Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hướng phát triển bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Triệu Phong

“Chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả”, bằng cách làm từ đồng ruộng vào nhà, từ nhà ra khu dân cư, với sức mạnh dựa vào con người “nông dân, cư dân nông thôn và cán bộ cơ sở”, huyện Triệu Phong đang nỗ lực để được công nhận là huyện nông thôn mới trước năm 2025. Trong đó, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ gắn với du lịch biển, du lịch sinh thái...

Sạch để bền vững

Một ngày giữa tháng mười chúng tôi đến với vùng đất Triệu Đại - một xã nông thôn mới đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nâng cao (theo bộ tiêu chí mới) với nhiều phương án chuyển đổi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Các mô hình chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch có hiệu quả được thực hiện nhân rộng như: Trồng cỏ nuôi bò, nuôi gà an toàn sinh học, trồng ném, kiệu, mướp... Đặc biệt là mô hình sản xuất lúa sạch do Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị liên kết, hỗ trợ.

Đánh giá về mô hình sản xuất lúa sạch trên 15 hecta tại Hợp tác xã nông nghiệp Đại Hào theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Đỗ Quốc Trị - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Triệu Đại chia sẻ: Thời gian đầu thực hiện với rất nhiều những thấp thỏm, lo âu về sự thành công hay không của mô hình... Nhưng cho đến bây giờ có thể khẳng định sản xuất lúa sạch là một hướng đi đúng, phù hợp với địa phương, mở ra cách làm mới theo hướng đảm bảo sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, giá cả ổn định. Dù sản lượng trên cùng diện tích không cao so với trước nhưng giá lúa được công ty bao tiêu theo hợp đồng ngay từ đầu vụ và thu hoạch trực tiếp trên đồng ruộng nên rất thuận lợi cho bà con nông dân.

Là người theo sát mô hình ngay từ buổi đầu liên kết và trong suốt quá trình sản xuất, ông Trần Thiên Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đại nhấn mạnh: “Canh tác sản xuất lúa theo cách truyền thống để lại nhiều hệ lụy từ việc lạm dụng hóa chất làm phát sinh nhiều dịch bệnh gây hại tràn lan trên đồng ruộng rất khó kiểm soát. Hơn nữa tồn dư hóa chất trong sản phẩm là điều khó tránh khỏi làm tổn hại đến người tiêu dùng cũng như chính cuộc sống người dân. Và vì vậy để phát triển được bền vững thì không có con đường nào khác là phải chuyển sang canh tác theo hướng sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài trong canh tác sản xuất nông nghiệp. Với bước đầu liên kết, hợp tác thành công nên hiện nay Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã khảo sát, đầu tư mở rộng diện tích sản xuất thêm 40 hecta cho nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn”.

Ông Trần Thiên Phong cho biết thêm, Triệu Đại có địa hình bằng phẳng, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với diện tích đất tự nhiên lên tới 910,36 hecta, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 665,74 hecta, chiếm 73,11% được phân bố tập trung theo nhiều khu vực... Trong thời gian tới cấp chính quyền cùng với người dân triển khai sâu rộng, phát huy lợi thế vốn có chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Rời vùng đất Triệu Đại chúng tôi xuôi theo tỉnh lộ 578B để đến với mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp theo kiểu vi sinh của Võ Phi Hùng, thôn Đại Lộc Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Gác lại công việc thường ngày, Hùng đón chúng tôi bằng sự thân tình và niềm nở. Anh mang vội đôi ủng rồi dẫn chúng tôi tham quan trang trại phía trước vườn nhà rộng khoảng chừng 3.000 m2. Hùng bảo, em bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2017 với trang trại chăn nuôi gà theo kiểu công nghiệp, còn nuôi thỏ chỉ là kép phụ. Ban đầu chỉ “thả chơi” 5 con giống thử nghiệm, dần dà qua thời gian thấy phát triển tốt, sinh sản nhiều nên em chuyển hẳn trang trại gà qua nuôi thỏ. Rồi những lứa thỏ đầu tiên xuất bán được người tiêu dùng ưa thích đã khiến em rất tự tin, mạnh dạn hơn trong đầu tư, nhân giống mở rộng trang trại và thị trường tiêu thụ.

Trang trại nuôi thỏ của Võ Phi Hùng - Ảnh: L.T

Trang trại nuôi thỏ của Võ Phi Hùng - Ảnh: L.T

Võ Phi Hùng rất cởi mở khi chúng tôi hỏi về mô hình chăn nuôi tổng hợp theo kiểu vi sinh này. Thỏ được nuôi trong lồng cách mặt đất chừng 1 m, phía dưới rải một lớp đất mỏng vừa đủ để giun quế sinh sống làm hoai đất. Khi giun quế phát triển với số lượng nhiều thì thả vài trăm con gà mỗi ngày vào trang trại để xử lý bớt số lượng... Vòng quay cứ như thế chuồng trại sẽ không còn nặng mùi, ẩm ướt gây dịch bệnh cho thỏ và đảm bảo được vệ sinh môi trường xung quanh. Bên cạnh đó theo Hùng thì cũng cần lai tạo ra con giống tốt, phòng bệnh triệt để cho thỏ phát triển, tăng trưởng nhanh. Đặc biệt cần giảm tối đa thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và sử dụng thức ăn chủ yếu là cám gạo, bột ngô nhằm đảm bảo chất lượng thịt thỏ giúp người tiêu dùng bảo vệ được sức khỏe.

Với số lượng ít ỏi ban đầu ấy đến nay trang trại của Hùng có trên 2.000 con, thuộc vào hạng lớn nhất vùng Quảng Trị thời điểm này. Mỗi ngày cung ứng thỏ giống cũng như thỏ thương phẩm ra thị trường trong tỉnh trung bình khoảng 60 đến 70 kg thu về số tiền gần chục triệu đồng.

“Để có được thị trường tiêu thụ rộng rãi và khách hàng tiêu dùng tin tưởng trước tiên người chăn nuôi cần phải đặt tiêu chí sạch cho sản phẩm mình làm ra và phải xem đó là đạo đức trong sản xuất, kimh doanh mới có thể phát triển nghề nghiệp lâu bền được” -  Hùng khẳng định thêm.

Hiện thị trường tiêu thụ thịt thỏ sạch ở Quảng Trị cũng như các vùng lân cận đang rất “cháy hàng”. Thời gian tới anh sẽ vay vốn mở rộng trang trại chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ như dùng điều hòa nhiệt độ, quạt sưởi... để đảm bảo cho thỏ phát triển, sinh sản quanh năm nhằm tái đàn nhanh, hiệu quả. Có như vậy mới tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng năng suất đem lại hiệu quả kinh tế cũng như kiểm soát tốt về dịch bệnh.

Khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái - cộng đồng

Nằm gần kề thành phố Đông Hà và trên các trục giao thông thiết yếu như: đường bộ Hành lang kinh tế Đông Nam, đường thủy nội địa sông Thạch Hãn với sông Hiếu và kết nối cảng biển Cửa Việt..., vùng đất “cồn nổi” thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn rất phong phú, đa dạng thuận lợi cho việc khai thác phát triển mô hình du lịch sinh thái - cộng đồng.

Theo bà Trương Thị Kim Cúc - Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, để phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cũng như tận dụng cơ hội phát triển, chính quyền địa phương đã xây dựng đề án quy hoạch tổng thể vùng đất An Trung Đồng khoảng chừng 210 hecta, trong đó diện tích khu dân cư là 180 hecta và 30 hecta diện tích mặt nước. Bước đầu sẽ quảng bá qua nhiều kênh thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội... để khai thác kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch nhiều địa phương trong tỉnh vào các dịp tổ chức các lễ hội, Tết, kỳ nghỉ hè và các ngày nghỉ cuối tuần bằng không gian ẩm thực hệ thống nhà hàng nổi trên sông với chuỗi các món ăn thủy hải sản tự nhiên rừng ngập mặn. Tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, du lịch tâm linh như: Chùa Tiên Độ, Đình làng cổ An Lợi, Bãi Sa… và đặc biệt là Ngã ba Gia Độ, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gây cho địch nhiều khó khăn trong các cuộc hành quân càn quét mùa khô lần thứ nhất (1965 - 1966). Bên cạnh đó, kết hợp du lịch giao lưu với nhân dân và buôn bán các mặt hàng là những nông sản sạch làm quà cho du khách như: gạo thương hiệu ST25, dưa lê, dưa hấu, ruốc, nước mắm cùng nhiều đặc sản ẩm thực làng quê truyền thống khác.

Ngoài điểm đến du lịch hiện hữu, Triệu Độ còn có rừng ngập mặn Gia Độ, Quy Hà với cảnh quan tự nhiên đẹp, môi trường sinh thái trong lành và những triền cát trải dài theo dòng Thạch Hãn rất thuận lợi cho nhiều tầng lớp du khách tổ chức dã ngoại, đốt lửa trại qua đêm. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 15.000 lượt khách du lịch, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Và theo lộ trình đến năm 2030, phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ và hạ tầng du lịch với kinh phí dự kiến hàng chục tỷ đồng.

Tham quan rừng ngập mặn xã Triệu Độ - Ảnh: V.P

Tham quan rừng ngập mặn xã Triệu Độ - Ảnh: V.P

Cũng theo bà Cúc, phát triển du lịch vừa là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy cần xác định nhiệm vụ, bước đi cụ thể trong từng giai đoạn để tập trung đầu tư, cùng các cấp chính quyền huy động nguồn lực, trong đó chú trọng các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài cho phát triển du lịch của xã. Bên cạnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, cần gìn giữ, tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn xã hội nhằm góp phần đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn. 

Với quyết tâm về đích huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, các đơn vị trong huyện Triệu Phong có nhiều cách làm năng động, sáng tạo. Về phương hướng tập trung xây dưng nông thôn mới huyện Triệu Phong thời gian tới, ông Vũ Thành Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho hay, huyện tập trung lãnh đạo khai thác và tận dụng mọi lợi thế, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực trong Nhân dân để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, bảo đảm tính ổn định và phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của huyện nhà. Tạo những hướng phát triển đảm bảo thực chất, chất lượng và giữ vững bản chất truyền thống của vùng nông thôn, không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản, người dân phải được phát huy dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Kiện toàn, đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở làm điểm cốt lõi. Các cấp chính quyền cùng Nhân dân thực hiện phương châm “Chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả”, bằng cách làm từ đồng ruộng vào nhà, từ nhà ra khu dân cư, với sức mạnh dựa vào con người “nông dân, cư dân nông thôn và cán bộ cơ sở”.

Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 339

Mới nhất

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/12

25° - 27°

Mưa

12/12

24° - 26°

Mưa

13/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground