Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khi đàn bà ra biển...

"Ở

 vùng biển Gio Linh này chuyện phụ nữ đi biển không phải là chuyện hiếm. Nói đâu xa, chú cứ lên thôn Quy Hà (xã Gio Việt), bây giờ vẫn có rất nhiều chị em phụ nữ hàng ngày cùng chồng ra biển...nhưng họ cũng chỉ đánh bắt cá, mực cách bờ có vài hải lý. Riêng tôi, không phải tự hào với chú chứ mỗi chuyến ra khơi là phải đánh bắt ở ngư trường cách bờ đến 40 - 50 hải lý. Khi thuyền buông neo, chợt ngoái nhìn lại đến đảo Cồn Cỏ cũng không nhìn thấy mà xung quanh chỉ là một màu xanh của bao la đại dương" - Bà Lê Thị Thẻo (60 tuổi) ở khu phố 2 (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) đã cởi mở với tôi như vậy khi nói về nghề biển mà bà gắn bó gần 50 năm.

Đi biển ngày xưa...

Ngồi giữa đống lưới chất đầy xung quanh mình, bà Thẻo vẫn không phút ngơi tay vá lưới. Vừa làm, bà vừa kể cho tôi nghe chuyện bà đi biển hồi còn chiến tranh. Bởi như cách nói vui của bà thì tất cả mọi chuyện đều phải "có đầu, có đuôi". Bà kể: "Tôi bắt đầu đi biển từ khi mới 10 tuổi (khoảng năm 1963). Khi đó, ngư dân như gia đình tôi đi biển cơ cực trăm điều bởi bọn Mỹ - ngụy nó chèn ép đủ đường. Chú nói không cực sao được khi mà muốn đánh bắt nhiều cá thì phải nương theo con nước để thả lưới. Nhiều lần vì theo luồng cá, thuyền vào khu vực mà bọn Mỹ - ngụy cấm đánh bắt, vậy là chúng lên thuyền lục soát và bắt cả nhà phải xếp hàng để chúng khám người vì nghi thuyền của gia đình tôi đi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Lúc ấy, còn nhỏ nên tôi sợ quá, cứ nép vào cha tôi mà khóc thút thít. Hồi đó, thuyền chèo bằng tay hoặc căng tấm buồm nâu vá víu nương theo hướng gió nên chỉ đánh bắt gần bờ với nghề lưới gấc, câu mực...Rồi quê hương hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi vẫn tiếp tục nghề đi biển cho đến năm 1974 thì tôi lấy chồng. Cứ tưởng lấy chồng sẽ hết theo nghề biển, nhưng rồi gia đình chồng neo người, vậy là tôi lại lên thuyền cùng chồng ra khơi."

Năm 1975, khi Hợp tác xã (HTX) Long Hà (lúc đó còn thuộc xã Gio Việt) được thành lập, bà cùng chồng tham gia HTX. Ở quy mô HTX nên công suất của đội thuyền cũng lớn hơn con thuyền của gia đình bà trước đó nhưng không có nghĩa là những phụ nữ theo nghề biển hết vất vả. Theo dòng ký ức của bà Thẻo thì những năm đi làm công (tính công điểm) trên thuyền của HTX Long Hà vất vả nhất là những hôm gặp mưa giông. Thuyền không có ca bin nên mấy chị em (lúc đó ở HTX Long Hà có 3 - 4 phụ nữ tham gia) ôm nhau lạnh run cập cập ở đầu mũi thuyền, còn phía cuối thuyền là cánh nam giới. Rồi những hôm thuyền HTX gặp giông tố, thuyền cứ chao đảo và nước biển tràn vào khoang, lúc ấy mấy chị em cũng phải cùng cánh nam giới mặc áo mưa xuống khoang thuyền tát nước suốt đêm. Thuyền vào đến bờ, mới biết mình còn sống nhưng hai cánh tay tát nước mỏi đến tê cứng từng sợi cơ. Hồi đó, nghề đánh bắt thủy sản mà các HTX thường làm là nghề đánh lưới rê.

   Vất vả như vậy, nhưng công điểm HTX tính cho không đủ tiền đong gạo. Con cái thì cứ lần lượt từng đứa ra đời, nên gia đình tôi cứ mãi trong vòng vây thiếu đói. Mãi đến năm 1989, thì gia đình tôi ra khỏi HTX rồi vay mượn bà con, họ hàng khoản tiền để đầu tư mua sắm thuyền, ngư lưới cụ. Có thuyền, cả gia đình gồm hai vợ chồng cùng hai đứa con hợp  thành một đội thuyền đạp sóng ra khơi. Nghề đánh bắt lúc đó là câu mực bằng đèn măng xông, vó mực, câu vàng... Có thuyền riêng nên thu nhập của gia đình cũng khá giả hơn so với hồi còn làm công điểm trong HTX bởi sản lượng cá, mực... đánh bắt được có chia phần cho ai đâu. Sau này, khi hai vợ chồng tích cóp được một khoản tiền thì bắt đầu đầu tư mua sắm thuyền lớn, ngư lưới cụ hiện đại hơn để đánh bắt ở các ngư trường cách xa đất liền hàng chục hải lý" - Bà Thẻo nhớ lại.

Khi tôi hỏi bà công việc của một phụ nữ khi làm ngư dân đánh bắt trên biển. Bà cho biết: "Phụ nữ đi biển thì cũng có khác gì nam giới. Cứ chiều đến là tôi cùng với chồng con lên thuyền ra biển. Đến nơi đánh bắt, tôi có nhiệm vụ nấu cơm tối, còn chồng và các con thì tranh thủ câu mực, câu cá. Đêm xuống, đèn măng xông được thắp sáng cũng là lúc cả gia đình cùng buông cần câu mực... Nhiều đêm, câu không có mực nên chồng con ngủ hết, tôi ngồi câu một mình. Câu mực luôn phụ thuộc vào từng thời khắc lưu chuyển của dòng hải lưu trong đêm cũng như khi mực bám ánh sáng đèn, ăn mồi nên phải chịu khó ngồi câu suốt đêm thì mới chớp được thời khắc đó. Khi mực bắt đầu bám ánh sáng đèn, ăn mồi, tôi mới thức chồng, con dậy câu. Còn câu vàng thì phải đợi đến 4 giờ sáng mới thả câu. Để chú tiện hình dung ra công việc thả câu vàng, tôi miêu tả chi tiết một chút cho chú hiểu. Câu vàng là một đoạn dây to bằng đầu đũa, có chiều dài khoảng 3 - 4 hải lý và ở các đầu đoạn dây được gắn phao đánh dấu. Trên đoạn dây đó, cứ khoảng cách 2 m thì buộc một sợi dây câu nhỏ hơn có gắn lưỡi câu. Công việc trước khi thả câu là phải dùng số mực, cá câu được trong đêm đem cắt nhỏ để móc vào lưỡi câu. Thả câu vàng phải cần đến sự tỉ mỉ trong từng công đoạn nếu không dây câu sẽ bị rối là không thả câu được. Từ 3 - 4 giờ sáng bắt đầu thả câu thì phải đến 6 giờ sáng mới xong. Thả câu xong, cả thuyền ngồi chờ khoảng vài tiếng đồng hồ mới tiếp tục làm công việc kéo câu lên. Thả câu vàng thường bắt các loại cá như cá đổng, cá mú... Nhiều lần kéo câu trúng vài tạ cá đổng, cá mú là chuyện bình thường. Khoảng vài năm trở lại đây, nhiều tàu, thuyền ở vùng biển Gio Linh không còn làm câu vàng nữa mà tập trung đầu tư mua sắm các loại hình ngành nghề đánh bắt thủy sản hiện đại hơn như lưới rê bùng nhùng, pha xúc, vây rút chì...bởi sản lượng đánh bắt nhiều hơn nghề câu vàng. Nhớ lại, những năm đó mực, cá nhiều lắm chứ không như bây giờ."

"Kình ngư" cuối cùng

Tôi hỏi bà Thẻo "bí quyết" để trở thành một "kình ngư" thạo nghề trên biển, bà cười rồi bảo rằng: "Có gì mà "bí quyết" chú. Muốn đi biển được thì điều đầu tiên là phải đối diện với say sóng đến nôn ra mật xanh, mật vàng với cảm giác lâng lâng, nao nao khó tả lắm... Người nào có thể trạng tốt thì thời gian bị say sóng ngắn, tức là khoảng 2 - 3 ngày đi biển là hết say, còn người nào yếu thì say sóng cả tuần. Vượt qua được giai đoạn say sóng rồi thì ở giữa biển cũng giống ở đất liền thôi. Một yếu tố cần thiết để trở thành ngư dân nữa đó là phải biết bơi lội giỏi, bởi không biết bơi nếu thuyền gặp giông tố hoặc sơ sẩy bị rơi xuống biển thì chỉ có cầm chắc cái chết. Còn để trở thành một ngư dân lão luyện trong nghề biển thì phải biết học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước như học cách đoán được hướng lưu chuyển của dòng hải lưu, hướng gió, thủy triều lên xuống, phán đoán được hướng đi của đàn cá, xác định được thời điểm nào buông câu thì cá, mực ăn và khi nào thì không...Nói chung là có nhiều thứ để học và thậm chí học cả đời cũng không hết đâu chú".

Ngừng công việc vá lưới để đưa tôi ra thăm chiếc tàu xa bờ có công suất hơn 90 CV của đứa con trai bà mới mua trong năm 2010. Bà nói: "Tôi nghỉ nghề biển khoảng 3 năm nay, bởi các con khuyên nên ở nhà chăm sóc các cháu và tôi cũng tự thấy mình tuổi già sức yếu ra biển không giúp gì được cho con mà nhiều khi còn vướng tay, vướng chân mấy đứa. Chú xem, tàu mấy đứa là tàu đánh bắt xa bờ loại lớn nên mỗi lần đi đánh bắt phải từ 15 - 17 ngày mới về bến. Ngư lưới cụ trên tàu toàn là loại nặng cần đến sức trai tráng mới làm nổi chứ như sức lực của tôi cầm đến cục chì của vàng lưới cũng cầm không nổi rồi. Không đi biển nữa thì ở nhà chăm mấy đứa cháu rồi vá lưới giúp các con."

"Bây giờ không chỉ ở khu phố 2 mà cả thị trấn Cửa Việt không có phụ nữ đi biển nữa. Có lẽ tôi là người phụ nữ cuối cùng ra biển ở thị trấn này. Từ ngày không còn ra biển, nhiều khi tôi nhớ quay quắt từng con sóng, nhớ ánh đèn giăng mắc giữa trùng khơi cứ như thành phố nổi trên biển. Nhớ quá, nên hai vợ chống bàn nhau sắm chiếc thuyền nhỏ đêm đêm ra sông Hiếu thả lưới, câu cá mòi....Không đánh cá trên biển thì đánh cá trên sông chú nhỉ!" - bà Thẻo tâm sự với tôi trong sự tiếc nuối về quãng đời gắn bó với biển khơi. Tôi biết trong tận đáy sâu tâm hồn bà từng giờ, từng phút vẫn hướng về biển cả, nơi các con của bà cũng như những ngư dân vùng biển đang hàng ngày đánh bắt từng luồng cá để làm giàu cho gia đình và quê hương.

 

H.T.S

HOÀNG TIẾN SĨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 231 tháng 12/2013

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

8 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground