cây cối, trâu bò thì hơn cả tỉ phú là cái chắc. Nhưng tôi giàu hơn mọi người không chỉ bằng những của cải ấy, tôi có hơn chục đứa con nuôi là trẻ mồ côi, con nhà nghèo đông con trong bản, giờ chúng lớn có gia đình cả rồi. Tình cảm chúng dành cho tôi rất nhiều”.

Khi ngược khe Re Lau một mình, tôi gặp ở đây những người đàn bà Pa kô gặt lúa. Họ nói nhờ có Hồ Mơ mà biết làm ruộng lúa nước bậc thang, khỏi phải phá rừng làm rẫy. Tôi biết họ biết ơn và noi theo hai người đàn ông Pa kô Pring nhiều hơn hai cái tên đường mà họ vẫn gọi và đi thường ngày – Đường Hồ Yên và đường Hồ Mơ.

 

L.C.C


 

 

Lâm Chí Công
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground