Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khói bay lên trời

C

ó một trang ký sự chiến trường viết như thế này: Đúng 17 giờ ngày 6 tháng 2 năm 1968, trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu. Pháo các cỡ của ta bắn áp chế đợt một vào căn cứ. 18 giờ, hai đại đội tăng xuất kích, Đại đội tăng lội nước PT-76 số 9 từ khu tập kết Pêsai bơi bốn kilômét theo dòng Sêpôn, 22 giờ đến tuyến điều chỉnh cuối cùng ở làng Troài cách địch 1800 mét. Ở đây có con đường địch dùng lấy cát về xây dựng cứ điểm Làng Vây nên rất tiện cho xe tăng tiếp cận và xung phong. 23 giờ 15 phút, pháo ta bắn đợt hai. Xe tăng trên cả hai hướng triển khai chiến đấu. Ở hướng chính, một xe sa xuống hố bom không kéo lên được. Vì địa hình hẹp, trung đội một triển khai lên trước dùng pháo bắn mạnh vào vị trí địch, sau năm phút đã diệt hai lô cốt. Hỏa lực chính xác của xe tăng đã yểm trợ cho bộ binh và công binh đột phá nhanh cửa mở. Xe tăng 573 trúng đạn DKZ của địch vẫn dũng cảm chiến đấu diệt thêm một số mục tiêu. Trung đội tăng hai và tăng ba tràn qua cửa mở phát triển vào bên trong đánh chiếm khu vực đại đội biệt kích 101 và 104. Hỏa lực địch ở sườn phải bất ngờ bắn mạnh vào đội hình. Trưởng xe Nguyễn Văn Thành bị thương nặng. Lái xe Phạm Văn Hương bị thương vào chân và tay phải. Hương nhờ pháo thủ số hai giúp mình kéo cần lái và đạp chân dầu tiếp tục cho xe xông lên. Ở hướng tây, xe tăng ta dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh đánh chiếm cao điểm 320. Xe của trung đội trưởng Nguyễn Văn Tân đang vận động thì trúng đạn. Nguyễn Văn Tân bị thương nặng nhưng vẫn động viên các chiến sĩ tiếp tục bắn yểm hộ cho bộ binh xung phong. Chiếc xe dừng lâu tại chỗ trở thành mục tiêu cố định. Pháo địch dồn dập bắn tới, Tân và cả kíp xe hy sinh…

Những ngày cuối tháng chạp năm Mậu Thân, như nhiều nơi khác trên miền Bắc, bà con nông dân vùng chiêm trũng Hà Nam đang hoàn thành nốt những chân ruộng cấy muộn để chuẩn bị tết nguyên đán Kỷ Dậu - một cái tết yên bình đầu tiên sau bốn năm bom đạn chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ. Có một chiếc xe Com-măng-ca đít vuông chạy chầm chậm vào ngôi làng nhỏ ven quốc lộ. Trên ghế trước, đại úy Bùi Văn Xuân đang trong tâm trạng khó tả. Khung cảnh xóm làng vẫn quen thuộc dẫu rằng đã hơn năm năm trôi qua anh chưa một lần trở lại. Đầu năm 1963, Xuân đã về vùng này tuyển quân. Đó là đợt tuyển quân rầm rộ thứ hai bổ sung lực lượng cho binh chủng. Người mà hôm nay anh cùng nhóm công tác đến dâng hương tưởng niệm là một trong những thanh niên lên đường ngày ấy. Là sĩ quan chỉ huy, những việc thuộc công tác chính sách không phải chức trách của anh. Nhưng, năm nay anh được tranh thủ về thăm tết sớm, trên đường trở vào đơn vị Xuân tạt về thăm gia đình người đồng đội, người sĩ quan dưới quyền đã theo anh vào trận đầu xuất kích và nằm lại. Duyên hạnh ngộ, Xuân là người nhận quân, là chỉ huy huấn luyện kỹ thuật binh chủng, lại chính anh lựa chọn gửi đi đào tạo ở trường sĩ quan lục quân để ba năm sau đón về một lớp sĩ quan trẻ tuổi bổ sung chỉ huy cho các đơn vị. Và, để rồi chính anh tận mắt nhìn thấy người sĩ quan thuộc quyền…biến mất.

