K |
hông hề báo trước, Phan Cao Toại, anh bạn biết văn của tôi từ Nha Trang đột ngột xuất hiện trước phòng, yêu cầu hành hương về Thành Cổ.
Quê anh ngoài Bắc, nhưng Quảng Trị - chiến trường xưa một thuở mới là mảnh đất máu thịt đời mình. Tám năm liền anh làm bác sĩ ở tuyến lửa Vĩnh Linh, rồi năm bảy hai là bác sĩ quân y biệt phái vào mặt trận Thành Cổ. Tám mươi mốt ngày đêm phải tính từ ngày từng giờ, tính từng khoảnh khắc trên từng tấc đất tang thương này mới có cảnh tượng sáng mai nay nao lòng: hành hương về Thành Cổ. Thực hiện điều ước mà có lẽ trong đời ai chưa kịp thực thi, về thế giới bên kia quả là bất an, chẳng lấy gì làm thanh thản, bởi bao đồng đội của mình yên nghỉ trong từng nghĩa trang hay vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất.
Nói về cái chết là điều - không - thể - nói. Anh đứng trầm ngâm cùng tôi ở chốt cầu Gia rồi ngã ba Long Hưng. Thơ thẩn ở góc giáo đường Trí Bưu rồi đăm chiêu nhìn về phía An Tiêm, chợ Sãi, An Lộng. Lang thang dọc con đường bờ sông Gia Long cũ. Đau đáu nhìn những con đường mới mở như muốn cày xới sâu vào lòng đất và rồi xăm xăm bước vào đài tưởng niệm Thành Cổ xây dựng dở dang trong rất nhiều năm. Những nơi cơ hồ như mạng sống của anh chưa bao giờ lành lặn được như bây giờ.
Thế rồi như sực tỉnh, phát hiện ra điều gì, anh kéo tôi về Phòng tổ chức - Lao động - Xã hội thị xã.
***
Ở đó chúng tôi được biết, suốt trong tám mươi mốt ngày đêm khốc liệt, Thành Cổ Quảng Trị theo các đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu bàn giao, có trên mười một ngàn người, tức một sư đoàn có thừa quyết tử và đã hy sinh. Hẳn không ít những chiến sĩ lúc chiến đấu bị thương được đưa về tuyến sau hồi sinh nằm rải rác ở bờ bắc sông Thạch Hản. Hẳn không ít người hy sinh ngay giữa dòng sông lúc vượt sang bờ nam chiến đấu. Để tròn hai mươi năm sau vào mùa vu lan, người lính – nghệ sĩ Lê Bá Dương cũng từ Nha Trang về tưởng nhớ đồng đội của mình bằng cách mua hết hoa ở chợ QuảngTrị, gom hết hoa trong vùng kết bè thả xuôi dòng sông Thạch Hản. Chứng kiến ảnh tượng ngày hôm ấy, người lính năm xưa cũng như dân chúng đôi bờ sông trong không những không vơi đi được niềm thương cảm mà tức tưởi nghẹn ngào, nhỏ xuống dòng sông bao nhiêu nước mắt. Ngoài rất nhiều những điều hẳn nhiên như thế cũng còn một điều hẳn nhiên là còn bao nhiêu quân số của sư đoàn có thừa ấy nằm lại dưới mặt bằng thị xã? Con số chính xác hoặc tương đối chính xác, phần tư thế kỷ trôi qua dễ gì ai đã tính toán ra được.
