Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kết thúc của tác phẩm và tính vấn đề trong văn học

A

i đã đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố hẳn còn nhớ câu này: “Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy tót ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”. Đó là những dòng cuối cùng chấm hết cuốn sách. Cái kết thúc này nổi tiếng đến nỗi nhiều người không đọc “Tắt đèn” cũng biết, cũng thuộc lòng một thời. Cái thời ngồi trên ghế nhà trường ít nhất là một lần với những ai đã học qua cấp I. Ai mà chẳng được thầy cô chỉ giáo rằng: Đây là hạn chế của tác giả và tác phẩm “Tắt đèn”. Vì kết thúc như thế thì đen tối quá, nhân vật và người đọc không tìm thấy lối ra, chẳng thấy tương lai và tiền đồ đâu cả … Thực ra không chỉ ở “Tắt đèn” mà hầu như đã trở thành đánh giá chung, một cách nhìn chung đối với nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán khác “Chí Phèo” đâm chết người và đâm chết mình cũng là bế tắc. “Giông tố” thì mịt mù, còn “Bước đường cùng” thì ngay cái tên cũng đã thấy hết đường rồi…

Tuy nhiên chúng tôi nghĩ, trong việc đánh giá những tác phẩm cụ thể quán tính của những nhận thức cũ còn rất lớn. Mặt khác cần phải hiểu giá trị và hiệu quả đích thực của những kết thúc “đen tối” trong văn học hiện thực phê phán nói chung và “Tắt đèn” nói riêng trên một tinh thần khách quan khoa học, tránh những nhận thức chung chung, giáo điều, trước chê nay khen và ngược lại. Muốn đạt được điều đó chúng tôi nghĩ chỉ có thể tiếp cận và nhìn nhận đánh giá những kết thúc ấy từ những tiêu chí và yêu cầu của chính tác phẩm văn học.

Trở lại tác phẩm “Tắt đèn”, giả sử ngày ấy Ngô Tất Tố kết thúc tác phẩm một cách sáng sủa hơn. Ví dụ, cho chị Dậu gặp cách mạng chị được giác ngộ và trưởng thành hoặc giả cho chị Dậu gặp may hơn ở một hoàn cảnh nào đó để chị cứu được chồng, chuộc được con thoát được kiếp “lầm than” và cảnh “Tắt đèn” thì sự thể sẽ như thế nào? Nếu như thế tôi dám chắc “Tắt đèn” đã không còn ai nhớ nữa. Ngô Tất Tố đã lựa chọn một cách kết thúc đúng như nó phải kết thúc. Ở đây một mặt ông không thể không tuân thủ một cách nghiêm ngặt nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực để làm tăng tính chất phê phán - tố cáo, mặt khác và quan trọng hơn là kết thúc như thế đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ trong người đọc. Gấp cuốn sách lại trăm ngàn câu hỏi hiện lên day dứt người đọc: Chị Dậu sẽ đi đâu? Kiếm ăn bằng cách nào? Chồng con chị sẽ ra sao? Còn cạm bẫy nào đang chờ chị? Thế lực nào tiếp tục săn đuổi người đàn bà khốn khó này? Cuộc đời sao cay nghiệt thế? Bất công sao nhiều đến thế? Quan lại sao đểu cáng thế? … Rốt cuộc, tương lai chị Dậu sẽ ra sao?

Một kết thúc như thế đã tạo nên được sức ám ảnh và sự lay thức tâm hồn người đọc, buộc họ phải suy nghĩ, phải trăn trở khôn nguôi về những kiếp người.

Thông thường trong tâm lý tiếp nhận của bạn đọc, ai cũng muốn một kết thúc có hậu cho tác phẩm theo một tinh thần dân gian đầy nhân bản “ác giả ác báo”, “Ở hiền gặp lành”, “tham thì thâm”…Đó là một ý nguyện tốt lành trong tư tưởng và tâm hồn bạn đọc. Nhưng thực sự cuộc đời nhiều khi thật nghiệt ngã chứ đâu chỉ toàn những ý nguyện tốt lành. Hơn nữa ở tác phẩm văn học nếu chỉ có kết thúc như thế sẽ dẫn tới tình trạng “bão hoà”, “vô cảm” thậm chí “phản cảm’ trong tâm lý tiếp nhận. Không tạo được tâm trạng háo hức thèm muốn trong việc tìm hiểu tiếp, khám phá tiếp và suy nghĩ tiếp. khi đã thoả mãn tối đa nhu cầu rồi (dù đó là nhu cầu gì) thì con người chỉ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ …

Những kết thúc có hậu một cách đơn giản, sáo mòn, cứng nhắc, dập khuôn đã gây cho bạn đọc cảm giác về sự giả tạo – Cuộc đời đâu phải thế. Ngay ở một tác phẩm vĩ đại như “Truyện Kiều”: Sau 15 năm lưu lạc trong biển “Đời mưa gió” nàng Kiều trở lại đoàn viên để rồi Nguyễn Du phải hạ bút.

“Hoa tàn mà lại thêm tươi

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”

Thì ta thấy ông đang cười một cách ngượng ngạo: “Vui là vui gượng kẻo là”. Có điều đặt chi tiết này trong tổng thể toàn bộ “Truyện Kiều’ người đọc chỉ thấy thương xót cho Kiều hơn và thương Nguyễn Du hơn mà thôi.

Như vậy kết thúc của một tác phẩm có liên quan chặt chẽ với tính vấn đề của tác phẩm đó. Kết thúc một tác phẩm có nghĩa là vấn đề này được giải quyết đồng thời vấn đề khác phải được đặt ra buộc người đọc phải trăn trở, suy nghĩ. Có như thế tính vấn đề mới không bị thủ tiêu. Tác phẩm có thể dừng lại ở một trang, một dòng nào đó về mặt hình tuyến nhưng những vấn đề đặt ra trong đó thì không kết thúc. Nó tiếp tục sống, tiếp tục “hành chức” và phát triển trong tâm hồn, tình cảm của bạn đọc theo nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều khả năng khác nhau. Những kết thúc như thế sẽ tạo nên vẻ đẹp đa âm và tính chất không đáy của tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm văn học nào cứ nhăm nhăm giải quyết triệt để, kết thúc một cách rõ ràng chẻ hoe, sòng phẳng, thường tác phẩm ấy nhạt nhẽo khó để lại chút dư ba gì trong “biển lòng” của bạn đọc. Thực chất tính vấn đề ở tác phẩm này đã bị thủ tiêu.

Văn học Việt Nam sau cách mạng tháng tám dù phát triển đa dạng phong phú đến đâu nhưng xét riêng về mô hình kết thúc tác phẩm thường có chung một hướng, một điểm giống nhau; Ta thắng, địch thua, cái mới thắng cái cũ. Kết thúc tác phẩm phải rõ ràng. Không ít tác phẩm chỉ cần xem mở đầu đã biết kết thúc. Con sông cuộc đời đầy quanh co uẩn khúc, lắm thác nhiều ghềnh, tác giả “nắn thẳng dòng chảy" để thể hiện xu hướng vận động đi lên, từ bóng tối bước ra ánh sáng, từ hiện đại đến tương lai…Cuộc sống cũng như con người chứa trong mình muôn vàn bí ẩn với “trăm ngàn câu hỏi không lời đáp" và “câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Văn học viết về cuộc sống con người, một mặt cần phải giúp con người hiểu con người từ nơi sâu thẳm của tâm hồn nhưng mặt khác cũng cần phải giúp cho con người hiểu được sự không hiểu nỗi của con người. Vì vậy Léptônxtôi và Đốtxtôiepxki đều là thiên tài trong những vùng thánh địa thiêng liêng của mình. Kết thúc tác phẩm dễ dãi xuôi chiều, thực chất là thiếu thái độ tôn trọng đối với cuộc sống và con người. Lựa chọn cách kết thúc tác phẩm là thể hiện bản lĩnh và trình độ, tài năng của nhà văn. Nhiều khi không thể lệ thuộc vào những định kiến tư tưởng, chính trị, những tình cảm chủ quan của chính mình và độc giả đã tạo nên những kết thúc “như ý”. Trong quy luật tiếp nhận nghệ thuật có điều này tưởng như một nghịch lý. Độc giả mong muốn và reo hò cho nhà văn kết thúc tác phẩm theo ý họ. Nhưng khi tác giả kết thúc như thế rồi lập tức chính những độc giả trên lại ghẻ lạnh và hững hờ với tác phẩm của anh ta. Vì thế cần phải có một bản lĩnh và tài năng để lựa chọn đúng hướng một kết thúc như nó phải kết thúc. Ở đây người viết phải nắm vững và tuân thủ lô gích cuộc sống cũng như lô gích nghệ thuật…Lép Tônxtôi dù là “cha đẻ” của Annakarêhina cũng không thể ngăn được cô ấy lao vào hoả xa để tự vẫn trước sự thương tiếc và thất vọng của trăm ngàn độc giả (Như Lép Tônxtôi thử kết thúc khác đi mà xem). Cũng như vậy H.D.BanZắc cầm tay bạn khóc nức nở khi không thể cứu nỗi nhân vật trong tác phẩm của chính mình. Nguyên Hồng đau đớn xót xa viết thư cho con mnình ở xa biết tin “Gái đen đã chết”. G.Flôbe không có cách gì ngăn nổi Mađam Bôvavy uống thuốc độc tự sát và Nam Cao dù muốn hay không “Chí Phèo” tất yếu vác dao đến nhà Bá Kiến để làm cái việc mà hắn phải làm: Đâm chết Bá Kiến và tự sát luôn mình…Lô gích nghệ thuật dù không đồng nhất nhưng là đúng hướng và phải tuân thủ lô gích nghiệt ngã ấy của cuộc sống.

Những tác phẩm lớn là những tác phẩm chẳng bao giờ có kết thúc hiểu theo nghĩa rộng của từ này. Bao giờ nó cũng để lại một khoảng trống khổng lồ với trăm ngàn “điều” có thể xảy ra trong đó. Dấu chấm hết của tác giả ở cuối sách cũng chỉ là chấm hết của một điều “có thể” xảy ra. Còn lại bạn hãy tự chọn lấy một cách kết thúc đúng với ý của mình. Cũng vì thế những tác phẩm lớn không thuộc về cá nhân nào trong lịch sử. Nó là sản phẩm “đồng sáng tạo” của nhiều người, nhiều thế hệ. Nó không chết mà tiếp tục lang thang mãi trong hành trình dài dằng dặc thăm thẳm và mênh mông của tâm hồn nhân loại.

Đ.N.T

Đỗ Ngọc Thống
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 13 tháng 10/1995

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground