N |
hìn tôi qua làn hơi thơm ngát mỏng manh quyện trên ly cà phê, B. chậm rãi:- Mày nhớ không, chị Hoàng đã viết một câu rất hay: “Quê nhà, thiên đường của mỗi người và thiên đường quê nhà của riêng ta”. Với tao Khe Sanh không chỉ là quê nhà, cũng không là thiên đường nhưng trên hành trình mưu sinh, để khỏi nhớ quê, tao đã chọn Tây Nguyên bởi ở trên miền “phố núi cao phố núi đầy sương ấy” có chút gì gụi gần, những quả đồi bazan, những nhà cửa chênh vênh, những lối phố quyện mù bụi đỏ…
B. đã bắt đầu câu chuyện với tôi như thế. B. cũng như rất đông những cư dân Hướng Hóa bây giờ, hơn hai mươi năm trước từ dưới Triệu Phong theo cha mẹ gánh gồng, lẫm chẫm đi “kinh tế mới”, những người dân ra đi, bên những dao rựa nồi niêu để tạo lập áo cơm còn mang theo một chút quê nhà Hướng Hóa: xã Tân Long là gốc Triệu Lễ. B. lớn lên với củ sắn ngoài rẫy, quả bơ trong vườn, trang vở học trò nhem nhuốc màu đất bazan và B. là trong số ít những học trò đầu tiên ở huyện miền núi này đậu đại học. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 4 ở Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh, vì ngàn lẻ một lý do có tên và không tên B. đã dạt lên Tây Nguyên như một sự chọn lựa mà B. bảo là: “Để đỡ nhớ Khe Sanh”. Ừ, mà Khe Sanh ai lại chẳng nhớ! Một người bạn của tôi gặp một cơn mưa, đất đỏ níu chân người đã lãng mạn rằng tại đất quá “mến” người nên níu giữ chẳng cho về. Hình như dân làm thơ cũng chỉ lãng mạn đến thế. Còn B. chàng kỹ sư nông nghiệp này lại không làm thơ nhưng lãng mạn còn hơn thế. Cái sắc đỏ bazan màu mỡ ấy, dưới con mắt của B. đã vỡ vạc những hứa hẹn phồn vinh cho miền đất này. Và cũng vì thế mà B. đã rời Tây Nguyên về lại quê nhà với giấc mơ của những rừng cà phê, cao su, xoài, mía…
Người viết bài này đã từng được hầu chuyện với bạn đọc về cây cà phê của “Miền đất quả vàng” những tưởng không nhắc thêm làm chi ngôi vị của loài cây đã đổi đời nhiều hộ dân Hướng Hóa. Nhưng Hướng Hóa không chỉ có cà phê. Những chuyến đi về với vùng Lìa đã khiến lòng tôi day dứt mãi với hình ảnh những người dân xã Xi, A Dơi, A Túc, A Xing, Pa Tầng,.. mòn lưng trên rẫy, những người mẹ địu con đi trong nhập nhoạng bóng chiều. Cái dáng đi lầm lũi cam chịu như bao nhiêu đời vẫn thế, và có lẻ còn mãi mãi hình ảnh bi thương ấy nếu như không tạo cho họ một bàn đạp để bật lên. May mắn thay, năm ngoái tôi có dịp theo chân đoàn quy hoạch của Tổng công ty Cao su Việt Nam và Công ty cao su Quảng Trị rong ruổi với vùng Lìa để thấy những cánh rừng khô trụi, những mái đồi lau lách kia sẽ mọc lên 300 héc ta cao su trong tương lai. Lật tấm bản đồ vùng Lìa, một cán bộ trong đoàn quy hoạch giải thích cho chúng tôi, vốn rất “amateur” về chuyện đất đai, cây trồng: “Cả vùng đất rộng lớn này là những quả đồi dạng bát úp cao 300- 400 mét so với mặt biển, có xu hướng giảm dần từ Bắc Nam, Đông sang Tây và điểm thấp nhất sẽ là sông Sê Pôn. Địa chất thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ, vàng phiến sa thạch chiếm 60% diện tích, chủ yếu tập trung tại phía Nam. Đây là loại đất khá thích hợp cho cây cao su. Ở đây thuộc vùng khí hậu Tây Trường Sơn, chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa nắng kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhưng trong mùa khô này vẫn có những ngày mưa nhất định để bổ sung độ ẩm cho cây trồng.
Hóa ra đất rừng Nam Hướng Hóa lại được “thiên thời, địa lợi” như vậy. Nhưng nếu chỉ có hai yếu tố ấy mà thiếu mất “nhân hòa” cũng xem chưa thực hiện được. May thay, khi dự án này hình thành cũng là để đáp ứng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho ngành cao su từ nay đến năm 2005 phải đưa diện tích cao su của cả nước lên 500.000- 700.000ha cao su đứng tập trung ở các tỉnh duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Vậy là giấc mơ đổi đời và khát vọng ấm no của gần 700 người dân vùng Lìa sẽ bắt đầu từ loài cây cho dòng nhựa trắng này. Dẫu thế đường đến ngày mai không phải là một hành trình dễ dàng. Trên con đường từ ngã ba Tân Long- QL9 vào Lìa tôi đã gặp không ít cầu, ngầm mà mùa mưa sẽ rất khó khăn cho việc đi lại. Để khai thác vùng Lìa sẽ cần một nguồn vốn không nhỏ cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hai mươi hai cây số đường từ QL9 vào A Túc. Nhưng tiềm năng của Lìa không chỉ dừng lại ở con số 3.000 ha cao su trong tương lai. Cùng với các xã Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, các xã vùng Lìa đang liên kết tạo ra vùng chuyên canh cho cây công nghiệp mía đường. Dẫu rằng dự án mía đường hiện đang gặp một vài trở ngại nhưng không nghi ngờ gì về khả năng của nó trong việc đổi đời cho dân cư 9 xã sông Sê Pôn. Mới rồi chúng tôi có dịp trở lại vùng Tân Long, xã Thuận, những ruộng mía bời bời xanh ngút mắt. Trước khi dự án mía đường thành hiện thực bà con ở đây đã vay gần một tỉ đồng để phát triển hơn 100 ha mía ở mười hai thôn bản trong xã Thuận. Và ngay vụ đầu năng suất mía ở đây đã đạt 35- 60 tấn/ha. Như thế, cho dù một nhà máy đường cỡ lớn chưa hình thành nhưng với những lò đường thủ công ở đây, nguồn lợi do cây mía đưa lại đã giúp bà con sống khá hơn so với việc đi rừng, đốt rẫy.
Bên sắc xanh của những đồng mía, không thể không kể đến một “gam” màu xanh rất mới ở Hướng Hóa: màu xanh của xoài. Hiện nay toàn huyện có 327 ha xoài trồng theo dự án 327 từ năm 1995. Trong đó xã Thanh có 60,89 ha; A Túc: 97,88 ha; Tân Thành: 97,5 ha; xã Thuận: 63,63 ha. Trong hai năm 1996- 1997, Hướng Hóa trồng thêm gần 200 ha. Nhờ khí hậu của vùng đất này gần giống với khí hậu phía Nam Lào nắng ấm và mưa ít vào dịp giáp Tết, ra giêng là mùa xoài ra hoa đậu trái.
Dù bạn là người có “lười lãng mạn” đến mấy đi chăng nữa nhưng không thể không thấy lòng rộn lên những dự cảm tốt lành với cây xoài Hướng Hóa khi đứng trước vườn xoài thí điểm ở Tân Thành. Trên mảnh vườn rộng 5 ha này đã có 2.000 gốc xoài với 500 cây xoài ghép và 1.500 cây xoài bưởi. Giá xoài hiện nay là 8.000đ/kg với giống xoài thường thì xoài bưởi giá 15.000đ/kg và xoài ghép là 25.000đ/kg. Xoài Ấn Độ giá còn cao hơn. Tuy nhiên để ươm xuống một gốc xoài không đơn giản. Một héc ta đất phải mất 4,5 triệu đồng cho công phát hoang, máy cày, một triệu đồng cây giống chưa kể chăm sóc làm cỏ, phân bón… ngót nghét hơn một cây vàng cho một ha xoài mới hy vọng đến vị ngọt cây sẽ đền bù cho những mùa trái mai sau. Những cành xoài vạm vỡ với muôn ngàn mắt lá reo vui sau cơn mưa, nắng ửng long lanh trên từng vệt nước đọng mà lòng chợt mơ những chuyến xe mai ngày chở xoài vào Nam ra Bắc, theo đường 9 mà ngược sang miền đông bắc Thái Lan.
Nãy giờ mê mãi theo cao su, mía đường, xoài mật mà tôi đã “quên” anh bạn B. kỹ sư nông nghiệp của tôi ở đầu câu chuyện. Vâng! B. đã về miền đất quả vàng này để bắt đầu thực hiện giấc mơ một điền chủ của mình. Mô hình cao su tiểu điền, mía đường tiểu đường đã hình thành. Và bây giờ là cây ăn quả… Tôi chợt nhớ đến bảy năm trước khi Marine, con gái của một điền chủ người Pháp ở Khe Sanh trước đây là Poilan đã về thăm lại vườn xưa cảnh cũ, bà cho biết Poilan- bố của bà ngày xưa đã từng mang cây bơ về đất này với tham vọng tạo ra nguồn nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm chứ không chỉ đơn thuần là một loài cây ăn quả. Không chỉ có những Poilan, Couvie, Comerom của ngày xưa, đầu óc thực dân mới có giấc mơ điền chủ. Trên mảnh đất bazan đỏ au mỡ màng của Hướng Hóa, dường như đỏ hơn đất bazan nơi khác vì thắm máu bao nhiêu đồng bào chiến sĩ, bây giờ đang có những “triệu phú vườn đồi” làm giàu từ chính đất đai này, bằng sức lực đôi tay, trí tuệ và mồ hôi của mình, trong đó có những người dân thiểu số mà khả năng làm kinh tế của họ đã khiến không ít người ngạc nhiên và thán phục.
Dẫn tôi đi trên vuông đất rộng gần 2 ha của mình, B. bảo tôi: “Tớ nghiên cứu và trồng thử chôm chôm, măng cụt, sầu riêng vì khí hậu đất đai ở đây không khác lắm với miền Đông Nam Bộ. Nghe nói ở dưới vùng Cùa có người trồng được sầu riêng đấy!” Câu chuyện của B. dẫn dắt tôi lạc vào những giấc mơ đầy khát vọng và chan chứa bình yên. Rồi đây mỗi dịp mùa hoa trái chín chỉ hơn một giờ ngồi xe máy là các bạn trẻ ở Đông Hà có thể thực hiện một tour du lịch vườn như các bạn trẻ ở miền Nam vẫn về miệt vườn để picnic dưới bóng cây, ăn hoa trái mệt nghỉ mà chỉ trả tiền… giờ (với điều kiện không mang hái đem về). Rồi chợt thoáng trầm ngâm B. nói với tôi: “Người ta bảo Việt Nam “diễm phúc” vì có được Tây Nguyên màu mỡ, giàu tiềm lực kinh tế, với Khe Sanh- Hướng Hóa mình cũng nghĩ đây là một “diễm phúc” của Quảng Trị. Không chỉ đòn bẩy công nghiệp… Hàng vạn ha đất bazan màu mỡ với khát vọng xanh của Hướng Hóa đang mời gọi và chờ đợi, đấy mới là cửa ngõ vào tương lai no ấm của những người dân miền Tây”.
L.V.T