Sau trận đọ sức, trên mặt bằng thị xã quân ta, không ai có được nấm mồ hoặc nằm nguyên vẹn dưới nấm mồ. Hết thảy đều khuất tất dưới khối nhà cửa đồ sộ san bằng bình địa, vùi lấp trong chiến hào, dưới lòng địa đạo. Nghĩa là đã vùi sâu trong lòng đất bởi sức cày xới hủy diệt của khối đạn bom tương đương với bảy quả bom nguyên tử. Phố cổ Quảng Trị đồng nghĩa với Hirôsima, Nagasaki hoặc Bôlônhơ khác của Ý. Khi nước nhà thống nhất, tất cả đều được phát hiện thông qua con đường sản xuất, xây dựng và mọi kế sinh nhai khác của người dân. Bà con phát hiện lúc canh tác, làm vườn, đào sắt thép phế liệu. Và kỷ lục cao nhất trong kiến thiết xây dựng cơ bản. Thì mới đây thôi, thị xã, mở đường phát hiện ba hài cốt liệt sĩ. Cơ quan Thị ủy đào móng xây nốt đơn nguyên cuối cùng trên khoảnh mặt bằng vài chục mét vuông phát hiện thêm ba hài cốt, chỉ xác định được một hài cốt liệt sĩ. Bằng vào những sự tình cờ như thế, sau bảy năm tái thiết, thị xã cũng đã quy tập vào nghĩa trang hai trăm chín mươi chín ngôi mộ liệt sĩ. Tổng thể bây giờ đã là ba trăm chín mươi lăm ngôi mộ, có một trăm bảy sáu ngôi huyện Triệu Hải cũ bàn giao. Con số không phải là ít ỏi nhỏ nhoi gì, nhưng khi mà bàn giao thông đường sá, đường ngầm dây điện thoại, nhà cửa khu cơ quan và dân cư cơ bản đã hoàn thành thì quân số mười một ngàn kia cơ bản cũng gần giữ nguyên như cũ, sẽ là con số hết đau lòng. Hẳn rồi các anh sẽ vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, chẳng còn có cơ may nào về nghĩa trang an giấc ngàn thu nữa.
Ở thị xã trong nhiều năm, tôi chứng kiến nhiều cảnh tượng thương tâm này. Không tuần nào cư dân thị xã không phát hiện ra hài cốt. Nhiều lần, lần ra hài cốt tập thể và thế là cảnh tượng khói nhang, giấy điều, hòm tiểu ngổn ngang chạy theo hầm hào. Giữa gió Lào nắng lửa hay trong mưa phùn gió bấc, cuộc tìm kiếm tiếp tục kéo dài ra trong nhiều ngày. Lệ thường dễ đã thành thói quen, người dân tự kiểm tra, tự kiếm cho ra tang vật gì đấy của quân giải phóng để báo cho chính quyền sở tại đến làm thủ tục, đưa các anh vào nghĩa trang liệt sĩ. Và cũng thành lệ dễ đã là đạo lý của người dân sống trên đất Thành Cổ. Dẫu liệt sĩ hay hài cốt vô danh thì “thân chủ” là nơi phát hiện, người phát hiện rồi bà con khóm khối phố, hội bảo thọ cùng nghiêng vai ghánh vác. Họ tổ chức, dẫu không linh đình nhưng cũng không thiếu những nghi thức như là nghĩa cử đối với người chết. Người ta che rạp, lập bàn thờ, ban tang lễ, khâm liệm, trang trí vòng hoa, mời đội nhạc tang và bà con lũ lượt mang hương hoa đến phúng.
Chừng như mưa dừng thấp đất. Những người làm việc lâu năm ở phòng chính sách vì thế không phải không băn khoăn, trăn trở. Thì mỗi việc xác định hài cốt liệt sĩ ở Thành Cổ đó thôi. Anh Hoàng Hiếu trưởng phòng cho biết: Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội có những quy định hết sức rạch ròi, rằng liệt sĩ phải có tang vật cụ thể. Thực tế ở chiến trường Thành Cổ, quân ta lúc chốt giữ thành, cầm cự hay rút lui đều có vô vàn “kiểu chết”. Vượt qua bờ nam chưa kịp chiến đấu đã hy sinh ngay giữa lòng sông. Bị thương nặng quá, cởi bỏ quần áo ra băng bó rồi chết. Hoặc nữa chết cháy … nghĩa là hy sinh trong những trường hợp không có tư trang, quân trang quân dụng gì thì tìm đâu ra tang vật để xác định. Chiến trường Thành Cổ vì thế khó có thể áp dụng mỗi một nguyên tắc xơ cứng này để định đoạt. Và dẫu rằng đã xác định được hài cốt liệt sĩ rồi bởi có lọ Pilicilin kèm theo nhưng nào đọc được chữ. Cây bút, bình tông có khắc tên người chiến sĩ nhưng nào biết cụ thể hơn để báo cho thân nhân gia đình. Nhiều tấm ảnh ố vàng, mờ mờ nhân ảnh có gửi ra Bộ Quốc phòng cũng không xác định được. Hàng ngàn thân nhân từ xa đến chỉ nhờ mỗi việc: “Chồng, con tôi hy sin ở mặt trận Thành Cổ, xin tìm kiếm giúp và báo cho gia đinh theo địa chỉ …”. Thật không đơn giản chút nào! Mặt trận Thành Cổ mênh mông thế, các anh nằm in trong lòng đất thế, người công tác chính sách ở cái thị xã nghèo nàn này biết bắt đầu từ đâu để tìm?
Khác với đội quân viễn chinh hoặc lính đánh thuê, họ trang bị cho người lính không chỉ quân trang quân dụng đến tận chân tơ kẻ tóc mà còn vật chứng nhỏ nhoi này. Đó là tấm thẻ bài bằng inok, đóng lên đấy họ, tên, quân số, nhóm máu. Ra trận mà đặc biệt là đến những “tử cấm thành”, vùng tử địa, người ta thắt vào cổ, kiềng vào mắt cá nhân, chết trong trường hợp nào, đầu lìa khỏi xác vẫn có cơ mà xác định. Có điều lạ là ai sống lâu ở Thành Cổ sẽ thấy, chưa ai tìm ra tấm thẻ bài này ăn theo vô số hài cốt được phát hiện. Thông điệp ấy nhắc nhở chúng ta một điều rằng, những ai nằm lại trên đất Thành Cổ đều là quân giải phóng và xen vào đấy là những thường dân vô tội. Hẳn nhiên, quân đội ta từ nhân dân, từ cuộc chiến
Đã biết là nỗi đau nào của riêng ai nhưng người sống chúng ta nghĩ gì, ý thức gì, làm được điều gì? Lẽ nào cái chết của cả một sư đoàn có thừa kia chỉ là bức thông điệp lặng câm không đủ thức tỉnh người sống chúng ta và tự hoàn thiện mình? Phần tư thế kỷ trôi qua vẫn chưa hòan tất, xây xong đài tưởng niệm
***
Chẳng biết tôi đã dẫn đường cho bao nhiêu cựu chiến binh, bao nhiêu người lính hành hương về Thành Cổ. Ấn tượng mỗi nơi mỗi lúc khó có thể quên. Ở nghĩa trang Thành Cổ, những ngày kỷ niệm Quân đội Nhân dân Việt Nam anh dũng này, người lính - cầm bút Phan Cao Toại đi cùng tôi suy ngẫm mông lung gì về lẽ sống - cái chết mà gần như tịch ngôn. Đó chỉ là trạng thái thường tình thôi ư? Con người ta, ờ thì chi ồn ào được trước cái động - tức sinh chứ ai ồn ào được trước cái tinh – tức diệt. Nhưng với Toại, bức thông điệp câm nín kia, tôi hiểu nó không hề bình thường. Ôi những người lính, sao họ giống nhau, đồng nhất với nhau ở điểm này đến thế khi trở về thăm lại chiến trường Thành Cổ.
Nói về cái - chết - là - điều - không - thể - nói. Đêm nay tôi vẫn muốn ghi lại điều này, rằng thương nhớ quá mà day dứt quá bởi nhiều bia mộ vô danh, phải thế không Phan Cao Toại?
Y.T