Hai giờ ba mươi phút sáng, chiếc xe tăng PT - 76 đang tả xung hữu đột trong ánh chớp nhoáng nhoàng của hàng trăm nghìn luồng đạn đan chéo nhau bỗng khựng lại. Từ vị trí chỉ huy, tiểu đoàn trưởng Bùi Văn Xuân nhìn thấy rõ chiếc xe của trung đội trưởng Tân đứt xích đang quay tròn tại chỗ vẫn liên tục nã đạn vào các lô cốt phòng thủ của địch. Lập tức Xuân cầm tổ hợp điện đài lệnh cho các xe vừa yểm hộ vừa tiếp cận kéo xe của Tân ra. Nhưng đã không kịp. Những ánh chớp đầu nòng của khẩu đại bác và  khẩu 12,7 ly trên xe cho phép đối phương dễ dàng xác định được mục tiêu cố định. Đạn M72 liên tục bay tới. Chiếc xe tăng bốc cháy dữ dội. Không một bóng người nào nhảy ra, cũng không một viên đạn pháo nào trong xe phát nổ: Kíp xe đã kịp bắn hết cơ số đạn.

*  *  *

Chiếc xe Com-măng–ca dừng lại giây lát hỏi thăm đường rồi luồn lách qua vài ngõ xóm, đỗ lại trước một căn nhà ngói đã cũ. Xuân vẫn ngồi trầm ngâm như chưa muốn xuống xe. Một lũ trẻ con từ trong xóm chạy tới vừa la hét vừa quây quanh xe:

- Các bác vào nhà ai thế ạ?

Người chiến sĩ lái xe nhanh miệng:

- Vào nhà chú Tân.

Ngay tức thì một thằng bé chừng năm tuổi nhảy chân sáo hét vang:

- Nhà tao! Nhà tao! Đã bảo mà…Mẹ ơi, bố về, bố về…ề…!

Lúc này Xuân mới mở cửa bước xuống, dáng bần thần đi về phía cuối xe giọng không chắc lắm:

- Tình hình này có lẽ phải thay đổi kế hoạch ít nhiều các cậu ạ.…Tớ vừa thoáng có ý nghĩ, hình như gia đình chưa được báo tử. Chỉ còn non nửa tháng là tết nguyên đán…Bây giờ thế này: Các cậu dấu kỹ hương hoa đèn nến, chỉ mang kẹo thuốc cùng tớ vào nhà thăm dò xem rồi tùy cơ ứng biến, tớ chắc gia đình chưa biết Tân hy sinh.

Vậy rồi, theo kế hoạch, nhóm quân nhân cùng bưng theo quà bánh tiến vào sân. Họ không để ý đến hai người đèo nhau bằng xe đạp cũng vừa xịch ngõ. Người ngồi trên yên cầm ghi đông là một trung niên chừng bốn mươi tuổi. Sau fooc-ba-ga là một nữ thanh niên vai đeo túi cứu thương in rõ hình chữ thập đỏ. Họ dừng lại, mắt nhìn về phía chiếc ô tô quân sự, trao đổi dăm ba câu rồi người nữ y tá đạp xe đi. Người đàn ông đứng lại giây lát, sửa sang y phục chút đỉnh thong thả đi vào ngôi nhà. Trong nhà đang có một cuộc hội ngộ thân mật và cảm động. Đại úy thay mặt cả nhóm phát biểu ngắn gọn:

- Kính thưa hai bác cùng toàn thể gia đình! Tôi là Bùi văn Xuân và các đồng chí cùng đơn vị với đồng chí Tân vừa từ chiến trường trở về đến thăm và chúc tết sớm gia đình ta… 

Ông cụ chủ nhà ngồi gian giữa cùng với khách, tay bưng gói quà mà cứ ấp úng nói không mạch lạc. Bên gian trái thông xuống bếp đầy bóng phụ nữ và trẻ con. Nhóm này còn được bổ sung thêm người từ nhà hàng xóm lách rào sang hỏi thăm. Người con dâu níu áo mẹ chồng đang ngồi nhai trầu:

- U hỏi xem anh Tân con có viết thư về không?

- Thì chị không có miệng à?! - Nói thế nhưng bà cụ cũng nhả miếng trầu cười gượng nhỏn nhẻn rồi cất tiếng: - Là tôi chuyển lời vô duyên, chị nhà tôi nhớ chồng quá mới hỏi thằng Tân có viết mấy chữ về hỏi thăm mẹ con nhà nó không…? Nói suôn sẻ được rồi bà cụ bỗng nhìn chăm chăm vào Bùi Văn Xuân mà cụ đoán chắc là người thủ trưởng cao nhất trong đoàn. Đại úy chợt đứng dậy vẻ trịnh trọng hơi thái quá:

- Kính thưa hai bác, đồng kính thưa bà con! Anh em chúng tôi nói là cùng đơn vị, nhưng vì là binh chủng kỹ thuật, xe, máy trang bị cồng kềnh nên các đại đội, trung đội đóng cách xa nhau, đường sá không tiện, máy bay địch lại thường xuyên trinh sát bắn phá nên việc đi lại thăm nhau nhận chuyển thư từ cũng có phần hạn chế. Đồng chí Tân chỉ huy một trung đội tác chiến độc lập nên…

Người đàn ông đi xe đạp ban nãy vào ngồi bàn đối diện bỗng lên tiếng cắt ngang:

- Vậy, chú nó đã là sĩ quan rồi đấy.

Xuân nhanh miệng đáp:

- Vâng, đồng chí Tân là chuẩn úy.

Gương mặt ông cụ dãn ra:

- Esìđằng! Esìđằng!. Tiến bộ, có tiến bộ. Thời tây, Esìđằng sếp là có xe gip, súng côn, gạc-đờ-co kè kè rồi đấy. Báo cáo với các chú bộ đội, anh này là cháu tôi làm việc trên ủy ban.

Câu chuyện đột ngột chuyển đề tài khiến nhóm phụ nữ chưng hửng, nhất là chị vợ Tân. Nét mặt chị thoáng vẻ thất vọng pha chút nghi hoặc. Xuân được người đàn ông trung niên gỡ bí đang định quay sang bắt chuyện thì bất ngờ thằng bé con đang ngồi trong lòng bà nội bỗng chạy sang sà vào lòng anh. Ông cụ mắng yêu cháu nội:

- Cu Tũn hỗn nào, để các bác ngồi chơi nói chuyện.

- Không sao đâu, thưa bác! Nào, lớn lên cu Tũn muốn làm gì nào? Cu Tũn thích quà tết gì nào?

Bất ngờ thằng bé nhảy lên nói hơi to làm mọi người cười ran:

- Cháu thích bố gửi cho cháu cục phấn - Thằng bé thấy mọi người cười thì nói như phân bua - thằng Bi con bác Mạnh có viên phấn, cháu xin chơi chung mà nó không cho. Bác vào chiến trường bảo bố Tân mua cho cháu cục phấn.

Không khí chợt lặng đi vài giây. Người đàn ông trung niên lại khôn khéo phá tan không khí im lặng:

- Tũn vẫn chưa trả lời bác bộ đội nhé, lớn lên làm gì nào?

Xuân vội tiếp lời:

- Tũn đi bộ đội xe Tăng nhé?

Lại một bất ngờ nữa từ miệng con trẻ:

- Không, Tũn không đi bộ đội đâu! Bộ đội phải đi chiến đấu để vợ nằm không bốn mùa, lại còn bị dân quân chọc ghẹo. Mọi người lại cười nhưng xem ra riếng cười có vẻ ngượng ngập. Đúng là “ Đi hỏi già về nhà hỏi  trẻ!”. Xuân cũng muốn tỏ ra làm chủ tình thế nên mới tiếp tục dụ thằng bé:

- Vậy cháu muốn làm gì, nói bác Xuân nghe xem nào?

Thằng bé lại đột ngột gỡ tay Xuân chạy sà vào lòng mẹ, hét to:

- Tũn làm thầy giáo cơ, thầy giáo có tiền lương, viết phấn, mẹ bảo thế.

Mọi người lại cười vui. Người đàn ông trung niên một lần nữa chủ động chuyển đề tài, quay sang hỏi Xuân:

- Tôi hỏi khí không phải, đồng chí chỉ huy chắc là phụ trách công tác chính sách?

- Dạ, báo cáo anh - Người mang quân hàm thiếu úy nhanh miệng – Thủ trưởng Xuân là đại úy trung đoàn phó.

Ông cụ gật gù:

- Kapiten! Kapiten! Lớn lắm, lớn lắm, thế vậy thủ trưởng quê đâu ta? Hai cụ còn khỏe cả chứ ạ?…  Chuyện rồi cũng vãn. Chỉ có nhóm đàn bà con gái ngồi gian bên là không toại nguyện. Mấy chị mấy cô có chồng đi chiến trường chạy sang nhăm nhăm hỏi thăm đều thất vọng cả. Chồng họ vào sâu, Bê ba, Bê hai tận Tây nguyên, Nam bộ. Các bác đây ở Bê năm “Ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”. Bà cụ vẫn ngồi bỏm bẻm nhai trầu vẻ mặt không biểu lộ gì. Cụ ông thì có vẻ cảm động lắm, tiễn mọi người ra sân cứ xiết chặt tay “Ka-pi-ten”, một mực bảo nhắn với cháu nó chiến đấu cho giỏi, ở nhà đã có chính quyền đoàn thể. Đại úy Xuân mới ngồi lên xe thì người đàn ông trung niên dắt xe đạp tới đứng sát vào thành xe ô tô. Xuân vội cởi cái mũ cối úp lên gói hương hoa đèn nến. Người đàn ông nói khẽ:

- Đồng chí không cần che đậy đâu. Tôi cũng vừa nghĩ như các đồng chí. Lúc nãy tôi và cô y tá đến đây nếu không gặp các đồng chí thì bây giờ tiếng khóc đã vang cả xóm rồi. Ngay bây giờ tôi sẽ đi hội ý thường trực ủy ban để ra giêng hẵng báo tử…Thôi các đồng chí đi đi.

Cả nhóm quân nhân trên xe lặng đi nhìn theo bóng người anh họ của liệt sĩ Tân đang dắt xe lủi thủi đi bộ dần khuất nẻo.

*  *  *

Ba mươi năm sau. Nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ ven đường Chín. Một người phụ nữ luống tuổi, một cụ ông chừng bảy mươi, một cựu chiến binh mang quân hàm đại tá cùng với một trung niên có vẻ thành đạt, sung mãn. Ngoài sân, chiếc ô tô bốn chỗ lấm bụi đường. Họ mới đến, đang ngồi chờ người quản trang để làm thủ tục trình diện. Tôi thầm cảm ơn sự hậu đậu lề mề của người quản trang cùng ấm chè tươi rất đúng lúc của người phục vụ cho tôi được thong thả nghe toàn bộ câu chuyện đã cách ba mươi năm. Người phụ nữ lấy vạt áo lau nước mắt, nói giọng khá bình tĩnh:

- Nói thật với bác thủ trưởng chứ hồi ấy em đã thắc mắc lắm. Nghe nói Quảng Trị gần giới tuyến “ cơm Bắc giặc Nam” sao đánh nhau xong mà không viết được cái` thư về. Ra giêng nhận giấy báo tử, nghe bác đây kể lại mới biết các anh bộ đội cũng ý tứ quá. Thôi thì, cả nước đánh giặc cả nước hy sinh chứ đâu phải mỗi nhà mình, vậy mà nghĩ lại cứ…thương.

Người phụ nữ, hẳn bạn đọc đã nhận ra người đàn bà trẻ níu áo mẹ chồng nhờ hỏi thư chồng ba mươi năm trước. Chị nói rồi quay mặt đi, thổn thức. Người đàn ông trung niên vội quẳng điếu thuốc chạy vào:

- Đấy, mẹ lại thế rồi!

Tôi cũng muốn đóng vai người đàn ông trung niên, anh họ của liệt sĩ Tân ba mươi năm trước đã nhiều lần gỡ rối cho nhóm quân nhân, hỏi:

- Thế vậy cậu bé trong chuyện rồi lớn lên có làm thầy giáo không ạ?

Cụ ông bảy mươi tuổi đỡ lời:

- Kìa anh Tũn! Nhà báo đang phỏng vấn đấy. Báo cáo với đồng chí, tình cờ mà cháu Khanh làm được cả hai việc, vừa là thầy giáo vừa theo nghiệp bố làm anh bộ đội Tăng thiết giáp.

 - …?

- Số là thế này, cháu nó tốt nghiệp đại học bách khoa rồi nhân đợt huấn luyện sĩ quan dự bị tình cờ gặp người bạn đồng ngũ của bố Tân, thế là đồng ý chuyển sang quân đội, hiện là giảng viên trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp. Thế là vừa làm giáo viên “có lương” vừa toại nguyện theo chân bố. Bác đại tá lúc này mới tiếp lời, giọng thân tình:

 - Chỉ tiếc là thầy giáo mà không có cơ hội viết phấn trên bảng, lại suốt ngày bấm vitính, có thời kỳ phải lấm lem dầu mỡ sắt thép, đã đóng lon “kapiten” rồi cơ đấy, đúng bằng quân hàm mình dịp về thăm gia đình.

Câu chuyện đang rôm rả thì người quản trang về, thực hành các bước một cách chu đáo cái phần việc mà không một quốc gia nào trên thế giới này cho phép bất cẩn. Ông dẫn mọi người ra nghĩa trang, đi một cách tự tin như đã thuộc vị trí từng ngôi mộ. Bất giác, tôi buột miệng hỏi một câu rất không nên hỏi:

- Gia đình có định cho bác Tân hồi hương không ạ?

Ngay lập tức ông đại tá cầm nhẹ tay tôi đi chậm dần lại rồi nói nhỏ:

- Cái nan giải nhất chính là chỗ đấy cậu ạ! Điều này thì cả cái ông anh họ phó chủ tịch xã đang đi kia tớ cũng phải giấu.

- Sao vậy bác Xuân? Có gì khuất tất à?

- Không khuất tất gì đâu. Có điều, lính Tăng – Thiết giáp chúng tớ oai thì có oai thật nhưng khi ngã xuống lại thiệt thòi nhiềù bề, xe trúng đạn là ít người thoát lắm, là tớ nói thoát ra khỏi xe. Dưới gầm xe cũng có một cái cửa an toàn nhưng lúc ấy ít ai nhớ đến. Thằng nào còn sống cũng  cứ tranh thủ bắn cho hết cơ số đạn trong xe. Im lặng một lát rồi ông trầm ngâm. Đến như lính hải quân hy sinh sóng đánh còn dạt vào bờ, không quân cũng rơi được xuống đất, còn chúng tớ thì… Ai năm sào bảy mẫu, ai đầu nậu đất đai…Bọn chúng tớ thì chỗ nằm cũng chỉ là ngôi mộ gió, chẳng mấy thằng được nguyên vẹn, thành khói hết cả, bay lên trời…bay lên trời.

N.T.T


 

 

 

 

Nguyễn Thế Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 226 tháng 07/2013

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

4 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground