T |
ôi nhớ một lần, Takaya Hiroko, một sinh viên Nhật Bản đến Quảng Trị để nghiên cứu văn hóa vùng đất này cùng giáo sư Trần Quốc Vượng và cô đã viết về Quảng Trị rất chân tình: “Trong những ngày tôi ở Quảng Trị nhiều người nói với tôi “Quảng Trị khổ”. Tôi chưa biết được nhiều mà nghĩ rằng: tôi đã nhìn thấy được nhiều dấu vết của nhiều dân tộc như thế này là chứng minh Quảng Trị có cái làm cho người hấp dẫn phải không? Và Quảng Trị có khả năng làm cho cuộc sống con người phong phú hơn và hạnh phúc hơn phải không?” Tôi vẫn hay nghĩ về những dòng này của Takaya Hiroko, bởi vì một cô giái Nhật chỉ đến Quảng Trị trong hai tuần lễ nhưng cô đã cảm nhận được chút gì rất thẳm sâu ở miền đất gió cát này. Cái sâu thẳm của đời người đời dân, của những mảnh làng hiền thương trầm tích những vỉa văn hóa chắt lọc qua bao nhiêu dâu bể đổi đời. Trong tất cả dấu ấn làm nên diện mạo đặc biệt của Quảng Trị tôi nghĩ nhiều đến những mảng làng. Làng – Nước, dân gian vẫn bảo thế, có làng mới có nước. Nước bắt đầu từ làng, không phải ngẫu nhiên mà năm 1996, cả một cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa diễn ra khắp mọi miền đất nước. Làng – Cây đa bến nước, sân đình. Từ làng tới phố, biết thế, nhưng rồi vẫn ngùi ngẫm khi ngoảnh về ngày cũ lòng thương biết mấy những mảnh làng. Mùa xuân này hãy làm một chuyến đi du hành về với bờ tre, đồng lúa, nơi có những mái ngói rêu phong trải bao nắng mưa tuế nguyệt, gìn giữ hồn làng. Đó là nhưng làng nghề của Quảng Trị. Vâng, những làng nghề mà tên gọi đã quá thân quen. Lâm Xuân làm chiếu, Cẩm Thạch làm bún, Kim Long nấu rượu, Tường Vân làm muối hay rèn dạo rựa ở Thiết Tràng, khả xà cừ Cát Sơn,… những làng nghề đã có thể sánh vai với bao nhiêu làng nghề đất nước, chiếu Lâm Xuân nào có khác gì chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa), nón Trà Lộc đâu thua nón Gò Găng, rượu Kim Long đất Hải Lăng bên cạnh rượu làng Vân xứ Bắc cũng “tám lạng – nửa cân”, muối Tường Vân trắng và tinh khác gì muối Cà Ná… Quê Hương – người ta đã nói quá nhiều về những cánh cò, chùm khế, hoa mướp, cầu ao… nhưng vượt lên những hình ảnh có tính biểu tượng ấy, quê hương thật gụi gần, và cụ thể hình hài vóc dạng trong từng sản vật của mình.
Ngày tết có một ít bánh cốm làm quà con trẻ đã nghe trong lòng mình ngọt ngào hương vị quê hương. Càng thích hơn khi có vài chai rượu Kim Long gửi bạn bè xa xứ. Mùa xuân cũng là mùa cưới, trai gái dìu nhau đi vào hạnh phúc, nếu ai đó tặng cho cô dâu một chiếc nón Trà Lộc sáng như một bông hoa giữa đoàn người đủ các màu áo rực rỡ, tuyệt hơn là đêm tân hôn được bố mẹ chồng trải trên chiếc giường trăm năm chiếc chiếu Lâm Xuân trắng muốt. Ngày Tết còn là ngày các mẹ, các chị tụ hội để trổ tài nấu nướng, những cọng hành tây tươi nõn, được cắt bằng lưỡi dao bén ngọt của làng rèn Thiết Tràng đã giữ được chất và chất và mùi của gia vị, lại mỏng manh điệu đàng bày trên đĩa cổ kích thích khứu giác thèm ăn dẫu ta đã no nê. Ở căn nhà thờ ông bà tổ tiên bạn hãy nhờ những bàn tay khéo léo của người thợ Cát Sơn khảm lên bàn thờ những bức tranh dân gian bằng xà cừ, càng long trọng và quý phái khi ở đó là những câu đối tết…
Ngồi cắn hạt dưa hồng chợt ngùi ngùi tiếc những gì đã mất và sẽ mất theo thời gian. Biết bao những nghề truyền thống trên những mảnh làng đã yêu dấu đã không còn nữa và có còn thì cũng long đong trong cuộc sống hiện tại. Đã thành quá vãng cái thời sản vật Quảng Trị nức tiếng gần xa. Cái Nghề gắn liền với phận người, phận làng, đẩy đưa cuộc sống làm nên văn hóa và tinh thần con người ở những vùng quê ấy. Người Quảng Trị khéo léo, tài hoa, danh vang đến tận Kinh kỳ. Năm 1681 khi chúa Hiền Vương cho đào kênh Mai Xá đến Nhĩ Hạ, tương truyền hai bên bờ kênh những chiếc chiếu Lâm Xuân được căng ra che nắng che mưa và nghỉ ngơi cho dân đào kênh. Sau nhiều tháng phơi giữa trần ai sương nắng, chiếu vẫn trắng tinh, sợi chiếu vẫn dẻo mềm. Nói về nghề khảm xà cừ ở Cát Sơn, năm 1921 học giả (đồng thời là linh mục) Cadie đã ca ngợi miền quê ngoại của vua Đồng Khánh như thế này “Dân làng Cát Sơn làm nghề chài lưới, nghề buôn bán, cũng còn làm nghề thợ chạm có tiếng. Họ làm và chạm bộ giàng trò bằng gỗ mít hay gỗ khác… Làng Cát Sơn làm tủ bàn rồi thuê thợ khảm ở Bắc vào lập nghiệp dạy khảm ốc xà cừ chở vào Nam bán…”
Còn làng rượu Kim Long, nhà thơ Tương An xứ Huế đã không kìm nổi cảm xúc trước hương vị tuyệt vời của chén rượu làm mà đề thơ cảm tác: “Danh cao lan xạ Kim Lung tửu” (chén rượu Kim Long hương mát đậm). Cũng bởi dịp vào Xuân nên mời bạn cùng chúng tôi về thăm Kim Long lâu lâu một chút. Đành rằng giờ đây Nhà máy bia Quảng Trị và Đông Hà đang cho ra đời những chai rượu Kim Long dán nhãn EXPORT (xuất khẩu) nhưng thực ra từ đầu thế kỷ này “những chum Kim Long mỹ tửu” đã lên tàu sang nước pháp (mà Pháp là nước trứ danh bởi nhiều loại rượu nổi tiếng thế giới). Điều làm nên vị rượu Kim Long thơm ngon nức tiếng chính là nhờ men rượu được chế bởi một công thức mà chỉ người làm biết được, ngay cả con gái lấy chồng khác làng cũng không được biết. Có người cho rằng rượu ngon còn vì nguồn nước của làng rất đặc trưng, lúc nấu có cho thêm thổ sản quý như hồi, quế, đinh pha thêm vào… Người không sành rượu đi nữa, đã nếm một lần là nhớ mãi cái vị nồng cay đắm đuối của nó. Nhấp ngụm rượu vào nghe ran ran nóng nơi lồng ngực mà lại ngòn ngọt nởi cổ. Thoang thoảng cái hương vị rất riêng như thể đất bãi lúc dậy phù sa ngấu ải, lại phảng phất mùi của rừng vị của lúa, ly rượu trong veo, tưới lên con mực khô, bật quẹt lửa cháy lan ra xanh biếc, mà lại quấn quít điệu đàng chứ không cháy bốc như khi nướng bằng cồn hoặc các loại rượu khác. Mang danh mỹ tửu mấy trăm năm nay, đến bây giờ dòng rượu này đã trở thành một trợ lực cho người dân trong cuộc mưu sinh. Dẫu ra Bắc vào Nam hay đến tận chân trời góc bể nào, ly rượu nồng say trên bàn tiệc, bên chiếc rượu làng dân dã thôn quê, buổi hiếu hỉ tay bắt mặt mừng nâng chén rượu Kim Long có ai đó chợt nhận ra vị rượu quê nhà mà rưng rưng thương về cố quận? Cũng xin kể thêm một điều rằng nhiều người nghe danh rượu Kim Long cứ ngỡ đấy là thứ rượu được nấu ở Huế, bởi Huế có vùng Kim Long nổi tiếng bởi chùa Thiên Mụ, bởi những trái cây sum suê và:
Kim long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi
Đất Kim Long nơi xa Hải Quế có thua chăng Kim Long của Huế là không có chùa Thiên Mụ và những vườn cây ăn trái, còn “gái mỹ miều” đã đi vào tục ngữ ca dao. Như người Bắc tự hào có “gái Nội Duệ, cầu Lim”, sản vật, con người Quảng Trị cũng đã nhập vào tục ngữ ca dao: “Nem Chợ Sãi, vải La Vang, khoai Quán Ngang, dầu tràm Đại Nại…” kết thúc cái guiness theo kiểu Folklore ấy là “Nắng Đông Hà, đàn bà Hội Yên”. Nắng Đông Hà thôi thì khỏi nói bởi chói chang rát bỏng và “đàn bà Hội Yên” chính là đất Hải Quế có làng rượu Kim Long kia cũng… khỏi nói. Da trắng tóc dài đã đành, gò má luôn ửng hồng và những đôi mắt long lanh như có rượu sóng sánh đuôi ánh nhìn hút hồn tai đàng lạ, từng làm điêu đứng bao chàng không kèm gì men rượu Kim Long.
Dông dài một chút như thế về cái làng Kim Long này cũng bởi vì trong lúc nhiều làng nghề khác bị phai mờ quên lãng thì ở đây dân vẫn phát huy được tinh túy của nghề. Cũng như làng rèn Thiết Tràng, một trong số ít những làng nghề còn giữ được phong độ. Những dao rựa một thời được người mang bên kia dãy Trường Sơn lặn lội băng qua truông sâu rừng rậm trên những thớt voi về đây mua, đổi chác sản vật… giờ vẫn sáng lửa. Cày vỡ người ta lại nhặt những con dao kiếm gỉ rét, dấu vết của một thời khai đất giữ quê, có phải những di vật ấy, đã đi từ những lò rèn làng Thiết Tràng, những công cụ biết làm nên mùa màng bình yên trên đồng đất quê nhà nhưng cũng biết chặn quân cường bạo, gìn giữ làng nước. Dao phay, mã tấu đã sáng lóe thắt lưng anh tráng đinh, chị nông phu đi cướp chính quyền thuở cách mạng mùa thu tháng Tám.
Mưa nắng vần xoay, phận người, phận làng cũng bao nhiêu biến dịch, những phẩm vật của thời đại công nghiệp có hay đến mấy cũng khó thay được những phẩm vật của làng. Lớp trẻ ngày nay có thể thích thịt bò bít tết, bánh Pizza, mì ốp la nhưng ở quê xứ này ở buổi gió Lào về khó có gì sánh bằng tô canh chắt chắt làng Mai Xá. Con chắt chắt bé tí dưới sông quê đã sinh hạ cái nghề cào chắt chắt bán từ chợ quê lên chợ tỉnh nuôi được người làng sống được qua tháng năm và nuôi được con cái họ học hành nên người. Cũng như buổi rét mướt về, có ăn được sợi bún Cẩm Thạch chan nước ruốc Gio Việt mới biết thế nào là cái ấm áp của trái ớt xứ này cay xé họng, trán rịn mồ hôi dù ngoài cửa liếp gió mùa Đông Bắc ù ù thổi qua trảng rộng đồng không. Một nhà văn quê Quảng Trị, mỗi lần nói đến quê nhà ông thường bảo: Đó là vùng đất của Chất Lượng. Cũng cây cỏ đó thôi, không khác gì cây cỏ miền quê khác nhưng trái ớt trồng trên đất Quảng Trị cay hơn ớt ở nơi khác trồng, trái chanh Quảng Trị chua hơn chanh nơi khác, hồ tiêu Quảng Trị thơm nồng hơn cả hồ tiêu Phú Quốc… và có lẽ đất đai ấy, cây cỏ ấy đã tạo nên một cái gì trong con người Quảng Trị mà người ta thường gọi là chất Quảng Trị.
Cái chất ấy đã bắt đầu từ những ngôi làng. Cũng như con người, mỗi ngôi làng có một số phận khác nhau nhưng tất cả vui buồn sướng khổ ấy đều có một mẫu số chung của cái miền quê Quảng Trị bao trùm lên nó. Tôi đã hoài vọng hơi nhiều về những làng nghề với những mất còn trải bao mưa nắng. Nhớ cái dáng quê xưa, người dân quê bước thấp bước cao gánh những sản phẩm của làng đi ngược về xuôi vào Nam ra Bắc chào mời cho bốn phương ngưỡng mộ, cho người ta yêu quý hơn quê hương mình Quảng Trị như bao nhiêu người con dân Quảng Trị, vẫn mơ ước ngày phục sinh của những làng nghề.
Những ngày lang thang qua phố, thấy chiếu ni lông Thái Lan bày bán lại quán lòng nhớ chiếu Lâm Xuân xưa, thấy nhan nhản bánh kẹo của Tàu lại thương cái bánh cốm quà quê làng Câu Hoan. Thấy dao Nhật, dao Mỹ lại quý vô cùng con dao làng rèn Thiết Tràng, nhìn những chai rượu ngoại chợt lo lo đến vị nồng Kim Long, trông những hàng “phooọc-mi-ca” bóng loáng lại chạnh niềm Cát Sơn nghề khảm. Giữ làng phải bắt đầu từ văn hóa, những nghề truyền thống chính là một phần của văn hóa. Không chỉ có thế, đó còn là ao cơm sinh kế. Không biết những ý nghĩ của chúng tôi lúc Xuân về, hoài vọng những làng nghề xa xưa có quá là lẩm cẩm giữa thời buổi computer và mobifone… nhưng biết làm sao được, con người ta dù có danh phận đến đâu cũng không thể quên được chữ: Làng.
12.1996
L.Đ.D – N.T.Đ