Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hành lang của người và gió

Đêm 27.1.1973

Chỉ cần qua một quãng đêm yên tĩnh này nữa, chiến tranh Việt Nam sẽ kết thúc. Tôi đứng một mình trên bờ Nam sông Bến Hải, kính cẩn chờ giây phút mà toàn thế giới sẽ trả lại bờ thứ hai cho dòng sông bị vỡ đôi này của đất nước tôi. Chưa bao giờ lịch sử lại căng đầy trong tôi một niềm cảm khái trầm hùng đến như vậy, quanh những trụ bê tông của một cây cầu đã gãy. Đất nước hai phen gian lao đã in dấu trên trụ cầu bằng bao nhiêu lớp vỏ hàu nham nhở, giống như vết bùn lấm nhọc nhằn chân ngựa đá mà vua Trần đã nhìn thấy ngày đuổi giặc khỏi Thăng Long hơn bảy trăm năm trước. Tôi cũng là người lính Việt, chân đất nón dấu, cầm lấy ngọn giáo của nhân dân, đêm nay về quy hôn chân ngựa đá…

Trước mắt tôi, một cầu phao đã lặng lẽ vắt qua sông, vắng bặt không một bóng người. Nó hiện ra lờ mờ một quãng rồi mất hút trong bóng đêm, dập dềnh loáng thoáng trên mặt sông, trong tiếng sóng vỗ ràn rạt vào các thuyền phao. Nhớ lại ngày trại Bến Hải của sinh viên Huế năm nọ, tôi chào sông để ra đi, với niềm hy vọng xa tít tắp rằng e phải đi tiếp một vạn lý trường chinh nữa, đất nước mới qua được dòng sông này. Thế mà nhìn lại, hoá ra chỉ gần tám năm. Giữa hai cái mốc lịch sử cắm ngay chổ tôi đang ngôi bây giờ, là cả một đạo quân viễn chinh của nước Mỹ khổng lồ đối diện với những người Việt mang dép cao su, một chiến trường điện tử rải dài theo tuyến MacNamara, một thế giới rung chuyển quanh ngôi Thành Cổ QuảngTrị và những ngôi làng ven sông vợ bắc chồng nam… Từ ngày mai, nước Mỹ sẽ rời “khách sạn Hilton” để lên tàu về nước “Tôi là người Việt, vậy thì tôi tồn tại”. Đó là cách viết ngắn nhất của bộ Đại Việt sử ký Toàn thư, từ các vua Hùng cho tới bây giờ…

***

Tám năm trước,chúng tôi đã bơi trên sông này, ôm lấy trụ cầu ở giữa dòng kia, giống như loài cá chép anh vũ ngậm chặt lấy đá ngầm để khỏi bị nước cuốn. Lần đầu tiên sinh viên Huế kéo ra dựng trại ở bờ Nam, công khai bày tỏ với sông Bến Hải một lời thề quyết tâm trước biến cố quân Thát Đát thời đại đã tràn vào bờ cõi, rằng xin Tổ quốc hãy chia cho chúng tôi phần đạn của mỗi người đủ dùng cho cuộc chiến đấu.

Ngày mai ở đầu cầu này, tướng Nguyễn Cao Kỳ từ Sài Gòn sẽ ra chủ trì “trại Bắc Tiến”, như một lời thách thức ngạo mạn đối với sông Bến Hải. Tổng Hội sinh viên Huế đường hoàng danh nghĩa cùng các lực lượng tiểu thương, xích lô đến đây trước họ một ngày để chiếm thế thượng phong, với một chương trình picnic hiện đại:

- Ngày cơm vắt – muối mè với dân tộc

- Đêm đốt đuốc qua cầu

Tôi dè chừng sẽ xảy ra đụng độ với nhà cầm quyền và nếu thế thì cảnh tượng càng ngoạn mục. Cuối cùng mọi việc đều diễn ra êm xuôi, các tỉnh trưởng thời đó rất sợ sinh viên. Cơm vắt- muối mè là nỗi ám ảnh không rời của tuổi trẻ đô thị, qua hình tượng của “du kích Việt cộng” mô tả trên báo chí. Cơm gạo đỏ mỗi người một nắm, các chị tiểu thương nhóm bếp nấu ở bên sông theo phong cách nội trợ của phong trào, không hỏi đến tiền nong bao giờ.

Bọn tôi kéo nhau ra ngồi một nhóm riêng ở sát bờ sông: Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, lê Thanh Xuân, Nguyễn Hữu Ngô … toàn là những tay quái chiêu của phong trào, không biết sợ là gì.Thực ra các vị đều là những cơ sở “nằm vùng”, vẫn cải trang lẻn về một vùng quê xa xôi bên sông Thu Bồn để học bài đánh Mỹ.

Hai dòng chữ trên cổng cầu bên kia sông đập vào mắt tôi: “Nam Bắc là một nhà – Bắc Nam là ruột thịt”. Dưới ánh nắng vàng tươi, những thôn xóm ở bờ Bắc hiện rõ mồn một đến từng dáng người, tưởng chừng như ới lên một tiếng, vẫy tay một cái là tới với nhau được ngay. Nhưng bây giờ cây cầu có hai màu dòng sông chỉ một bờ, lính Mỹ súng đạn đứng sát sau lưng, tôi nghĩ cuộc tiệc này không chừng sẽ dài bằng thế kỷ. Nắm cơm gạo lứt nặng trĩu trên tay tôi như lương thực của một cuộc hành trình, nhiều thế hệ đã chuyền tay nhau từ những ngày Điện Biên Phủ, tới chúng tôi bây giờ. Trần Quang Long sư phạm văn sắp ra trường ngẫu hứng: “Đồng ruộng Việt Nam khô cằn nhưng đủ gạo lứt – Muối mè nuôi trai tráng đánh giặc, giống như nồi cơm Thạch Sanh, ăn hoài không hết”. Chị Thảo chợ Đông Ba mang thêm cho tụi tôi một rổ cơm vắt, cười nói: “Mình về ăn hột gạo mình – Ăn chi gạo Mỹ bụng sình ba năm”.

Chúng tôi rủ nhau tắm sông. Bèn kéo tới chổ đầu cầu, rồi ùa nhau bơi ra giữa sông. Hai người cảnh sát cầu bị bất ngờ, la ơi ới, cầm súng chạy theo. Tôi rướn người, khoát tay:

- Ê, đừng bắn ! Tụi rôi chỉ ra sờ thử vĩ tuyến 17 thôi mà!

Họ chạy ra giữa cầu, hờm súng chĩa xuống sông:

- Vượt qua khỏi cầu này, chúng tôi được lệnh bắn:

- Yên chí ! Theo đúng Hiệp định Genève đây nhé!

Tôi nghe họ lầu bầu:

- Mấy cha sinh viên sướng như trời con. Ưng chi làm nấy, còn đòi theo Cộng sản.

Chúng tôi vịn vào mố cầu, duỗi người ra xa để được tắm trong “sông miền Bắc”. Nhớ chuyện sau Hiệp định Genève, người thổi sáo bên hồ Leman Võ Thành Minh về nước, làm đơn xin thả bè sống trên sông Bến hải làm người đưa thư giữa hai miền. Tổng thống Diệm từ chối, còn bắt ông an trí ở thị xã Quảng Trị nhằm cách ly ông khỏi phong trào Hoà Bình của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và bác sĩ Lê Khắc Quyến đòi hiệp Thương – Tổng Tuyển cử đang rộ lên ở Huế. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp ông trên dốc bến Ngự; ông sống trong nhà thờ cụ Phan Bội Châu như một ông từ giữ đền. Có lần ông kể chuyện cũ cho tôi nghe bằng giọng xứ Nghệ chân thành mà khẳng khái lạ lùng, rằng ông có một giấc mộng chẳng thành, là cuối đời nằm chết giữa sông Bến Hải, hai tay giang ra hai bờ… Giá như bây giờ có cụ Võ Thành Minh ở đây, rủ cụ cùng tắm thì vui biết mấy. Nhưng tôi tin rằng cụ sẽ không nằm duỗi người như tôi, mà sẽ bơi giữa sông vĩ tuyến 17 xuyên dọc xương sống, cho tới khi nhắm mắt.

Bỗng nhiên tôi nhìn thấy một bóng người đội mũ cối in trên mặt nước. Tôi nhìn lên thấy người lính gác cầu của bờ Bắc đang cúi nhìn chúng tôi, cười. Tôi lặng lẽ uống luôn mấy ngụm nước sông với cảm giác vĩnh hằng là một lần trong đời, tôi đã uống một nụ cười vào lòng.

Buổi tối, hàng trăm sinh viên cầm đuốc tiến lên cầu, trong tiếng hô ứng khẩu, mạnh ai nấy hét: “Hoà bình Việt Nam muôn năm!” – “Con Hồng cháu Lạc muôn năm!” – “Xoá bỏ vĩ tuyến Mười Bảy ngay bây giờ!”… Viên tỉnh trưởng Quảng Trị từ lúc nào đã lên ở hàng đầu, vừa đi giật lùi, vừa nói:

- Lịch sử sẽ ghi mãi đêm nay, một người thanh niên tâm huyết là tôi, có mặt giữa những người trí thức trẻ cùng thao thức về vận nước.

Nhiều tiếng vỗ tay:

- Hoan hô đại tá! Ca cải lương mùi quá!

-Bis, bis. Thành Được!

Chúng tôi sắp tới giữa cầu

- Dừng lại! Dừng lại ngay! Không được phản bội hiến pháp!

Tiếng đại tá tỉnh trưởng hét lên thất thanh. Hai lính cảnh vệ đứng im như trụ, tiểu liên cắp nách, chĩa về phía sinh viên. Một cán bộ miền Bắc, mang súng ngắn tiến tới, bắt tay mọi người. Tỉnh trưởng giang thẳng hai cánh tay, xàng qua xàng lại như muốn tạo ra một bức tường chắn ngang:

- Đừng bắt tay! Các anh không được bắt tay kẻ thù!

Sinh viên sấn lên, hàng chục cánh tay duỗi ra:

- Bắt tay nhau một cái đã chết ai, đại tá ơi!

- Người Việt Nam với nhau cả mà!

- Hoan hô kẻ thù yêu dấu!

Những người sau vói lên, những người khác từ cuối đoàn chạy dọc trên thành cầu để bứt lên phía trước, bắt tay, bắt tay…

- Chúc sức khoẻ bà con miền Nam!

- Chúc sức khoẻ đồng bào miền Bắc!

- Mong tái ngộ. Chào ! Chào!

Tôi cảm nhận được cả da thịt ấm nóng của Vĩnh Linh - Một nửa quê nhà tôi bên kia – trong cái bắt tay níu chặt giòng sông tuyến đêm ấy. Lịch sử vẫn loé sáng trong tâm thức mỗi con người, nhiều khi bằng những động chạm rất khẽ, giống như những người già trên núi lấy lửa từ trong đá. Tôi xin mở một dấu ngoặc nhỏ ở đây, chút thôi. Nhiều năm sau ngày thống nhất, nhân đi thăm mộ Ba Mạ tôi ở nghĩa trang Gò Dưa, bất ngờ tôi nhìn thấy mộ của ông tỉnh trưởng Quảng Trị hồi đó, nằm rất gần chỗ song thân tôi. Mộ xây đàng hoàng, có ảnh trên bia, có tên làng của ông, chỉ cách làng tôi mấy quãng đồng. Chắc đã lâu mộ không có ai thăm viếng, cỏ mọc ngổn ngang. Tôi nhổ cỏ mộ, thắp hương cho ông, thầm khấn nguyện linh hồn ông thôi làm một người Việt buồn, để thanh thản về nơi Tịnh thổ. Tôi đóng ngoặc.

Sáng hôm sau, đúng ngày “Quốc hận” của Việt Nam Cộng Hoà, trại Bắc Tiến rầm rộ khai mạc ở bờ nam sông Bến Hải. Sinh viên đã nhổ trại từ sáng sớm, để làm khán giả đứng bên lề. Chủ tịch Ủy ban hành pháp Trung ương Nguỹen Cao Kỳ đứng cạnh Tư lệnh vùng I Nguyễn Chánh Thi, cả hai lạnh im như phỗng đá. Lời thề “Bắc Tiến” khởi đầu bằng không khí … long trọng của một lễ chào cờ cấp quốc gia.

Bỗng nhiên, như một đòn sát thủ cực hiểm, đài Vĩnh Linh sang sảng phát một bài bình luận ngắn về mối quan hệ nan y giữa thủ lĩnh quân đội Sài Gòn: một đằng là “tướng đánh thuê trầy vi tróc vảy” suýt bị bỏ mạng khi tự xưng là “Kinh Kha qua sông Dịch’ lái máy bay ra ném bom miền Bắc; một đằng là “tướng sớm đầu tối đánh” đảo chánh như lật bàn tay, cả hai đang vờ vĩnh chiến hữu cạnh nhau nhưng gan ruột rối bời, tìm cách hất cẵng nhau,… Ôi, cờ đang kéo lên, nhạc chào cờ đang tấu, hai người hùng Bắc tiến còn biết ứng phó cách nào, đành đứng ngây người chịu đấm. Cảnh bi hài quá độc khiến bọn tôi phải dang ra xa, ôm bụng cười… Quả như in, mùa xuân năm sau, tướng thi cầm đầu cuộc tạo phản của Quân Đoàn I, tướng Kỳ đưa Thuỷ Quân Lục Chiến ra đàn áp, những lực lượng yêu nước ở Huế và Đà Nẵng nổi dậy – Làm chủ đô thị suốt ba tháng trời cho tới ngày “Phật xuống đường”. Lời bình luận – phát đi từ Vĩnh Linh chìa vào lễ đài Bắc tiến lúc này quả là một lời tiêu tri “linh như miễu”, còn chọc cười theo kiểu vẽ đường cho huơu chạy.

“Trại Bắc tiến” kết thúc bằng một sự kiện bất ngờ đối với tôi, là cuộc tổng xuất ba nhà trí thức của phong trào Hoà Bình miền Nam qua bên kia sông Bến Hải. Theo tiết lộ của tướng Thi với đại diện của Tổng Hội sinh viên ngay lúc ấy, thì đây chỉ là một màn giàn cảnh nhằm gây ấn tượng: đến phút cuối, các vị nhân sĩ sẽ từ chối, không chịu bước qua ranh giới để được chấp thuận quay trở lại Sài Gòn. Tôi dõi mắt theo ba vị, và chờ xem lúc họ dừng lại. Nhưng điều ấy đã không xảy ra như bài bản của Thi: ba nhà trí thức bình thản bước qua vĩ tuyến, nơi đó có ba quân nhân Biên phòng của miền Bắc đứng chờ sẵn và đón chiếc va ly nhẹ trên tay họ. Trong một cử chỉ giận dữ vì thua cuộc, tướng Thi vung tay ra hiệu cho những người lính Sài Gòn đi hộ tống ý báo rằng: “Thôi, mặc xác họ!”. Các nhà tri thức quay lại nhìn “miền Nam”, vẫy tay từ biệt. Một trong ba vị, người gầy và dong dỏng cao, tóc hoa râm, chính là giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, thầy dạy sử của tôi những năm Quốc Học. Năm xưa ấy, thời đấu tranh đòi Tổng Tuyển cử dưới chính quyền Diệm, trên tạp chí “Ngày Mai” của thầy Dương Kỵ dóng dả một giọng hò đất  nước còn mãi trong lòng tôi:

- Ai người nghĩa cũ tình xưa

Tới sông Bến Hải em đưa qua đò

Thầy từng biết tôi trong phong trào, nhận ra tôi giữa đám đông những người đứng bên cầu. Tôi bắt gặp cái nhìn của thầy hướng về tôi, nụ cười thanh thản trong nắng gió vĩ tuyến; và tôi xúc động đón nhận thông điệp im lặng của Thầy: “Trong bão tố lịch sử hãy đi tới, bằng nhân cách đàng hoàng của người trí thức Việt”. Sau đó tôi được biết thầy Dương Kỵ đã ra tới Hà Nội, rồi quay lại tiếp tục cuộc kháng chiến ở Trung ương Cục miền Nam, tóc thầy nhanh chóng bạc trắng như màu bông lau nơi bưng biền.

Tôi ngồi xe lam trở về Huế, giữa nhóm anh em đồng đội trong phong trào sinh viên. Trại Bến Hải, dưới bề ngoài vui vẻ của một cuộc picnic, thực chất là một thách thức của sinh viên ngay trước mũi tập đoàn quân phiệt mới lên cầm quyền ở Sài Gòn. Cuộc chơi rồi đây sẽ đằng đằng sát khí, giống như Yến hội Hồng Môn thời Tam Quốc. Việc tống xuất ba nhà Hoà Bình, vừa rồi là một tín hiệu báo bão đối với chúng tôi. Tất nhiên thôi, những bộ máy quyền lực của thế giới sắm ra bọn quân phiệt đâu phải đễ tổ chức đấu bóng giao hữu với nhân dân.

Chúng tôi chụm lại trong xe để đánh giá tình hình như vậy và chuẩn bị cho hành động sắp tới. Trước mắt là chuyến đi Sài Gòn vào ngày mai để cướp diễn đàn hội thảo “Ngày Tổ quốc và Thanh niên” tại Nhà Hát Lớn, do các lực lượng chống Cộng tổ chức nhằm yểm trợ cho “chính sách Bắc Tiến” của tướng Kỳ. Tiếp theo sẽ là một đợt nỗi dậy của phong trào Huế vào mùa Thu, đánh vỗ mặt chương trình “đoàn ngũ hoá học đường” tức là chính sách dẹp loạn và bắt lính trong phong trào sinh viên, vừa được công bố. Chúng tôi giàn hết lực lượng vào cuộc, thực hiện thực “đẹp” những kế hoạch phác thảo trên xe lam với dũng khí mới sau ngày trại Bến Hải.

Chiếc xe lam ì ạch vượt đèo Ba Dốc. Gió nam táp vào mặt tôi từng chiếc lưỡi nóng bỏng, như thể đâu đó trong không trung, những con quái vật thời tiền sử đang phun lửa xuống mảnh đất khô khốc vùng hoả tuyến. Gió tràn qua những ngôi làng đất ba dan vùng Gio Linh, dấy lên những đám bụi đỏ mịt mùng. Dưới sức thiêu đốt của gió, tre già nổ ran như tiếng súng giao tranh trải khắp một vùng mênh mông dưới chân Dốc Miếu.

***

Huế mãi mãi là một thành phố lạ lùng của đời tôi: mơ mộng, lười biếng như nàng công chúa sầu muộn, để chợt nhiên nổi giận, thách thức như một lời hịch tuyên chiến. Hình như trong mỗi người - Huế - ham - chơi vẫn tiềm ẩn một “cái tôi thứ hai” sẵn sàng nhảy vào lửa. Quân Mỹ vừa đổ xuống Phú Bài vào đầu năm 1965, thì ba tháng sau, phòng Thông tin Mỹ ở Huế bị đốt rụi, tiếp liền theo phong trào mùa Thu đòi lật đổ chính quyền quân phiệt. 1965 là một năm người Huế “giàn chào” Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ; đường phố không một ngày yên tĩnh dành cho những người “Khách viễn phương” đi ngắm cảnh Cố Đô như họ tưởng. Tiếp ngay năm sau, mùa hè 1966 là cả một chiến dịch “tổng phản công” trên đường phố, sinh viên Huế thành lập, đơn vị vũ trang quyết tử để bảo vệ cuộc nổi dậy, và lần đầu tiên trên thế giới, lãnh sứ quán Mỹ bị thiêu huỷ. Sau cuộc cắm trại ở Bến Hải, chúng tôi triển khai khắp các hướng đô thị, chơi sòng phẳng ván bài Mỹ trên những đường phố ác liệt và để rồi kẻ trước người sau mỗi người một số phận cho tới ngày Hiệp định Paris  được ký kết. Mở màn cuộc yến Hồng Môn, Lê Minh Trường cùng nhóm sinh viên làm báo “Vì dân chống Mỹ” bị tướng Thi bắt đem triển lãm ở nhà hát thành phố, gọi là “Tổng Hội sinh viên Giải phóng”. Trường bị đưa đi trại biệt giam ở thung lũng Ba Lòng, vượt ngục về làm hoạ sĩ báo mấy năm say bị bắn chết ở cửa rừng vào thành phố. Cùng nhóm, Trần Vàng Sao trốn thoát, chạy thẳng một mạch lên núi, vẽ chân dung cả một thế hệ tuổi trẻ đô thị qua bài thơ yêu nước hoành tráng tràn đầy khát vọng sông Bến Hải:

“Đất nước này còn chua xót

Nên trông ngày thống nhất

Cho người bên kia không gọi người bên này là người miền Nam

Cho người bên này không gọi người bên kia là người miền Bắc…”

Hè 1966 là một mùa đấu tranh chọc trời khuấy nước của tuổi trẻ thành phố, để sau đó chúng tôi bị đánh tả tơi như ong vỡ tổ. Trần Quang Long bị bắn gãy chân ở Quy Nhơn, bị tù lên chiến khu rồi hy sinh ở Tây Ninh, Phan Duy Nhân bám lại nội thành Đà Nẵng đến Mậu Thân bị bắn què chân ở chùa Phổ Đà, nằm chuồng cọp Côn Đảo dài dài tới ngày trao trả. Nguyễn đắc Xuẩn trở thành “Tiểu đoàn trưởng” sinh viên quyết tử, xông xáo khắp vùng lãnh thổ quân khu, nhảy núi, bây giờ nghe đang lặn lội vùng Mũi Chân Mây. Ngô Kha lập chiến đoàn Nguyễn Đại Thức, quàng phu la tím đánh chặn Thuỷ quân lục chiến trên đèo Hải Vân, bị đày Côn Đảo và cuối cùng bị đánh chết trong nhà tù Huế. Hoàng Phủ Ngọc Phan chạy thoát lên rừng, lại bị phục kích bắt sống, vượt nhà tù bây giời đang ở chiến trường Campuchia.

Còn lại mình tôi, đêm nay về nhìn lại sông Bến Hải. Chợt nhiên, tâm hồn tôi trĩu nặng một điều uỷ thác, thay mặt bạn bè kẻ mất người còn để thưa lại với dòng sông một lời rằng “Thưa Mẹ, trái tim”… Xin triệu lần biết ơn Mẹ đã sinh chúng con mang trái tim nhạy cảm, thơ con sẽ thành chông, thành kiếm để rửa thù cho dân, cho dẫu tới cùng đồ bất lực, con sẽ “dùng chính quả tim làm trái phá – sống chết một lần thôi”.

Chúng tôi đi hết con đường thế hệ với bài thơ Trần Quang Long viết ngày ấy, dùng máu của con tim viết đời mình bằng nét chữ hồng tươi trên Đất Mẹ…

Những ngày ở chiến trường Quảng Trị, tôi vẫn mang theo ba lô tập Trường ca Hoà Bình của Ngô Kha viết từ phong trào Huế, trên giấy rô nê ô vàng cũ, đến nay tôi lúc lên đường đi chiến dịch Thành Cổ. Bài thơ dạt dào niềm hân hoan đón nhận tin chiến thắng Nam Lào, “Ta nghe chừng đoàn người ngựa Thăng Long – Đang phá vỡ trùng vây đập tan quân cướp nước”. Và trên cái nền lửa khói mịt mùng của chiến dịch, giống như trong tranh Chagall, hiện ra một giấc mơ âu yếm vô ngần gửi về Quảng Trị:

Vì ta phải thấy

Và nhất định thấy

Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo

Một thị trấn yêu kiều qua ngã Làng Vây

Hơn một phần tư thế kỷ sau bài thơ đô thị vàng kia đang mọc lên, đô thị biên giới đường Liên Á có thể đưa người ta “đi khắp năm châu bốn biển” trong “cảm nhận Quảng Trị” của Lê Quý Đôn. Đọc lại bài thơ Ngô Kha viết từ đáy vực thẳm của lửa và máu, tôi không ngờ sức tiên cảm của nhà thơ lại chính xác đến như vậy. Ở những nghệ sĩ tài năng, khát vọng sống mãnh liệt nhiều khi kết tinh thành sức linh cảm về tương lai. Tôi nghe nói những người như thế thường không sống lâu. Kha đã chết trong tù vài hôm trước khi Hiệp định Paris, xác bị vùi dập nơi đâu không tìm thấy. Còn lại trong trường ca Người Đãng Trí của Kha, mấy câu thơ cuối, khiến mẹ sợ con mình “nói dại”

Và nay

Gió cũng tang bồng

Nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu

Bạn bè đều đã đi xa hoặc là đã chết. Còn lại mình tôi, đêm nay về nhìn lại sông Bến Hải. Từ đầu cầu bên kia chợt xuất hiẹn những vệt đèn pin mờ, loang loáng. Trong khoảnh khắc, những người lính lao nhanh qua trước mặt tôi, ba lô mang cặp thêm những quả đạn chống tăng và những chiếc xẻng cầm tay. Nhịp hành quân hoả tốc của họ cho thấy đây là một đội hình đang tiến cào trận đánh. Đánh nhau ở đâu nữa, vào lúc này? Nếu là Cửa Việt, lúc các anh chiếm lĩnh xong trận địa khi chiến tranh đã kết thúc. Có lẽ các anh sẽ là những chiến sĩ đầu tiên của quân đội nhân dân bắt tay với những người anh em Việt Nam mặc áo lính ở phía bên kia. Quả nhiên, tôi vẫn chứng nào tật nấy, nghĩ về hoà bình quá đẹp “đẹp như ảo tưởng”. Ngay sáng hôm sau, đài Sài Gòn đưa tin: “Đêm 27 rạng ngày 28 tháng giêng năm 1973, sư đoàn Thuỷ quân lục chiến đã hoàn toàn làm chủ cảng Cửa Việt trước lúc Hiệp định ngưng bắn có hiệu lực ở Việt Nam”. Cùng lúc trên dãi đất ven biển Quảng Trị, lữ đoàn đặc nhiệm tiếp tục lấn chiếm Cửa Việt, bằng cách cho xe tăng trườn lên, lính vác cờ chạy theo sau; xe tới đâu cắm cờ tới đó. Sau giờ ngưng bắn, Sài Gòn vẫn tiếp tục chiếm Cửa Việt bằng cuộc chiến tranh không tiếng súng, chỉ xe tăng và cờ. Bộ đội Mặt trận cánh Đông lập tức mở cuộc phản công sấm sét kéo dài 6 ngày đêm, đập tan hoàn toàn cuộc hành quân Tango City của quân đội Sài Gòn, đẩy tuyến giáp ranh lùi xa về phía Nam, giữ vững Cửa Việt. Trong đám tù binh sau Hiệp định Paris lại vẫn có mặt anh ta, viên phi công Mỹ bị bắn hạ trong cuộc hành quân Tango City.

Như thế là trong đoàn quân đi như bay qua cầu Bến Hải mà tôi đã nhìn thấy, có những người đã tiếp tục ngã xuống khi trong tâm tưởng nhân loại, cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt.

Sau lưng đoàn quân, cây cầu trở loại trong nỗi yên tịch của dòng sông. Nó chồng lên hình ảnh cây cầu sơn hai màu năm xưa, vắt qua dòng dông một bờ mãi âm vang trong tâm trí tôi, khiến trước mắt tôi bây giờ, nó trở nên bí ẩn và thiêng liêng như một thánh thể.

Trên nền sáng của bầu trời phía Bắc, tôi chợt nhận ra hai bóng người từ bao giờ, đang đứng im lặng giữa cầu, hình như cũng đang đứng nhìn dòng sông như tôi. Một điều gì thúc đẩy từ bên trong khiến tôi bước xuống cầu để đi về phía họ. Năm ấy ở trên rừng tôi đã lặng người khi nghe BBC đưa tin cầu Bến Hải đã bị không quân Mỹ đánh sập, do thả bom “nhầm mục tiêu”.Một cây cầu nhỏ không người qua lại trên đường xuyên Việt, thế thôi! Nhưng không hiểu sao, khi nghe tin nó không còn nữa, tôi cảm thấy trong người tôi có cái gì đấy đã khác đi.

Một giọng Bắc pha Quảng trọ trẹ chào tôi:

- Đồng chí ở đơn vị nào?

Tôi tự giới thiệu. Vừa nghe xong, hai vị cùng ồ lên đầy ngạc nhiên và vui mừng, tiếp lời ngay:

- Mình là Huy Cận, còn đây là Xuân Diệu!

Không có khách khí gì nữa, chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong nỗi cuống quýt của tình yêu và tôi nghe những chiếc hôn ram ráp râu cằm của anh Xuân Diệu phủ đầy trên mặt tôi. Niềm ngưỡng mộ dành cho những tên tuổi tráng lệ của văn học tiền chiến mà hầu hết đã khuất xa bên kia vĩ tuyến lúc này chợt ùa vào tâm hồn tôi thành một cơn mưa sum suê hoa trái. Trong tôi vẫn hằng âm ỉ nỗi khát khao mong gặp những con người làm được chuyện kỳ lạ ở đời, trước hết là những thi sĩ. Con người nồng nhiệt của Xuân Diệu, như tôi đã hình dung ra anh suốt thời đọc thơ anh, bộc lộ ngay trong phút đầu tiên đối diện với người khác. Anh nói về một truyện ngắn của tôi viết từ trong rừng Huế, vừa in trên tạp chí của Hội Nhà Văn, rằng anh không ngờ nhân vật Giao trong đó chính là Trịnh Công Sơn; và như thế Sơn đã đi vào câu chuyện miền Bắc miền Nam giữa chúng tôi đêm đầu tiên trên cầu Bến Hải. Anh Huy Cận hỏi số phận của Sơn bây giờ ra sao, liệu Sơn còn sống ở trong nước không. Tôi nói bằng giọng cả tin vào Hiệp định Paris, rằng chúng ta sẽ gặp lại Sơn trong vài tuần lễ tới, ở Huế.

- Bây giờ Diệu đọc tặng Tường một bài thơ.

Anh Xuân Diệu nói giọng chiều chuộng thực dịu dàng, hình như anh muốn gạt đi cái khoảng cách mà tôi giữ lễ đối với anh:

- Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

Giọng đọc thơ của anh, điều anh nói trong thơ và bóng đêm se lạnh của sông Bến Hải buổi trùng phùng kỳ diệu này, ôi, suốt đời tôi làm sao quên:

- Tôi như đứa trẻ đôi mắt khép

Sờ mặt mẹ trên ngón tay tha thiết

Tôi hiểu đêm nay thôn xóm nghĩ gì

Đằng chân trời ấp ủ những điều chi…

Ngày ấy, trên cây cầu giới tuyến, tôi tiễn thầy Dương Kỵ ra Bắc, đêm nay tôi trở lại, đón Huy Cận và Xuân Diệu vào Nam; giữa hai lần tôi qua cầu, là một dòng sông trôi đi trong máu lửa Việt Nam.

Tôi nghe thấy tiếng dào dạt sóng vỗ từ bên trong và dưới chân chúng tôi, vĩ tuyến rung lên như một sợi dây đàn.

Đêm nay, người Việt đã qua sông...

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 32 tháng 05/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

1 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground