Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồi sinh từ những đôi đòn gánh

C

ả một vùng đất chết với cơ man là hố bom, xác pháo, dây thép gai đã thay da đổi thịt và “dính người” một cách lạ lùng. Cũng không khó hiểu khi họ - những con người của đất thép Vĩnh Linh anh hùng đi qua chiến tranh với bao nhiêu mất mát, bao nhiêu máu xương đã đổ - nên những gian khó trong thời bình dường như “chẳng thấm”. Vì thế, khi tiếng súng trên quê hương vừa dứt, công cuộc xây dựng cuộc sống mới lại thôi thúc họ “gánh” tên làng, tên xã đi kinh tế mới lên những vùng cao. Vùng miền núi huyện Hướng Hóa sau những năm chiến tranh là một bức tranh ngổn ngang với nhiều tâm sự. Nhưng giờ đây, sắc màu của sự hồi sinh, của cuộc sống mới đã tràn trề ở phố núi này. Câu chuyện “cổ tích” ấy bắt đầu từ những… đôi đòn gánh.

Dấu vết của nghèo đói

Ông Hồ Pả Nay - người đồng bào Vân Kiều ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa năm nay gần 70 tuổi. Đã hơn quá nửa cuộc đời gắn bó với mảnh đất này nên dù tuổi đã cao nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh và rắn rỏi. Cái tẩu hút thuốc đen bóng vắt vẻo trên môi, trong ánh sáng mờ nhạt của bếp lửa ngay giữa gian nhà bếp, ông nhả một hơi thuốc dài rồi kể lại câu chuyện của mấy mươi năm về trước - khi vùng miền núi này còn hoang sơ và nghèo đói… Sau năm 1975, dân cư thổ địa ở đây là người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sống rải rác thành từng bản. Đất đai nương rẫy thì nhiều, nhưng không có sức làm bởi trình độ canh tác lạc hậu, phụ thuộc lớn vào thiên nhiên. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nhan nhản, rất nhiều người chết, bị thương tật do vướng phải khi làm nương rẫy. “Nói chi cho dài, chỉ cách nay hơn 30 năm ở đây hoang vắng lắm. Chỉ có ít nóc nhà của người Vân Kiều chúng tôi co cụm lại thành bản. Cứ đêm đến là buồn thúi rọt, trẻ con cũng chẳng hay biết cái chữ là chi. Độ 15 đến 17 tuổi là lấy vợ lấy chồng rồi sinh con, nghèo khổ lắm” - ông Nay nói.

Tôi nhìn một lượt quanh ngôi nhà sàn bằng gỗ, đồ đạc trong nhà khá đầy đủ so với cuộc sống của người đồng bào ở miền núi này. “Thế mình bắt đầu khấm khá lên từ lúc nào hả bố?” - tôi buột miệng hỏi ông Ray như vậy. Ông Ray lại châm điếu bằng hòn than đỏ rực, câu chuyện “khấm khá lên” chắc chắn là hành trình dài như khói thuốc mà ông đang dần dà nhả ra… Ông Ray chìa bàn tay cho tôi xem, từng cục chai sạn đen đủi, sần sùi và chi chít vết sẹo: “Đó là kết quả của nhiều năm thu dọn dây thép gai, khai hoang đất để làm rẫy và làm đường, trồng cây sắn, cây khoai, lúa nước. Cho đến khi trồng cây cà phê chè” - ông nói cộc lốc, ngắn gọn như vậy. Câu chuyện của chúng tôi ngắt quãng khi có sự ghé thăm của những người hàng xóm. Ông vồn vã mời khách lên nhà, dí dỏm cười và bảo tôi rằng đây là “chìa khóa” giúp ông “khấm khá lên”.

Dân biển chọn miền núi làm nhà

Từ năm 1992 đến 1994, theo chủ trương đi xây dựng cuộc sống ở vùng kinh tế mới của Nhà nước, hàng ngàn người dân thuộc huyện Vĩnh Linh đã rời quê cũ khăn gói lên miền núi Hướng Hóa. Riêng tại xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã có 50 hộ dân ở  xã Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Thái với trên 150 nhân khẩu chọn nơi này để lập nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Sen ở thôn Tân Vĩnh, xã Hướng Tân - khách quý của ông Nay chẳng phải là dân gốc ở đây. Quê ông Sen ở xã Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh, là một ngư dân chính cống ở miền biển. Nhưng những con sóng bạc đầu đã làm cuộc sống của gia đình rơi vào khốn khó vì phương tiện đánh bắt quá thô sơ, chẳng thể vươn khơi xa nên gia đình ông chỉ kiếm được “bữa đực, bữa cái”. Trong giấc mơ đổi đời của ông Sen luôn có hình ảnh của những vườn xanh trái ngọt, của màu đất ba zan màu mỡ. Vì thế cả gia đình ông Sen gồm bảy người xung phong đi lên vùng cao lập nghiệp vào năm 1994.

Với tám sào đất ban đầu được Nhà nước cấp cùng sự giúp đỡ của những người hàng xóm nhiệt tình - là người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô - ông Sen đã dựng được cho mình một ngôi nhà và một mảnh vườn. “Mới lên đến đây, cả nhà ngao ngán. Vợ tôi khóc lên khóc xuống khi nhìn thấy cảnh heo hút, hoang tàn. Dù được Nhà nước trợ cấp ban đầu, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Điều an ủi lớn nhất lúc đó là được sự giúp đỡ của người đồng bào. Họ cho sắn để ăn, cho tre để làm nhà rồi còn phụ giúp ngày công nữa. Cảm động lắm” - ông Sen vui vẻ nói. Gần gũi với người đồng bào, khi nhận thấy quá trình canh tác của họ quá lạc hậu - trồng lúa rẫy năng suất thấp, trồng sắn chỉ đào một lỗ nhỏ rồi lấp đất lên nên củ sắn không lớn được. Thế là ông Sen cùng những cư dân miền biển của mình “làm nông mẫu” cho người đồng bào học theo. Đầu tiên là làm ruộng nước ở ven suối, trồng sắn thì đào lỗ cho phù hợp và vun gốc thật cao. “Mình làm có hiệu quả rồi bày vẽ một thời gian là họ làm theo. Người trên này siêng năng, chăm chỉ lắm” - ông Sen chia sẻ. Ngày tháng khó khăn lo cho từng bữa ăn cũng dần qua khi những hộ dân đi kinh tế mới tập trung khai hoang đất, thu dọn dây thép gai và bom đạn để trồng những cây ngắn ngày như sắn, khoai. Đến năm 1996, theo chủ trương của huyện nhà, cây cà phê chè catimo được đưa vào trồng và xác định đây là cây chủ lực. Lúc đó, cả xã Hướng Tân như một “đại công trường” khi đất hoang hóa đều được tận dụng để trồng cây cà phê.

Kể đến đây, ông Sen nhìn sang Pả Nay, miệng mỉm cười. Nhớ lại lúc đến “rủ rê” Pả Nay trồng cây công nghiệp dài ngày là cà phê, ông Sen nhận được câu trả lời rằng: “Ông là người ở biển, mới lên vài năm làm sao biết phải trồng cây gì. Mà cây cà phê đó có ăn được không”. Mất nhiều thời gian giải thích, ông Nay mới đồng ý trồng thử nghiệm một diện tích nhỏ để khỏi “mất lòng” người miền biển. Nhưng hiệu quả sau đó mà cây cà phê mang lại đã giúp ông hiểu ra rằng, cần phải học hỏi ở những con người này mới có thể thoát nghèo.

Cái kết có hậu của câu chuyện cổ tích

“Những năm tháng gian khổ, thiếu thốn đã qua. Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy hơn trước nhiều. Mảnh đất này thật tuyệt vời. Người miền xuôi miền ngược chẳng quen biết nhưng lại sát cánh cùng nhau trong những lúc gian khổ nhất. Nhà nước cũng ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh nên cuộc sống cải thiện nhiều. Rời quê cũ đi nơi khác sống cũng mong có khấm khá sẽ trở về, nhưng bây giờ chúng tôi đã xem đây là quê hương…” - ông Sen kết thúc câu chuyện bên bếp lửa bằng những lời nói xúc động. Rồi ông cùng Pả Nay một mực rủ rê tôi bằng được dạo một vòng xem sự “hồi sinh” của xóm làng.

Con đường mòn Hồ Chí Minh ngày trước bốn mùa đất đỏ ba zan đặc quánh với đầy đá lổm nhổm bây giờ đã là đại lộ Hồ Chí Minh, được trải nhựa phẳng lỳ. Đến những con đường liên thôn, liên xóm cách nay chưa đầy 10 năm trước phải bì bõm sau mỗi cơn mưa rừng nay đã bê tông hóa đến tận ngõ. Những mái nhà tranh tre trong ký ức của ông Sen càng ngày càng hiếm bởi sau vụ thu hoạch cà phê trĩu quả, những ngôi nhà kiên cố bằng vôi vữa lại mọc lên như nấm sau mưa… Từ 50 hộ dân của huyện Vĩnh Linh đi kinh tế mới ở hai thôn Tân Linh và Tân Vĩnh, nay số hộ đã lên đến 150. Họ sắp xếp sống xen cư với người đồng bào. Để rồi từ đó, họ - những ngư dân miền biển đã góp phần không nhỏ thay đổi nhận thức của người đồng bào về nuôi con gì, trồng cây gì… để cùng nhau phát triển. Bà Lê Thị Hội - Chủ tịch xã Hướng Tân nói rằng những hộ dân đi kinh tế mới trong xã tỉ lệ hộ nghèo rất thấp. Và đặc biệt từ khi thực hiện mô hình xen cư giữa người kinh và người đồng bào thì tỉ lệ hộ nghèo giảm hẳn. “Nhờ sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa người miền xuôi và miền ngược nên tỉ lệ hộ nghèo ở địa bàn ngày càng giảm. Bên cạnh đó tỉ lệ hộ khá tăng nhanh.  Nhờ đó an ninh trật tự ở đây cũng rất đảm bảo” - bà Tân cho biết.

Đoàn xe ôtô với băng rôn, khẩu hiệu đỗ xịch trước cổng ủy ban xã. Trên xe bước xuống là những cựu chiến binh vẫn khoác trên mình màu áo xanh của người lính. Hơn 50 cựu chiến binh của tiểu đoàn K3 - Tam Đảo từng tham gia chiến đấu ở ngay trên mảnh đất này xếp một hàng dài. Họ hành quân lên cao điểm 689 từng là chiến trường đẫm máu. Dọc đường đi và cả trên những triền đồi là những vườn cà phê xanh bát ngát. Bất chợt trong đoàn có một cựu chiến binh dừng lại, ông hỏi tôi những địa điểm khiến tôi phải “cầu cứu” người dân địa phương. Lần tìm trong trí nhớ, ông nói lớn: “Đây rồi, ngày trước đây là trận địa pháo, giặc bắn rát lắm, cả vùng này tan hoang”, có chút thắc mắc, ánh mắt người cựu chiến binh già sáng lên: “Chỉ có bàn tay con người mới có thể làm nên điều kỳ diệu này, có thể hàn gắn nỗi đau chiến tranh bằng cách biến một bãi chiến trường thành màu xanh của bạt ngàn cà phê”. Cả tiểu đoàn “lính già” đứng lại cùng chiêm ngưỡng bạt ngàn màu xanh nơi đây. Ai cũng có vẻ phấn khởi, bởi họ quay lại chiến trường không phải chỉ để tưởng nhớ đến đồng đội, chỉ để nhớ một thời đau thương mà để vui sướng khi nhìn thấy “sự hồi sinh” ngay trên chính mảnh đất mà họ đã cùng đồng đội đổ máu. Người cựu chiến binh già đi cuối đoàn quay lại nói với tôi rằng: “Chúng tôi từng nghĩ chỉ có thể là điều kỳ diệu khi màu xanh lại ngập tràn trên chiến trường xưa”. Tôi mỉm cười: “Câu chuyện cổ tích về màu xanh này, có lẽ bắt đầu từ những đôi đòn gánh”…

L.C.C

 

 

LÂM CHÍ CÔNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 232 tháng 01/2014

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

5 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

5 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

5 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

5 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground