Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Không trong cũng nước Nguồn Hàn

IV

   Sau khi dự lớp bồi dưỡng chính trị và nghệ thuật của Khu tại Hậu Hiền (Thanh Hóa), Tôi được lãnh đạo tỉnh gọi trở vào và đến đầu tháng 5.1950 thì có mặt tại Ba Lòng. Tuy nhóm phó đi vắng lâu vậy, công việc của nhóm vẫn được tiến hành suôn sẽ, thuận lợi. Nhóm trưởng Dương Tưởng vừa sáng tác tốt, ngâm thơ hay, vừa tháo vát trong công việc. Anh là người thôn Cương Gián, lúc đó thuộc xã Vĩnh Liêm, huyện Vĩnh Linh, sắp tốt nghiệp cao đẳng tiểu học thì Cách mạng tháng Tám nổ ra, anh từ giả Huế trở về quê và được giới thiệu tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc. Sau ngày toàn tỉnh bị chiếm không bao lâu, anh được điều từ huyện lên Tỉnh đoàn. Bài thơ kháng chiến đầu tiên anh trình làng năm 1948 là bài Giữ mùa, có những câu đạt:

   Giặc đóng Xuân Hòa

   Giặc rình Ba Dốc

   Cay đắng mấy mùa qua

   Ruộng đồng căm uất

   Lúa theo xe rung rung hàng nước mắt.

   Vừa dự lớp Văn hóa kháng chiến Khu về, được giao trách nhiệm nhóm trưởng Nguồn Hàn, anh đơn thương độc mã lao vào công việc, gây rộng thêm phong trào, kết nạp thêm một số nhóm viên mới, nhưng vẫn tranh thủ đi về đồng bằng, viết được mấy bài thơ có chất lượng: Về làng, Tiếng dương Mỹ Thủy (1) và Cây bí dân quân, hai bài trước được chọn in trong Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1960 của Nhà Xuất bản văn học.

   Tôi nhập cuộc trở lại, nhưng trên thực tế, Tường vẫn lo công việc của nhóm là chính, vì trách nhiệm trên giao cho tôi là theo dõi công tác văn hóa, văn nghệ và giáo dục giúp cho Ban lãnh đạo tỉnh. Điều đáng phấn khởi nhất lúc này là sự lớn mạnh của nhóm với những nhóm viết mới đây hứa hẹn như anh Nguyễn Khắc Thứ ở Phòng chính trị Phân Khu, anh Tấn Hoài (tức họa sĩ Trần Quốc Tiến), phóng viên báo Vệ quốc quân Phân khu, anh Lương Huy (tức thầy giáo Hồ Lư dạy văn ở trường cấp II Lê Thế Hiếu (2), cùng một số an hem trong đội tuyên truyền văn nghệ của Tỉnh đội như Sỹ Minh (nhạc), Minh Châu (vè), Bùi Quang Ngọc (họa sĩ)… Đã vậy, hoạt động của nhóm còn nhận được sự phối hợp và cộng tác của lực lượng văn nghệ hùng hậu ở Phân khu bộ, tập trung chủ yếu trong tòa soạn báo Vệ quốc quân, gồm có các anh Bửu Tiến (nhà soạn kịch), Trần Tham Địch, Trần Doãn Tý (văn xuôi), Gia Ninh, Văn Tôn (thơ)…

   Tôi vừa nhận việc một thời gian thì Công đoàn UBKCHC tỉnh mời sang báo cáo một buổi về văn nghệ. Lợi dụng tình cảm đối với bản thân là một cán bộ củ của Ủy ban, tôi đề nghị và được các anh đồng ý mở rộng đối tượng tham dự ra với mọi anh chị em yêu văn nghệ tại các cơ quan. Tối đó sau khi trình bày một số nét về các hoạt động ở vùng tự do Khu bốn, nơi tập trung văn nghệ sĩ vào loại đồng nhất toàn quốc lúc bấy giờ, tôi giới thiệu bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung, một bạn thơ cùng cộng tác ở Tiểu ban văn hóa và giáo dục của khu ủy trước khi tôi trở vào. Bài này, lúc đó chưa in nhưng vì đã đề cập đến vấn đề tình yêu trong chiến đấu, một điểm mà thơ ca Bình trị Thiên đang còn tránh né, nên tôi nghĩ giới thiệu lên cũng là góp phần cùng anh em mở rộng đề tài (3). Dư cảm của tôi về một sự phản ứng bộ phận có thể xảy ra như đối với bài hát Lời người ra đi của anh Trần Hoàn không ngờ lại trở thành sự thật. Tôi vừa phân tích xong đoạn:

   Xòe bàn tay bấm đốt

   Tình đã bốn năm ròng

   Người ta nhủ không trông

   Ai cũng bảo đừng mong

   Riêng em thì em nhớ

   Chuối đầu vườn đã lổ

   Cam đầu ngõ đã vàng

   Em nhớ ruộng nhớ vườn

   Không nhớ anh răng được?

   Thì từ phía anh chị em đã có một số ý kiến phê phán bài thơ viết trên lập trường tiểu tư sản, đi vào chuyện yêu thương, nhớ nhung, không lợi cho kháng chiến. Nhưng may thay, tiếp theo mấy nhận xét vội vã ấy, đã có nhiều ý kiến bình tỉnh hơn, suy nghĩ kỹ càng hơn và đồng tình rằng tình yêu chân chính chỉ làm đẹp thêm cuộc sống chiến đấu mà thôi.

   Tôi ghi lại câu chuyện này cốt để chúng ta cũng thấy rằng ngày ấy nhận thức về văn học nghệ thuật còn nhiều hạn chế lắm, kể cả một số cán bộ phụ trách văn hóa tỉnh, đồng thời cũng để chứng minh cho những chuyển biến về hướng “có chút ướt át” sau đó trong cảm hứng thơ ca ở địa phương. Chẳng hạn, Dương Tường đi tham quan chiến dịch bảo vệ mùa đã viết tại trậm một số câu ca dao “mùi mẫn” hơn:

   Lúa Diên Sanh chuyển về miệt dưới

   Lúa Trường Sanh gánh tới chiến khu

   Thương dân nên lúa tản cư

   Thương o tôi gánh dùm o đổi đường.

   Ca dao của anh em Tỉnh đội cũng có những dòng “ngọt ngào” như thế:

   Hẹn là hẹn cùng nhau vượt đèo cao suối thẳm

   Hẹn là hẹn khi trở về lúa thắm đồng xanh

   Hẹn nhau trọn nghĩa trọn tình

   Ngày mai chiến thắng hai đứa mình bên nhau.

   Đi tham gia giữa mùa về, anh em chúng tôi theo Văn phòng Ban lãnh đạo tỉnh dời xuống ở tại Khe Trâu, một địa điểm bên tả ngạn sông Thạch Hãn, phía trên Bến Trấm độ 3,4 km. Mới dọn dẹp chỗ làm việc xong thì có thư của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương trên đường vào Thừa Thiên, mời Tường và tôi xuống Trấm bàn qua việc triệu tập hội nghị văn nghệ Trị Thiên anh đang dự định bàn xong, Tường trở lên, còn tôi thì vì thấy anh Tường chưa quen đường sá, hơn nữa lại đã quen nhau từ những ngày ở Khu, nên đã cùng anh đi qua Hải Đạo, vượt đường số 1, về đến Làng Hói, thuộc xã Phong Chương huyện Phong Điền, rồi mới yên tâm trở lui. Lúc này nơi ăn, chốn ở đã yên, Dương Tường, Kim Uýnh và tôi, ba anh em bàn nhau xin một khoản kinh phí để in một tập Thơ ca Nguồn Hàn. Được chấp nhận rồi là chúng tôi phân công nhau tiến hành ngay các khâu tập hợp, biên tập và in ấn để cho tập sách được hoàn thành trước ngày mưa lụt. Về in, chúng tôi thấy nếu in typo thì sẽ gặp nhiều bất tiện, nhất là chậm trễ, không bằng in li-tô, chỉ cần vận động cậu Sằn vốn là tay viết chữ rất đẹp gia công cho. Tưởng vậy là mọi việc yên ổn, ai ngờ thắng được trời mà không thắng được địch. Tập sách mới in được hơn một nửa thì chúng lên càn. Chúng lục lọi bụi bờ tìm ra đúng chỗ chúng tôi cất giấu tài liệu, lấy các tờ đã in xong đem xé nát hoặc vứt tung tóe. Khi chúng tôi trở lại thì đã qua hai trận mưa, tất cả đã bẩn rách. Thế là công cốc.

   Vào thời gian này, Văn nghệ Trị Thiên cũng gặp rủi ro. Số là sau khi vào đến Thừa Thiên, anh Thương đã triệu tập một cuộc hội nghị văn nghệ hai tỉnh để đẩy mạnh sáng tác, chuẩn bị phục vụ những chiến thắng lớn sắp đến, nhóm Nguồn Hàn cử anh Dương Tường và một anh nữa – hình như là anh Duy Hoàng thì phải – vào Phú Lộc tham dự. Biết anh Thương là một nhạc sĩ đã nổi tiếng trước 1945 với những bài Đêm đông Bướm hoa, Trên sông Hương, nay lại còn nổi tiếng hơn với bài Bình Trị Thiên khói lửa, hai anh, vốn biết ít nhiều về âm nhạc, càng mừng rơn với chuyến đi. Không ngờ - lại không ngờ - vừa vào buổi họp đầu tiên thì gặp địch về càn, hội nghị phải giải tán. Rồi điều không may lớn nhất đã xảy đến, hai anh chưa về đến nơi đã nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Hồng (4), tác giả bài Đồi 18, Quân về viết cách đó mấy tháng, lúc tham gia chiến dịch Phan Đình Phùng tại vùng Vĩnh Linh – Lệ Thủy đã bị giặc sát hại cùng với chị ấy, còn anh Thương thì bị bắt (5).

   Do nhà cửa ở Khe Trâu không còn gì nữa, anh em chúng tôi lại trở lên Ba Lòng.

   V.

   Sau một mùa đông rét mướt, năm 1951 đến với nhiều tin vui dồn dập. Chiến thắng Cao Lạng cuối năm 1950 đã làm thay đổi cục diện cuộc kháng chiến. Tháng 2, Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai. Tháng 3, Mặt trận Việt Minh và Liên Việt hợp nhất. Cũng tháng 3, ngay trên chiến trường Trị Thiên chúng ta, bộ dội đã đánh thắng một trận lớn ở Thanh Hương, đẩy địch lún sâu hơn vào thế bị động, nhiều đồn bốt phải rút đi, vùng căn cứ du kích của ta càng mở rộng.

   Giữa tình hình đó, chúng tôi nhận được công văn của Chi hội Văn nghệ Khu cho chuyển đổi nhóm Nguồn Hàn thành Phân hội Văn nghệ Quảng Trị. Bàn bạc về chủ trương mới, lòng chúng tôi cứ bồi hôi, nửa mừng nửa tiếc. Mừng vì nhóm đã trưởng thành, được đứng vào hệ thống tổ chức của hội Văn nghệ Việt Nam. Tiếc là luyến tiếc cái tên Nguồn Hàn, một cái tên từ đất nước đã hóa một mảng tâm hồn. Mối hoài cảm này không ngờ lại trở thành một định mệnh của Phân hội, vì con dấu mới cứ lần lừa chưa khắc lại được, mãi đến ngày giải thể vẫn còn đúng con dấu mang tên sông nước cũ của nhóm.

   Phân hội vừa hình thành với một ban điều hành lâm thời gồm phân hội trưởng là Dương Tường và một ủy viên Thường vụ là tôi thì có chủ trương của Tỉnh ủy đình bản tờ báo Tiếng vang của Ty thông tin và cho ra tờ Tháng Tám của Ủy ban Mặt trận Liên Việt tỉnh (6) với một ban biên tập gồm có tôi làm Thư ký tòa soạn và ba anh Dương Tường, Nguyễn Duy Cẩn và Nguyễn Khắc Thi (hai anh là biên tập viên cũ của tờ Tiếng vang) làm biên tập viên, anh Bùi Bá Kỳ phụ trách trị sự. Để thuận tiện công việc , chúng tôi dời trụ sở chung của Phân hội và tòa báo mới về cạnh Ty thông tin là cơ quan quản lãnh nhà in của tỉnh. Nói dời trụ sở hai đơn vị là nói cho “oách” thế thôi, chứ thực tình thì chỉ có anh Tường, anh Kỳ và tôi, ba anh em với b aba lô áo quần và ba xắc tài liệu, từ nhà Văn phòng Tỉnh ủy ở Hà Vụng đi xuống nhà Văn phòng của Ty thông tin tại Khe Su, tất cả chỉ hơn một tiếng đồng hồ là xong.

   Trong tình thế mới của cuộc kháng chiến, các hoạt động văn nghệ trong tỉnh đã diễm ra khá rộn rịp. Từ Khu đi vào thực tế để sáng tác có nhạc sũ Văn Ký và Minh Hiền, hai anh ở lại khá lâu, đi nhiều nơi và viết được một số bài. Hai đội tuyên truyền văn nghệ của Ty thông tin và Tỉnh đội tranh thủ mùa nắng ráo về ca hát, hò, ngâm thơ, nói vè và diễn kịch tận vùng căn cứ, từng đơn vị đại đội. Sau trận Thanh Hương một thời gian lại có thêm Đoàn Văn công Phân Khu bô do anh Đình Quang (7) chỉ huy cũng lưu động đến, hoạt động từ chiến khu về đồng bằng. Đoàn có một số diễn viên và tiết mục mà mãi mãi đến năm 1972, 1973 nhiều đồng bào và cán bộ hãy còn nhớ. Đó là anh Đình Quang lúc đứng ra tự ngâm lấy bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ vừa sáng tác. Anh đứng trên sân khấu ngoài trời, không có micro mà vẫn khiến gần ngàn con người, vừa lính, vừa cán bộ vừa nhân dân đứng im phăng phắc lắng nghe. Bài thơ đã hay, giọng ngâm càng cuốn hút sự thưởng thức. Đó còn là anh Giang Tấn (8), chỉ kể lại những trận chiến đấu chống phát-xít Đức của quân đội Liên Xô trong tập Những người Xô viết chúng tôi của Boris Boles voi mà mấy đại đội ngồi nghe cứ ngỡ như trận đánh đang diễn ra trước mắt mình. Một đoàn viên không thể không nhắc đến nữa là anh Mặc Hy, một nhạc sĩ còn trẻ, thường gặp với một cây đàn ghi ta trên vai, đến đâu có yêu cầu là sẵn sang hát, giọng rất gợi cảm. Có thể ghi về anh là nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều cho Quảng Trị trong kháng chiến, chỉ tính từ giữa năm 1951 đến cuộc hội nghị văn nghệ Bình Trị Thiên đầu tháng 9 năm 1952, là đã có đến 12 bài,có bài phục vụ rất kịp thời như bài Hò đẩy ca nông sáng tác ngay sau trận kéo pháo diệt đồn Ba Dốc.

   Song song với các hoạt động trên là cả một phong trào sáng tác sôi nổi của anh em Nguồn Hàn: Dương Tường với các bài thơ: Nhớ về, Nhắn; Lương An với Mưa đầu mùa, Qua Phước Môn, Gặp nhau giữa mùa; Minh Lương với bài Thánh đường Thi Ông, vè Hoan hô các mẹ chống càn; Minh Châu với vè Bảo vệ mùa; Hoàng Tài với vè Chiến thắng Ưu Điềm; Thanh Hương, Phan Giá có bài thơ Đoàn vận tải; Tấn Hoài có bài thơ Ba Lòng; Lương Huy có một số bài ca dao, rồi từ xã Cam Mỹ (Cam Lộ), xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) gởi lên nhiều câu hò địch vận và cả một bài vè Chống giặc bắt lính (lâu ngày tôi quên mất tên tác giả). Ngay cả mấy nhóm viên cũ đã ra Khu cũng nhờ người chuyển tay vào một số bài: anh Hồng Chương đã gởi năm đoạn ca dao về Mẹ chiến sĩ, anh Vĩnh Mai gởi hai bài thơ Quê hương, Tiếng hò đêm khuya. Đó là về thơ ca, còn về họa, anh Trần Thanh Tâm(9) tiếp tục có một tranh ký họa về chiến thắng, về nhạc, anh Mặc Hy (10) có các bài Làng vui, Dưới cờ Đảng lao động Việt Nam, Hò đẩy ca nông. Tác phẩm có bề dày đáng kể nhất trong thời gian này là tập ký sự trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ. Anh Thứ (11) là người làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, bắt đầu viết từ cuối năm 1947 lúc còn làm việc ở Ban tăng gia sản xuất tỉnh nhưng phải đến giữa năm sau, lúc gia nhập quân đội, anh mới trở thành tác giả. Vừa dự trận đánh lớn xong, anh quay về Làng Hạ, nơi Phòng chính trị Phân Khu bộ đóng sập cửa suy nghĩ và khởi thảo. Viết cả ngày, nhiều lúc cả đêm, con người hốc hác đi. Và anh không phí sức lực. Phòng, vừa cho in xong tập ký sự Trận Phổ Lai của anh Bửu Tiến, vẫn quyết định cho in tiếp ngay tập của anh. Vinh hạnh cho anh và cả nhóm Nguồn Hàn là đến năm 1955, khi Hội văn nghệ Việt Nam xem xét để khen thưởng về phần văn xuôi trong kháng chiến chống Pháp, tập ký sự Trận Thanh Hương đã được trao giải nhì toàn quốc (12).

   Như vậy là phong trào sáng tác văn nghệ của nhóm từ nặng về thơ ca lúc đầu, đến bây giờ đã có một sự cân bằng trên hạn độ nào đó giữa các bộ môn. Trong tình hình này, nếu cứ duy trì một ban điều hành lâm thời gồm có hai người cùng một nhóm thơ thì khó tránh được một sự khập khiễng hạn chế phong trào phát triển. Vì thế, chúng tôi đã đề nghị lên Tỉnh ủy và được chuẩn y cho tổ chức một cuộc hội nghị để đề ra nhiệm vụ mới của Phân Hội và bầu một Ban chấp hành chính thức có tính chất đạ diện hơn. Khác với cuộc họp bạn năm 1949, lần này chúng tôi mượn trường Tiểu học xã Triệu Nguyên ở Hà Vụng lúc học sinh chưa đến ngày tựu trường đến mở hội nghị. Hội trường cũng được trang trí đơn giản nhưng tươm tất. Anh em các nơi về đều được bố trí chỗ ăn ở khá chu đáo.

   Về nội dung, qua thảo luận, anh chị em đều nhất trí và còn biểu dương một số tác phẩm nổi bật trong thời gian qua, trong đó tôi chỉ nhớ chắc là có một giải dành cho bài nhạc Công nông liên minh của anh Mặc Hy, mà giải cũng chỉ có tính cách tượng trưng thôi. Ngoài việc động viên nhau sáng tác để phục vụ kháng chiến, không có vấn đề gì gay cấn phải trao đổi ý kiến nhiều cả, vì hồi ấy đâu có chuyện phương pháp sáng tác, chuyện hỗ trợ sáng tác, chuyện nhuận bút như bây giờ khi tất cả anh em đều hoạt động nghiệp dư, anh bộ đội, anh cán bộ cầm bút.

   VI.

   Tuy tổ chức được củng cố, nhưng bước vào năm 1952, trước một trận đại hạn kéo dài, cán bộ và nhân dân lo tập trung cứu lúa, địch lại lợi dụng tình hình đó để phản kích nên các hoạt động văn nghệ có phần chững lại. Dương Tường là chủ công của Thường trực Phân hội song phải cắm chốt ở đồng bằng, vừa sáng tác vừa viết bài cho báo, cả tòa soạn và Phân hội, chỉ một mình tôi lo liệu, cũng khá lúng túng.

   Giữa tháng 7, Chi hội Khu lại cử anh Chế Lan Viên vào giúp đỡ cho phong trào văn nghệ Bình Trị Thiên. Anh nghe qua Phân hội rồi vào Thừa Thiên bàn bạc với lãnh đạo tỉnh và anh chị em trong ấy, sau đó trở ra, chủ trương đưa vào Phân khu bộ (Lúc này còn đóng ở vùng Na Nầm, Ba Lòng và Tỉnh Ủy cùng ủy ban tỉnh tổ chức một cuộc hội nghị chung của văn nghệ ba tỉnh tại Cùa (Cam Lộ), phần hậu cần do Phân hội Quảng Trị phụ trách. Thời gian này, theo chỉ thị của trung ương , các tỉnh đều đang đi vào cuộc vận động chỉnh huấn, giúp cho cán bộ, bộ đội nhận rõ tình hình và nhiệm vụ, kiên định lập trường, nâng cao ý chí chiến đấu, đẩy mạnh cuộc kháng chiến dành thắng lợi quyết định nên nội dung cuộc hội nghị cũng được chuẩn bị theo hướng ấy.

   Ngày 3.9, hội nghị khai mạc tại thôn Phương An, xã Cam Lộc(Cùa). Từ Quảng Bình vào, có hai anh Xuân Hoàng và Nguyễn Văn Dinh(13), từ Thừa Thiên ra có Thanh Hải, Nhất Hiên và một bộ phận văn công tỉnh do anh Thái Quang Ngoạn điều khiển(14). Anh chị em từ Phân khu bộ và Quảng Trị được mời đến rất đông đủ(15). Anh Chế Lan Viên vừa trình bày xong phần đầu bản báo cáo chung thì từ phía đồng bằng Hải Lăng, Phong Điền, tiếng đại bác nổ và tiếng máy bay quầng liện vọng lên. Không nghe tiếng súng máy súng trường, biết địa điểm họp còn yên ổn, anh chị em nghe tiếp phần sau rồi phân nhóm ra ngồi trên bờ giao thông hào, thảo luận, trao đổi ý kiến. Đang giữa phút giải lao, thấy anh em hai huyện có vẻ lo nghĩ, Văn Tôn ngồi cạnh hai bạn Quang Bình bỗng đứng dậy hò to lên:

   Ơ… ơ… ơ Đất Quảng Bình là đất của Trường ca (16)

   Chứ đất chi của Vĩnh Thủy mà nó kéo Tây qua đóng đồn

   Bất ngờ nghe câu hò, anh chị em đều phì cười, quên bớt trận càn. Đến xế trưa, huyện đội Cam Lộ cử cán bộ vào báo tin cho biết vùng địch đang càn là hai làng Kế Môn và Đại Lược ở bên kia phá Tam Giang, hình như với mục đích cố tiêu diệt một đơn vị Vệ quốc đoàn đang đóng quân ở đó (17), vì vậy hội nghị có thể tiếp tục họp, trừ khi mưa nặng hạt phải vào hội trường, anh chị em đều ngồi dưới tán cây rậm rạp của xứ Cùa, trên bờ giao thông hào của du kích xã Cam Lộ.

   Theo chương trình, phần chủ yếu của hội nghị là qua phân tích một số tác phẩm “nâng cao lập trường giai cấp, xác định rõ bạn thù, tăng cường tính chiến đấu trong sáng tác”. Trên phương hướng đó, trong hai buổi, hai bài thơ Qua Bố Trạch của anh Xuân Hoàng và bài Em nữ cứu thương người Pháp của anh Văn Tôn đã được hai anh đồng ý cho đưa lên “bàn mổ”. Thực ra , bài thứ nhất, nếu như bây giờ thì đâu có vấn đề gì lớn, chỉ có chuyện hay và không hay mà thôi, nhưng thời gian đó, phong trào chỉnh huấn đang diễn tiến, ảnh hưởng của cuộc tọa đàm văn nghệ tháng 5 năm 1940 ở Diên An(Trung Quốc) đang nặng nề, một chút tí vết nhỏ nào về lập trường cũng được xem như “một đốm lửa có thể đốt cháy cánh đồng”, thành ra cái hăng say của một lớp cán bộ trẻ từ nhà trường đi thẳng vào cuộc chiến đấu, coi thường gian nan, song một buổi chiều lại có một nỗi nhớ nhung nào đó:

   Họ còn trẻ, ước mơ đang rộng lớn

   Giặc vào vừa lúc ở trường ra

   Họ xốc vào đời, lòng xanh mắt sáng

   Say gian nan và nhớ nhẹ lúc chiều tà.

   Đã được quy kết thành một thứ chủ nghĩa anh hùng tiểu tư sản, khiến phong trào không vững chắc.v.v… Về bài thứ hai, tôi không nhớ nguyên bản, chỉ nhớ anh em nhận xét là “mất lập trường, thương không đúng chỗ, khóc chẳng nhằm nơi”. Thời đó những nhược điểm như trong bài trước còn có thể được coi nhẹ, còn những gì xem như lấp lửng giữa ta và địch thì dễ bị xé ra to lắm.

   Cuộc hội nghị được tiến hành dưới sức ép của một trận càn khốc liệt, gây ra bao nhiêu mất mát cho quân và dân Bình Trị Thiên càng làm khăng khít thêm mối tình đồng đội giữa các chiến sĩ văn nghệ chung chiến trường, chung nỗi xót niềm vui, chung lòng tin và hy vọng. Sau một đêm đốt lửa trại liên hoan ca hát, ngâm thơ, diễn kịch, sáng ra anh chị em ba tỉnh chia tay nhau trong một nỗi vui chen lẫn bùi ngùi, lưu luyến. Thương anh chị em Thừa Thiên, thương quân dân Phong Quảng vừa mất vụ chiêm, vụ trái lại bị đốt phá, cán bộ và nhân dân bao người hy sinh, bị bắt, anh Chế Lan Viên, anh Xuân Hoàng, anh Nguyễn Văn Đinh, anh Dương Tường và tôi cứ đứng nhìn lưng lẻo theo anh chị em đang hành quân gấp về Phong Quảng để “rịt vết thương đau” cho quân dân địa phương, mãi đến khi bóng người khuất hẳn sau khúc đường quanh mới quay trở lại.

   Giải quyết xong mọi công việc xung quanh cuộc hội nghị Cùa, chúng tôi trở vô Ba Lòng. Anh Chế Lan Viên lo ngại mưa lụt đến sớm, chỉ kịp đi thăm và cảm ơn sự giúp đỡ của Phân khu bộ, của Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh, sau đó ở lại thêm một hôm vừa dặn dò công việc, vừa hoàn chỉnh bài thơ Nhớ lấy để trả thù để làm nhiệm vụ hội viên góp cho Phân hội rồi hối hả lên đường. Là đứa con hiếu thảo của Quảng Trị, là người đàn anh trong văn nghệ của tỉnh nhà, mặc dù sức khỏe không tốt lắm, anh vẫn hai lần tự nguyện lội suối trèo non, vượt Ba Rền, Liên U băng qua các vùng cọp Trộ Rớ,vùng voi Khe Giữa trở về thăm và giúp đỡ cho đàn em nơi chôn nhau cắt rốn. Chúng tôi tiễn chân anh đến tận đò Hà Vụng mà vẫn như chưa nói hết những lời thâm cảm của mình. Phút chia tay giữa kẻ ở người đi cứ dùng dằng lưu luyến.

   Chúng tôi trở lại với công việc được một thời gian thì có chủ trương của Chi hội Khu giải thể các Chi hội văn nghệ tỉnh đồng thời về phía chính quyền. Ty thông tin cũng đổi thành Ty tuyên truyền và văn nghệ, trong đó Ban văn nghệ sẽ tiếp quản phong trào sáng tác và các hoạt động văn nghệ khác từ Phân hội bàn giao sang. Tờ báo Tháng Tám của Ủy ban mặt trận tỉnh cũng đình chỉ xuất bản, vì bây giờ đã có tờ Nhân dân của Trung ương và tờ Cứu quốc Liên Khu IV của mặt trận Khu thường xuyên gởi vào, các anh Dương Tường, Nguyễn Duy Cẩn và tôi chuyển qua ban văn nghệ, còn anh Nguyễn Khắc Thi trở lại tăng cường cho Ban Thông tin ra đều bản tin của tỉnh.

   Khoảng giữa tháng Mười, lúc Ban văn nghệ bắt đầu hoạt động, Phân hội Nguồn Hàn cũng thông báo cho các cơ quan đoàn thể tỉnh và hội viên biết về sự chấm dứt tồn tại của mình. Trên phương diện là một tổ chức nghiệp vụ  của quần chúng, một thành viên của Mặt trận Liên việt tỉnh, nhóm Nguồn Hàn rồi Phân hội văn nghệ Quảng Trị đã làm tròn nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của nó suốt bốn năm qua.

   Nhóm, Phân hội và Ban văn nghệ Ty tuyên truyền và Văn nghệ tỉnh ta tuy là ba tổ chức nhưng thực ra cũng chỉ là một. Như chúng ta đã thấy, từ nhóm sang Phân hội, không ngoài một sự đổi tên. Từ Phân hội sang Ban, về nội dung cũng chỉ là một sự chuyển trao nhiệm vụ. Bởi vậy, về văn nghệ, nếu nói tinh thần Nguồn Hàn đã xuyên suốt cả bảy năm rưởi chống Pháp của Quảng Trị, tưởng cũng không có gì quá đáng.

   Tuy nhiên, như một câu phương ngôn Pháp có nói: “Những sự đổi thay mong muốn nhất cũng có những nỗi buồn riêng của chúng”, việc từ nhóm chuyển thành Phân hội rồi từ Phân hội chuyển đổi thành Ban văn nghệ, mỗi chuyển đổi đều đánh dấu một bước trưởng thành, một yêu cầu cao hơn về nhiệm vụ chính trị của mỗi giai đoạn, đó là điều rất đáng mừng, song lẽ trong tâm tư nhiều anh em chúng tôi, nó vẫn để lại nhiều xao xuyến, những nhớ nhung xa xôi, bàng bạc. Âu cũng là bởi cái tên Nguồn Hàn- một cái tên rút ra từ ca dao và cũng là từ lòng mình - Nó cứ gợi lên một nguồn ngọn, những tình cảm gắn bó, những dòng thơ cách mạng và kháng chiến đâu tiên của cuộc đời. Thêm vào đó là bao nhiêu kỷ niệm của một thời chiến đấu gian khổ, sống thiếu thốn mà không kêu ca, viết lách dưới bom đạn, kề cái chết mà không ngần ngại, không ai nghĩ đến tiền tài, danh vị một trái tim đều trong vắt như giọt nước đầu nguồn Thạch Hãn.

   Chỉ có một nỗi tiếc nuối, một nỗi đau thắt cho đến nay vẫn còn day dứt tâm can chúng tôi, người còn cũng như kẻ mất đã lần lượt vắng bóng, đó là Nhóm, là Phân hội, là Ban văn nghệ đã không để lại được cho đến hôm nay một tập thơ ca, một tập nhạc, một tập kịch, một tập tranh nào - trừ tập ký sự của Nguyễn Khắc Thứ, một công trình may mắn được in ấn nhưng lại ngoài kế hoạch của nhóm – để lưu dấu, để chứng minh sự tồn tại một thời khó quên được của mình. Nói như vậy, mặc nhiên tôi tự nhận phần nặng nhất của những lời chê trách

* * *

   Thưa các bạn đọc thân mến,

   Viết đến đây, tôi tưởng đã có thể hạ được một cái dấu chấm dứt cho những trang hồi ức đã quá dài này. Nhưng tôi đã không sao dừng lại được, bởi lòng cứ canh cánh một nỗi niềm chưa bộc bạch hết được xung quanh sự ra đi quá đột ngột của Dương Tường, người đồng chí, người bạn đồng hành thân thiết nhất trong những năm tháng cùng hoạt động. Đó là nỗi đau xót đã chưa xua tan được những lệch lạc đó đây, kể cả trong một số anh em văn nghệ xa gần, về nguyên nhân đã dẫn đến sự rủi ro của anh. Tôi còn nhớ, sau cái ngày 17.6.1953 ấy, lúc hay tin anh gặp nạn với những lý do không thống nhất, Ban lãnh đạo Ty tuyên truyền và Văn nghệ đã cử người về thăm viếng và tìm hiểu sự thật, rồi có nhận định: “Do tinh thần trách nhiệm, quyết lên chiến khu cho kịp ngày theo thư triệu tập, nên anh đã qua sông Thạch Hãn vào ban ngày; mặt khác anh lại quá chủ quan, không tính đến những hiểm nguy bất ngờ như chuột rút hay nước xoáy, khi đò chìm đã không chịu trở lui  như các người khác lại còn mang ba lô bơi qua những con sóng nam cực mạnh giữa dòng”. Tưởng thế là yên, không ngờ đến mãi gần đây, vẫn còn có bạn viết đơn giản rằng anh đã bỏ mình vì “bơi qua sông trong mưa rét để cứu người vợ thân yêu bị chìm đò”. Cùng với nỗi đau xót này là nỗi buồn với việc công lao đóng góp của anh trong kháng chiến chống Pháp vẫn chưa được tưởng thưởng xứng đáng. Thời kỳ tổng kết năm 1961, tôi ở Hà Nội đã viết đơn lên Viện Huân Chương xin xét cho anh, nhưng Viện trả lời trong trường hợp này chỉ có người thân trong gia đình yêu cầu mới có thể giải quyết. Ngày đó, tôi không biết chị Liên, chị ruột Tường ở đâu, có người lại bảo là chị ấy không đi tập kết, đành chịu. Lúc trở về Quảng Trị năm 1972, tôi lại phạm một lỗi lầm lớn mà sau này, khi bắt tay vào việc viết hồi ức, tôi mới chợt nhớ ra là mình đã vô tình quên về Vĩnh Liên thăm mộ anh và hỏi cho rõ về việc đó. Bây giờ, tôi không còn cách nào khác là mong mỏi các anh chị ở Hội văn nghệ tỉnh chúng ta xin hảy nhớ đến Dương Tường và thực hiện công việc nhớ ơn ghi nghĩa ấy. Phần tôi, xin nhận hết mọi thiếu sót của mình.

   Với tôi, như các anh chị, các bạn đọc biết đấy, Dương Tường cũng là một điển hình "Sống và viết ở chiến trường", "anh đã hy sinh năm 27 tuổi, giữa lúc tư tưởng và cảm hứng đang trên đà phát triển, tài năng đang ở độ chín, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang tiến dần đến thắng lợi, tạo ra một chuyển biến mới cho đất nước, mở ra một chân trời rộng cho nên văn học nghệ thuật chúng ta. Đáng tiếc biết bao, anh đã bỏ dở một sự nghiệp đang tràn đầy hứa hẹn "(18)

   Tuy anh không có cái may đi trọn cuộc chiến đấu của dân tộc ở tỉnh nhà, nhưng thành tích của anh vẫn còn lưu dấu, dáng người và giọng ngâm thơ của anh vẫn còn mường tượng và văng vẳng trong tâm trí bao nhiêu con người đang sống trên vùng đất Mai Hãn. Không, không mấy ai được những bài thơ như Tiếng dương Mỹ Thủy hay Cây bí dân quân của anh. Ngay một bài Vá lưới anh viết trước lúc vĩnh biệt chúng ta không bao lâu, chưa có sách báo nào đăng, tôi hỏi anh em quen thân, cũng không người nào nhớ cả, vậy mà, 22 năm sau khi gặp anh Bùi Thanh Tân ở làng Mai Xá chánh (Gio Linh), anh đã đọc thuộc lòng cho tôi chép lại toàn bài. Thơ Dương Tường còn bám chặt trong nhân dân như thế đó.

   Và riêng tôi, tôi còn nghĩ rằng "giá như anh còn sống đến hôm nay" thì hẳn bài hồi ức đã được anh chấp bút và hoàn thành từ nhiều năm về trước, có đâu để đến tôi phải gặp bao nhiêu khó khăn và hẹn lửa cho đến tận bây giờ.

   L.A

(*) Tiếp theo kỳ trước

________________________

   (1) Thôn Mỹ Thủy, nay thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng, nơi năm 1949, giặc Pháp về càn và gây ra một vụ thảm sát rất lớn.

   (2) Người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, anh viết nhiều thơ và ca dao.

   (3) Năm 1953, tôi ra Khu dự lớp chỉnh huấn văn nghệ sĩ. Trong một buổi nói chuyện trước anh em, anh Lưu Trọng Lư có cho biết bài thơ Thăm lúa này, khi được giới thiệu tại Đại hội liên hoan Thanh niên dân chủ thế giới ở Bu-ca-rét (Ru-ma-ni), đã được nhiệt liệt tán thưởng. Trong các lý do mà nữ giám khảo người Pháp Madeleine Riffaude nêu lên để trao giải thưởng lớn của Đại hội, có lý do: "Đây là bài thơ Việt Nam duy nhất đã đề cập đến vấn đề tình yêu trong chiến đấu lúc ấy".

   (4) Anh Nguyễn Hồng, người quê gốc ở làng Linh Yên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, nguyên là lính Trung đoàn 101 của Thừa Thiên.

   (5) Sau khi bị bắt, quân Pháp đưa về Huế, định mua chuộc anh ở lại, nhưng anh kiên quyết chống lại. Sau đó anh xin đi vào Nam, liên lạc được với ta và trở ra vùng tự do. Hiện là giáo sư nhạc sĩ về nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

   (6) Nguyên tên là nhân dân, nhưng mới ra số đầu thì vì trùng tên với tờ Nhân dân của Trung ương nên Tỉnh cho đổi lại là Tháng Tám.

   (7) Nay là tiến sĩ về ngành nghệ thuật, Thứ trưởng Bộ văn hóa thông tin.

   (8) Hiện nay về hưu và hoạt động trong Hội văn nghệ đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu.

   (9) Người làng Hà Trung, xã Do Lễ, huyện Gio Linh. Sau khi học xong lớp trung cấp mỹ thuật, anh tiếp tục vào học khoa sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nay là Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam về hưu tại Huế và tiếp tục hoạt động trên cả hai mặt mỹ thuật và nghiên cứu lịch sử.

   (10)Cũng như Văn Tôn về thơ, Mặc Hy tuy thuộc Phân khu bộ, nhưng vẫn tự xem mình như một nhóm viên Nguồn Hàn. Hiện về hưu ở Hà Nội.

   (11) Anh mất ngày 6.9.1990. Ngoài tận ký sự Trần Thanh Hương, anh còn để lại một số tác phẩm đã in là tập Phá kho bom Tân Sơn Nhất, tập Bản án tử hình và một tập chưa in là Khói lửa.

   (12) Cùng được giải lần này với Trần Thanh Hương, Bình Trị Thiên còn có bài nhạc Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải, một chiến sĩ người Quảng Bình.

   (13) Theo anh Xuân Hoàng thì chỉ có hai người, nhưng sao tôi cứ mang máng nhớ còn có Minh Phương và Giăng Màn (Lê Hồng Cần) nữa.

   (14) Tôi nhớ chắc là còn có đồng chí Phó Ty Thông tin mà nhẩm đi nhẩm lại vẫn không nhớ tên. Xin đồng chí thông cảm.

   (15) Có một số bạn cho biết: Phân khu bộ rất quan tâm đến cuộc hội nghị này, nên ngoài anh em văn nghệ, còn có hai đại biểu quan trọng là đồng chí Trần Quý Hai, Phân khu Trưởng và đồng chí Phạm Như Cương, lúc đó là trưởng phòng chính trị, nay là Viện trưởng Viện khoa học xã hội và Nhân văn Việt Nam. Tôi không nhớ chắc nên chưa dám ghi vào nhưng vẫn nghĩ rằng nguồn tin này có thể là chính xác.

   Nếu đúng hoàn toàn như vậy, mong các đồng chí thông cảm cho.

   (16) Chả là đến lúc đó, anh em Quảng Bình đã viết đến 4,5 bài trường ca: Xuân Hoàng viết Tiếng hát Sông Gianh, Dương Tử Giang viết Chiến sĩ Minh Lệ, Chiến thắng Sen Bàng, Chiến sĩ Xuân Bồ, Lê Hồng Cần viết Giải phóng Ba Đồn. Văn Tôn tức Hải Băng bây giờ.

   (17) Lâu nay, anh em thường cho đó là trận càn Camargue, nhưng không phải. Trận càn Camargue, mãi đến tháng 8.1953 mới diễn ra (Xem sách Sư đoàn 325, Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 1981).

   (18) Trích bài Giá như Dương Tường còn sống đến hôm nay của Lương an in trong tập Chiến trường, sống và viết - Sđd.

Lương An
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 28 tháng 01/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground