Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khi người tốt im lặng

Nguyên nhân khiến người tốt phải im lặng không chỉ xuất phát từ sự tự ti, mà phần nhiều là do những đánh giá cay nghiệt, những định kiến gay gắt của xã hội.

Cổ nhân có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Có lẽ từ thuở sơ khai, cha ông ta đã biết nhìn nhận nội tâm của con người, từ đó phân định rõ ràng hai mặt tốt, xấu trong xã hội. Thử hỏi thế giới sẽ đáng sợ ra sao nếu chỉ tồn tại người xấu và những hành động vô nhân? Song, đó chưa phải là điều đáng sợ nhất. Đáng sợ hơn là khi thế giới này có nhiều người tốt nhưng họ... im lặng.

Người tốt là một khái niệm cụ thể nhằm chỉ những con người có lối sống tốt, sống đẹp, sống có ích cho đời. Những con người với cách sống đúng đắn, lời lẽ văn minh, hành động phải phép luôn là tấm gương để người khác noi theo, đồng thời cũng là những cá nhân có vai trò to lớn trong sự phát triển và hội nhập của nước nhà trên mạng lưới quốc tế. Một cá nhân được xem là người tốt chỉ khi họ có khuynh hướng tích cực trong từng suy nghĩ và lời nói, có cách xử lý tốt đẹp trong từng tình huống. Nhưng không có ai là hoàn hảo cả! Có những con người mang nhiều suy nghĩ chín chắn, nhiều lí tưởng tốt đẹp lại “bất động” trước một tình huống bất bình. Có những con người thường ngày ăn nói khôn khéo, dễ dàng truyền tải thông điệp tích cực đến với người khác nay lại “câm nín” trước một hành động thiếu tình người. Đó chính là “sự im lặng của người tốt”.

Tại sao họ phải “im lặng”? Có rất nhiều người luôn mang trong mình một dòng năng lượng đầy tích cực và nhiệt huyết, họ có những ước mơ và hoài bão, một trong số chúng là khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, khiến con người ta biết yêu thương và quan tâm nhau hơn. Mặc dù vậy, bản thân những con người ấy lại để mất đi lòng can đảm, sự tự tin và kỹ năng truyền tải thông tin đến đám đông. Nói cách khác, họ không có đủ khả năng để nói lên suy nghĩ, không giỏi trong việc thuyết trình, hay không tin tưởng vào chính mình. Sự dè dặt, nỗi xấu hổ đã chèn ép “cái tôi” người tốt trong họ, ngăn cản dòng suối lý tưởng ấy và giam giữ họ trong tình thế “bị động”. Và cứ thế, những người không có tinh thần thể hiện quan điểm cá nhân trở thành những con người không có tiếng nói trong xã hội, sự im lặng ban đầu nay thành thói quen, thế giới của người tốt cũng theo đó mà hình thành thế giới của sự im lặng, sự vô cảm.

Nguyên nhân khiến người tốt phải im lặng không chỉ xuất phát từ sự tự ti, mà phần nhiều là do những đánh giá cay nghiệt, những định kiến gay gắt của xã hội. Những con người với lời lẽ xấc xược, hành vi mờ ám, không quang minh chính đại như những cái đinh nhọn “đâm thủng lốp xe tư tưởng” của người tốt, dồn ép người tốt vào ngõ cụt bằng chính sự thiếu hiểu biết, sự bảo thủ của mình. Bên cạnh những con người với ý đồ xấu, còn có sự hiện diện của một nhóm “người đặc biệt”. Họ không làm hại ai, song cũng chưa làm được việc gì có ích. Họ thờ ơ, vô trách nhiệm với cuộc sống của bản thân mình, cũng như tỏ ý không quan tâm đến tương lai đất nước. Cái cốt lõi ở đây là họ tỏ vẻ vô tâm, lạnh lùng, không chịu khó lắng nghe, không chấp nhận tiếp thu những giá trị từ ý kiến của người tốt. Họ không hề phản hồi, không hề đáp trả, cũng chẳng đồng tình hay thực hiện các hành động chống đối người xấu, việc làm xấu. Chính những con người xấu và những con người vô cảm ấy đã dẫm đạp lên “cái tôi” của người tốt, khiến những con người với lối sống tốt đẹp rơi vào trạng thái bất lực, đánh mất sự tự tin vốn có. Thêm vào đó, những con người mang mặt xấu của xã hội ấy như đánh một đòn chí mạng vào tâm trạng của những người tốt, khiến họ chịu một lượng áp lực lớn về mặt tinh thần, buộc họ phải sống trong im lặng. Bởi lẽ, lựa chọn im lặng chính là chọn lựa một cuộc sống an toàn.

Một số ý kiến cho rằng “sự im lặng của người tốt” không đáng là một vấn đề cần bàn luận. Khi người tốt im lặng, họ chẳng làm ảnh hưởng đến ai, cũng không ai muốn làm hại họ, tại sao lại phải xé một vấn đề nhỏ bé ra một vấn đề lớn cơ chứ? Vâng, đây là một câu hỏi có căn cứ. Đúng là khi người tốt im lặng, họ không có tác động nào ảnh hướng đến những người khác. Nhưng nếu nói ngược lại, khi những người ngoài kia phát ra tín hiệu của sự xấu xa, bất ổn đến họ, thì liệu im lặng có phải là một biện pháp tốt hay không? Cụ thể hơn, chúng ta vô tình nhìn thấy một đứa trẻ gặp nạn ngay trước mắt, ta lẳng lặng làm ngơ và cúi đầu đi qua? Hay ta bị ép chứng kiến bạn bè là nạn nhân của nạn bạo lực học đường, ta ngậm ngùi giấu giếm và giữ bí mật với thầy cô hay sao? Sự im lặng trước những sự việc này chính là nguồn gốc tạo nên một bức tường vô cảm lạnh lẽo đến chết người. Sự im lặng ấy đã vô ý hình thành một lá chắn ngăn cách tình người, sự im lặng ấy tạo điều kiện để những kẻ xấu xa ngoài kia cảm thấy đắc chí, tiếp tục thực hiện những hành vi vô đạo đức. Sự im lặng ấy tiếp tay cho mặt tối của xã hội, khiến những con người đáng thương càng thêm đáng thương, những con người đáng ghét càng đáng bị chỉ trích. Cuối cùng, khi những người tốt chấp nhận “im lặng”, nguồn sáng hạnh phúc trên thế giới sẽ vụt tắt, thay vào đó là thứ bóng đêm u tối, bóng đêm của những rủi ro, bóng đêm của những ấm ức không được giải thoát, bóng đêm trong lòng người.

Có em bé hỏi mẹ: Nếu cá voi khóc thì sao hả mẹ? Người mẹ trả lời rằng, chẳng ra sao cả, vì bao quanh cá voi là đại dương. Thật vậy, cá voi là một sinh vật với kích thước đáng kể, song nó cũng chỉ là một vật thể tầm thường dưới con mắt của đại dương. Con người cũng vậy. Con người vốn là một loài động vật cấp cao, bởi lẽ con người có tư duy, có tình cảm. Tuy nhiên, trong thế giới loài người, một cá nhân chỉ là một hạt bụi, một hạt cát bé nhỏ giữa lòng sa mạc mang tên xã hội ấy. Và sẽ ra sao khi ta đánh rơi những giọt nước mắt trong một xã hội thiếu tình thương, một xã hội mà con người chỉ biết cam chịu và im lặng? Lúc ấy, bao quanh ta là sa mạc khô cằn, là những con người không có tâm hồn. Vậy chẳng phải là điều khiến ta phải ái ngại hay sao? Hãy thay đổi hướng nhìn nhận. Đại dương rộng lớn ấy sẽ cuốn trôi giọt nước mắt của cá voi, đưa giọt nước ấy đến những miền xa, đến nơi có đồng loại của chúng, để chúng phần nào vơi bớt nỗi cô đơn, hiu quạnh. Con người cũng thế, có người này người kia. Nếu chúng ta lỡ đánh rơi nước mắt trước mặt những người bạn tốt, những người biết an ủi, cảm thông, họ sẽ biến giọt nước mắt nỗi niềm thành giọt nước mắt của sự hạnh phúc. Qua đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, lúc nào người tốt còn lên tiếng, lúc ấy vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.

 

N.V.T.T

 
Nguyễn Võ Thanh Thanh - Lớp 10 Văn, trường chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 325

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground