Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kỷ niệm một mùa hè đỏ lửa

1

. ĐƯỜNG VÀO MẶT TRẬN

Anh vào miền Nam bằng con đường nào?

Đã có vô số anh bộ đội, cô thanh niên xung phong trả lời: Đường Trường Sơn – Đường 559, mà các ký giả phương Tây, các chính khách, kể cả các chiến lược gia Hoa Kỳ gọi là “Đường Hồ Chí Minh”.

Là một nhà báo được tham gia cuộc “Tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972”, tôi cũng trả lời gia đình, người thân và bầu bạn như thế.

Đường Trường Sơn, thoáng nghe rất cụ thể, nhưng thực ra cũng rất mơ hồ. Bởi nó có tới 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang và một tuyến đường kín cho xe ôtô chạy ra ban ngày dài 3.140km. Tổng chiều dài của đường Trường Sơn tới hơn 16.000km. Đó cũng mới chỉ là đường phục vụ cho các phương tiện vận tải cơ giới, còn đường đi bộ kể sao cho xiết.

Ta có thể khái niệm mi ni Trường Sơn như núi Nùng của Hà Nội, Ngự Bình của Huế, cơ man nào cây cỏ mà còn người chỉ là con kiến đi chỗ nào mà chẳng được.

Minh Điền (hiện nay là phóng viên TTXVN) và tôi đi từ Động Nóc vào Quảng Trị.

Động Nóc là một đỉnh núi cao ở miền tây Vĩnh Linh (thuộc dãy Trường Sơn). Cao và dốc đến mức Con voi cũng khóc. Con hổ cũng hờn(1). Bây giờ mỗi lần nhớ lại, chúng tôi vừa rùng mình, vừa tự hào một thời trai trẻ đầy sôi nổi “Coi trời bằng vung”.

Những năm chiến tranh Tòa soạn báo QĐND (số 7 Phan Đình Phùng Hà Nội) là tiêu điểm của tình báo phương Tây. Cánh nhà báo mặc áo lính (phóng viên chiến tranh) này đi hướng nào, hẳn là nơi đó có trận mạc. Chính vì thế nên Đại tá Tổng biên tập – Nguyễn Đình Ước hạ lệnh: “Ai được phân công đi binh chủng nào, từ gia đình đến thẳng binh chủng đó mà đi với đơn vị. Cấm không được quần tam tụ ngũ ở Tòa soạn, rồi từng đoàn xe rầm rập xuất quân, lộ hết bí mật rõ chưa!.

- Công Bằng, Đỗ Thân đi với Sở Chỉ huy tiền phương của mặt trận.

- Đoàn Công Tính đi với binh chủng thiết giáp.

- Khánh Vân đi với binh chủng thông tin.

- Nguyễn Thắng và Minh Điền đi với binh chủng pháo binh…

Tổng biên tập hắng giọng, giơ tay chém ngang không khí và nhấn mạnh:

- Pháo binh là hỏa lực chủ yếu của lục quân, quả đấm thép của mặt trận. Anh Điền phải chụp bằng được tấm ảnh những căn cứ địch trước khi ta nổ súng. Căn cứ địch đang chìm trong khói lửa khi ta nổ súng tiến công. Và, bộ đội ta đang ào ào như triều dâng thác đổ xông lên chiếm lĩnh làm chủ căn cứ của địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Anh Thắng phải thể hiện bằng được không khí sôi động của các chiến sĩ Pháo binh, hăm hở kiên cường trong chiến đấu, mưu trí sáng tạo trong chỉ huy “Ước gì pháo cắm được lê. Xông lên với cậu mà lia dăm thằng”(2)

Sở dĩ ông nhấn mạnh vai trò của pháo binh vì vai trò đặc biệt quan trọng của nó trong chiến dịch và có thể còn vì một lẽ khác – Đã có một thời ông là Chủ nhiệm chính trị binh chủng này, nên ông hiểu biết về pháo binh khá tường tận.

Trung tuần tháng 3-1972, Minh Điền và tôi đeo ba lô đến nhà Đại tá Nam Thắng – Chính ủy binh chủng pháo binh (lúc đó ông ở số 19 – Phố Lý Nam Đế). Ông bóc gói chè Thanh Hương (chè cao cấp thời đó) pha trà mời chúng tôi uống, trò chuyện đôi câu rồi ra xe lên đường vào mặt trận. Xe ra đến công viên Lênin thì gặp xe của Đại tá Doãn Tuế - Tư lệnh binh chủng, xe của Thượng tá Tạ Vân – Tham mưu trưởng binh chủng và xe của hậu cần, thông tin cùng đi. Đêm hôm ấy chúng tôi nghỉ tại trạm giao liên quân đội thuộc địa phận huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Hai hôm sau mới đến Sở chỉ huy tiền phương của binh chủng pháo binh ở một vạt rừng miền tây Vĩnh Linh. Tôi và Minh Điền được phân công ngủ chung một căn hầm nửa nổi nửa chìm với anh Thương – cán bộ Tuyên huấn pháo binh. Anh Thương “dúi” cho một tút thuốc lá Sông Cầu (loại sang thời đó) rồi tâm sự:

- Ngày mai ta lên đường, đêm nay các anh kiểm tra lại trang bị, cái gì không cần thì để lại, cái gì có thể vất bớt đi thì vất, phải gọn nhẹ mới hành quân được. Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho vào túi ni-lông. Thậm chí dây lưng cũng để vừa thắt, cắt ngắn đi, cúc áo, cúc quần, xét thấy cái nào không cần lắm cũng cắt đi, càng nhẹ càng hay.

Sáng hôm sau, đơn vị cử đồng chí trợ lý quân lực đoàn pháo binh Bông Lau dẫn đường chúng tôi đến trạm T1 – Trạm cuối cùng trên đất Bắc. Đó chính là Động Nóc. Anh em bộ đội ta thường gọi Động Nóc là tuyến xuất phát xung phong, bởi chân núi phía Nam đã là miền Nam, là Quảng Trị “Ô châu ác địa”. Mảnh đất luôn luôn là nhân chứng của các cuộc đọ sức giữa các chế độ chính trị khác nhau từ xa xưa đến thời kỳ cận đại và hiện đại.

Nghỉ lại một đêm ở Động Nóc, đêm hôm sau chúng tôi “tuột dốc” xuống núi vượt thượng nguồn sông Bến Hải để vào miền đất cháy. Thượng nguồn mỗi con sông bao giờ cũng bắt nguồn từ những dòng suối nhỏ, nên chúng tôi có thể lội qua một cách dễ dàng. Sáng hôm sau, khi giọt nắng đầu tiên rơi vãi trên những phiến lá đọng mưa đêm, chúng tôi dừng chân ở một bản người Vân Kiều. Gọi là bản, nhưng thực ra không có một bóng người. Chỉ còn lại những dấu tích hiếm hoi. Đó đây một vài chiếc cột cháy, đôi chiếc vò đựng nước sứt mẻ, những quả bầu nậm đựng nước đen bóng như mun rơi vãi bên chiếc gùi vô chủ mệt mỏi nằm ven bờ suối. Phải chăng đã có một bông hoa rừng tàn lụi nơi đây!

Bà con Vân Kiều mình ở đây một bộ phận bị giặc lùa vào ấp chiến lược, một bộ phận trốn vào rừng sâu tham gia kháng chiến.

Có tới đây mới chứng kiến thảm cảnh của chất độc hóa học do máy bay Mỹ trải xuống. Hàng nghìn héc ta rừng già chỉ còn những thân cây trơ trụi, vỏ cây bị tróc hết, thân cây mốc thếch như những bộ xương người khổng lồ chơi vơi giữa thiên thanh.

Từ những bản làng tàn lụi này, anh Kiếm một chiến sĩ trinh sát của đơn vị dẫn đường đưa chúng tôi về đơn vị. Kiếm là một chàng trai có nước da đen ngăm, khôi ngô và lém lĩnh. Anh bảo chúng tôi:

- Đố các anh nhà báo định nghĩa khái quát cánh lính trinh sát chúng em là gì nào?

Tôi và Minh Điền nhìn nhau cười trừ và chịu thua. Kiếm cười hô hố bảo:

- Thế là cánh lính cậu thua cánh lính chiến nhé. Có thể định nghĩa lính trinh sát là :”Đi trước, về sau, đánh nhau đi vác đạn”. Có thế thôi. Năm 1971 sau khi bẻ gẩy cuộc hành quân Lam Sơn 719 – Đường chín Nam Lào của địch, bọn em lập tức lật cánh từ phía tây Trường Sơn sang phía đông Trường Sơn. Hầu hết các điểm cao trên dải đất hẹp Quảng Trị này đều có dấu chân lính trinh sát chúng em. Phải đo đạc, giao hội, xác định tọa độ, tính phần tử mới bắn pháo được. Sự khác nhau giữa pháo và súng bắn thẳng của bộ binh chính là ở chỗ đó. Đi trước là như vậy, còn về sau là cái chắc. Sau khi chiến đấu, bọn trinh sát chúng em lại phải đi kiểm tra các điểm nổ để xác định lại các điểm chuẩn và rút kinh nghiệm về công việc đo đạc tính toán của mình. Lúc nổ súng đánh nhau là công việc của pháo thủ và người chỉ huy, chẳng lẽ lính trinh sát “ngồi chơi xơi nước”, lập tức được phân công đi vác đạn cho pháo thủ.

Thấy Kiếm vui vẻ, nói chuyện có duyên, tôi hỏi:

- Mấy hôm nay hành quân bộ mà bọn mình chưa hề phát hiện dấu vết xe pháo, các cậu làm thế nào mà cõng được “voi” vào chiến trường?

- Ô hay! – Kiếm đột ngột trả lời – từ sáng đến giờ toàn bộ lội suối mà các anh không nhận ra lòng suối có gì khác lòng suối tự nhiên à? Xin thưa hai ông anh, lòng suối tự nhiên nó gồ ghề sâu, nông khác nhau, thỉnh thoảng lại đột ngột nổi lên một tảng đá mồ côi. Suối này chúng em đã cải tạo rồi đó. Tóm lại là phải biến lòng suối thành đường ngập nước, lấp chỗ trũng, bạt những tảng đá mồ côi. Chỗ nào lòng suối hẹp phải mở rộng ra cho xe kéo pháo đi lại dễ dàng. Thằng OV10 (máy bay trinh sát) có bay sát ngọn cây chụp ảnh cũng chịu không phát hiện được vết xe xích đâu. Còn những trảng cỏ, cây lúp xúp sau khi nghe kéo quân qua, bọn em phải đi vuốt lại cây cỏ xem như địa hình nguyên thủy vốn có của nó. Chỗ nào phức tạp không ngụy trang được buộc lòng phải vẩy xăng đốt cháy, tro than tùm lum phủ kín vết xe xích là xong. Đường đưa xe pháo vào chiến trường đó.

2. TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG

Ngày 18-3-1972, chúng tôi đã có mặt ở Sở chỉ huy Đoàn pháo binh Bông Lau. Các anh Cao Sơn – Đoàn Trưởng, Trương Linh Huyên – Chính ủy, Đỗ Sơn – chủ nhiệm chính trị mời vào căn hầm Sở chỉ huy rộng khoảng hơn 10m2 khá kiên cố. Các anh thông báo cho chúng tôi biết công tác chuẩn bị về tư tưởng, binh khí kỹ thuật và hậu cần.

Đoàn trưởng Cao Sơn còn thông báo cho chúng tôi một thông báo của Tổng cục Chính trị có liên quan đến nghề nghiệp của chúng tôi (Lúc đó chưa có phương tiện hiện đại như nay). Đường dây điện thoại về Sở chỉ huy mặt trận dành ưu tiên một người chỉ huy (cấp Trung đoàn trở lên), ưu tiên hai dành cho các nhà báo, thông tin những tin tức mới thu nhận được.

Năm 1972, lần đầu tiên các thiết bị thu nhận thông tin của Thông tấn xã được điều động vào mặt trận để thu phát tin. Nhờ đó mà nơi mặt trận mưa bom, bão đạn, chúng tôi vẫn nhận được những chỉ thị, tin tức từ Hà Nội. Sau mấy ngày làm việc với Sở chỉ huy Đoàn pháo binh Bông Lau – pháo chiến dịch(3), chúng tôi xuống các trận địa của Đoàn để tìm hiểu bộ đội và công việc chuẩn bị của đơn vị. Bốn mươi nòng pháo 130mm và 122 (còn gọi là Đ74) đã hoàn toàn chuẩn bị xong. Mỗi khẩu gián cách nhau hàng trăm mét theo nguyên tắc “hỏa lực tập trung, hỏa khí phân tán” để đề phòng đối phương giải bom B52. Những vạt rừng miền tây Quảng Trị vẫn im lìm thâm nghiêm như vốn có của nó. Xạ giới chưa được phát quang, nhưng mỗi thân cây phía trước xạ giới đều được đục một lỗ tròn để đặt bộc phá. Khi có lệnh tiến công (mật danh là Bão táp) lập tức bộc phá nổ, xạ giới được phát quang và các nòng pháo nhã đạn.

Anh Thịnh – thiếu úy – Chính trị viên phó đại đội 5 – một chàng trai Hà Nội biết tôi từ thủ đô mới vào cứ túm lấy hỏi chuyện Hà Nội. Tôi phác họa mấy nét về cuộc sống và con người Hà Nội. Model của con gái Hà Nội năm 1971-1972 là áo bludon màu đen, guốc cao gót 7 phân “Đôi guốc 7 phân vẫn nhún nhảy đi qua. Nhưng, giặc lái Hoa kỳ không được qua – cầu, CẤM”. Đó là ý chí của quân và dân Hà Nội quyết bảo vệ cầu Long Biên.

Đại đội 5 pháo binh có tới một phần ba là người Hà Nội kéo đến vây quanh chúng tôi nghe và hỏi chuyện. Cậu Hoàng (Cầu Giấy) bảo:

- Tết vừa qua chúng em lật cánh từ tây Trường Sơn sang đông Trường Sơn, không kịp gói bánh chưng, anh em có sáng kiến lấy lương khô cho vào mũ sắt giã nhỏ trộn đường cho vào ăng-gô nấu chè xì xụp với nhau. May sao còn mấy bao Điện Biên bao bạc vừa “đốt” vừa tán chuyện. Được nghe thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết về trai gái Hà Nội lên đường mà cảm thấy có cả hình ảnh mình trong đó:

“… Các cụ ông say thuốc,

Các cụ bà say trầu

Còn con trai con gái,

Chỉ nhìn mà say nhau

Hẳn đã quen xa cách,

Trong tình yêu rất sâu

Nên hai người say nhất,

Thỉnh thoảng mới nhìn nhau…”

Anh Khuê – Giáo viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được gọi nhập ngũ, qua mấy năm rèn luyện, Khuê đã bỏ được chiếc kính cận và trưởng thành từ một chiến sĩ trinh sát lên đại đội trưởng đại đội chỉ huy(4) thì thầm hỏi chúng tôi:

Nghe đâu tướng Lê Trọng Tấn, tướng Lê Quang Đạo trực tiếp chỉ huy mặt trận này, tướng Hoàng Đan đi đốc chiến… Toàn những “tay đánh” cả, nhất định chiến dịch này ta “xóa xổ” quân đoàn Một Sài Gòn.

Tôi biết rõ mười mươi, nhưng lúc đó phải giữ mồm giữ miệng, đành phải cười trừ, nửa thừa nhận, nửa phủ nhận.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì lúc đó trên chiến trường Quảng Trị, ngoài bảo an, dân vệ, chỉ có Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn chiếm đóng. Phía ta tập trung binh hỏa lực áp đảo: Sư đoàn 304, Sư đoàn 312, Sư đoàn 320. Xe tăng hai bên bằng nhau. Pháo binh ta gấp đôi địch…

Quả đấm thép – Sư đoàn 308 vẫn làm nhiệm vụ nghi binh hành quân trên trục đường Thanh Hóa – Hà Nội – Hà Tây – Hòa Bình… y như không có chuyện gì xảy ra. Mãi tới khi đánh Đông Hà, Sư đoàn 308 dùng bộ binh cơ giới như một mũi tên chọc thẳng từ miền Bắc theo trục đường 1 lao thẳng vào rút điểm và đánh giai đoạn 2. Sư trưởng 320 ngồi chồm chỗm trên đinh Ba – Gơ (Quảng Trị) vẫn để máy vô tuyến ở Kon Tum liên lạc về đại bản doanh ở Hà Nội, khiến Cao Văn Viên và Sài Gòn không hiểu tiêu điểm của “việt cộng” năm 1972 là ở đâu. Đã cuối tháng 3 rồi mà toàn chiến trường miền Nam chỉ có những trận đánh lẻ tẻ chưa “ra tấm ra món” gì!

Không kể những trận đánh nhỏ, ta có thể chấm son trên bản đồ chiến sự mùa khô năm 1972 như thế này:

- Ở Tây nguyên, ngày 30-3 ta tiến công tuyến phòng thủ của địch ở phía tây sông PôCô, uy hiếp địch ở Kon Tum.

- Ở miền đông Nam Bộ, ta đập nát tuyến phòng ngự của địch giải phóng ba huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Thiện Ngôn.

- Ở tây Nam Bộ ta tiến công Đồng Tháp Mười và U Minh Thượng

- Ở Khu Năm ta đánh tạo thế cho Chủ lực tràn về bắc Quảng Nam, bắc Bình Định.

- Còn ở Quảng Trị ?

Chiều 29/3 trong lúc chúng tôi có mặt ở trận địa hỏa lực thì nhận được điện: “ Hà Nội chỉ thị anh phải về ngay sở chỉ huy Bông Lau làm nhiệm vụ”.

Đêm 29-3 tôi có mặt ở sở chỉ huy Đoàn pháo binh Bông Lau. Đoàn trưởng Cao Sơn chỉ thông báo vắn tắt: “ Anh Trọng (Lê Trọng Tấn- tư lệnh mặt trận) chỉ thị  tất cả sẵn sàng nhận lệnh”. Chúng tôi hiểu rằng đã sắp đến giờ “Bão táp”. Cả đêm hôm ấy chúng tôi nằm thấp thỏm không sao ngủ được. Đồng chí trợ lý bản đồ của đơn vị đưa cho tôi xem bức tranh “Tương lai” do anh vẽ. Đó là một căn nhà ba gian lợp ngói, một vuông sân gạch. Trên sân có giây phơi. Trên giây có tả lót trẻ em,bộ quần áo đàn bà. Tranh vẽ màu hẳn hoi. Anh bảo:

- Kết thúc chiến tranh, tôi sẽ về Vinh Xuân - Ninh Bình. Nhà tôi là công nhân xí nghiệp sản xuất xi măng. Chúng tôi sẽ có con. Quần áo tã lót của cháu sẽ phơi thế này…

Tôi lặng người suy nghĩ về ước mơ của một chiến sĩ đầy nhân tính. Qua trò chuyện tôi biết anh chính là tác giả bài ca dao:

“Bạn bè đồng quán đồng quê,

Tớ làm pháo thủ, cậu về bộ binh

Pháo ngưng, lính bộ xung phong

Ước gì pháo cắm được lê

Xông lên với cậu mà lia dăm thằng…”

Sáng 30-3-1972, sau khi ăn sáng, tôi thấy anh Đỗ Son – Chủ nhiệm chính trị ra suối tắm. Gội đầu xà phòng thơm hẳn hoi. Anh mặc bộ quân phục Tô Châu mới tinh còn thơm mùi vải. Anh nói với tôi “Đánh nhau cũng phải ăn mặc cho đàng hoàng!”

Bước vào căn hầm Sở chỉ huy pháo binh, chúng tôi nhận ra phong cách chiến đấu của pháo binh khác hẳng bộ binh và các binh chủng bạn. Có thể khái quát là hết sức chững chạc đàng hoàng (theo hoàn cảnh ở chiến trường). Tất cả đều mặc quần áo vải Tô Châu mới. Trên bàn (bằng nửa ghép) của Đoàn trưởng và chính ủy là bản đồ và máy điện thoại. Trên bàn Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm chính trị cũng có bản đồ, điện thoại. Cạnh tham mưu trưởng là bàn làm việc của các chiến sĩ trắc địa bản đồ. Trên trán mỗi chiến sĩ trắc địa bản đồ đều có một bóng điện (ăm – pun của đèn pin). Vì trong hầm tối phải có ánh sáng mới nhìn được bản đồ. Trông các anh hệt như những người thợ mỏ trong hầm sâu. Dãy hầm bên phải là các chiến sĩ Thông tin hữu tuyến. Dãy hầm bên trái dành cho các chiến sĩ vô tuyến. Các sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, người nào việc nấy, ngồi đúng vị trí của mình, nhận tin từ trận địa về, báo cáo cho người chỉ huy xử lý.

Trên nóc hầm Sở chỉ huy vẫn treo quả bóng bay để kiểm tra đo độ gió giúp cho việc tính toán phần tử bắn thích hợp.

Toàn bộ guồng máy chuẩn bị tác chiến sôi động mà lặng lẽ, trang nghiêm, khác nào những chiếc lò so đã dồn nén đến đinh điểm, chờ giờ G nào đó sẽ bung ra bão lửa.

Tuy ở trong hầm Sở chỉ huy tất cả các sĩ quan, kể các cánh Nhà báo mặc áo lính chúng tôi đều nai nịt gọn gàng. Trên dây lưng (xanh-tuya-rông) có đầy đủ súng ngắn, dao găm, bi đông đựng nước, băng cứu thương và ănggô thức ăn… để khi cần mỗi người đều trở thành một chiến đấu viên sống mái với kẻ thù.

Chàng lính công vụ dấu kỹ tận đáy ba-lô gói chè Ba Đình từ khi nào không biết, đem ra pha một bi đông đậm đặc. Khốn nỗi người thì đông mà chỉ có hai chiếc ca nhựa làm bằng ống bảo quản thuốc pháo. Anh rót nước mời Đoàn trưởng và Chính ủy. Đoàn trưởng đem mời tôi. Tôi đem mời tham mưu trưởng, chính ủy lại đem ca nước chè mời Đoàn trưởng… Cứ thế quẩn quanh nhường nhau. Cuối cùng mỗi người nhấp một chút cho vui lòng chàng lính công vụ điển trai và ý nhị.

                                                                                             N.T

                                                                          (Còn nữa)

________________

(1) Thơ của Vũ Thuộc - PV báo Tiền tuyến

(2) Ca dao của lính pháo binh

(3) Pháo chiến dịch do Sở chỉ huy mặt trận điều hành, còn pháo đi cùng nằm trong biên chế của sư đoàn hoặc trung đoàn, do trung đoàn hoặc sư đoàn điều hành

(4) Đại đội chỉ huy đúng nghĩa là phục vụ chỉ huy gồm các chiến sĩ thông tin hữu tuyến và vô tuyến trinh sát, trắc địa, bản đồ…

Nguyễn Thắng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 9 tháng 06/1995

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

11 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

11 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

12 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

12 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground