Tôi từ nhỏ đã sống ở nhiều nơi nhưng quê cha đất tổ vẫn in sâu trong máu thịt. Giọng quê, người quê, dáng hình quê hương đã hòa vào huyết quản. Vì thế, chỉ cần nghe loáng thoáng một giọng người nói tiếng quê hương, liền lập tức quay đầu nhìn lại, rồi thấy con người xa lạ ấy thật gần gũi thân thương. Thỉnh thoảng, tôi cũng nói giọng quê mình, dẫu âm điệu không hoàn toàn nặng như nguyên gốc, có đôi tiếng đã bị pha lạt đi nhiều, ấy vậy mà tự sâu trong lồng ngực vẫn kiêu hãnh lạ kỳ. Cảm giác ấy tựa như buồng phổi được mở hết cỡ ra và phả vào đó một luồng gió mát như thuở ngày xưa quen thuộc, như cổ tích, như bay bổng, rất đỗi tự hào.
Thì ra người ta yêu quê hương thầm thì và bền bỉ như vậy đó. Không vẽ ra được hình hài, không nói ra được thanh âm nhưng hồn quê thì hiển hiện rõ trong từng ngõ ngách của lòng. Đó là món ăn quê hiền lành dung dị, bát canh rạm đồng còn nồng hơi thở của bùn nâu. Là mớ tép mụn cất rớ từ chiều về chia cho bà con làng xóm mỗi nhà một ít. Khói bay lên từ mái tranh, mái rạ. Những chú chó cuối làng sủa inh ỏi mỗi ráng chiều buông. Hoàng hôn sà xuống thật thấp trong tiếng ếch nhái kêu ran. Ánh trăng lọt song thưa chiếu rọi trên nền đất, một thứ ánh sáng huyễn hoặc và trong trẻo. Để rồi suốt những tháng năm gập ghềnh sau này trong cuộc đời, thứ tôi yêu nhất vẫn là những hương thơm đồng nội, hương thơm ngai ngái của đất, của lúa, của bùn và của cỏ.
Tranh của Trần Nguyên
Tôi yêu quê tôi hai mùa mưa nắng. Gió nồm nam thổi bạt những hàng tre. Tiếng lách cách của bụi tre lồ ô mỗi trưa hè lặng gió như đang trò chuyện cùng chiếc quạt mo phe phẩy cuối hè nhà. Tiếng bà thở dài xót vụ khoai vụ sắn. Hiên nhà nóng nực, sân nhà như khô cháy. Nắng “dữ tợn” rám nửa buồng cau. Tôi lần tìm trong ngõ quê quanh co uốn khúc, những chái nhà xưa xếp đầy củi khô dự trữ. Dây phơi áo quần lồng lộng gió. Rồi tôi như sờ thấy được hồn quê tôi ở đó! Mênh mông.
Quê hương nuôi lớn tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ bé bỏng. Đó là con đường mòn đất đỏ hun hút trong bóng chiều. Mùi khói lá bạch đàn hăng nồng căn bếp nhỏ, tiếng mẹ sụt sùi rất khẽ, lẫn trong tiếng gió chiều, tiếng củi khô nổ lốp đốp, tiếng muỗi vo ve. Căn nhà ngày xưa làm bằng tre, lợp mái tranh mòn, tường nhà làm bằng đất trát phân trâu khô. Căn nhà nhỏ và thấp ở lồng lộng giữa cánh đồng hun hút xa. Bốn bên gió lùa. Bên nương nhà, mẹ trồng vài cây chuối, cây ổi. Mỗi đêm rằm, trăng lấp ló sau tàu lá chuối rồi từ từ đi vào tận cửa, tràn lên đầu giường, lên tóc mẹ tôi.
Phải bé lại bao nhiêu năm mới tìm được cảm giác đặt lòng bàn chân trần xuống nền nhà bằng đất mát lạnh. Nền đất đen mướt mân mê đôi chân bé nhỏ, nền đất lưu lại biết bao dấu chân đã đi qua suốt từng ngày từng tháng từng năm. Hương cỏ thơm ngai ngái, cọ vào bóng chiều mùi hăng nồng bình dị. Ước gì được lăn tròn vào đó, cho xót xáy làn da nhỏ, để sờ nắn lại tuổi thơ mình. Để nhớ những chiều gió nam thổi mát hiên nhà, tiếng lá chuối cọ mình xào xạc, tiếng gió qua đồi bạch đàn, xôn xao, xôn xao...
Ai cũng lớn lên từ hồn quê, hồn đất. Bước chân đầu tiên chập chững trên chiếc giường đơn trong vòng tay của cha và nụ cười tươi tắn của mẹ. Chân chim đuôi mắt ông bà cũng lấp lánh những hạt lệ như sương. Manh chiếu tre, chiếu trúc mang lời ru từ ngàn xưa hiển hiện, lóng lánh ráng chiều, dịu ngọt ban mai. Mỗi tấc đất, bụi cây đều chắt chiu mưa nắng của trời đất. Mỗi miếng bánh, miếng rau đều dịu ngọt vị gió, vị sương của đất đỏ làng mình.
Hình bóng quê hương là dáng cha đạp xe trên con đường làng bằng đất đỏ, hai bên đường mọc đầy hoa xuyến chi. Nắng trên vai cha sóng sánh màu vàng nhạt, nhuộm giòn giọt mồ hôi cha nhỏ giữa đường dài. Chiếc mũ nâu cha đội cả một đời sương gió, thấm hơi nồng vất vả gian lao. Vai cha gầy giữa dáng hình quê hương lồng lộng, là nơi níu giữ nếp nhà, nơi cột linh hồn mình với rau rốn sinh thành trên suốt quãng đời miên viễn mình đi.
Hình bóng quê hương là dáng mẹ gánh đôi quang gánh kĩu kịt sườn đê. Là miếng bánh đường đen mẹ đi chợ mua về. Là tiếng chổi tre mẹ quét lá cuối vườn xào xạc. Tiếng rao cuối ngõ lấy dép đổi kem. Rồi chiều muộn ngó thấy ngọn khói trắng mờ bay lên từ chái bếp là bọn trẻ chăn trâu chầm chậm đem trâu về. Mùi cỏ đồng ngai ngái sương sa, hoa cỏ lau bám đầy gấu quần sờn cũ. Nẻo quê thân thuộc, những lời chào hỏi đậm đà giọng quê.
Hình bóng quê hương là đáp án lớn nhất trong trái tim mỗi người cho câu hỏi “Quê hương là gì hở mẹ / Mà cô giáo dạy phải yêu” mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng thốt lên bằng tất cả niềm yêu thương da diết của mình. Tình yêu quê hương bền vững trong tận cội nguồn của huyết mạch, là ánh sáng trong trái tim mỗi con người…
T.H
Bài viết in trên Tạp chí Cửa Việt số Chuyên đề 14, chủ đề Quà quê