Tôi vân vê chén trà Phìn Hồ còn bốc khói ngào ngạt hương vị núi rừng như muốn truyền cả hơi ấm qua mười đầu ngón tay, hoà cùng vị ấm nơi cổ họng, toả đều khắp châu thân. Những cành tuyết mai được thả ngẫu nhiên trong chiếc lọ giản đơn, tuỳ duyên nghiêng ngửa, đợi dịp hồi sinh. Tôi tự hỏi, bên trong những cành tuyết mai khô quắt khô queo ấy chứa đựng những gì, tích luỹ những gì mà bền gan vững chí, đợi chờ hơi ấm của mùa xuân là đua nhau bung nở, khoe hương đua sắc cùng muôn hồng ngàn tía, của đào của mai, khi Tết cận kề sang.
Ảnh: Cao Hải Vân
Sực tỉnh, tôi tự cười mình quá đỗi khéo lo. Cuộc sống là vậy, thiên nhiên là vậy, và con người Việt Nam máu đỏ da vàng là minh chứng rõ rệt nhất cho sự hồi sinh. Năm đó, những tin báo dồn dập về số ca dương tính, về những người đã không qua khỏi trong cơn biến loạn của dịch bệnh. Người ta hoang mang. Người ta nghi ngại. Nỗi lo chưa qua hết mùa hè đỏ lửa lại chồng chất bao hốt hoảng vì bão táp dữ dội, vì sạt lở kinh hoàng. Con người lúc ấy mới nhận ra, bao lâu nay đội trời đạp đất, chinh phục biển khơi, khám phá vũ trụ, hoá ra, cũng thật nhỏ bé trước sự giận dữ của thiên nhiên.
Nhưng rồi, người ta sớm ý thức được rằng, không nỗi sợ nào, không tai họa nào có thể ngăn cản lòng can đảm, sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Nắm chặt tay nhau, quân dân tin tưởng đi theo Đảng dẫn đường, chia sẻ những yêu thương, truyền tải những niềm tin. Người khoẻ mạnh vào Nam ra Bắc, đem nhiệt huyết chở những chuyến hàng cứu giúp đồng bào chốn hiểm nguy, người lặn lội vào tận bản làng xa xôi, băng qua dòng lũ dữ để sưởi ấm những mảnh đời không may, kẻ chân yếu tay mềm cũng ngày đêm niệm Phật, Bồ Tát phù hộ độ trì cứu vớt chúng sinh qua cơn nguy nan. Người người ngang qua nắng gắt đỏ lửa, vượt lên cái ảm đạm đông giá, để đến Tết, lại được ngồi quây quần bên nhau, hàn huyên những chuyện đã qua, nhắn nhủ bao kế hoạch sắp tới.
Những tia nắng đầu tiên lách qua kẽ lá, đánh động lũ chim lười biếng còn ngái ngủ, rọi xuyên cửa sổ, đến đậu trên cành tuyết mai khẳng khiu. Tôi nhắm đôi mắt thật hiền, thở thật nhẹ để lắng nghe tiếng vỏ cây kêu tanh tách khe khẽ, báo hiệu điều kỳ diệu của mùa xuân đang đến.
Và tôi biết, nơi phố phường, đang rực rỡ đèn hoa thay cho những biển báo cách ly, tiếng cười tiếng nói hòa cùng khúc nhạc xuân rộn rã, có em bé vui mừng vì được mẹ sắm quần áo đón Tết. Nơi góc phố, đôi vợ chồng già giúp nhau dán chữ “Phúc Lộc Thọ” bên cánh cửa ra vào, nơi trước đây treo tấm biển “Khu vực có người đang cách ly”, như muốn khoe rằng, Tết năm nay về nhà lão trước tiên!
Ở một nơi xa, bên những cánh đồng vừa mới nhú mạ non, có anh chàng văn sĩ đang soạn sửa trang trí cho cây nêu ngày Tết, để sớm mai dựng lên trước sân nhà, xua đuổi những lo âu năm cũ và đón chào những niềm vui, may mắn năm sau.
Những cây con đang nảy mầm trên dải bùn núi lở hôm nao, báo hiệu rằng, mùa xuân tới, nơi này sẽ lại phủ một màu xanh ngắt của núi rừng. Rừng lại chở che, lại nuôi dưỡng, lại thiêng liêng bí ẩn như ngàn năm vẫn vậy, không hề đổi thay.
Với dân tộc tôi, mùa xuân là sự hồi sinh. Đất nước tôi đó, ngàn đời nay, dẫu có khi phải oằn lưng dưới vó ngựa quân thù, hay sừng sững trước họng súng của kẻ xâm lăng, chỉ cần nghe tiếng én liệng báo tin xuân trên cánh đồng bát ngát, lại vùng lên, mãnh liệt như cây cỏ nước Nam*, không hề khuất phục!
Mở cánh cửa, tôi mạnh dạn chạy ào ra giữa mùa xuân.
N.L
___________________________
* “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” - Nguyễn Trung Trực.