Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khoán ước trăm năm

N

ằm im lìm phủ bụi tại miếu khai canh trong suốt ba mươi năm (năm 1945 - 1975) cũng bởi đất làng Phú Kinh (xã Hải Hòa, Hải Lăng) qua bao phen binh lửa, đạn bom từ giặc Pháp cho đến giặc Mỹ. Mười hai năm sau ngày dân làng tứ tán bởi chiến tranh quay về dọn đống gạch vỡ, dựng lại mái nhà xưa trên đất làng thì phiến gỗ lim nghìn tuổi khắc dày đặc chữ Hán cất giấu ở miếu khai canh dần bị lãng quên trong trí nhớ người làng vì lý do người làng không hiểu nội dung chữ nghĩacủa các bậc tiền nhân để lại. Tất cả chỉ được hé lộ trong một ngày đẹp trời (khoảng tháng 3 năm 1987) khi đoàn giảng viên, sinh viên Khoa sử (Trường Đại học tổng hợp Huế) trong chuyến điền dã để nghiên cứu gia phả tộc họ cũng như lịch sử hệ thống làng, xã của các tỉnh miền Trung đã vềvùng “chiêm trũng” Hải Hòa tìm thấy và tiến hành dịch thuật. Những con chữ tượng hình yên ngủ trên phiến gỗ lim được giải mã thành bản Khoán ước Phú Kinh với các quy định về phân chia ruộng đất “vĩnh nghiệp” khuyến học, khuyến tài; giữ gìn an ninh trật tự và nếp sống văn minh được các viên chức, hương lão của làng soạn thảo cách đây hai trăm ba mươi tư năm vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay.

Quá tò mò trước số phận thăng trầm của bản Khoán ước thành văn có lẽ là sớm nhất miền Trung, tôi tìm về làng Phú Kinh trong tiết trời se lạnh của một ngày cuối năm để mong hiểu biết thêm về gốc rễ, nguồn cội văn hiến của một làng quê nằm cuối dòng sông Ô Lâu. Sau tuần hương dâng lên các đấng khai canh, lập làng, ông Lê Hồng, Trưởng thôn Phú Kinh dẫn tôi đến bên bảnKhoán ước được dựng trang trọng tại đình làng và cho biết: Theo những người cao tuổi trong làng thì trước năm 1945, bản Khoán ước Phú Kinh được dựng tại đình làng. Sau đó, đình làng bị bom, đạn giặc Pháp rồi giặc Mỹ tàn phá nên người làng mới mang bản Khoán ước cất giấu ở miếu khai canh của làng. Ngày đất nước thống nhất, người làng trở về làm ăn sinh sống trên đất làng và nhiều lần trùng tu, tôn tạo miếu khai canh đã nhìn thấy phiến gỗ lim dài 2,4 m, rộng 0,35m, dày 0,06m khắc đầy chữ Hán. Lúc ấy, do người làng không ai biết chữ Hán nên không hiểu nội dung ghi chép những gì. Tuy nhiên, nhiều người làng với suy nghĩ phiến gỗ ghi dày đặc chữ Hán kia chắc có ý nghĩa lịch sử gì đó có liên quan đến làng, đến xã nên họ cẩn thận cất giữ. Mãi đến năm 1987 qua bản dịch thuật toàn văn nội dung ghi trên phiến gỗ của các giảng viên Khoa sử (Trường Đại học tổng hợp Huế) thì người làng mới biết đó là bản Khoán ước do các viên chức, hương lão của làng soạn thảo vào ngày cốc nhật, thượng tuần tháng cuối mùa hạ (năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng - năm 1774). Bản dịch Khoán ước hiện đang được các giảng viên lưu trữ tại Khoa sử (Trường Đại học khoa học Huế) để phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành làng, xã. Để làm sáng tỏ lịch sử hình thành nên đất làng cũng như khơi gợi niềm tự hào của con người làng về miền đất Phú Kinh văn hiến lâu đời, năm 2002 ông cùng một số người làng đã lặn lội vào tận tỉnh Thừa Thiên Huế để in ấn rồi mang toàn văn bản Khoán ước về làng.

Nhận từ tay ông Hồng toàn văn bản Khoán ước Phú Kinh, tôi lần giở từng trang để rồi đi từ bất ngời thú vị này đến bất ngờ thú vị khác trước sự văn minh, công bằng, tình thương và lẽ phải mà các viên chức, hương lão thôn Phú Kinh hướng đến trong bối cảnh của thể kỷ XVII khi vua, chúa, quan lại không ngừng vơ vét, bóc lột của người dân lao động bằng chính sách tô thuế hà khắc để phục vụ cho lòng tham vô đáy của mình. Khoán ước Phú Kinh ghi “Làng ta ở nơi cồn nước cằn cỗi, không có vườn tược riêng chỉ nhờ vào những khẩu phần công điền để hàng năm cày cấy và chịu thuế. Thế nhưng, việc quân cấp công điền thì hai bậc viên quan, viên chức ở trên chiếm trước đến bọn dân thường hạng ba phải cam chịu bậc dưới, phải nhận phần ruộng đất đá sỏi, hoang vu nên dù có ra sức cày cấy cũng không đủ nộp thuế, thậm chí phải bán vợ, đợ con đến nỗi phải bỏ làng ra đi trở nên thất nghiệp. Cái tệ nạn không công bằng ấy, không cần phải chời đợi sự phân tích cũng thấy đủ rồi”. Để khắc phục tình trạng không công bằng trong phân chia ruộng đất và hướng đến việc người dân có được mảnh ruộng để cấy cày, chăm bón suốt đời, Khoán ước chỉ ra cách giải quyết với nhiều quy định khá chặt chẽ như “Nay viên chức làng xã họp bàn, phỏng theo phép tắc xa xưa, lấy những nơi ruộng đá sỏi chia đều cho mọi người dân lớp dưới để họ được làm chủ đời đời, cha truyền con nối, anh chết em thay, khuyên nhau cày cấy chuyên cần để số ruộng đất đá sỏi, cằn cỗi ấy trở nên ruộng tốt. Như thế thì đồng ruộng được mở rộng ra, bảo đảm thuế khóa cho nhà nước, nhân dân sẽ no đủ, việc tiêu dùng hàng ngày nhờ đó cũng dễ dàng hơn”… “lệ ruộng vĩnh nghiệp được đặt ra trên dưới đều bình đẳng, mỗi người nhận một phần”… “Ruộng ấy, lưu truyền mãi mãi, cha chết con kế thừa, anh qua đời em nối nghiệp. Thảng hoặc có một người nào đó không may khi đã chết mà ruộng đất con cháu được chia đầy đủ rồi, thì đợi đến ngày đoạn tang sẽ đem phần ruộng ấy nhượng lại cho các cháu mồ côi và tô thuế sẽ được giảm đi một nửa. Đó là để tỏ lòng ái tuất những người cô quả để cho những kẻ mẹ góa con côi có thể nuôi nhau. Đến lúc trưởng thành đứa con côi ấy sẽ chính thức nhận phần ruộng của người quá cố. Còn như người chết không có con trai nối nghiệp thì phần ruộng đất ấy sẽ chiếu cấp cho người khác. Trẻ con đến tuổi trưởng thành có tên trong sổ bộ mà chưa được phân chia ruộng đất thì hãy đợi đến 10 năm sẽ phân lại. Khi phân lại ruộng đất nếu có thừa ra thì đem chia số ruộng đất thừa ấy cho dân đi di tản mới về làng mà trước đây chưa được nhận phần ruộng vĩnh nghiệp”. Bên cạnh việc phân chia lại ruộng đất vĩnh nghiệp đảm bảo sự công bằng cho người dân trong làng thì Khoán ước Phú Kinh có các quy định về khuyến học, khuyến tài “Việc du học của con em trong xã thì từ 15 tuổi trở lên cứ ba năm một kỳ mở lớp sát hạch. Tùy theo mức độ cao thấp mà đánh giá kết quả. Ví dụ như thuộc đúng kinh truyện một vài thiên, có am hiểu văn nghĩa, thông thạo kinh nghĩa, biết làm văn thể tứ lục, có mức độ khen thưởng, miễn khỏi đi sưu. Có làm được như vậy mới động viên được kẻ sĩ, mới phát huy được sĩ khí văn phong”… “còn như con em trong làng  nên cố gắng trau dồi lễ nghĩa, ra sức kiệm cần, con trai bắt đầu từ 7,8 tuổi nên dạy dỗ ở bậc Tiểu học, lấy trung hiếu làm đầu, càng lớn dần thì càng cố gắng nỗ lực học tập tiến bộ, còn những đứa trẻ ngây ngô, ngọng liệu thì khuyên học tập việc nông trang, không nên lười biếng”. Để gìn giữ nếp sống văn minh, giữ vững thuần phong, mỹ tục và đảm bảo an ninh trật tự trong thôn xóm, Khoán ước quy định “Răn đe tệ loạn luân, hoang dâm, trộm cướp: Người trên đời cốt giữ được lễ giáo, đạo vợ chồng là cái giềng mối chính của thiên luân, làng ta đã vượt ngoài cái lễ giáo ấy quá nhiều, nay nên sửa cái xấu đó. Từ nay trở đi là những người làm cha làm mẹ khi dựng vợ gả chồng cho con cái nên cẩn thận, răn đe, không nên được quan hệ hôn nhân trong những người cùng dòng khác phái. Một là để tôn trọng phép nước, giữ đúng tôn tộc. Hai là để vãn hồi phong tục tốt đẹp ở hương thôn, để có cái gì khác với “mọi rợ”. Nếu gia đình nào phạm phải thì cả hai bên đều bị phạt nặng, đồng thời bắt buộc dâu rể phải chia lìa. Hoặc có kẻ loạn dâm có thai thì cả hai đều bị phạt”… “Để răn đe những kẻ chuyên trộm cắp, từ nay, nếu người nào phạm phải thì sẽ bị thu hồi ruộng đất vĩnh nghiệp, tái phạm sẽ bị thu toàn bộ ruộng đất để tìm nghề làm ăn, nhưng nếu tái phạm quá ba lần sẽ bị trục xuất ra khỏi làng để giáo dục những kẻ chưa phạm tội”. Khuyên con dâu trong làng dù làm nghề gì cũng phải biết chí thú rèn luyện tay nghề, không buôn gian, bán lận “Nghề thợ nếu có công cụ sắc bén, luôn luôn trau dồi nghề nghiệp, sáng chế ra những đồ tinh xảo. Còn những kẻ đi buôn thì cũng nên tính toán sang hèn, tùy theo thời cơ mà giữ khí, không nên chạy theo bọn buôn gian, bán lận, không học đòi theo bọn tụ tập cờ bạc, rượu chè say sưa… để mang tiếng xấu cho xóm làng.” Con dân người làng phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để tạo nên khối đoàn kết trong xóm, làng “Sống với nhau trong xã hội cũng cần phải cố gắng giữ gìn mối hòa thuận, kính già yêu trẻ, thương kẻ côi cút tật nguyền, giúp nhau khi đau ốm, cứu nhau khi hoạn nạn, chớ khinh người nghèo hèn, yếu đuối. Luôn luôn giữ mình trong sạch, chớ nên làm những điều lợi mình, hại người”.

Ông Lê Hồng không giấu được niềm tự hào, phấn khởi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió cho biết thêm: Vừa rồi trùng tu, tôn tạo lại đình làng, người làng Phú Kinh đã mang phiến gỗ lim khắc bản Khoán ước về dựng tại đình làng. Việc dựng lại bản Khoán ước tại đình làng là để con cháu ngày nay soi vào những điều răn dạy của các bậc tiền nhân mà suy ngẫm từng hành động của bản thân mình. Làng Phú Kinh hiện nay có 349 hộ, 1.823 nhân khẩu. Mặc dù đời sống của bà con dân làng chủ yếu là làm ruộng nên chưa được khấm khá lắm nhưng việc học hành của con em luôn được người làng đặt lên hàng đầu để “phát huy được sĩ khí văn phong” của đất làng. Chỉ trong vòng 5 năm (năm 2003 - 2008) trở lại dây, làng Phú Kinh đã có trên bốn mươi em tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về đảm nhiệm công tác tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Làng trên, xóm dưới hầu như tệ nạn trộm cắp, say rượu đánh nhau gây mất trật tự thôn xóm ít khi xảy ra. Người làng cho dù sinh sống ở đâu cũng luôn bảo ban nhau thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, âu đó cũng là cốt cách được hàm dưỡng, lưu truyền qua các thế hệ thành cách sống hầu như đi vào tiềm thức của mỗi người dân làng Phú Kinh, không kể giàu nghèo sang hèn.

Tôi thử sờ tay vào phiến gỗ lim ghi khắc bản Khoán ước của làng Phú Kinh chợt thấy từng vân gỗ mát dịu như dòng sữa ngọt chảy về từ cội nguồn sâu thẳm đất làng. Và tôi hiểu, người làngPhú Kinh hiện tại cũng như tương lai dù có làm ăn, sinh sống tại làng hay tỏa đi muôn phương mưu sinh cơm áo thì trong mạch máu vẫn lưu giữ dòng sữa ấy để tự dưỡng nuôi mình và tiếp nhận bao điều mới lạ mà không bao giờ đánh mất bản thân mình.

     H.T.S

 

Hoàng Tiến Sĩ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 183 tháng 12/2009

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

23 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground