Chọn lựa mãi rồi thì tôi cũng đành mạn phép nhà văn G.Amađô mượn tạm nhan đề một cuốn tiểu thuyết của ông để gọi cùng Khe Sanh. Không lộng ngôn chút nào đâu, vâng, Khe Sanh miền đất quả vàng mà thiên nhiên đã ân từ cho miền đất nghèo Quảng Trị. Khe Sanh một bền đồi, một bù đắp, một nồng ấm bazan giữa bời bời cát trắng, chút dịu dàng lãng mạn giữa ngun ngút gió Lào. Khe Sanh của mù sương bồng bềnh huyền ảo tháng năm và lộng lẫy sắc xanh cây trái. Và không chỉ có thế…
Căn phòng tôi trọ ở nhà khách uỷ ban trông ra một miền xanh quyến rũ và mê hoặc. Chỉ có cây của bazan mới lên được gam xanh mỡ màng óng ả ấy. Và cái sắc xanh bazan Khe Sanh dâng tặng cho đời cho người cũng không giống như bazan Tây Nguyên mà tôi đã gặp. Nhiều khi ngẫm nghĩ lại những xê dịch với một chặng đời mình đi qua, tự an ủi mình “phong vận kỳ oan ngã tự cư” và cũng cảm ơn những ngày lang bạt ở Tây Nguyên, để giờ ngồi với Khe Sanh lòng dậy lên chút hoài nhớ và thầm so sánh Khe Sanh với Pleiku, Kontum, Ban mê Thuộc, B’Lao… Khe Sanh vẫn đầy đủ những “dữ kiện” cấu thành “phố núi”, vẫn có những lối quanh co mù sương, có quán cà phê dập dềnh điệu tango bập bẹ, có những mắt nâu thẫm huyền màu chiều đủ cho lòng lữ khách chống chếnh… Khe Sanh – bước ra khỏi ngõ lòng nhẩm một bài hát, đi hết phố quay về bài hát nhẩm vẫn chưa xong. Bắt đầu từ cái tình yêu thân gần nhỏ nhắn với phố núi này để rồi những năm cùng tháng đi về, ngồi gỡ từng miếng đất đỏ bám vào đế giày sau một cơn mưa vội tôi nhận ra một Khe Sanh nồng ấm bazan, khoáng đạt mênh mông những gọi mời và vời vợi một chân trời hy vọng phôi thai từ đất.
Bắt đầu từ những khu vườn hai bên đường 9, thôn Lương Lễ, cửa ngõ vào thị trấn với những cây bơ cao vút soãi cánh trĩu rạp trái, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những cây cà phê mỡ màng óng ả trái chi chít quấn theo cành, nơi đây, hơn nửa thế kỷ trước là đất của đồn điền Cô-mê-rôm. Người nữ điền chủ người Pháp ấy đã rời Việt
Nhưng bà Rôm (cách gọi của dân nơi đây) hay những điền chủ tiếng tăm khác: Ôlanh, Poalan, Cuvie… rồi cũng bỏ của chạy lấy người thôi. Ròng rã hơn hai mươi năm, Khe Sanh thành đất lửa, đạn bom và cây “cỏ Mỹ” lấn dần từng tấc đất bazan, chỉ còn những cây cà phê xưa kia trở nên một thứ cà phê hoang dại lẫn khuất giữa bời bời lá rừng và rắn lục. Nhưng cũng từ những cây cà phê bỏ hoang bởi chiến tranh ấy đã cho những người lính giải phóng món cà phê thượng hảo hạng mà không có một giống cà phê nào trên thế giới có được: cà phê chồn! Vâng nhưng con chồn hoang dã ăn thứ trái cây với chất caphêin mê hoặc ấy rồi “ấy” ra nguyên chất cả hạt. Những hạt cà phê ấy mới được lính ta chế biến, không ai có thể dễ dàng kiến được một tách cà phê như thế. “Thương hải tang điền” chiến tranh đổi dời mưa nắng trần ai, không ai ngờ cây cà phê xưa đã phục sinh trên miền đất Khe Sanh, phục sinh trên từng vốc đất bazan còn lẫn vỏ đạn đồng vàng choé “cà phê hành trình ký sẽ là câu chuyện quá dài dòng từng có cả chuyện nhổ sắn trồng cà phê rồi nhổ cà phê trồng sắn … nhưng thôi hãy quên chuyện ấy, cứ lang thang cùng Khe Sanh hôm nay, lang thang cùng vườn cà phê nối bờ, lang thang cùng sắc xanh cây trái, se sắt giá sương phố núi để được nghe thẩm thấu qua mình một Khe Sanh vỡ vạc những hi vọng chói ngời sắc bazan.
Không cần đi đâu xa, từ trung tâm thị trấn, mất vài phút đi xe máy là ta đã ghé vào Pa- nho, một bản của thị trấn Khe Sanh, hãy dặn lòng rằng chớ quá ngỡ ngàng khi nhìn những cần ăng- ten vút cao trên mái nhà sàn và em bé người Vân Kiều đang cầm chiếc remote điều khiển chiếc ti vi màu đa hệ. Ngôi nhà sàn đỏ au mái ngói này, chiếc ti vi và chiếc đầu video này, bộ váy áo thời trang kia nữa … đều là quả của bazan dâng tặng. Tôi đã gặp những triệu phú ở bản Pa-nho này. Cụ Ăm Mương gia đình có đến hai mươi bảy con trâu bò, sáu trăm cây cà phê, hai trăm cây hồ tiêu cùng một vườn cây ăn quả tốt tươi và một ha lúa nước hai vụ. Ông Hồ Cam với vườn cà phê bốn trăm gốc, trưởng bản Hồ Hương còn kể thêm nhiều nhiều nữa nhưng có lẽ chỉ cần nhìn vào bản mới hôm nay là đủ. Sắc diện của một đời sống ổn định ấm no sẽ lồ lộ ngay trên từng gương mặt người, nào phải cân đong tính toán lấy từng cân thóc từng gốc cà phê.
Và để cho những gốc cà phê hôm nay mỡ màng lá và hoa, và lúc trĩu quả tôi đã hơn một lần chứng kiến những oái ăm cười ra nước mắt. Dạo ấy là đầu năm 1994 khi kỹ sư Hoàng Công Chẩu – phòng kỹ thuật của nông trường cà phê Khe Sanh về Sở khoa học công nghệ và môi trường báo cáo kết quả thực nghiệm so sánh các giống cà phê chè Katuwai, catimor và Phủ Quỳ trồng trên đất Khe Sanh, chọn ra giống cà phê ưu việt nhất để trồng đại trà thì cũng thời gian đó nông trường cà phê Khe Sanh bị giải thể vì làm ăn thua lỗ. Thói đời, khi được nuông chiều dễ sinh đỏng đảnh, vượt trội lên chút ít là y như “có chuyện’. Cây cà phê chè cũng là cà phê, cà phê mít, cà phê vối cũng là cà phê nhưng giá cà phê chè lại đắt gấp hai ba lần cà phê mít, vối, bởi thế mà nó “dở chứng bệnh tật”. Nông trường cà phê Khe Sanh đã từng thất bát liêu xiêu bởi bệnh rỉ sắt ở cây cà phê chè. Chuyên gia bảo vệ thực vật kết luận Khe Sanh không trồng được cà phê chè, vậy là nông trường chuyển qua trồng cà phê vối vào cối những năm 80. Hàng trăm ha cà phê vối trồng lên tốt tươi là vậy nhưng ra hoa không đậu được quả. Hoá ra muốn giữ hoa nên trái phải có đai rừng trồng chắn gió xung quanh và đủ nước tưới! Oan khiên đến thế là cùng! May sao cây cà phê Katuwai và catimor sau những ngày thí nghiệm miệt mài đã cho những kết quả thật tuyệt vời.
Giờ thì cà phê đang thống soái Khe Sanh. Cơn sốt cà phê năm chín tư vừa rồi đã đẩy giá cà phê lên cao, nhiều người trúng lớn và cũng từ đấy cà phê trở thành một phong trào “nhà nhà, người người”… Lội giữa những vườn cà phê của Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập... bàn chân sủi vào lớp đất bazan tơi xốp mịn màng, cứ nghe lòng rộn lên những con tính không hề lãng mạn: Với 5000 hecta đất bazan trong quy hoạch như hiện nay, nên biết cách đầu tư hợp lý, khoanh vùng cụ thể cho các loại cây ăn quả, dâu tằm… và giành diện tích thích đáng cho cây cà phê bởi cà phê đang tỏ ra có hiệu quả hơn cả. Chỉ tính theo phép thông thường cho giống cà phê Catimor, năng suất bình quân hai tấn/ha với giá hai mươi ngàn đồng một kg thì mỗi ha sẽ thu về bốn chục triệu, trừ chi phí đất đai, phân, giống, thuế, má… hai mươi triệu vẫn còn hai mươi triệu lãi. Cứ hai mươi triệu một ha, phấn đấu đến năm 2.000 Hướng Hoá - Khe Sanh có hai ngàn ha trong số năm ngàn ha quỹ đất kia là có thể cầm chắc một con số bốn mươi tỷ đồng, gần bằng số thu của cả tỉnh hiện nay trong một năm. Là nói thế thôi, chứ để một ha đất thành một ha cà phê nào có dễ dàng gì. Trồng cây cà phê gay go nhất là vốn ban đầy. Để có một ha cà phê cần hai mươi triệu đồng (những năm sau chỉ tập trung cho săn sóc nên cần ít vốn hơn) trong khi đầu tư trồng một ha các laọi cây khác đâu chỉ cần ba triệu rưỡi đồng. Giả sử như con số hai ngàn ha vào năm 2000 là có thực thì chia bình quân từ nay đến đó, mỗi năm trồng thêm bốn trăm ha. Nhân hai mươi ttrịêu với bốn trăm ha, cần tám tỷ đồng mỗi năm cho cà phê – Một con số Hướng hoá khó lòng kham nỗi, cần có hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là ngân hàng.
Tiềm năng của cây cà phê Hướng Hoá không còn phải bàn nhưng để tiềm năng thành hiện thực?
Tôi lại lặng lẽ tản bộ qua những con đường phố núi, những con đường chưa kịp đặt tên, những con đường ngan ngát thơm hoa cà phê buổi tháng ba, thơm mùi cà phê chín tháng mười, thơm cả hương cây bồ kết, ngây ngất những hương quế vừa trồng thử nghiệm… Miền đất quả vàng, hiểu một cách chân chính và hiền thục như đất đai thôi chứ đừng “xiên xẹo” qua chuyện “đánh quả”: Khe Sanh đã sôi động từ mười lăm hai mươi năm trước như là nơi tập kết và phân tán hàng qua biên giới, những mùa “xơng lẹc” thời bảy chín - tám mươi, những năm hàng bạn Lào quá cảnh qua đây hàng triệu tấn mỗi năm, người từ Nam ra, người từ Bắc vào, ồn ào náo nhiệt, đóng hàng hoá và đánh quả… Phố núi đã giàu lên trên những phù hoa rối bời xuôi ngược ấy, rồi đến một lúc như chợt trấn tĩnh lại, nhìn vào đời, nhìn vào mình lặng lẽ nghiệm sinh với bazan.
Tôi hiểu khát vọng làm giàu của dân Khe Sanh không là chuyện “đánh quả” nữa. Nhiều hộ bắt đầu tung vốn vào “cuộc chơi càphê”. Bên ly cà phê quánh sánh ông anh họ của tôi tâm tình không giấu giếm: “Anh vừa bán chiếc Dream và vét tất tần tật những gì có thể để đổ vào ba hecta cà phê này, chỉ cần trúng một vụ đầu tiên thôi là anh lấy lại vốn và có thể lãi ròng trong những vụ sau”. Trường hợp như ông anh họ của tôi không phải là thiếu, có người ít ỏi lắm cũng ráng cho được vài sào. Kể ra ở ta, chuyện dân buôn đang giàu có vậy bỗng bán xe bán nhà chuyển qua nghề nông là sự lạ nhưng năm chín tư, lúc cà phê lên giá nghe đâu cả hàng chục vị tỉ phú ở Sài Gòn kéo nhau ra Tây Nguyên mua lại cả hàng trăm hecta cà phê. Mộng trở thành điền chủ xem ra là một lý do lãng mạn. Kinh doanh đồng nghĩa với “sinh lãi hay là chết”! Không ngốc nghếch gì mà những đầu óc “Casio 12 số” ấy không biết được cà phê đang lên ngôi và còn lên nữa!
Những bạt ngàn bazan đang đợi đồng vốn đầu tư ở Hướng hoá, tôi tin rằng không chỉ ở mức hai ngàn hecta cho năm 2.000 mà con số ấy sẽ còn lớn hơn. Nếu ngay bây giờ có một chính sách khuyến khích hợp lý sẽ có nhiều người đầu tư cho cây cà phê. Nên nhớ rằng vốn ở trong dân thừa sức để trồng gấp nhiều lần tiềm năng diện tích đất đai ấy.
Tôi vẫn nghĩ rằng Khe Sanh- Hướng hoá là một ân tứ của thiên nhiên đền bồi cho Quảng Trị, nếu chúng ta không biết cách thức dậy những bạt ngàn bazan ấy hoá chúng ta đã phụ ơn của trời đất nước non hay sao? Khe Sanh, Khe Sanh – miền đất quả vàng. Tin như thế đến vô cùng.
L.Đ.D.