Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hương của Bùn

1. Làng tôi làm ruộng, mỗi năm có hai vụ: Hè Thu và Đông Xuân. Vụ Đông thường băng qua Noel tới ngày 30 Tết. Nghề này đeo đẳng bao đời trong làng, như cách ghi trong lý lịch: xuất thân là bần nông. Mơ ước “thoát nghề” là ao ước của lớp trẻ chúng tôi thời đó.

Tôi “thoát ly” bằng cách học nghề liên quan đến cơ giới là lái máy đi lồng ruộng. “Lồng ruộng” là từ chỉ việc sử dụng bánh sắt tròn như cái lồng thay vào bánh lốp chiếc máy cày; chạy lui, chạy tới cho nhuyễn bùn giống con trâu đi bừa. Máy cày là chiếc MTZ 50 của Liên Xô mà thời đó bà con gọi là “trâu đỏ”. Tôi lái thì hãnh diện còn bà con thì ngưỡng mộ vì đó là những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước khi cơ giới mới được đưa vào sản xuất nông nghiệp.

Vì có duyên với nhà nông, mà bùn đất cứ đeo đẳng, và cũng nhờ duyên đeo đẳng ấy mà dần dà tôi đã nhận ra sự thanh tao và mùi hương thầm lặng của bùn.

Máy cày Liên Xô MTZ - Ảnh: I.T

Máy cày Liên Xô MTZ - Ảnh: I.T

2.Sáng sớm rét cóng, tôi xỏ hai chân ngập vào bùn lên đến đầu gối trong lõm bõm tiếng ếch nhái lao đầu xuống nước. Sự yên lặng vỡ toang!

Xiết lại ốc bánh lồng, cúi đầu nhìn xuống đáy cát te, rồi nhìn xuyên ra cầu sau - đó là động tác đầu tiên trong ngày của tôi. Sợ nhất là mấy cái roăng phớt dưới bụng “con trâu đỏ” bị rò rỉ, nhiều lần phải “mổ bụng” nó ngay giữa ruộng, dầu mỡ lẫn bùn đất lênh láng. Tôi nhìn về phía rặng tre xanh nhàn nhạt, có cái vòm như cửa hang, đó là cổng từ làng Tiên Trạo ra đồng, để hóng bé Hương. Nói là hóng bé Hương nhưng thực ra cũng không biết ngóng bé hay mẹ̣ của bé đem bữa ăn cho “chú lái máy”.  Đồng dưới bây giờ bằng phẳng trắng xóa - đó là những thửa ruộng dài được tôi lồng cuốn chiếu vừa xong, cố gắng lên bờ về trước Noel.

Đã qua mấy hôm, mưa phùn gió bấc thổi vù vù quanh ca bin. Đối với nông dân nghèo, Noel chẳng có gì vui ngoài cái rét cứa vào da thịt. Ai đang cúi xuống đồng tê buốt giờ này thì biết là gia cảnh gieo neo. Của ăn còn là bao mà chờ mong 3 ngày tết, nên khi mỏi lưng đứng lên cũng là lúc nhìn không khí tết của nhà giàu bên thị trấn, rồi tủi thân không dám về nhà.

Còn tôi thì hào hứng mong làm xong để về, để chuẩn bị phong pháo đùng (thứ mà một thời trẻ con có đói ăn thì cũng dành tiền mua) hong lên giàn bếp mới yên tâm. Nghĩ đến đây tôi tăng ca thêm vài tiếng, đến đêm ríu mắt mới ngừng máy để nghỉ. Có đêm trăng rằm lộ ra khỏi đám mây, sáng lên một vùng cánh đồng bên bờ sông Sa, tôi nhìn trăng như trôi mênh mang giữa biển mây vùn vụt, loáng thoáng bờ vùng bờ thửa rồi bị bóng đen nuốt chửng trở lại. Cảnh này thường làm tôi sởn gai góc. Thanh niên mười chín như tôi đang cố đẩy lui hình dạng con ma, lởn vởn quanh mấy ụ mồ mả trong tưởng tượng. Tôi trèo lên ca bin thò tay vào cái học cửa lôi ra cây sáo, chu môi hòa vào thanh vắng mấy làn điệu Quan Họ. Tiếng sáo vi vu của người mới tập thổi chắc là hay lắm với ai đang giăng lưới dưới dòng Sa, càng khuya tiếng sáo tấu cùng tiếng ếch nhái thành bản nhạc độc đáo văng vẳng giữa thinh không.

3.Tháng chạp như nốt lặng cuối cùng trong một bản nhạc giao mùa; cung thanh, cung trầm trong năm đọng lại, gói tròn trong 3 ngày tết. Chỉ ba ngày thôi mà đi muôn nẻo tha phương ai cũng muốn về.

Bởi thế chỉ cần bé Hương con ông Liễn - chủ nhiệm hợp tác cất tiếng gọi: “Chú ơi nghỉ ăn đã!” thì lập tức xua tan cảm giác quạnh quẽ hằng đêm, làm thay đổi luôn cái màu xám xịt của mây trời. Tôi chui ra khỏi ca bin, nhảy tủm xuống mặt ruộng, cúi người chao tay vào vũng nước rửa qua loa.

Hương giúp tôi xỏ bàn tay vào cái túi ni lông để cầm chiếc bánh chưng còn hơi nóng. Bé còn giục: “Chú ăn kẻo nguội”. Tôi xoay lưng co người chắn gió rét cho cái mùi hương của nhân đậu xanh, ngầy ngậy của thịt heo, nồng nồng của vị tiêu và hành tím phả hết lên mũi. Ôi! hương vị ngày tết, nó xuất hiện ở đây, lúc này và với Hương.

Tôi hình dung, trên mâm tết tươm tất nào đó, cái hương này chưa hẳn làm ai đó hạnh phúc như tôi bây giờ. Tôi hít hà cảm nhận điều thú vị từ nơi bùn đất!

Đó là cảm tình con người trao nhau đầy tinh tế, dù nơi lấm bùn trang gió. Điều đó len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn tôi một cảm giác vui sướng. Lúc đó, tôi quên luôn cảnh phải nằm co quắp trong ca bin với giá lạnh về khuya, quên nổi sợ tiếng gió hú, tiếng mưa rơi ràn rạt và những đốm lân tinh cháy chập chờn như con ma trơi trên đầu các cồn mả.

Nhưng cảm giác cồn cào của tháng chạp, tơi tả, dật dờ; mùi chè xanh đun củi rơm, mấy đứa em đang ngồi chụm vòng quanh bếp lửa xòe 10 ngón tay huơ huơ tìm hơi ấm; phía làng thì ngoằn ngoèo làn khói, nhìn lên thị trấn thì lác đác tiếng pháo đì đoàng…; chuyện con lợn nhà nuôi để “ăn tết” dịch bệnh làm chết mất. Lúc đó, tôi nhỏ tuổi nhưng hình dung được sự bi đát trong mắt người lớn; những ngày sau tôi lặng lẽ lùa trâu ra ngoài đồng, xắn quần xuống ruộng, úp mặt bên mép bờ thửa moi lần lượt từng hang đam; những ngón tay nhỏ bé bị kẹp giữa cái càng bự đau điếng; tôi nghĩ như thế là mình đã gánh bớt nỗi nhọc nhằn.... bao nhiêu mùa như vậy vẫn không thể nguôi.

4. Tối cuối cùng tháo lồng lên bờ để kết thúc sứ mệnh vào mùa của “con trâu đỏ”, ngồi trong căn nhà chú Liễn, tôi thấy thân thuộc như nhà của mình với mùi khói bếp, với ấm nước chè nấu củi rơm thoảng hương trong giá rét; có cái nong tròn đang hong lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Tôi thích cách chú Liễn xoa đầu mình, không biết đùa hay thật, nói: “Ở lại ăn tết với nhà chú nhé! Thích làm con rể chú không?”. Cái thằng chưa đầy hai mươi tuổi lớn lên từ đất như tôi cười ngại ngùng (Nhưng thích cô thôn nữ tuổi 17 lấp ló nét thanh tao sau lớp bảo hộ lao động nhàu bùn đất là có thật).

Sáng ngày về, chiếc máy cày lạnh lẽo qua đêm đông, cũng như tôi - còn ngủ nướng. Không còn cảnh phải xỏ chân xuống bùn, không còn kiểm tra máy móc giữa ruộng, tôi ngái ngủ ngoái đầu nhìn xuống bếp. Bé Hương với mẹ đang rì rầm nói chuyện. Có lẽ hai người phụ nữ chuẩn bị đi qua chợ Hôm mua nguyên liệu cho nồi bánh chưng, hay sắm sửa chuẩn bị tất niên, đón tết. Tôi cảm giác như người trong nhà - một chút mơ hồ của đứa thanh niên. Nhưng đâu phải, đây chỉ là chỗ trọ cho chú lái máy mà thôi! Chợt tiếng bé Hương gọi vọng lên từ gian bếp: “Chú ơi dậy ăn!”.

Tôi choàng dậy, tỉnh hẳn… Ngày mai, không ai gọi “chú” ăn cơm nữa…

Cái máy lai đã được mồi vào ống cấp nhiên liệu một lượng xăng pha nhớt. Tôi cầm dây dù to hơn chiếc đũa tre, dài gần một mét quấn vào cái bu-li, vung tay giật mạnh. Tiếng nổ “tằng tằng” nhanh dần, to hơn cả phông pháo đùng, rộn ràng như phút giao thừa. Trong nhà bé Hương bịn rịn điều gì mà không chạy ra xem như mọi khi. Tôi nhấn ga cho tròn tiếng rồi kéo cần lai khởi động. Tiếng xì xụp, khạc khạc, từ cái ống khói sục ra từng luồng đen đặc, tiếng tành tạch khó nhọc từ từ rồi cũng nổ giòn tan…

Âm thanh động cơ đều đều xa dần ngôi làng Tiên Trạo - ngôi làng hình thành trên cồn đất rộng chừng vài héc ta, giữa bốn bề đồng ruộng, trông như một khu rừng nguyên sinh sót lại. Tôi ngoái lại, thấy Hương ra đứng đầu làng nhìn theo, trong tôi không khí tết ấm áp vô cùng.

…Mấy ai tìm sự lãng mạn nơi bùn lầy chiêm trũng, nhưng ở tôi đó là sự trải nghiệm xúc cảm đã len lỏi, chôn chặt nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi gặp những người đồng cảnh ngộ, những cô thôn nữ “hoa cười ngọc thốt đoan trang” chợt thấy trong nhau nét duyên đến lạ lùng!

Đ.D.L

 

ĐOÀN DUY LONG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 340

Mới nhất

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/12

25° - 27°

Mưa

12/12

24° - 26°

Mưa

13/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground