Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hướng đi của gió

Tôi nhớ mãi lần được gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Thượng tá Nguyễn Xuân Giang, một chiến sĩ biệt động thành Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ông quê xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Anh hùng tình báo Nguyễn Xuân Giang - người lái xe máy - Ảnh: NVCC

Anh hùng tình báo Nguyễn Xuân Giang - người lái xe máy - Ảnh: NVCC

Tiếp tôi tại nhà riêng ở thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy, ông cười hồn hậu: Này ông giáo trẻ - già. Tôi hỏi: Trẻ già là sao bác? À! Là thanh niên già đó mà... Ông cười to, khóe mắt sâu khép lại làm hằn lên một đường gấp dài chảy ra vầng trán cao rộng trên khuôn mặt của một biệt động thành lừng lẫy. Ông mời tôi bát nước chè xanh, đặc sản của quê hương Tân Thủy. Nước chè xanh trong, ông cho vào ít đường thêm vài bông hoa lài trước chậu cảnh. Lúc này, tôi mới kịp nhận ra ở ông sự khéo léo, tinh tế vô cùng. Đã tới tuổi thất tuần nhưng ông còn rất tinh anh, giọng nói trầm ấm của người từng trải làm tôi xao động. Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông luôn tham gia các hoạt động xã hội, hết làm ở hội cựu chiến binh nay làm chủ tịch hội khuyến học xã Tân Thủy. Tôi có cảm giác, nếu ông không làm việc, không hoạt động chắc ông không chịu nổi.

Ngôi nhà của ông hướng thẳng tầm nhìn ra cánh đồng lúa, ông bảo: Bác thích hướng ra cái bao la, mong ước thấy hướng đi của gió... 

Tôi hỏi: Bác à, hướng đi của gió là như thế nào? Có khó gì đâu, đó là hướng đi của con người trước nhiều sự lựa chọn. Bác chọn gió là chọn theo cách mạng, còn hướng đi là chọn nghề trinh sát an ninh. Có ai nắm được gió đâu. Nó có mặt khắp nơi, âm thầm dâng hiến. Nó là hoa của mặt trời, anh hùng Nguyễn Xuân Giang lại nheo mắt cười hóm hỉnh.

Sinh ra trên một vùng quê nghèo giàu truyền thống cách mạng, tuổi thơ của người anh hùng tình báo vùng địch hậu gắn với những tháng năm cùng cha trồng khoai, trồng sắn trên đồi núi. Hằng ngày, ông chứng kiến bao tội ác của kẻ thù trên quê hương. Khi chưa tròn tuổi mười lăm ông đã cùng cha và bạn bè đi nhặt thịt xương của đồng bào bị đạn thù nổ tung, sát hại. Ông cắn răng nuốt nước mắt chờ ngày khôn lớn. Và ngày ấy đã đến, năm 1960 lúc tròn hai mươi tuổi chàng thanh niên trẻ Nguyễn Xuân Giang đã làm đơn tình nguyện vào ngành công an nhân dân. Người mẹ già đã khóc cạn nước mắt vì chồng bà đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là con trai độc nhất trong gia đình chỉ có hai anh em. Bố là liệt sĩ, cho nên ông không có giấy gọi nhập ngũ. Nhưng có một điều gì đó thôi thúc ông, đốt trái tim của chàng trai trẻ ngực căng bầu máu nóng. Ngày ông lên đường, mẹ già căn dặn: “Con đi cố gắng làm sao giữ gìn sức khoẻ, hoàn thành nhiệm vụ. Mạ sẽ chờ con về. Con cố gắng để xứng đáng với cha con”.

Sau một thời gian huấn luyện, hoạt động, ông đã có những cống hiến xuất sắc nên được tổ chức tín nhiệm. Năm 1965, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là mốc son quan trọng trong cuộc đời làm điệp báo giúp ông có đầy đủ bản lĩnh cách mạng vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ ở vùng địch kiểm soát. 

Hè 1966, tướng Bảy Khiêm - nguyên chỉ huy an ninh Trị - Thiên - Huế, Giám đốc công an Bình Trị Thiên - giao cho ông nhiệm vụ tiêu diệt tên quận trưởng quận Hải Lăng, trung tá của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thanh Tụng. Hắn nổi tiếng ác ôn, từng là Bí thư Đảng bộ xã Hải Lâm kháng chiến. Do vậy, sự tồn tại của hắn làm cho cách mạng chịu nhiều tổn thất nặng nề. Chính tay hắn đã giết vợ và anh trai, bắt bố mẹ vợ đi tù vì có con ra Bắc tập kết. Nguy hiểm hơn hắn đã bắn ba đảng viên Cộng sản từng sinh hoạt cùng chi bộ trong đó có chị Tồ du kích nằm vùng đang mang thai 5 tháng bị hắn bắt được, dùng giày đinh đá chết ngay giữa chợ. Nguyễn Thanh Tụng ngày càng lún sâu vào tội ác, nợ máu với nhân dân không trả nổi, trừ cái chết. Trinh sát Nguyễn Xuân Giang cải trang trung uý bảo an và hai đồng chí cùng đơn vị biệt động đột nhập vào phòng làm việc của hắn. Hắn đã đền tội. Ông cùng anh em thu những tài liệu tuyệt mật giúp ta nắm bắt danh sách bọn gián điệp của địch ở vùng giải phóng.

Sau chiến thắng vang dội này, cái tên Nguyễn Xuân Giang trở thành nỗi khiếp sợ với kẻ thù, chúng không dám liều lĩnh như trước nữa. Nhưng ông đã bị lộ. Vì vậy, theo chỉ thị của quân khu ông phải đổi tên khác. Suy nghĩ mãi, ông lấy tên mới là Việt Hà.

Tôi hỏi: Thế tên Việt Hà có ý nghĩa như thế nào hả bác? Việt luôn nhắc nhở bác nhớ đến Tổ quốc Việt Nam đang bị bọn đế quốc giày xéo, Hà là tên người vợ yêu của bác. Chính cái tên Việt Hà được cục tình báo chấp nhận và sau này ông trở thành một hình tượng đẹp -  nhân vật trong bộ phim nổi tiếng “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Chính tờ báo Mỹ New Times đã thừa nhận: “Việt Hà của cộng sản đã làm vô hiệu hóa bộ máy tình báo của CIA tại Quảng Trị”. Bằng tư chất thiên bẩm và lòng quả cảm tuyệt vời trong những năm từ 1965 đến 1970, Việt Hà đã tiêu diệt hàng chục tên chỉ huy ác ôn khét tiếng, cướp ngục giải thoát cho hàng trăm anh em du kích, bộ đội chính quy ra vùng giải phóng an toàn. Chính tướng tình báo Bảy Khiêm thừa nhận: “Mặt trận Quảng Trị không thể thiếu Việt Hà, một đội trưởng gan dạ, nhiều mưu lược. Việt Hà sẽ gắn liền với những năm tháng không thể nào quên với nhân dân nơi này”.

Ngoài năm tháng chiến đấu cùng đồng đội, ký ức về những lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được Thượng tá Nguyễn Xuân Giang (người đứng thứ tư từ bên trái qua) ghi nhớ - Ảnh: NVCC

Ngoài năm tháng chiến đấu cùng đồng đội, ký ức về những lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được Thượng tá Nguyễn Xuân Giang (người đứng thứ tư từ bên trái qua) ghi nhớ - Ảnh: NVCC

Ông có vóc dáng to lớn, khuôn mặt luôn rạng ngời, đôi mắt sáng long lanh. Tiếp xúc với ông người ta dễ bị hấp dẫn bởi cách nói chuyện chân tình, dí dỏm. Ông thật lắm. Thật như củ khoai, củ sắn. Ông thật đến nao lòng: Cháu à! Nghề tình báo không cho bác nói nhiều, vả lại quen rồi. Vào Quảng Trị dân còn nhớ bác nhiều lắm. Họ nhớ Việt Hà, vì chính quyền Thiệu đã treo giải thưởng, nếu ai lấy được đầu bác sẽ thưởng một triệu Mỹ kim. Bây giờ, bác mới thấy cái đầu của mình quý đến thế, giặc phải bỏ tiền ra mà đâu có được. Trong thời kỳ ác liệt nhất từ năm 1968 - 1973, cùng với nhiều anh em khác bác đã thành lập nhiều cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch; hàng vạn truyền đơn, thư của Bác Hồ gửi cho đồng bào miền Nam được phát rộng rãi trong quần chúng. Sân bay, các địa điểm nhạy cảm của địch luôn bị ta đặt trong tình trạng báo động, kẻ thù ăn không ngon ngủ không yên. Bây giờ, đồng đội người còn người mất, mình sống cho đến nay là hạnh phúc lắm rồi. Nhiều đêm nằm ngủ bác vẫn như nghe tiếng súng nổ, bom rơi, tiếng của các đồng đội đồng chí la hét trong các nhà giam con cọp. Mà nghĩ cho cùng, con người sinh ra đâu chỉ biết sống cho mình đâu, người Việt Nam mình là vậy.

Người lính già chỉ lên tấm bằng phong tặng anh hùng của mình nói tiếp: Thầy giáo này, rất ít khi có người trẻ đến thăm. Thầy đến tôi quý lắm. Thì ra, cuộc đời là vậy, tuổi trẻ của tôi đã dành trọn cho cách mạng, cho đến hôm nay tôi rất hài lòng với những cống hiến của mình cho Đảng, cho nhân dân. Thầy đã giúp tôi sống lại những ngày sôi nổi hào hùng của mình. Tôi đang là một thanh niên Nguyễn Xuân Giang đấy!

Vừa nói ông vừa đi vào nhà trong lấy ra cho tôi xem một bọc Huân chương các loại. Có đến 13 huân chương quân công, chiến công giải phóng. Đó là kết quả của bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu của ông và đồng đội trong cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù. Tôi lặng ngắm ông, chợt thấy mình quá bé nhỏ, tầm thường. Hằng ngày, lên lớp trước hàng chục cặp mắt ngây thơ của học sinh đôi khi tôi vẫn chưa thoát ra được nỗi lo đời thường. Thế mới biết cái vĩ đại nằm ngay trong cái bình thường, ta có để ý, có nghĩ mới biết được.

Những câu chuyện xung quanh vị trinh sát an ninh này luôn chứa những điều bí ẩn. Ông cũng như một khu rừng càng khám phá càng thấy hun hút. Bình dị mà cao cả, nhẹ nhàng mà sâu lắng, Nguyễn Xuân Giang thực sự là người anh hùng của một thời và mãi mãi.

Có ai hiểu nỗi, cưới vợ chưa đầy ba ngày ông đã đi biền biệt hơn 10 năm, nhiều người cho rằng ông đã hy sinh. Người vợ tảo tần, chung thuỷ chờ đợi chồng mỏi mòn con mắt nhưng trong lòng không bao giờ mất niềm tin vào ngày về của ông. Suốt thời gian đó, vợ ông nằm ngủ với mẹ chồng. Đêm con dâu, mẹ chồng đắp chung một chăn. Hai người đàn bà đều chờ đợi, hy vọng một người đàn ông trở về. Và ngày ấy đã đến, ngày 30 tháng 4 năm 1975 người điệp báo nằm vùng ấy đã xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của người thân. Ông được quê hương, gia đình chào đón bằng tất cả tình cảm yêu thương, mến phục nhất. Ông vẫn nhớ rất rõ cái ngày lịch sử ấy. Trên khắp đất nước ta đâu đâu cũng rợp bóng cờ và hoa. Niềm vui kéo dài bất tận. Đó là ngày đẹp nhất của dân tộc trong thế kỷ 20. Ngày đoàn tụ lớn nhất của nhiều gia đình Việt Nam. Ngày ông khóc sau 10 năm xa cách quê hương.

Tôi cảm thấy mình may mắn, được gặp gỡ, hàn huyên với một chiến sĩ biệt động thành nổi tiếng. Vì tôi hiểu, ông là con người của cộng đồng, con người của số đông. Tháng nào cũng thế, ông nhận rất nhiều lời mời từ các trường học trong huyện, trong tỉnh đi nói chuyện truyền thống. Ông cũng là nhân vật quen thuộc của các chương trình giao lưu với ngành công an nhân dân...

Trước khi về hưu năm 1994, ông là trưởng phòng công an Quảng Bình, bạn bè khuyên nên ở lại thành phố Đồng Hới. Người lính già mỉm cười: Tôi ra đi từ Tân Thủy nay lại trở về đó thôi. Gió đi đâu chăng nữa thì cũng phải có hướng. Bây giờ, hướng tôi đến là được sống với quê hương, với anh em, làng xóm, bạn bè. Hướng cho các con được nên người và phải biết cống hiến.

Lúc ra về, tôi xiết chặt tay anh hùng tình báo Nguyễn Xuân Giang. Tôi chợt thấy trong khóe mắt ông có một bông hoa đang nở. Bông hoa tôi chưa từng thấy bao giờ. Nó không khoe sắc, tỏa hương. Nó âm thầm như ông. Và lặng lẽ sáng ngời, dõi theo hình hài của gió!

 

NGÔ MẬU TÌNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 341

Mới nhất

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/12

25° - 27°

Mưa

12/12

24° - 26°

Mưa

13/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground