Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoa trôi về phía nụ cười

Tôi cùng một vị tướng già, cựu chiến binh chiến trường Thành Cổ Quảng Trị tìm lối ra bến vượt bên bờ sông Thạch Hãn. Đang giữa trưa nhưng đã có nồm nam mát rượi. Kế bên triền cỏ, giữa khung cảnh yên hàn là một chiếc võng căng nức thân người. Nhìn cách buộc dây võng, đích thị chủ nhân là cựu binh từng huấn luyện mạn Lương Sơn, Hòa Bình trước khi được tung vào tham chiến tại chiến trường Thành Cổ. Dây võng buộc ơ hờ như buông vào thân cây vậy thôi, nhưng chỉ cần tân binh ghé lưng lên là quắn lại, săn chắc như sợi chảo. Đặc biệt là sự cơ động thì chưa có cách buộc võng nào sánh kịp. Chỉ cần một khẩu lệnh, lính ta vừa bật dậy vừa giật múi dây, trong chớp mắt, võng đã nằm gọn trong ba lô… Khi chúng tôi đi ngang qua, từ trong “chiếc võng kỳ diệu” đó bật lên giọng ngâm thơ rất ngộ: Phố trưa nghiêng võng nhớ rừng/ Rừng nghiêng mắt lá như chừng ngó ta...Vị tướng già mỉm cười: Cựu sinh viên văn khoa có khác. Bài thơ đó là của nhà thơ Chim Trắng. Những sinh viên - chiến sĩ sống chết với chiến trường miền Nam những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ đều biết bài thơ này. Lâu lắm mới nghe lại. Nhớ thời trai trẻ quá! 
 

Chỉ còn cách chiếc võng vài bước chân, tự dưng người nằm trong võng bật dậy, giọng reo vui: Thủ trưởng!

Vị tướng già lấy khăn lau đôi mục kỉnh, chậm rãi nhìn anh cựu binh với vẻ mặt trìu mến: Lính C ba phải không?

Anh cựu binh dập gót chân, ngực ưỡn về phía trước, cánh tay gân guốc đưa lên ngang vầng trán lưa thưa món tóc bạc, dõng dạc: “Báo cáo thủ trưởng, em Cừ, lính C ba đây.”

Anh cựu binh choàng cả hai cánh tay cứng như thép vào vai vị tướng già và khóc: “Thủ trưởng vào được đến đây hương khói cho anh em, phải ở lại lâu lâu thủ trưởng nhé!”

- Tớ không vào thăm các cậu thì vào thăm ai. Tớ già rồi, dăm năm nữa thôi, có muốn cũng không vào được. Nghe giọng, tớ nhớ ra rồi. Thằng Cừ. Thằng này quả thực đời như tên gọi. Đánh đấm cừ lắm. Miệng lại như tép nhảy. Thời đó, mấy o du kích bên kia sông hỏi thăm cậu chàng suốt đấy. Nhưng sao dạo này hay nước mắt thế?

- Thủ trưởng cứ để em khóc chút cho thỏa. Hồi ở trong thành, tột cùng của sự gian khổ, chết sống trong gang tấc, tụi em quyết không một lời than van chứ đừng nói rơi nước mắt. Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt thôi thủ trưởng à... 

- Không than van thật không?

- Thực ra là có. Thằng Viện, thằng Hoài cứ suốt ngày ca cẩm, hết lo thiếu lựu đạn lại cằn nhằn làm sao đủ B40 mà dùng trong mấy ngày tới đây. Em bảo chúng nó có gì dùng đó, lấy súng Mỹ mà xài. Tụi nó bảo em dùng súng Mỹ bắn cứ giật cục giật cục, chán ốm.

- Thế ai than van trên không quan tâm cấp bút mực, giấy má để các anh viết nhật ký, làm thơ?

- Tụi em chứ ai. Cũng vì sáng tác truyền khẩu, thiếu bút mực ghi lại nên nhiều bài thơ hay cực kỳ bị thất truyền đó. Cỡ như “Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh/ Thủ pháo rung rung đầu kíp nụ xòe” “Sông Ba Lòng ơi ta muốn áp tai nghe/ Đôi bờ phì nhiêu phập phồng ngực thở...” của anh Phạm Ngọc Cảnh cũng hay như... của tụi em là cùng thôi! 

Vị tướng già mân mê bàn tay anh cựu binh, giọng như đẫm nước mắt: 

- Sinh viên lần đầu cầm súng nhưng ngoan cường lắm phải không? 

- Vâng! Hồi đó bọn thủy quân lục chiến ngụy từ Sài Gòn ra tăng viện, trang bị tận răng, nghe bảo huấn luyện bài bản lắm, giày đinh chưa kịp bén đất Thành Cổ đã bị hốt về trong túi nilon rồi. Bọn em bám trụ ở đây cả tháng trời, tinh thông thiên thổ, am tường ngóc ngách, đánh bật tụi em thế nào được. Nhưng rồi bom đạn ác liệt quá, đồng đội em lần lượt hy sinh cả. Ông Hữu Thỉnh nói rất đúng thủ trưởng à, “Sau trận bom vùi gặp toàn lính mới”. Xót lắm. Thằng Quang bạn em có một thói quen rất lạ kỳ. Cứ dọc ngang chiến hào, thấy anh em nào hy sinh, nó đều lăn xả vào, vuốt mặt, bỏ cho kỳ được miếng lương khô nhỏ vào miệng đồng đội. Em ám ảnh mãi cái đêm trước ngày phản công tổng lực, đã đến lúc kiệt sức, cơ số đạn gần cạn, nhiều súng hỏng không dùng được, thằng Quang chỉ làm mỗi một việc là cần mẫn mài lưỡi lê bén ngọt vào tường gạch Thành Cổ, mắt trừng trừng, chờ sống mái với giặc...

- Hậu cần vẫn đảm bảo cho bộ đội đủ gạo trắng để ăn đến hết chiến dịch mà, sao lại phải dùng đến lương khô?

- Vâng. Nhưng anh nuôi nấu được bữa cơm dẻo trong điều kiện chiến trường khốc liệt như lúc đấy cũng “chảy máu con mắt” thủ trưởng à. Có thằng bưng bát cơm lên ăn, bỗng khóc òa. Nước mắt lăn trên khuôn mặt can trường thấy cảm động không chịu được. Hỏi sao lại khóc, nó đặt bát xuống thành hầm và bảo, như vậy là miền Bắc đã chi viện những hạt gạo cuối cùng cho chiến trường rồi, phải gắng thôi, đánh đấm cho ra trò vào. Sau này đọc mấy câu thơ của ông Hữu Thỉnh, thấy đúng tâm trạng của lính ta quá: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng nhưng thương mẹ biết bao nhiêu”... 

- "Tổ tam tam" của cậu, ai còn, ai mất?

- Giang ở Bắc Ninh, Hữu ở Hải Phòng. Tụi nó hy sinh cả, chỉ còn em thương tật đầy mình nhưng vẫn phải gắng sống cả phần tụi nó, lúc thanh xuân cho đến bây giờ đầu hai thứ tóc. Thằng Hữu tếu lắm thủ trưởng ạ. Tên là Hữu nhưng hầu như “gia tài” của nó chẳng có gì. Đến bộ quân phục mặc cho tươm tất nó cũng nhường cho anh em. Mình nó quanh năm đánh quần cộc, trần trùng trục. Vật bất ly thân của nó là khẩu AK báng gấp và một tấm ni lon. Cứ gặp lúc trời mưa là nó lại bọc nilon cho khẩu súng của nó, chỉ chừa cái nòng vát ra khỏi bao. Mà mùa mưa Quảng Trị thì thủ trưởng biết rồi, sao dai dẳng thế không biết...

- Hữu có gia đình chưa?

- Nó cưới vợ xong là đi bộ đội. Vợ nó là cô gái quê mỏng mày hay hạt, miệng cười mắt nói. Xinh xẻo thế mà góa bụa sớm quá...

- Cậu tháo võng đi xuống bến vượt với tớ đi. 

- Không, thủ trưởng cứ đi việc của thủ trưởng, em nằm đây chờ đêm xuống, mong gặp lại bạn bè trong cỏ, trong đất. Em phải mắc võng từ sớm để đón tụi bạn về. Cách mắc võng của tụi em là tuyệt kỹ, nhìn là biết mà. Khi không có người nằm, cánh võng hộc lên trong gió như một tín hiệu để anh em nhận ra nhau...

- Thế cậu không đến bến thả hoa à? Hôm nay thị xã thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn mà.

- Em thả hoa ở đây, ngay dưới mép sông này, nơi thằng Giang bạn em hy sinh khi đi lấy nước cho đồng đội. Hồi đó có lúc mưa thối đất thối trời, giao thông hào ngập ngụa bùn, máu. Để có chút nước ăn, phải ra bờ sông này. Có đêm Giang ra sông về, mặt nhấp nhóa nước, cười khùng khục, bảo mấy thằng lính mới tối rồi bày đặt tắm mang cả quần con. Tớ lệnh “nuy” hết, “nuy” hết đi cho nó thoải mái. Giang đẹp trai, gan lì lắm, chỉ mỗi tội thấy phụ nữ xinh xắn là mắt mũi sáng cả lên. Thủ trưởng nhớ không, tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” của nhà văn, nhà báo cộng sản Tiệp Khắc Guiliút Phuxích là những trang sách bất hủ về tội ác của bọn phát xít Đức xâm lược, về tình yêu, lý tưởng và cuộc sống. Trong cuốn sách ấy, em nhớ có đoạn tác giả gửi gắm niềm ước mong được ngắm nhìn lại, dù chỉ một lần, những đôi chân trần tuyệt đẹp của phụ nữ Tiệp trên đường phố Praha. Giang chắc cũng có niềm mong ước như vậy, phải không thủ trưởng? 

- Thủ trưởng đừng khóc!

- Đến lượt cậu chê tớ hay nước mắt đấy à. Cứ để tớ khóc một chút. Người lính chúng mình vậy đó cậu ạ. Hành trang ra trận là nỗi nhớ cha mẹ, bạn bè, hàng xóm, người yêu, người vợ, người thân, cao hơn nữa là tình yêu Tổ quốc, yêu vô cùng vô tận đất nước này, cuộc sống này. Vì tình yêu đó mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Hành trang trĩu nặng quá. Đi cho hết cuộc trường chinh cứu nước, người nằm lại, người trở về đều vì nhau, cho nhau, sống cũng nhớ đến nhau mà sống, sống sao cho không phụ lòng người đã hy sinh... Nếu được dựng một tượng đài bên bến sông này, tớ sẽ tạc một phụ nữ Việt Nam thuần hậu ngồi chờ chồng yêu, một bà mẹ Việt Nam nhân hậu ngồi chờ con yêu...

- Như anh Phạm Ngọc Cảnh từng viết rất hay về người mạ Quảng Trị phải không thủ trưởng: Mạ ơi mạ ở bên Cùa/ Đêm nay con biết mạ chưa đi nằm/ Gió lùa thương nhớ đăm đăm...

- Trong một tác phẩm của Dumbatze, nhà văn Grudia có câu chuyện như sau: Ông chủ tịch nông trang nọ đặt nhà điêu khắc làm một tượng đài kỷ niệm một trận đánh đã từng diễn ra ở địa phương trong thế chiến thứ hai. Nhà điêu khắc phác thảo một người lính cầm súng trong tư thế lao lên phía trước. Ông chủ tịch nông trang bảo, đại khái, chiến tranh với lính tráng và vũ khí thì chúng tôi nhìn thấy nhiều rồi, anh có vẽ giỏi mấy cũng không thể đúng như chúng tôi thấy. Cái tôi cần là anh làm thế nào khi nhìn tượng đài, người ta sẽ suy ngẫm về giá trị của sự hy sinh, giá trị của hòa bình, giá trị của cuộc sống hôm nay để sống tử tế hơn, để nuôi nhiều bò, làm ra nhiều sữa, trồng nhiều lúa mì hơn, cho trẻ con được lớn lên dưới bầu trời xanh... Ở thị xã Quảng Trị, tượng đài Mai Quốc Ca bên cầu Thạch Hãn là một tượng đài nhiều nhắc nhở, rung cảm và sang trọng. Những giọt máu hồng lặng lẽ. Máu bốn phương nhuộm đỏ đất này để Nam - Bắc sum họp một nhà, để Quảng Trị hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay...

- Đêm lễ tri ân, có 81 chiếc ghế trống được đặt ngay bên bến thả hoa nơi sông thiêng Thạch Hãn. Mỗi chiếc ghế là một vành mũ tai bèo và một cành hoa. Em như thấy đông đủ đồng đội em cùng về gặp mặt, hàn huyên, thủ trưởng à.

- Mình cũng có niềm tin như vậy!

- Nếu được đề xuất, em chỉ đề xuất một ý kiến nhỏ thôi.

- Cậu nói xem nào?

- Ngoài mũ tai bèo và hoa, em muốn đồng đội có thêm quyển sổ, ngòi bút, để những năm tháng oanh liệt mà chúng ta đã sống, đã chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc mãi mãi được ghi lại, được gửi gắm, làm hành trang tinh thần cho hôm nay và muôn đời con cháu mai sau...

- Bây giờ, cứ mỗi đêm rằm, hoa lại thêu trên dòng Thạch Hãn. Cậu thấy không, như đêm nay, mặt sông chỉ hoa là hoa, ngỡ bình yên như nguồn ngọn ban đầu. Nhưng kỳ lạ là sáng mai ra thôi, màu nước xanh lại yên hàn bên đồng bãi. Có nhiều lúc tớ tự vấn, hoa, hoa ơi, hoa trôi về đâu? 

- Vâng. Mỗi người lính chúng ta chỉ một nhành hoa thôi thì cũng không biết bao giờ đủ. Hàng vạn đồng đội của chúng ta đã hóa thân vào đất đai Quảng Trị. Nên chỉ qua một đêm thôi, hoa đã rời mặt sông để đến với người. Nhưng luôn yên lòng phải không thủ trưởng. Nếu chưa đủ cho đồng đội của chúng ta một người một nhành hoa thì đã có hương hoa đất trời Thành Cổ, có thơm thảo những miền cây trĩu quả, có tình cảm bà con Quảng Trị nặng ân tình... Thủ trưởng nhắc em mới nhớ. Em biết rất rõ hoa trôi về đâu rồi thủ trưởng à... 

- Về đâu? Về phía nụ cười!

- Nụ cười?

- Vâng, nụ cười Thành Cổ! 

 

Đ.T.T 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 216 tháng 09/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground